Trò chuyện với TS “Hậu Khảo cổ“ vừa nhận Giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần 2 (VUPA 2020).
Nguyễn Thị Ngọc Hải thực hiện
VUPA (Vietnam Urban Planning Award) trao giải cho nhiều thể loại các công trình nghiên cứu, các dự án, đồ án và các tác phẩm về quy ho ạch , phát triển đô thị. Tác phẩm “Đô thị Sài Gòn-Tp Hồ Chí Minh –Khảo cổ học và bảo tồn di sản “ của TS Nguyễn Thị Hậu nhận giải Đồng. Chị là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử TP, Ủy viên BCH Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Tp Hồ Chí Minh.
Phóng viên (PV): Mọi người thường quen nghe “Sài Gòn 300 năm “, mà trong tác phẩm của chị cho thấy xác thực tuổi đời của Sài Gòn 3000 năm. Chị có thể cho biết những chứng cứ nào ẩn chứa trong lòng đất hoặc hiện diện để ta có thể nhìn ngắm?
TS Nguyễn Thị Hậu: Từ góc độ của khảo cổ học thì “tuổi đời” của một vùng đất là những dấu tích của người xưa để lại. Hệ thống dấu tích khảo cổ học đã được khai quật cho chúng ta biết về tuổi đời của vùng đất Sài Gòn có niên đại sớm nhất là di tích Bến Đò (Q 9 nay thuộc Tp Thủ Đức ) khoảng 3000 năm cách ngày nay. Tiếp đến là nhiều di tích khác ở khắp Thành phố, đặc biệt tập trung dày đặc ở huyện Cần Giờ. Hệ thống di tích khảo cổ cho biết có nhiều nhóm dân cư cổ hiện diện trên địa bàn Thành phố từ khoảng 3000 đến 2000 năm cách ngày nay.
Những di tích chứng cứ này ẩn sâu trong lòng đất, sau khi khai quật thì nhiều di vật đã được thu thập và nghiên cứu, bao gồm các công cụ lao động như rìu, cuốc bằng đá, đồng, vũ khí giáo, lao bằng đồng và sắt. Rất nhiều đồ gốm sinh hoạt (nồi, bình, hũ). Đồ tùy táng trong mộ có cả trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh.
Đặc biệt tìm thấy khá nhiều di cốt người cổ trong nhóm Mộ Chum tại Cần Giờ khoảng 2500 năm cách ngày nay. Sau thời tiền sử, trong khu vực nội thành đã tìm thấy một số di tích và vật liệu kiến trúc, tượng thờ, vật dụng sinh hoạt là dấu tích cư trú, đền tháp của cộng đồng cư dân thuộc nền văn hóa Ốc Eo của vương quốc Phù Nam, niên đại từ Thế Kỷ 1 đến Thế Kỷ 7.
Tất cả hiện đang được lưu giữ và trưng bày tại bảo tàng Lịch sử Tp HCM và Bảo tàng Tp HCM. Tại hai bảo tàng này còn có những cổ vật khác tìm thấy tại nhiều đoạn sông rạch cho biết hoạt động của các bến Cảng khoảng Thế Kỷ 17 đến Thế Kỷ 20. Tại Q8 khai quật tại lò gốm cổ Hưng Lợi- di tích duy nhất còn lại của xóm Lò gốm Sài Gòn xưa nổi tiếng từ Thế Kỷ18 đến đầu Thế Kỷ 20.
PV: Chị đã đặt vấn đề tích cực bảo tồn “Những ADN cơ bản của Sài Gòn”. Để dễ nhớ, xin chị cho biết những ADN ấy là gì ?
TS Nguyễn Thị Hậu: ADN của một đô thị là những đặc trưng vốn có của nó, nếu thiếu hoặc để mất thì không còn bản sắc riêng độc đáo. Sau giai đoạn thành Gia Định là trung tâm chính trị-kinh tế trong thời Nguyễn, từ cuối Thế Kỷ19 Sài Gòn đã xây dựng và phát triển theo quy mô mới nhưng vẫn dựa trên cơ sở là thành Gia Định.
Theo đó tôi nhận biết Sài Gòn có 4 ADN cơ bản: (1) Là một đô thị sông nước, (2) một trung tâm kinh tế giao thương, (3) một đô thị đa dạng văn hóa, (4) một đô thị sớm được xây dựng và quy hoạch theo kiểu phương Tây.
Những đặc trưng này phản ánh điều kiện tự nhiên-xã hội, quá trình hình thành đô thị Sài Gòn khác biệt với nhiều đô thị có vai trò quan trọng như Huế, Hà Nội…
PV: “Đô thị hóa” là quá trình phải giải quyết nhiều vấn đề. Riêng trong việc bảo vệ di sản nảy sinh mâu thuẫn gì lớn nhất và người dân có thể đóng góp gì làm giảm bớt những khó khăn?
TS Nguyễn Thị Hậu: Mâu thuẫn lớn nhất là nhu cầu mong muốn cuộc sống tiện nghi hiện đại hơn thể hiện trong “toàn cầu hóa” với việc giữ gìn di sản quốc gia và truyền thống văn hóa. Mâu thuẫn này có trong sự phát triển chung của đô thị và trong cuộc sống mỗi người dân. Quá trình đô thị hóa thường xảy ra 3 trường hợp:
- Khi hai bên đồng thuận với mục đích chung là bảo tồn di sản văn hóa, có khát vọng thụ hưởng văn hóa tinh thần cùng quyền lợi kinh tế lâu dài thì chính quyền cần có quan điểm định hướng và chính sách phù hợp. Công dân cần có trình độ và nhận thức đúng. Từ đó sẽ có những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản có hiệu quả.
