Phan Quang Trọng - Nhiều luật hình sự của Việt Nam vi hiến pháp Việt Nam và vi phạm công ước quốc tế
Tòa Án Nhân Dân Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang. Sự kiện này không hề là ngẫu nhiên mà đảng, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội đã mở màn cho một chuỗi phiên tòa xét xử các nhà hoạt động Dân Chủ – Nhân Quyền khác diễn ra đến cuối năm 2021. Một ngày sau phiên tòa xử Phạm Đoan Trang với án tù 9 năm, thái độ quyết liệt không sợ hãi bạo quyền lại được lập lại tại phiên tòa xử Trịnh Bá Phương với án phạt 10 năm tù, bà Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù giam; kế tiếp phiên tòa xử bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Tư do họ đã lên tiếng về vụ cướp đất, giết dân vô tội tại Đồng Tâm. Hết năm 2021, tòa án CSVN đã kết án 5 nhà hoạt động với tổng cộng 40 năm tù và tuyên y án sơ thẩm 3 người khác với 26 năm tù giam.
Không những chỉ thế, nhà hoạt động chống trạm “BOT” Đỗ Nam Trung, hay nhà báo công dân Lê Trọng Hùng,… Và nhiều vụ án trước đó các nhà tranh đấu ôn hòa cho nhân quyền liên tiếp là nạn nhân của những phiên tòa vi hiến, qua đó Điều luật 117 và nhiều luật khác đã được viết ra để làm công cụ kết án những người tranh đấu. Thế nên vào ngày 1/1/2022, bảy tổ chức xã hội dân sự, 79 nhân sĩ, trí thức trong nước đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật mà Điều 117 là điển hình của tính vi hiến, phi pháp nhất. Tại sao nội dung một số điều luật cũ và mới trong hai bộ luật hình sự đem ra thi hành năm 1999 và 2015 là vi hiến Việt Nam và vi phạm các công ước quốc tế? Tại sao chính quyền Hoa Kỳ một mặt lên án nhà cầm quyền Việt Nam, nhưng không có những trừng phạt cụ thể Việt Nam như đã làm với Bắc Hàn? Trước tình hình đó người dân Việt trong và ngoài nước phải làm gì để giúp đẩy mạnh tiến trình tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam?
Trước hết chúng ta xem lại bản kiến nghị của các nhân sĩ trong nước để tìm hiều về các điều luật hình sự vi hiến đang trở thành công cụ để trừng phạt các tiếng nói phản biện ôn hòa trong nước (Xin xem kiến nghị tai đây:
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/petition-117-to-abolish-three-articles-in-vietnam-criminal-code-01052022022540.html
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-59662687
Điều 79 (từ Bộ luật Hình sự [BLHS] đem ra thi hành 1999) tương ứng với điều 109 (BLHS 2015) về “tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, một điều luật rất mơ hồ nên khi nhà cầm quyền CSVN viện vào luật này để bắt bớ, giam giữ, và tuyên án tù người dân khi họ lên tiếng ôn hòa là nhà cầm quyền đã vi phạm luật quốc tế, và ngay cả hiến pháp. Tuyệt đại đa số những người bị tuyên án về tội này đều sử dụng các biện pháp ôn hòa và các quyền hiến định của họ để lên tiếng phê bình những sai phạm của các cá nhân và tổ chức của nhà cầm quyền. Đặc biệt nhà cầm quyền CSVN không tìm được âm mưu hay bằng cớ là các nhà tranh đấu ôn hòa đã kêu gọi hay tìm cách lật đổ nhà nước.
Điều 88 (BLHS 1999) về “tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” được viết lại nặng nề và chi tiết hơn trong luật tương ứng là Điều 117 (BLHS 2015) về “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Điều luật 117 cũng là một điều luật quy định mơ hồ, dễ cho các cơ quan chấp pháp diễn giải và vu cáo cho bất cứ ai là vi phạm pháp luật. Người cho là vi phạm có thể bị bắt, bị kết án tù nặng mặc dù họ chỉ thực hiện các quyền hiến định có trong Điều 25 của Hiến pháp CSVN. Gần đây, cô Phạm Đoan Trang đã bị tuyên án tù dựa theo diễn giải của điều 88 trong khi điều 117 đã có hiệu lực.
