Cựu nhà báo Mai Phan Lợi bị tuyên phạt 4 năm tù
Cựu nhà báo Mai Phan Lợi
Truyền thông nhà nước hôm 11/1 đưa tin TAND TP. Hà Nội tuyên phạt cựu nhà báo Mai Phan Lợi (sống ở quận Ba Đình, Hà Nội), nguyên chủ tịch hội đồng khoa học Trung tâm truyền thông giáo dục cộng đồng (MEC) 4 năm tù về tội trốn thuế.
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc ông Lợi nộp lại số tiền gần 2 tỷ đồng được cho là trốn thuế.
Cáo trạng cho rằng MEC có doanh thu là các khoản tiền tài trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước. Từ khi thành lập vào năm 2012 đến tháng 3/2021, MEC có khoản thu với tổng số tiền hơn 19 tỷ đồng.
Ông Lợi bị cho là đã yêu cầu ông Dương và các cấp dưới không thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn chứng từ, không lập báo cáo tài chính, không nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp… Kết quả điều tra xác định tổng số tiền ông Lợi trốn thuế gần 2 tỷ đồng.
Ông Mai Phan Lợi sinh năm 1971, quê Thái Bình. Ông từng là phó tổng thư ký tòa soạn, trưởng văn phòng đại diện của báo Pháp luật TP.HCM tại Hà Nội.
Tháng 6/2016, ông Mai Phan Lợi bị Bộ TT&TT thu hồi thẻ nhà báo, do ông Lợi tiến hành một cuộc thăm dò liên quan đến vụ máy bay CASA 212 bị mất tích trên diễn đàn Nhà báo trẻ.
Quyết định thu hồi thẻ nhà báo do Bộ trưởng Bộ TT&TT khi đó là ông Trương Minh Tuấn ký.
Ông Lợi sau đó thành lập và làm Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học MEC vào năm 2012.
Cựu nhà báo này cũng được biết đến là người thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm trực tuyến trên mạng xã hội Facebook với các chuyên gia trong nước về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Trên mạng xã hội, ông là admin của “Góc nhìn Báo chí – Công dân” và nhóm “Diễn đàn nhà báo trẻ”.
Ngày 24/6/2021, ông Lợi bị bắt.
Đến ngày 2/7/2021, Công an Hà Nội công bố việc bắt giam ông cùng với một người khác là ông Đặng Đình Bách, Giám đốc Trung Tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững (LPSD). Cả hai đều bị khởi tố với cáo buộc trốn thuế.
Ngày 8/7/2021, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR) tại Pháp ra thông cáo báo chí nhận định rằng việc bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách là biện pháp của chính phủ Hà Nội nhằm ngăn chặn việc hình thành “Nhóm Tư vấn Trong nước (VN DAG)”. Đây là nhóm sẽ bao gồm các xã hội dân sự độc lập theo quy định tại Chương Mậu dịch & Phát triển Bền vững của Hiệp ước Mậu dịch Tự Do Liên u – Việt Nam (EVFTA).
Ông Lợi và ông Bách còn là thành viên trong Ban điều hành mạng lưới VNGO-EVFTA, gồm 7 tổ chức xã hội dân sự và hình thành vào tháng 11 năm ngoái. Mục đích của Mạng lưới nhằm phổ biến thông tin về Hiệp định Mậu dịch Tự do Liên Âu – Việt Nam (EVFTA), sự hình thành các xã hội dân sự Việt Nam và DAG.
Cựu nhà báo Mai Phan Lợi là một trong sáu đại diện các tổ chức xã hội dân sự đến dự buổi gặp mặt với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi tháng 5/2016.
Phạm Toàn
Quốc hội Việt Nam thông qua gói phục hồi kinh tế gần 350 nghìn tỷ đồng
11/01/2022
Quốc hội Việt Nam tại phiên bế mạc ngày 11/1/2022. Photo Quochoi.
Hôm 11/1, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một gói hỗ trợ kinh tế trị giá gần 350 nghìn tỷ đồng (15,4 tỷ đôla) cho giai đoạn 2022-2023, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Trang thông tin của Quốc hội Việt Nam cho biết nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” có mục tiêu “phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng bình quân 6,5 - 7%/năm, các chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo”.
Truyền thông trong nước loan tin rằng có 424/426 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành nghị quyết này. Nghị quyết được thông qua trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp bất thường kéo dài gần 5 ngày.
Gói kích cầu này bao gồm các biện pháp giảm thuế giá trị gia tăng 2% (giảm từ 10% xuống còn 8%), cắt giảm lãi suất cho vay 0,5-1,0% và tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng như cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù.
