Header Ads

  • Breaking News

    Những bức vẽ về "Con công và con cáo" của ANDRÉ JOYEUX

     

    pcl-1

    Mô tả sự thô bạo và ngang ngược của tên thực dân và sự khổ sở vì bị ức hiếp của người phu xe kéo người Việt 

    Về một cuốn tranh biếm họa quý vẽ đời sống người Việt và thực dân Pháp ở đầu TK 20 của Giám đốc đầu tiên trường Mỹ thuật Gia Định

    Một trăm năm trôi qua từ khi “Trường vẽ Gia Định” (Ecole de Dessin), tiền thân của trường Đại học Mỹ thuật Tp Hồ Chí Minh ngày nay được thành lập, trước cả trường Mỹ thuật Đông Dương 12 năm. Tuy nhiên, hầu như chúng ta chưa có dịp thấy bất cứ tấm ảnh nào của người thầy đầu tiên và là giám đốc của trường này, ông André Joyeux, một họa sĩ từng được công nhận giỏi nhất ở đất nước của mình vào năm 1922 tại Triển lãm quốc gia thuộc địa ở Marseille.

    pcl-21

    Sự đối đầu của con công và con cáo: Vẻ kiêu hãnh, tự tin của tầng lớp quan lại người Việt đối đầu với bản tính cáo già của quan chức thực dân Pháp. 

    Tài liệu về cuộc đời ông André Joyeux khá hiếm hoi, ngay cả trên cuốn “Kỷ yếu 100 năm thành lập” của Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2013. Trong giới sưu tầm sách quý của Sài Gòn, có vài người sở hữu tập sách do ông minh họa vẽ và làm thơ về cuộc đời Đức Phật mang tựa đề là La Terre de Bouddha (Đất Phật). Ông cũng là tác giả một cuốn sách mang cái tựa khá hấp dẫn cho những ai quan tâm đề tài Sài Gòn, đó là cuốn Silhouette Saigonaises (Hình bóng người Sài Gòn) bao gồm 22 tấm, xuất bản tại Sài Gòn năm 1909. Cuốn này rất hiếm ở Việt Nam.

    pcl-3

    Sự trả thù của thực dân Pháp khi đụng phải sự phản kháng của người dân thuộc địa. Các nhiếp ảnh gia đang chụp những bức ảnh, nhiều khả năng sẽ được sử dụng như bưu thiếp, việc hành quyết các cá nhân bị kết tội trong một âm mưu ngộ độc. Có một vài sự cố như vậy, nổi tiếng nhất là nỗ lực đầu độc toàn bộ lính đồn trú Hà Nội vào năm 1908 mà Pierre Dieule£ls đã thực hiện một loạt bưu thiếp về sự kiện này 

    André Joyeux sinh ra tại Essones ngày 18 tháng 4 năm 1871 và tốt nghiệp trường Mỹ thuật ở Paris, ngành học chính là kiến trúc. Sau đó, ông đến Nam kỳ thuộc Đông Dương, làm việc trong bộ phận dịch vụ công cộng với vai trò là phó thanh tra các công trình dân dụng. Năm 1910, ông được bổ nhiệm là giáo sư tại trường Mỹ nghệ Biên Hòa (nay là Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai). Trường có các khóa học về mộc, kim loại và đồ gốm. Ở đây ông đã giúp xây dựng một nhóm những người có chuyên môn để sau này góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển ngành mỹ nghệ ở Nam Kỳ và nhiều nơi khác. Ông trở thành thanh tra chính vào năm 1911 và do đó trở thành thanh tra của tất cả các trường mỹ thuật tại Đông Dương. Đến năm 1913, ông trở thành Giám đốc trường Mỹ thuật Gia Định.

    pcl-4

    Những phụ nữ Việt sống với người Pháp chịu đựng cái nhìn khinh bỉ của người bản xứ 

    Trong suốt cuộc đời, ông thể hiện mình là một họa sĩ vẽ tranh biếm họa có những thành công được ghi nhận. Sau này, dưới bút danh Pierre Ray, ông đã xuất bản các tác phẩm minh họa có phần thần bí nhưng rất lãng mạn, đầy chất thơ của đạo Phật như đã nói ở trên. Hai tập của chủ đề này xuất bản vào năm 1923. Sau thời gian đó, không còn thấy tên André Joyeux được nhắc đến trong những thư mục về những nhân vật quan trọng ở Đông Dương. Có tài liệu cho rằng ông làm việc tại trường cho đến năm 1926, sau đó ông trở về Pháp và qua đời tại quê nhà.

    pcl-5

    Trong mắt của Joyeux, xã hội Việt Nam thuộc địa là xã hội của những tên cướp biển. Trớ trêu là dù trên thực tế quân đội Pháp thường xuyên phải mạo hiểm chống lại cái gọi là cướp biển ở đồng bằng Bắc bộ và các kế hoạch xâm nhập vào đất liền, dù thực dân Pháp ở đây để được cho là thiết lập và duy trì trật tự, tác giả trình bày họ như những tên cướp tồi tệ nhất. Họ vơ vét tất cả, những đồ vật quý báu và tôn quý của nước Việt cổ xưa. 