Điều 258 (BLHS 1999) tương ứng với điều 331 (BLHS 2015) về “tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Việc hai điều luật này lợi dụng các quyền trên từ phía công dân là vô nghĩa, và giả như tổ chức hay cá nhân bị xâm phạm lợi ích thì người bị hại đó nên kiện người bị cho là xâm phạm ra tòa án dân sự. Trong các phiên tòa xử các nạn nhân bị bắt và tuyên án dựa theo hai điều luật trên đều không thấy cá nhân hay tổ chức bị hại ra đối chứng tại tòa như các luật sự biện hộ cho nạn nhân yêu cầu. Một điểm nữa khi đọc các điều luật trên, chúng ta thấy mục đích là để bảo vệ nhà cầm quyền chống mọi hành vi được xem là nguy hại đến hệ thống lãnh đạo, chứ không phải được viết ra để bảo đảm các quyền lợi của người dân.
Nếu xem kỹ lại ba điều luật được thêm vào BLHS 2015 đang được các nhà tranh đấu nhân quyền ôn hòa trong nước lên kiến nghị, chúng ta thấy các điều luật này hạn chế quyền tự do ngôn luận theo chính điều 25 của hiến pháp VN hiện hành, và hơn thế nữa đã mâu thuẫn với điều 19 trong Công ước về Các quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR) năm 1966 của quốc tế mà nhà cầm quyền Việt Nam đã tham gia ký kết từ năm 1982. Thí dụ vừa rồi chúng ta so sách điều luật 88 (thi hành 1999) và điều luật tương ứng 117 (thi hành 2015). Điều 88 trước đây nói về vi phạm thì chỉ có tội gọi là “tuyên truyền” nhưng giờ các hành vi khác được thêm vào trong điều 117 bao gồm: “Làm, tàng trữ, phát tán, hoặc tuyên truyền” và kể về các tang chứng thì thêm: “Thông tin, tài liệu, vật phẩm”. Cho nên, nếu như căn cứ theo điều 117 trên thì bất cứ ai cũng có thể dễ dàng bị bắt và tuyên án nặng nề vì bị nhà cầm quyền xem là “chống phá và lật đổ nhà nước” như trường hợp phiên tòa gần đây đã xử cô Phạm Đoan Trang một nhà báo lên tiếng ôn hòa cho những bất công đang xảy ra trong xã hội VN. Như vậy nếu so sánh điều luật 88 với điều luật 117 hay các điều luật khác cho thi hành trong vài năm qua, cơ quan lập pháp VN đang đi thụt lùi để tìm mọi cách dập tắt mọi tiếng nói phản biện ôn hòa được ngay cả hiến pháp VN và công pháp quốc tế công nhận.
Không chỉ các nhân sĩ trong nước lên tiếng phản đối, khi bộ luật hình sự đem ra thi hành 1999 và 2015 một làn sóng phản đối từ các cá nhân và tổ chức nhân quyền uy tín như của Ông Brad Adams, giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), hay từ các nhà nghiên cứu công pháp quốc tế như Giáo sư Allen Weiner của Trường Luật thuộc Đại học Stanford. Trong thông cáo ngày 14-10-2016 ngay sau khi BLHS 2015 được đem ra thi hành, Liên Hiệp Quốc kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam xóa bỏ điều 88, và các điều luật hình sự khác như 79, 87, 245 và 258 mà cao ủy nhân quyền chứng minh là “vi phạm tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế”. Trong thông cáo nêu trên, Ông Al Hussein, cao ủy nhân quyền của LHQ, kêu gọi Việt Nam trả tự do cho “toàn bộ các cá nhân bị giam giữ liên quan các điều luật này” vì chúng vi phạm các công ước quốc tế về nhân quyền. Ông Al Hussein cho biết trên thực tế điều luật 88 hay những luật thông cáo nêu trên đã “biến bất kỳ công dân Việt Nam nào cũng có thể có tội khi họ dùng quyền tự do căn bản để bày tỏ ý kiến, thảo luận hay chất vấn chính phủ và chính sách.” Các tổ chức nhân quyền quốc tế, Phóng viên không biên giới, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo … đều đã mạnh mẽ lên án việc bắt bớ và xử án các nhà bất đồng chính kiến VN dựa trên hai bộ luật hình sự này.
