Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự Việt Nam

    Công an Tuyên Quang bắt chủ kênh Tiếng dân Tivi Lê Hà 

    VOA Tiếng Việt 

    Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Tho

    Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Tho 

    Chính quyền thành phố Tuyên Quang vừa bắt giam nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà, chủ một kênh YouTube chuyên lên tiếng cho những người dân bức xúc về các tranh chấp đất đai và các vấn đề xã hội, theo tin từ gia đình.

    Bà Ma Thị Thơ cho VOA hay chồng bà bị một nhóm các quan chức chính quyền bắt đi từ sáng sớm ngày 12/1 khi ông đến huyện Chiêm Hóa mời đám hỏi cho con gái và ông bị giải về nhà ở thành phố Tuyên Quang để khám xét nơi ở vào buổi trưa cùng ngày.

    “Trong nhà có khoảng 30 người vào, còn ngoài kia có người chắn đường, có cả y tế, có khoảng tất cả 50 người, mặc sắc phục và thường phục.”

    Sau khi lục soát nơi cư trú của gia đình ông Lê Mạnh Hà ở xã Kim Phú, chính quyền tịch thu một số vật dụng.

    Ông Lê Mạnh Hà. Photo: Ma Thi Thơ

    Ông Lê Mạnh Hà. Photo: Ma Thi Thơ 

    Bà Thơ cho biết:

    “Cơ quan chức năng khám xét lấy đi hơn 20 quyển sách – toàn sách luật do nhà xuất bản Việt Nam sản xuất. Họ lấy hai cái laptop của nhà – của vợ một cái, của con một cái. Anh ấy làm kênh [YouTube] trên máy này nên người ta thu giữ hết, với lại cả cái điện thoại của tôi vì tôi theo dõi kênh của anh ấy bằng điện thoại của tôi”.

    VOA đã liên lạc chính quyền thành phố Tuyên Quang và chính quyền tỉnh Tuyên Quang để tìm hiểu về vụ bắt ông Hà, nhưng chưa được phản hồi.

    Thông báo của Công an tỉnh Tuyên Quang đề ngày 13/1 mà gia đình vừa nhận được cho biết ông Lê Mạnh Hà bị bắt theo Điều 117 “Tuyên truyền chống nhà nước”.

    Thông báo bắt tạm giam ông Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Thơ

    Thông báo bắt tạm giam ông Lê Mạnh Hà. Photo Ma Thi Thơ 

    Nhà báo độc lập Lê Mạnh Hà, 52 tuổi, lập kênh Tiếng dân Tivi Tiếng nói của người dân Việt từ tháng 5/2018 với nhiều buổi phát trực tiếp. Kênh của ông là tập hợp tiếng nói đa dạng của những người dân không được đền bù thỏa đáng trong các tranh chấp đất đai, bức xúc trong xã hội, và lên án tệ tham nhũng.

    “Chồng tôi chuyên giúp dân oan, như đi đòi đất đai. Việc của anh làm là đòi quyền lợi cho dân, chứ tôi không thấy có cái gì là “chống phá nhà nước”.

    “Anh không vào hội, nhóm nào,” bà Thơ cho biết thêm.

    Vào tháng 1/2022, ông Lê Mạnh Hà viết trên trang Facebook Lê Việt Hà về “cuộc chiến đấu không cân sức” trong việc bài trừ tham nhũng: “Ở Việt Nam, tham nhũng đã chiến thắng người dân. Vì tham nhũng được trang bị vũ khí hiện đại. Người dân không được trang bị vũ khí – ngoài chiếc điện thoại – để chống lại tham nhũng”.

    Ông Lê Mạnh Hà là một trong những nhà báo độc lập, những người bình luận trên Facebook và YouTube mới nhất bị bắt hay xét xử tại Việt Nam vì lên tiếng chỉ trích chính quyền.

    Ông Nguyễn Thái Hưng và vợ là bà Vũ Thị Kim Hoàng hôm 5/1 bị chính quyền tỉnh Đồng Nai bắt giam với báo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

    Nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng, một người nổi tiếng với các chương trình phát trực tiếp trên YouTube về các vấn đề tranh chấp đất đai và xã hội, vừa bị một toàn án ở Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù hôm 31/12/2021 với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.