Gói này cũng bao gồm khoảng hỗ trợ khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
“Tác động của đại dịch COVID-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế còn chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu hôm 11/1 trong phiên bế mạc.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Huệ cho biết doanh nghiệp và người dân đang gặp vô vàn khó khăn do đại dịch, trong khi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có nguy cơ gia tăng.
Nghị quyết cho phép sử dụng tối đa 46.000 tỷ đồng từ các nguồn tài chính hợp pháp khác để nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời, nghị quyết cho phép đầu tư hơn 113.000 tỷ đồng vào cơ sở hạ tầng.
Ngoài ra, nghị quyết cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước trong 2 năm 2022 và 2023 bình quân 1-1,2% GDP/năm, tức bội chi đến mức tối đa 240 nghìn tỷ đồng.
Nghị quyết có hiệu lực ngay từ ngày 11/1, nêu rõ rằng chính phủ phải “bảo đảm không để xảy ra việc trục lợi chính sách, lợi ích nhóm, thất thoát, lãng phí.”
Trước đó, tại phiên khai mạc hôm 4/1, ông Huệ nói rằng nếu sử dụng gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ này một cách lãng phí là “có lỗi với dân” vì “vì suy cho cùng đó là tiền thuế của dân”.
“Các nước có điều kiện đã phát tiền trực tiếp cho dân. Chúng ta không có điều kiện phát tiền mặt như vậy, nhưng chính sách giảm thuế sẽ giúp đạt 2 mục tiêu, vừa san sẻ gánh nặng cho người dân vừa kích cầu nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Việt Nam cho đến nay ghi nhận hơn 1,91 triệu ca nhiễm COVID-19, trong đó có 34.531 ca tử vong.
Đình công tiếp diễn ngày thứ 3 tại nhà máy giày Pouchen ở Đồng Nai
10/01/2022
Công nhân Công ty Pouchen ở Đồng Nai đình công, đứng chắn ngang quốc lộ 1K, bắt đầu từ ngày 7/1/2022.
Tình trạng công nhân đình công tiếp diễn sang ngày thứ ba vào ngày 10/1 tại một nhà máy ở Đồng Nai của Tập đoàn Pouchen, nhà sản xuất giày dép lớn nhất thế giới của Đài Loan, do công nhân không hài lòng với các khoản thưởng Tết.
Theo Taiwan News, 14.000 nhân viên của nhà máy đã đình công vào thứ Sáu (7/1) do quyết định cắt giảm tiền thưởng Tết của công ty Đài Loan.
Trước đó, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam thông báo rằng nhân viên phải làm đủ một năm mới được thưởng thêm một tháng lương (tháng lương 13) và mức thưởng này tăng dần đến 1,54 tháng lương tuỳ theo thâm niên làm việc, tương đương với 5 – 20 triệu đồng.
Năm ngoái, mức thưởng cao nhất của Pouchen Việt Nam là 1,9 tháng lương, và trước đó nữa là 2,2 tháng lương, theo Thanh Niên.
Công nhân Pouchen bắt đầu đình công từ trưa 7/1 để đòi công ty Đài loan giữ nguyên mức thưởng Tết như năm ngoái.
Ngày 9/1, Pouchen ra thông báo kêu gọi công nhân đi làm trở lại và cho biết sẽ không thay đổi mức thưởng Tết đã đưa ra trước đó.
“Chúng tôi mong người lao động thấu hiểu cho công ty, khi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 lần 4, công ty đã dốc hết sức để chăm lo đời sống cho người lao động và nỗ lực không ngừng để duy trì cuộc sống ấm no cho người lao động”, Thanh Niên trích dẫn thông báo nói.
Lý giải về những thay đổi trong mức thưởng Tết của Pouchen, ông Wu Ming-ying, Chủ tịch Phòng Thương mại Đài Loan Đồng Nai, cho biết công việc kinh doanh của các doanh nghiệp Đài Loan không được tốt trong năm qua. Thêm vào đó, các doanh nghiệp bị buộc phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do chính phủ Việt Nam yêu cầu, gây ảnh hưởng đến lợi nhuận, CNA đưa tin.
Ông Wu nói ông tin rằng hầu hết các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên, nhưng đại dịch bất ngờ đã gây ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận và tiền thưởng. Ông bày tỏ hy vọng rằng tất cả các bên sẽ thông cảm cho nhau và chính phủ Việt Nam sẽ hỗ trợ Tập đoàn Pouchen trao đổi với người lao động để chấm dứt tình trạng đình công.
Pouchen là nhà sản hàng đầu cho nhiều thương hiệu quốc tế lớn như Nike, Adidas, Asics, New Balance, Timberland và Salomon. Tại Việt Nam, tập đoàn này có các nhà máy tại thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Tiền Giang.