Về phía chính quyền Hoa Kỳ, Mỗi năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (BNG HK) đều ra báo cáo nhân quyền về các nước trên thế giới. Việt Nam thường bị Hoa Kỳ lên án về tình trạng đàn áp nhân quyền qua các năm dù chính phủ Hoa Kỳ nhìn nhận Việt Nam có lúc đã có những điều chỉnh nhỏ vì bị chỉ trích nhưng thường không rốt ráo. Báo cáo mới nhất từ BNG HK về tình hình nhân quyền VN cũng không lấy gì sáng sủa hơn những năm trước. Tuy nhiên, có một điều rất đáng buồn là dường như có một sự nhân nhượng của Hoa Kỳ về việc trừng phạt chế tài đối với nhà cầm quyền CSVN, trong khi Hoa Kỳ có những luật chế tài Bắc Hàn chẳng hạn? Cụ thể như chính quyền Biden nhìn chung vẫn giữ đường lối cơ bản đối với Việt Nam của chính quyền Trump là xem trọng vai trò của Việt Nam trong chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng mặc dù HK vẫn lên tiếng chỉ trích nặng nề nhà cầm quyền CSVN về nhân quyền. Có thể nói so với nội các của chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Biden còn tỏ ra mềm dẻo và có thể nói là bớt gây khó dễ hơn cho VN. Tháng 04/2021, bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã thông báo là không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ và đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia mà chính quyền Trump cho là thao túng tỷ giá hối đoái để làm lợi cho các hoạt động thương mại. Một điều không thể chối cãi là khi đem lên bàn cân giữa nhân quyền với các quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại, các quyền lợi về chính trị và kinh tế đối với HK vẫn quan trọng hơn nhân quyền tại VN. Về phía HK một nhà cầm quyền VN đứng gần hơn về mặt chiến lược với HK là mục tiêu tiên quyết cần được thực hiện trước các mục tiêu khác như các đòi hỏi về nhân quyền cho người dân Việt Nam.
Khó khăn khác trong bài toán nhân quyền là ảnh hưởng của Trung Cộng (TC) trên lãnh đạo VN. Đàn áp Nhân Quyền ở VN do nhà nước CS Hà Nội thực hiện, nhưng đa số Người Việt cho rằng đàng sau có chỉ đạo của Bắc Kinh, nhất là đối với những cuộc xuống đường hay chủ trương chống TC. Liệu Hà Nội có bao nhiêu khả năng để bức thoát khỏi áp lực của Bắc Kinh về vấn đề Nhân Quyền-Dân Quyền sau khi đã lộ rõ sự lệ thuộc quá nặng nề về kinh tế-chính trị-ngoại giao. Một điều không thể chối cãi là nhà cầm quyền VN và TC đã có quan hệ chính trị và ý thức hệ lâu dài kể từ cuối thập niên 1930s, mặc dù có những tranh chấp về chủ quyền, biên giới. Việc khả năng VN thoát ảnh hưởng của TC không chỉ ở khía cạnh nhân quyền, nhưng ở những mặt quan trọng hơn như chủ quyền và khả năng sống còn như một dân tộc độc lập. Là một nước chậm tiến đứng cạnh nước khổng lồ tham lam như TC, VN phải có mối quan hệ chiến lược với các đại cường khác như HK và Tây phương để cân bằng. HK muốn đẩy quan hệ với VN từ hợp tác toàn diện đến hợp tác chiến lược để cán cân nghiêng về họ, một lựa chọn mà VN còn đắn đo vì ảnh hưởng cũng như các quyền lợi ràng buộc với TC đòi nhà cầm quyền VN vẫn tiếp tục theo chính sách tạm gọi là “đu dây” giữa 2 cường quốc HK và TC.
