Tháng củ mật, coi chừng chiêu lừa tiền qua Facebook
Tường Vy
17 tháng 1, 2022
Chị N.T.Q tại Công an P.5 (Q.6) và lệnh chuyển khoản cho kẻ gian – Ảnh: Thanh Niên
Cứ tưởng người vừa gọi video call qua tài khoản Facebook là ‘chính chủ’, nạn nhân tin tưởng chuyển khoản cho mượn tiền, sau đó phát hiện bị kẻ gian lừa.
Chị N.T.Q (42 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) là một nạn nhân mới trước chiêu lừa tinh vi này. Chị cho biết, khoảng 11 giờ ngày 8 Tháng Giêng, chị vào mạng xã hội Facebook thì thấy mình bị lỡ một cuộc gọi qua ứng dụng messenger từ tài khoản “V.L”. Đây là tài khoản của chị họ chị Q. hiện đang sinh sống ở Mỹ. Sau vài câu thăm hỏi qua tin nhắn, chị Q. gọi điện qua messenger để nói chuyện thì tài khoản V.L không nhận cuộc gọi.
Chị Q. chỉ nghĩ đơn giản là chị họ mình bị bận nên không trả lời.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, tài khoản V.L gọi điện qua messenger cho chị Q. và nói sẽ trò chuyện qua hình thức nhắn tin. Chị Q. kể:
“Người này hỏi tôi có sử dụng tài khoản ngân hàng không? Rồi nhắn có gửi tiền về qua một ngân hàng $4,500 đã hai ngày rồi mà tiền chưa về, nên nhờ tôi chuyển giúp chị số tiền hơn 34 triệu đồng (qua tài khoản 9704229202278738xxx, chủ tài khoản Nguyễn Tuyết Xuân). Đầu tuần sau chị sẽ gửi về trả lại theo hình thức có người mang tiền đến nhà”. Chị kể tiếp:
“Vì vừa mới gọi video call trên ứng dụng messenger nên tôi không một chút nghi ngờ. Tôi chuyển khoản và chụp màn hình gửi lại nhằm chứng minh mình đã chuyển thành công. Sau đó, nick name V.L nói nếu được thì chuyển thêm cho chị ấy số tiền 65.7 triệu đồng. Tôi tiếp tục chuyển nốt số tiền này. Tổng số tiền tôi chuyển cho tài khoản nói trên là 99.8 triệu đồng. Sau đó người sử dụng tài khoản V.L nhắn tin cảm ơn, chúc mọi việc bình an ở Việt Nam và ngưng cuộc trao đổi. Tôi cũng không suy nghĩ gì và tin chị ấy sẽ gửi lại số tiền trên vào đầu tuần tới”.
Sau đó, chị Q. lướt Facebook thì thấy mẹ của người chị họ V.L thông báo tài khoản Facebook của chị V.L đã bị hack. “Tôi lập tức liên lạc với người quen, nhắn chị V.L điện thoại lại cho tôi. Chị ấy trả lời Facebook chị bị hack, không vào được hai ngày nay rồi và khẳng định không mượn tiền tôi”.
Lúc này chị Q. mới biết mình bị lừa. Ngày 11 Tháng Giêng, chị đến công an P.15, Q.Tân Bình (nơi chị Q. đang sinh sống) để trình báo sự việc. Cán bộ trực ban hướng dẫn chị Q. đến công an địa phương tại nơi đăng ký mở tài khoản ngân hàng để trình báo.
Làm theo hướng dẫn, ngày 13 Tháng Giêng, chị Q. đến trụ sở công an P.5 (Q.6) để trình báo. Hồ sơ tố cáo sau đó được chuyển lên công an Q.6 điều tra.
Ngày 14 Tháng Giêng, tại trụ sở công an Q.6, nhân viên điều tra nhận định vụ việc có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên đơn vị sẽ yêu cầu phía ngân hàng phong tỏa tài khoản mà chị Q. đã chuyển 99.8 triệu đồng, đồng thời tiếp tục điều tra chân tướng vụ việc.
Trả lời báo Thanh Niên, chị Q. muốn qua câu chuyện của mình, chia sẻ rộng rãi về cách thức, hành vi của vụ lừa chuyển tiền qua Facebook cho người dân cùng cảnh giác. Chị nói:
“Chiêu gọi video call chỉ vài giây (chị Q. cho rằng đó là video cắt ghép trong một clip tài khoản “V.L” livestream bán hàng) khiến tôi tin tưởng cho mượn tiền và ‘sập bẫy’. Bản thân tôi mong muốn cơ quan công an vào cuộc, cũng như để người dân biết thủ đoạn, tránh bị lừa mượn tiền trên không gian mạng, đặc biệt là dịp tết này”. (Theo Thanh Niên)
Hoa Kỳ giúp khu vực tư nhân Việt Nam tăng năng lực cạnh tranh
RFA
18/01/2022
Những cửa hàng đang đóng cửa trên đường phố Hà Nội hôm 17/1/2022 / AFP
Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vào ngày 18/1 cùng với Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam tiến hành khởi động một dự án mới giúp các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thông cáo báo chí do Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam phát đi trong cùng ngày cho biết tin vừa nêu. Theo đó, dự án với ngân sách 36 triệu Mỹ kim sẽ được triển khai trong năm năm.