- Trường hợp ngược lại, khi di sản không được coi là vốn quý cho sự phát triển bền vững thì hệ thống pháp luật, chính sách, quản lý sẽ bất cập với thực tiễn. Chính quyền không thực hiện được việc nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi cho cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa. Sự yếu kém sẽ làm cho di sản bị hủy hoại thường xuyên và ngày càng trầm trọng, đánh mất vốn quý của cha ông .
- Trường hợp thứ ba, cả chính quyền và người dân đều có ý thức tốt muốn bảo vệ di sản nhưng có yếu tố tiêu cực khách quan tác động vào - như một công trình khác nào đó phải xây dựng làm xâm hại. Có thể thấy hiện nay trong suy nghĩ của nhân tố tác động đến sự tồn tại của di sản văn hóa thì nhà quản lý và nhà đầu tư đang giữ vai trò quyết định, và các nhà nghiên cứu và cộng đồng có vai trò ngày càng quan trọng .
Thực tế ở Tp Hồ Chí Minh cho thấy tiếng nói, thái độ và hành xử của người dân ngày càng có tác động tích cực đến bảo tồn văn hóa.
PV: Tác phẩm được giải của chị - được đánh giá hấp dẫn vì kết hợp được phương pháp nghiên cứu khoa học với ký ức của tác giả và của rất nhiều người Sài Gòn .Chị đã tìm được “tâm hồn Sài Gòn “ ấy như thế nào?
TS Nguyễn Thị Hậu: Sống tại Sài Gòn-Tp Hồ Chí Minh đã 46 năm nhưng khi nghiên cứu, tôi luôn có sự “phân thân “. Vừa có cảm nhận chủ quan của bản thân vừa có sự khách quan của nghiên cứu khoa học. Tôi cũng có nhiều bạn bè, bà con sống ở Sài Gòn vài đời, họ giữ những ký ức bền chặt về Thành phố trải qua hàng trăm năm lịch sử. Tôi lắng nghe với sự khách quan, công bằng tôn trọng những cảm xúc đẹp ấy và chia sẻ trong tác phẩm như di sản “tâm hồn Sài Gòn“.
PV: Chị có khảo sát một số thành phố trên thế giới. Có cách bảo tồn di sản văn hóa nào ta dễ học theo được?
TS Nguyễn Thị Hậu: Khoảng 10 năm nay tôi có đi khảo sát nước ngoài về bảo tồn di sản văn hóa, nhất là di sản đô thị. Nhiều bài học có thể áp dụng mà không quá tốn kém vật chất. Vì đó chính là từ hiểu biết ứng xử, làm chính sách cụ thể về trùng tu, bảo tồn, truyền thông cho di sản, tổ chức du lịch di tích lịch sử văn hóa.
Không nói quá sâu về chuyên môn, tôi ấn tượng sâu sắc về sự đồng bộ nhất quán chính sách của chính quyền và ý thức tự giác của cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ đó khiến họ đạt được hiệu quả, tạo được nguồn “vốn xã hội ‘ to lớn, bền vững. Từ “quỹ di sản văn hóa“, lấy văn hóa làm động lực phát triển bền vững.
PV: Nghề khảo cổ xưa nay gợi ra hình ảnh “bác học đeo kính“ và người khỏe mạnh đi “đào bới“ vậy mà Hậu Khảo cổ lại là một phụ nữ đẹp, vậy chị giải thích sao đây? Giải thưởng lần này có ý nghĩa thế nào với chị?
TS Nguyễn Thị Hậu: Cách hình dung về người làm khảo cổ vậy cũng… xưa quá rồi ạ. Nghề này không phân ra rạch ròi ngồi nghiên cứu và đi đào bới. Mà đó là hai công đoạn tiếp nối bổ sung, điều chỉnh cho quá trình nghiên cứu đi cùng hướng khách quan và khoa học.
Hiện nay nhiều người trẻ theo nghề này, họ lạc quan vui vẻ, có sức khỏe, tiếp xúc nhiều, luôn đào ra được cái cổ xưa cũ nhưng rất… mới và giá trị.
Họ thường trẻ lâu và đó là bí quyết giúp cho phụ nữ… đẹp lên chăng ?
Từ nghiên cứu di sản đô thị, tôi có dịp học hỏi được từ nhiều giới: những người quản lý đô thị, giới nghiên cứu và thực hiện quy hoạch, các kiến trúc sư Từ sự mật thiết của công việc, tôi tham gia Hội Quy hoạch đô thị Thành phố thuộc Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
Giải thưởng cũng hơi… bất ngờ với tôi. Vì nghĩ lĩnh vực khảo cổ đô thị của mình có vẻ như ở… đầu kia hơi xa với quy hoạch phát triển đô thị. Nay thì cái xa kia là xa ”ở hai đầu nỗi nhớ“ gắn cùng nhau vậy.
Việc trao giải này cũng là sự ghi nhận vai trò bảo tồn di sản có ý nghĩa quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị ở nước ta.
PV: Xin cảm ơn và chúc mừng chị ạ.
Nguyễn Thị Ngọc Hải (Thực Hiện )
NTNH gủi cho viet-studies nhày 10-1-22
Không có nhận xét nào