    Ở bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến một tập tranh biếm họa quan trọng do ông thực hiện năm 1912, cuốn “La vie Large des Colonies”, có phiên bản tiếng Anh là “Colonial Good Life” (Cuộc sống tốt đẹp ở thuộc địa).

    Joyeux không phải là người đầu tiên hay duy nhất là người sử dụng tranh biếm họa để ghi lại cuộc sống ở thuộc địa. Trong những năm 1880, tức là sau khi Pháp áp đặt ách thống trị thực dân của mình chưa tới 20 năm, đã có một số tạp chí ở Sài Gòn và Hà Nội thực hiện những tranh biếm họa thường xuyên chế giễu những thông lệ và tập tục của cuộc sống Pháp ở nước ngoài. Với sự hài hước đầy châm biếm, chủ đích của Joyeux là mô tả những căng thẳng, nghịch lý, và cả ngụy biện của luật lệ nước Pháp ở Đông Dương. Cho dù là quan chức của chế độ thực dân, ông thể hiện sự mẫn cảm, chán chường và có ý khinh bỉ chế độ và tính cách thực dân của những viên chức từ Pháp sang áp chế người dân Việt thuộc địa. Tranh của ông được thực hiện bằng bút mực tuy có phong cách tương đối đơn giản, nhưng đã thành công trong việc nắm bắt chi tiết quan trọng của cuộc sống hàng ngày.

    pcl-6

    Bìa sách tiếng Anh (được dịch từ bản gốc tiếng Pháp của André Joyeux) 

    Trong thế giới đó, ông như người đi rong chơi, ngồi trong một quán cà phê và xem thế giới xung quanh. Ông thấy rõ tính chất thực dân suy đồi, tàn bạo và tham lam. Ông nhìn ra sự đối đầu của người Việt thời phong kiến suy tàn, kiêu hãnh nhưng yếu đuối như một con công trước tên thực dân khôn ranh. Ông mô tả người Việt, người Hoa và những người Ấn chuyên cho vay tiền ở Sài Gòn (người Việt gọi là Chà Chetty) hối hả kiếm sống trong trật tự của nếp sống thực dân. Ông cho thấy những nhỏ nhen và tầm thường của các cá nhân được giao nhiệm vụ xây dựng đế chế của Pháp. Tuy nhiên, ngòi bút của ông không mất cái nhìn nhân bản. Ông miêu tả và phản ánh về cuộc chiến thường xuyên với bệnh tật và khả năng bị tử thần lôi kéo đối với những quan chức thực dân phải đến đất Đông Dương này. Ông quan sát cộng đồng người định cư, người quản lý và những người lính – những người đã rời quê hương của họ để đi tìm lợi ích, thám hiểm, và phục vụ “sứ mệnh khai sáng” của nước Pháp. Họ sống trong nền văn minh đô thị, là cư dân ở các thành phố ở Đông Dương như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, và Phnom Penh của Campuchia. Túm tụm cùng với nhau trong mảnh đất xa lạ này, họ mong muốn trở về tổ ấm, tìm cách tái tạo lại các nơi quen thuộc họ đã từng sống ở chính quốc. Lợi dụng sức mạnh to lớn mà họ được hưởng trong cuộc chinh phục, thực dân Pháp xây dựng nền văn hóa giải trí, xa hoa, và đặc quyền ở tầng lớp ưu tú chủng tộc da trắng. Tuy nhiên, với họ vẫn luôn tồn tại mối đe dọa từ nhiều người Việt, Khmer, và những người bản địa khác không cam chịu sự mất mát chủ quyền của mình, từ các loại bệnh nhiệt đới, từ bản chất bí hiểm của những người châu Á mà họ sống cùng, luôn tạo nên một mức độ lo lắng nhất định trong tâm trí của người Pháp. Mặc dù cuộc sống của họ có nhiều tiện nghi, họ thường không cảm thấy thoải mái.