Tuy nhiên, nhìn chung trong năm qua HK và VN ngày càng xích lại gần hơn, bằng chứng là các cuộc viếng thăm của cả hai bên như chuyến viếng thăm của Phó tổng thống HK và Bộ trưởng Bộ quốc phòng HK trong mùa hè 2021 hay ngược lại của Chủ tịch nước Việt Nam đến Nữu Ước phó hội Liên hiệp quốc và chăm chút các quan hệ ngoại giao khác với Hoa Thịnh Đốn. Quan hệ đó đã đem lại nhiều lợi ích cho VN trong năm qua. HK là nước viện trợ thuốc ngừa dịch Covid nhiều nhất cho VN lên đến 20 triệu liều. HK cũng tăng cường hiện diện tại Biển Đông kể cả việc viện trợ phương tiện để tăng cường sức mạnh của cảnh sát Biển của VN. Về kinh tế, HK là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN. Rồi VN được nhắc đến nhiều trong chiến lược Ấn Độ và Thái Bình Dương. Tuy trên danh nghĩa VN chưa phải là đối tác chiến lược của HK, nhưng các trao đổi nói trên cho thấy cả HK và VN đang đi đến mục đích đó. Một yếu tố có thể đẩy VN phải chọn lựa đối tác HK là sự hiện diện ngày càng hung hãn của TC tại Biển Đông và sự chênh lệch lực lượng quá lớn giữa TC và các nước sống trong vùng, VN và các nước Đông Nam Á cần có sự hiện diện của HK và các nước Tây phương tôn trọng quyền tự do hàng hải cũng như chủ quyền tại Biển Đông. Để duy trì độc lập và sống còn, nhà cầm quyền VN phải đi đến một chọn lựa đúng cho dân tộc VN. Đến lúc đó, các quyền cơ bản của người dân VN sẽ phải được tôn trọng để hội nhập vào văn minh nhân loại.
Còn chúng ta người dân Việt Nam trong và ngoài nước có thể làm được gì để đẩy nhanh thêm tiến trình dân chủ hóa cho VN? Không thể như lời nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức đã cảnh cáo: “Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối.. Nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng bị diệt vong.” Nếu tự thân người dân VN trong và ngoài nước không ý thức được tầm quan trọng của những giá trị nhân phẩm cũng như các quyền căn bản cho mỗi con người thì dù có một cường quốc hay phép lạ nào giúp chúng ta có được các quyền lợi đó chúng ta cũng sẽ đánh mất chúng. Ước mong đó cũng như lộ trình đã được các nhà cách mạng như cụ Phan Chu Trinh đề ra ngay từ khi dân tộc VN đang vất vả dành lại độc lập cho VN từ tay thực dân Pháp, tiếc thay công trình dành độc lập của dân tộc VN bị CS cướp công, VNCS trở thành công cụ cho CS quốc tế, xây dựng một nền chuyên chính tại miền Bắc và dùng làm bàn đạp tiến chiếm miền Nam để người dân trong nước cho đến ngày nay vẫn chưa có được những quyền làm người căn bản.
Nhắc về cụ Phan Chu Trinh, cả trong nước cũng tìm cách giải nghĩa câu nói thời danh của Cụ để biện minh cho chính sách của họ. Khai dân trí không chỉ trong lãnh vực xây dựng kiến thức cho bản thân mà còn có ý nghĩa là giải phóng trí tuệ. Khai dân trí chính là một cuộc cách mạng về mặt tư tưởng và văn hóa, giải phóng trí tuệ cho người dân khỏi sự mê muội gây ra bởi một thứ ý thức hệ mang tính nô dịch như thuyết trung quân của nho giáo hay ý thức hệ cộng sản. Ngoài ra, bên ngoài gia đình, nhà nước, và thị trường, xây dựng các tổ chức xã hội dân sự thật sự là môi trường để người dân kết hợp hoạt động nhằm thăng tiến các lợi ích chung trong cộng đồng của họ. Thành tố quan yếu nhất của xã hội dân sự chính là mỗi công dân, ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với bản thân và xã hội, tự nguyện tham gia vào các sinh hoạt hầu giúp cho xã hội tốt đẹp hơn.
Từ đó dân khí được chấn chỉnh hay đúng ra tiếng nói người dân được cất cao, được bảo vệ để có những thay đổi đem ích lợi đến cho toàn xã hội. Trong công cuộc tranh đấu cho tự do và nhân quyền cho VN, lực lượng người Việt sống tại các nước văn minh dân chủ là nhân tố quan trọng không chỉ về trí tuệ và tài lực mà còn là một vốn chính trị mạnh mẽ vì đa số là công dân của các nước họ cư ngụ. Trong xã hội dân chủ tiếng nói của lá phiếu buộc các chính quyền sở tại phải có những biện pháp với các quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng như VN. Người Việt hải ngoại cũng là tiếng nói bênh vực cho nhà tranh đấu nhân quyền trong nước trên chính trường quốc tế. Nếu ý thức được sức mạnh và nghĩa vụ này, cộng đồng người Việt tại hải ngoại sẽ góp phần thiết thực vào lộ trình tranh đấu cho nhân quyền tại VN.
Phan Quang Trọng, 22/1/2020
Không có nhận xét nào