    Hôm 13/1, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) viết trong một thông cáo rằng Chính quyền Việt Nam hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản, trong đó có các quyền tự do biểu đạt, ngôn luận, thông tin, lập hội và nhóm họp ôn hòa.

    “Những người công khai phê phán chính quyền hay lãnh đạo Đảng Cộng sản trên mạng xã hội thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ bị sách nhiễu, đe dọa, theo dõi gắt gao, cản trở quyền tự do đi lại, bị hành hung thân thể và bắt giữ,” HRW nhận định.

    Việt Nam thường xuyên lên tiếng bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nhà nước luôn đảm bảo các quyền căn bản của người dân, và chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật.”

    Thêm một nhà báo trực ngôn nhận án nhiều năm tù tội ‘trốn thuế’ 

    Cựu nhà báo Mai Phan Lợi tại phiên toà xét xử hôm 11/1 ở Hà Nội. Người từng đại diện cho xã hội dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội năm 2016 bị kết án 4 năm tù tội "trốn thuế."

    Cựu nhà báo Mai Phan Lợi tại phiên toà xét xử hôm 11/1 ở Hà Nội. Người từng đại diện cho xã hội dân sự gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội năm 2016 bị kết án 4 năm tù tội "trốn thuế." 

    Việt Nam vừa kết án thêm một nhà báo với tội danh “trốn thuế” khi Toà án Nhân dân Hà Nội tuyên 4 năm tù cho ông Mai Phan Lợi, cựu phó tổng thư ký toà soạn báo Pháp Luật và là một trong những đại diện xã hội dân sự từng gặp mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội.

    Phiên toà xét xử ông Lợi, nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC), diễn ra trong một ngày hôm 11/1, theo truyền thông nhà nước. Cựu nhà báo 51 tuổi bị toà ở Hà Nội tuyên phạt 48 tháng tù với cáo buộc là người “chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền không thực hiện kê khai nộp thuế”.

    Ông Lợi, người sáng lập MEC – một tổ chức phi lợi nhuận có kênh tuyền thông GTV chuyên sản xuất các chương trình giáo dục cho công chúng về các kỹ năng và kỹ thuật giao tiếp, bị bắt giữ vào cuối tháng 6 năm ngoái vì cáo buộc “trốn thuế”.

    Tổ chức Phóng viên Không Biên giới lúc đó đã kêu gọi chính quyền Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho nhà báo này vì cho rằng cáo buộc “trốn thuế” theo điều 200 của Bộ luật Hình sự rất mơ hồ và không không nêu rõ bản chất của tội danh bị cáo buộc.

    Theo cáo trạng được Tuổi Trẻ trích dẫn, ông Lợi đã “chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền không thực hiện kê khai, nộp thuế” và sau đó “chiếm hưởng toàn bộ số tiền trốn thuế”.

    Ông Bạch Hùng Dương, giám đốc của MEC và là người cùng bị đưa ra xét xử hôm 11/1, bị Viện kiểm sát cho là đã “thực hiện chỉ đạo” của ông Lợi “không kê khai nộp thuế” và hưởng lợi gần 2 tỷ đồng từ các khoản tài trợ trị giá hơn 19 tỷ đồng mà MEC nhận được từ các tổ chức trong và ngoài nước kể từ khi thành lập vào năm 2012 đến tháng 3/2021, theo Thanh Niên. Ông Dương bị kết án 2 năm rưỡi tù với cùng tội danh.

    Cả ông Lợi và ông Dương đều là thành viên điều hành của Mạng lưới VNGO-EVFTA, một nhóm gồm 7 tổ chức dịch vụ cộng đồng được thành lập vào tháng 11 năm ngoái để phối hợp các hoạt động liên quan đến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Cả hai người được biết tiếng trong việc chủ động khởi xướng các hoạt động tập trung vào quyền môi trường trong nước.

    Một tiền án tương tự đã xảy ra với ông Lê Quốc Quân, một luật sư nhân quyền vì người nghèo có tiếng ở Việt Nam, khi ông cũng bị kết án 2 năm rưỡi tù vì tội “trốn thuế” vào năm 2013.

    “Chúng tôi không bị lừa bởi cáo buộc gian lận thuế chống lại ông Mai Phan Lợi”, ông Daniel Bastard, trưởng Ban Châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói khi kêu gọi trả tự do cho ông Lợi không lâu sau khi nhà báo này bị bắt giữa năm ngoái. “Mọi thứ chỉ ra rằng đó chỉ là cái cớ để bịt miệng một nhà báo đã cố gắng làm công việc của mình để đưa tin đến cho đồng bào của mình một cách chính đáng”.