Đây là dự án được công bố chính thức hồi tháng 8/2021 nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ cho năm ngàn doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng tại Việt Nam. Trong số này sẽ có 240 doanh nghiệp thành công khi tham gia vào các thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; 60 doanh nghiệp tiên phong sẽ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng và định vị các thương hiệu ‘Made by Việt Nam’ trên thị trường khu vực và quốc tế.
Thống kê cho thấy doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng là những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Khu vực này chiếm 40% GDP và 60% tổng số việc làm trong năm 2018. Thế nhưng những doanh nghiệp này phải đối mặt với nhiều rào cản và hạn chế; đơn cử như vấn đề công nghệ mới, thiết lập mạng lưới, liên kết thị trường và thiếu tiếp cận cơ hội về đào tạo quản lý và nâng cao kỹ năng.
Giảng viên tố cáo cựu Chủ tịch tỉnh Đắk Lắk đạo văn bị án tù
RFA
18/01/2022
Ông Phạm Đình Quý (trái) và ông Bùi Văn Cường (phải) / RFA edit
Ông Phạm Đình Quý, nguyên giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng, bị án tù trong vụ tố cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường ‘đạo văn’. Ông Bùi Văn Cường hiện là Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam vào ngày 17/1 loan tin về phiên xử tại tòa án Thành phố Buôn Ma Thuột với bản án hai năm chín tháng tù giam đối với ông Phạm Đình Quý về tội ‘vu khống’.
Cáo trạng cho rằng ông Phạm Đình Quý không có mâu thuẫn gì với ông Bùi Văn Cường, nhưng vào cuối năm 2019, ông Phạm Đình Quý và ông Hoàng Minh Tuấn, cư ngụ tại Đắk Lắk có đơn tố cáo ông Bùi Văn Cường ‘ đạo văn, gian dối học thuật’ khi thực hiện luận án tiến sĩ đề tài ‘nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt- bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến đường Hải Phòng’ mà ông Cường bảo vệ năm 2018 tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.
Ngoài ra, đơn còn tố cáo ông Bùi Văn Cường có tiêu cực trong công tác cán bộ tại tỉnh Đắk Lắk trong thời gian công tác tại tỉnh này.
Tòa vào ngày 17/1 cũng tuyên phạt ông Hoàng Minh Tuấn hai năm sáu tháng tù.
Ông Phạm Đình Quý, 41 tuổi, bị bắt vào tháng chín năm 2020. Ông Quý là một võ sư và Hoàng Minh Tuấn là học trò võ của ông Quý.
Sau khi ông này bị bắt, gia đình làm thư kêu cứu cho rằng ông bị bắt giam oan.
Giám đốc CDC Đắk Lắk bị mời làm việc về vụ kit xét nghiệm COVID của Việt Á
Hình minh hoạ: Xét nghiệm COVID-19 ở Hà Nội hôm 19/8/2021 /AFP
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk bị Công an tỉnh này mời làm việc để điều tra dính líu đến việc mua hàng vạn bộ xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á.
Ngoài ông giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk Trịnh Quang Trí còn ba thuộc cấp của ông này cũng bị Công an mời làm việc.
Mạng báo Người Lao động Thành phố Hồ Chí Minh ngày 18/1 dẫn nguồn tin riêng cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, CDC tỉnh Đắk Lắk đã mua gần 20 ngàn bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Á với giá chừng 367 ngàn đồng một bộ. CDC Đắk Lắk đã thanh toán số tiền sáu tỷ đồng cho Công ty Việt Á. Ngoài số này, CDC Đắk Lắk còn đặt mua thêm nhưng chưa thanh toán tiền.
Vụ Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm COVID-19 gấp nhiều lần và chi hoa hồng ‘khủng’ cho đối tác mua hàng, cụ thể là CDC của hơn sáu chục tỉnh thành ở Việt Nam, khiến công luận phẫn nộ.
Trưởng Ban Dân nguyện Quốc Hội Việt Nam Dương Thanh Bình vào ngày 18/1 nêu lại điều này tại phiên họp thứ bảy, Ủy ban Thường Vụ Quốc hội.
Bộ Công an Việt Nam nêu rõ tỷ lệ nâng khống giá là 45% và Công ty Việt Á đã chi 800 tỷ đồng tiền hoa hồng trong vụ này. Việt Á thu gần bốn ngàn tỷ đồng qua việc bán kit xét nghiệm cho 62 tỉnh, thành.
Tính đến nay, Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an Việt Nam đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 19 bị can về các tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng"; "Đưa hối lộ, Nhận hối lộ"; "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong số này có hai lãnh đạo Công ty Việt Á là Phan Quốc Việt và Vũ Đình Hiệp bị khởi tố về tội “Đưa hối lộ”, Phạm Duy Tuyến - Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiến lên đến 27 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có ba lãnh đạo thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”.
Không có nhận xét nào