    Cuốn sách được chia làm năm phần, trong đó phần đầu có bối cảnh ở Sài Gòn, thương cảng lớn của Pháp ở châu Á. Phần lớn tranh vẽ mô tả các thủy thủ đang… trên bờ. Bất cứ ai đã sống gần căn cứ hải quân của lính Pháp sẽ nhận ra những điều thường thấy: nhậu nhẹt say sưa, giao du với gái điếm, hành xử ồn ào và bạo lực. Đó là cảnh sống ở thành phố cảng thuộc địa. Có khi là cảnh tượng thô bạo khi một thủy thủ Pháp đá mạnh vào mông một người phu xe kéo như một cách trả công. Hành động này hiếm thấy trên đường phố của Pháp, nhưng nó có thể chấp nhận được trong xã hội đầy phân biệt của thế giới thuộc địa. Còn có những câu chuyện khác: sự mỏi mệt của cuộc sống thuộc địa, sự sa sút của những người thực dân da trắng với tâm trạng u sầu, buồn chán dẫn đến chứng nghiện rượu. Điều này phản ánh sự căng thẳng xã hội đang diễn ra giữa dân thường, sĩ quan và thủy thủ người Pháp trên đường phố Sài Gòn.

    Những phần sau, là những bức tranh về những phụ nữ Pháp vợ các quan chức thích tận hưởng những thú xa hoa của thuộc địa. Là sự khinh rẻ đối với đồng nghiệp Việt, Hoa của các ông sếp Pháp mạnh mẽ, xảo quyệt; những trận chiến liên tục với bệnh tật, trong đó có bức tranh chân dung cảm động vẽ một người vợ trẻ nhận được tin về cái chết của chồng. Có khi là sự lém lỉnh và tha hóa của người dân thuộc địa, luôn tìm cách kiếm thêm ít tiền mặt bằng mọi cách. Bên cạnh đó, họa sĩ thể hiện người đàn ông thực dân như kẻ săn mồi tình luôn lợi dụng sức mạnh đồng tiền để được đáp ứng ham muốn. Có những bức tranh khác mô tả một người Pháp to lớn đánh đập đầy tớ của mình. Trong phần “Những tên cướp biển”, ông mô tả thực dân như đám cướp biển tham lam vơ vét những cổ vật quý của tổ tiên người dân thuộc địa để lại. Phần cuối cùng, “Vui sống”, cung cấp tóm lược về cuộc sống thời thuộc địa. Ở đó có sự lo lắng thường xuyên về sức khỏe và tiềm năng của một cái chết không tránh khỏi, các mối quan hệ không thoải mái giữa thực dân và dân thuộc địa, sự buồn chán của đời sống lưu vong có thể dẫn đến kết cục tệ hại bao gồm ám ảnh tình dục và bị thuốc phiện quyến rũ. Đáng chú ý là hình ảnh của phụ nữ trong xã hội thời ấy. Bên cạnh phụ nữ châu Á được giả định là công cụ có sẵn để đáp ứng ham muốn của thực dân da trắng, là những phụ nữ da trắng uể oải và lười lĩnh, với cuộc sống như bị mắc kẹt trong cái lồng mạ vàng, đơn điệu và buồn tẻ. 

    Qua tranh phục các nhân vật, ta thấy diện mạo một tầng lớp người Sài Gòn đầu thế kỷ hiện ra. Đó anh phu xe kéo lam lũ, là những người Hoa trong Chợ Lớn còn mang đuôi sam phục vụ lính Tây trong quán rượu, là những thím xẩm hầu hạ bà đầm, hoặc những người đàn ông Việt chưa cởi bỏ lớp áo the đen khúm núm nghe lời đám quan chức Tây với nét mặt cam chịu, hoặc là người phụ nữ quấn khăn đi với ông Tây to đùng, nét mặt vừa kênh kiệu vừa có gì sượng sùng trước cái nhìn của đàn ông Việt đồng chủng…Với nét vẽ sắc sảo chuyên nghiệp, Họa sĩ Andre Yoyeux đã đặc tả tuyệt vời ngoại hình và nội tâm của họ, không thua những bức ảnh chụp đắt giá.

    Cuốn sách này là đóng góp không nhỏ của ông Andre Yoyeux trong việc phơi bày đời sống thuộc địa đầy những mâu thuẫn trên đường phố, dưới mái từng ngôi nhà và trong nội tâm của con người. Chủ nghĩa thực dân đầy rẫy bất công đè nén người dân thuộc địa, bóc lột tài nguyên và sức người, sự suy đồi, tham lam của một lớp người trong xã hội và cả nỗi sợ hãi của người dân thuộc địa một trăm năm trước… trình bày trọn ven trong chỉ hơn 50 tấm tranh. Không chỉ có giá trị tố cáo, còn là cái nhìn nhân bản về chế độ thuộc địa cũ càng mà André Yoyeux trải qua và ghi lại, từ trăm năm xưa. 

    PHẠM CÔNG LUẬN

    (trích Sài Gòn chuyện đời của phố tập 2. Công ty Sách Phương Nam xuất bản 2015)

    Khoa Học Net

    Không có nhận xét nào