    Ông Lợi bị từ chối gia hạn thẻ nhà báo vào năm 2016 sau khi điều tra các trường hợp bí ẩn trong đó có CASA-212, một máy bay tuần thám của cảnh sát biển Việt Nam rơi khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Ông Lợi lúc đó đưa ra một cuộc khảo sát mở trên Diễn đàn Nhà báo trẻ về nguyên nhân “Vì sao CASA-212 tan xác”, trong đó có một phương án trả lời là “Máy bay chất lượng kém do tham nhũng trong ngành quốc phòng luôn bị đóng dấu mật”. Theo Báo Pháp Luật cho biết lúc đó, Bộ TTTT thu hồi thẻ của ông Lợi vì cho rằng ông đã “xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội Nhân dân Việt Nam.”

    Ông Lợi, một trong 6 đại diện các tổ chức dân sự gặp mặt Tổng thống Obama khi người đứng đầu Nhà Trắng lúc đó tới thăm Hà Nội vào tháng 5/2016, gia nhập danh sách ngày càng nhiều các nhà báo Việt Nam từng làm việc cho cơ quan truyền thông nhà nước và sau đó bị bắt cũng như bị kết án khi chọn làm việc tự do và độc lập, trong đó có Phạm Đoan Trang, Phan Bùi Bảo Thy và nhóm Báo Sạch.

    Việt Nam được xem là không có tự do báo chí khi bị RSF xếp hạng 175/180 trên bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới 2021.

    Hàng chục y bác sĩ ở Hà Nội tuyệt vọng biểu tình đòi lương

    Y Nguyên

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/Untitled-1.png

    Vào lúc 4g30 chiều ngày 12 Tháng Một 2022, dân chúng qua lại gần đường Trần Phú, Phường Mộ Lao, Hà Đông, Hà Nội, ngay trước cửa bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) đã bất ngờ chứng kiến cuộc biểu tình đòi tiền lương của hàng chục y bác sĩ, cùng với người thân của mình.

    Theo tin tức ban đầu, các y bác sĩ làm việc tại đây được Ban giám đốc Bệnh viện hẹn lần lữa chuyện trả tiền lương nhưng khi sự việc kéo dài, đến mức tám tháng lương chồng chất thì mọi người đã không chịu nổi, cùng biểu tình đòi lương, khi Tết Nguyên Đán chỉ còn hơn hai tuần lễ nữa.

    Được biết bệnh viện này có hơn 160 người làm việc, nhưng ai nấy đều phải tự gồng gánh cuộc sống hơn nửa năm nay, cho đến khi không chịu nổi nữa thì quyết ra mặt đòi lương để có cái chi tiêu trong lúc mọi thứ quá khó khăn.

    Kết thúc giờ làm việc của mình, tức sau 4g30 chiều, hơn 40 nhân viên y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) người cầm giấy, người cầm băng rôn ra trước cổng bệnh viện “cầu cứu” người đi đường lên tiếng bảo vệ các y bác sĩ. Khoảng hơn 30 phút sau khi cuộc biểu tình diễn ra, người ta chứng kiến có khoảng hơn chục công an mật vụ lảng vảng quanh các nhóm biểu tình.

    Chị Lê Thanh Bình, hiện là kế toán của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết, sau nhiều lần kêu cứu, gửi đơn, cuối Tháng Mười Một vừa qua, mặc dù lãnh đạo của cơ quan quản lý (là Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) đã làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành để giải quyết quyền lợi cho hơn 160 y bác sĩ tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

    Nhưng đến thời điểm hiện tại, tình trạng vẫn y như vậy. Thậm chí, tiền lương Tháng Mười Hai vẫn còn nợ 100%. “Gần hai tháng qua, sau khi Bộ Y tế và các ban ngành vào cuộc, chúng tôi nhận được thông tin qua báo chí, rằng lãnh đạo Học viện hứa sẽ trả đủ số lương từ tháng 5 đến nay. Tuy nhiên kể từ đó, chúng tôi vẫn chưa nhận được một lời giải thích chính thức nào từ họ. Hiện tại, đã cận Tết anh chị em chúng tôi vẫn chưa có một đồng nào xoay sở”, chị Bình tâm sự.