Việt Nam: Không tuân thủ cách ly COVID-19, chính quyền khoá nhà dân bằng rào sắt
10/01/2022
Hộ dân ở Đà Nẵng bị chính quyền dùng rào sắt khoá kín nhà vì không tuân thủ quy định cách ly COVID-19.
Một hộ gia đình ở thành phố Đà Nẵng bị nhiễm COVID-19 đã bị chính quyền địa phương dùng hàng rào khung chắn bằng sắt vây khoá cửa nhà vì có thành viên không tuân thủ quy định cách ly.
Lên tiếng với báo chí hôm 10/1 sau khi mạng xã hội lan truyền hình ảnh về ngôi nhà bị vây khoá, ông Cao Đình Hải – Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, Đà Nẵng – xác nhận với báo Thanh Niên đây là hộ dân của địa phương. Do có một thành viên trong gia đình thuộc diện F1 lén trèo ra bên ngoài trong thời gian bị cách ly nên Tổ COVID-19 cộng đồng đề xuất địa phương rào chắn ngôi nhà để tránh lây lan dịch bệnh.
Giới hữu trách địa phương cho biết hộ gia đình trên có một người là F0 đã được đưa đi cách ly và hiện trong nhà có 4 thành viên diện F1.
“Trong qua trình thực hiện cách ly, các F1 đã không tuân thủ cách ly theo quy định. Địa phương buộc phải sử dụng biện pháp mạnh là sử dụng rào sắt để chắn trước cửa nhà này”, báo Dân Việt dẫn lời ông Huỳnh Thanh Dũng, tổ trưởng tổ dân phố 37 của phường Nại Hiên Đông nói.
Ngoài trường hợp đặc biệt bị rào cứng trên, nhiều ngôi nhà của các hộ dân khác bị nhiễm virus corona ở Đà Nẵng cũng bị chính quyền giăng dây và gắn biển cảnh báo lớn màu đỏ trước cửa với nội dung “Chú ý! Gia đình có người cách ly theo dõi y tế, vui lòng không tiếp xúc gần”.
Sau khi hình ảnh những ngôi nhà trên được đưa lên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cách làm của chính quyền địa phương quá cứng nhắc, gây phản cảm, chưa kể đến yếu tố an toàn cho những người trong nhà trong trường hợp xảy ra hoả hoạn hay tai nạn.
Trả lời báo chí hôm 10/1, Chủ tịch Cao Đình Hải thừa nhận “Việc này có thể gây phản cảm đối với một người nhưng để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh thì không còn cách nào khác”, theo Dân Việt.
Ông Hải nói thêm rằng chính quyền địa phương “đang nghiên cứu cách làm phù hợp hơn” để áp dụng trong thời gian tới.
Đà Nẵng trong tuần qua liên tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 tăng cao trở lại, với gần 500 ca mỗi ngày.
Trong cuộc họp ngày 10/1, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị ngành Y tế phải đưa ra phương án xử lý cụ thể nếu F0 tăng cao, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và khả năng thành lập Bệnh viện dã chiến thứ 2.
Tính từ ngày 21/12/2021 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.757 ca mắc COVID-19. Thành phố này cũng đã tiêm 2.017.547 liều vaccine COVID-19 cho những người đủ điều kiện.
Đội tuyển VN bị FIFA phạt tại vòng loại thứ ba World Cup 2022
Trận bóng giữa đội tuyển VN và đội tuyển Ả Rập Xê Út ở sân Mỹ Đình hôm 16/11/2021
AFP
Đội tuyển bóng đá Việt Nam bị Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) phạt ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 vì có sáu cầu thủ chịu thẻ vàng trong trận đấu với Đội tuyển Ả Rập Xê Út hồi tháng 11 năm ngoái.
Sáu cầu thủ Việt Nam bị nhận thẻ vàng trong trận đấu đó gồm Tuấn Anh, Quế Ngọc Hải, Thành Chung, Công Phượng, Văn Toàn và Văn Đức. Theo thông báo của FIFA, Đội tuyển Việt Nam bị phạt 6.000 Franc Thụy Sĩ (tương đương 150 triệu đồng).
Bên cạnh mức phạt hành chính, Đội tuyển Việt Nam cũng có hai cầu thủ chịu án treo giò trong trận đấu với Đội tuyển Bóng đá Australia vào cuối tháng này. Đó là hai cầu thủ Tuấn Anh và Ngọc Hải.
Từ ngày 13/1 tới đây, Đội tuyển Bóng đá Việt Nam sẽ được tập trung trở lại trước khi sang Australia vào ngày 21/1 để tập luyện, làm quen với sân bãi và điều kiện thời tiết ở đó. Trận đấu với phía Australia sẽ diễn ra vào ngày 27/1.
Không có nhận xét nào