    Theo chị Bình, trong tám tháng qua, cuộc sống của hơn 160 cán bộ, nhân viên của bệnh viện quá khổ sở với mức lương chỉ từ 1-3 triệu đồng như vậy. Đã có những người phải bỏ việc để mưu sinh bằng nghề khác. Lý giải về nguyên nhân, theo chị Bình, trong một cuộc họp giao ban gần đây, Ban giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh thông báo thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên chưa tìm được nguồn thu, vì vậy chưa có tiền để trả lương Tháng Mười Một 2021 cho nhân viên.

    Sau đợt bùng phát thứ Tư của dịch COVID-19, tình trạng mệt mỏi và bất mãn với sự thiếu đãi ngộ và áp đặt đối với các nhân viên y tế khiến hàng loạt y bác sĩ đã bỏ việc để đi làm nghề khác. Báo chí nhà nước cũng đã báo động về tình trạng này. Ở Sài Gòn, vào cuối Tháng Mười Một, Sở Y tế đã hoảng hốt khi có hơn 1,000 y bác sĩ bỏ việc. Còn hiện nay cả nước được biết, sự thiếu hụt y bác sĩ đang lên đến gần 7,000 người.

    Theo dõi Nhân quyền Quốc tế tổng kết tình trạng đàn áp tại VN trong năm 2021

    RFA

    Theo dõi Nhân quyền Quốc tế tổng kết tình trạng đàn áp tại VN trong năm 2021

    Hình minh hoạ: Công an đứng canh tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nơi diễn ra Đại hội 13 ĐCSVN ở Hà Nội hôm 28/1/2021 / Reuters 

    Tổ chức Giám sát Nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 13/1 công bố báo cáo thường niên năm 2022 về tình hình quyền con người tại các nước và lãnh thổ trên thế giới trong năm qua.

    Đối với Việt Nam, báo cáo nêu rõ trong năm 2021 chính phủ Hà Nội trừng phạt một cách có hệ thống đối với các nhà hoạt động dám công khai lên tiếng về hiện trạng đất nước.

    HRW nhận định, năm 2021 là một năm nặng trĩu đối với Việt Nam qua những thực tế gồm dịch COVID-19, Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 13 vào tháng một, cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng năm. Trong năm qua, có ít nhất 63 người bị giam tù vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các hội, nhóm bị Nhà nước xem là chống chính quyền. Trong số những người này có nhiều người đang phải chịu thi hành những bản án rất nặng sau các phiên xử bất công dựa theo những cáo buộc ngụy tạo.

    Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Châu Á của HRW nói:

    “Chính phủ Việt Nam núp bóng đại dịch COVID-19 để mạnh tay đàn áp đối với các hoạt động ôn hòa nên hầu hết không bị bên ngoài Việt Nam phát hiện. Chính quyền dường như muốn xóa sổ phong trào bất đồng chính kiến đang lớn mạnh bằng các án tù tàn khốc trước khi thế giới chú ý trở lại Việt Nam.”

    Báo cáo nhận định rằng Chính phủ Việt Nam hạn chế nghiêm trọng các quyền dân sự và chính trị cơ bản gồm các quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do thông tin, tự do lập hội và hội họp ôn hòa, cũng như quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng.

    HRW còn nhận định tại Việt Nam không có tự do báo chí hay độc lập. Nhà nước không cho phép thành lập các đảng phái chính trị hay các tổ chức nhân quyền độc lập. Chính phủ ngang nhiên can thiệp vào công việc điều hành của các tổ chức tôn giáo.

    Ông Phil Robertson đưa ra kêu gọi:

    “Các nhà tài trợ trên thế giới cần thôi ngoảnh mặt làm ngơ trước hồ sơ nhân quyền tồi tệ của chính phủ Việt Nam và gây sức ép với giới lãnh đạo tại Hà Nội để họ chấm dứt tình trạng buộc người dân trong nước phải chịu đựng nhiều hơn nữa.”

    Báo cáo của HRW năm nay dài 752 trang nêu ra tình hình thực thi nhân quyền tại gần 100 quốc gia trên thế giới năm qua. Đây là ấn bản thứ 31 của HRW về lĩnh vực này.


    Không có nhận xét nào