Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Thông - Tội ác chưa bị trừng phạt



    Ảnh: Những người giao hàng-shipper liều mình mưu sinh trong đại dịch bị khốn khổ bởi quy định xét nghiệm vô tội vạ (nguồn: Internet)

    Vụ “Việt Á kit test” đã cứa một nhát chí tử, phun máu vào đời sống xã hội nước ta. Dư luận phẫn nộ về những kẻ gây tội ác, chỉ có điều chưa chỉ ra căn nguyên và kẻ cầm đầu. Thủ phạm giấu mặt còn ẩn khuất và chưa bị điểm mặt chỉ tên, chưa bị trừng phạt.

    Báo chí và cộng đồng mạng xã hội đã nêu rõ nhiều chi tiết sửng sốt về Công ty Việt Á, chả hạn nhà xưởng chỉ có mươi mét vuông, trụ sở công ty xập xệ như nhà cấp 4 cấp 5, nhân công lèo tèo hơn chục người, máy móc phương tiện sản xuất không bằng đồ dùng nhà bếp… Có nghĩa là, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy sự lừa đảo dối trá. Vậy nhưng không biết bằng cách nào, ma quỷ âm binh nào đứng sau nó, mà chỉ trong thời gian rất ngắn chưa đầy năm, nó đã thu về món lợi khổng lồ 4.000 tỉ đồng. Chỉ bán bộ dụng cụ y tế mà người ta gọi là kit test, nói đơn giản gồm mấy cái que, cái ống nhựa, chút dung dịch, chọc que vào mũi hoặc họng dân chúng để lấy mẫu thử, bỏ vào dung dịch trong ống, đưa vào máy xét nghiệm, một lúc sau ra kết quả có bị vi rút hay không, ta quen gọi là dương tính, âm tính. Dụng cụ ấy, sản xuất khi nào, ở đâu, bằng máy móc gì, sản lượng ra sao, v.v.., không ai biết. Nhưng nó đã thu về tiền tươi thóc thật, hàng nghìn tỉ đồng trong thời gian ngắn.
    Dân chúng không phải không có lý khi bày tỏ sự phẫn nộ của mình. Họ thừa biết đây là cuộc đại lừa đảo trắng trợn có sự toa rập ăn chia của cả hệ thống từ trên xuống dưới. Một thằng doanh nhân vô danh tiểu tốt, ừ, cứ cho là nó có tài gỉ gì gì đó, xuất sắc mấy đi chăng nữa, thì cũng không thể tự mình lũng đoạn xã hội, chi phối đời sống cộng đồng cả nước một cách tràn lan, cụ thể, kéo dài trên phạm vi quốc gia như vậy được. Nó phải có bè lũ, có hệ thống đội ngũ “trước thầy sau tớ lao xao”. Nó chỉ là đứa chường mặt ra thu tiền, còn những kẻ trong màn trướng mới đích thị thủ phạm.
    Cơ quan pháp luật cứ việc điều tra, tìm hiểu chuyện nó đã bán kit test gian dối như thế nào, bán cho ai, hối lộ bao nhiêu, những kẻ nào đã nhúng chàm tiền bạc… Nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng băng tội ác. Phần chìm mới quan trọng, không chỉ liên quan tới Học viện Quân y, tới Bộ Y tế, tới đám cầm đầu CDC các tỉnh thành, mà chắc chắn còn cao hơn, ghê gớm hơn, từ những kẻ đã quyết định chính sách, đường lối, biện pháp chống dịch. Không có đám “ma” ấy, còn khuya thằng Việt Á mới dám làm trò. Còn để chúng giấu mặt, an toàn nơi màn trướng, thì không tòi ra Việt Á này, sẽ nảy nòi Việt Á khác.
    Đừng nghĩ đơn giản vụ Việt Á chỉ là gian dối. Nó nhập lậu hàng kit test giá rẻ (mà dư luận khẳng định của T.àu) về rồi “Việt hóa” đem bán với giá cao mấy chục lần, nó móc nối, làm ăn, thậm chí mua chuộc, với Học viện Quân y do một ông trung tướng đứng đầu, với Bộ Y tế do một ông ủy viên trung ương đảng cầm đầu, lợi dụng thiên tai địch họa, bày trò độc ác trên sinh mạng dân chúng… đã là chuyện phải làm rõ. Ngoài ra từ vụ này cần phanh phui nhiều vấn đề cực kỳ hệ trọng, ghê gớm. Vụ Việt Á phát lộ, cũng chẳng khác gì “tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ”, phơi bày nhiều thứ. (còn tiếp)

    Có dịch bệnh thì phải chống dịch. Nó là thứ thiên tai địch họa, muốn tránh cũng chả được. Phòng chống ngăn ngừa dịch là chủ trương lớn của nhà nước, của cả hệ thống từ trung ương tới địa phương. Những chỉ đạo của chính phủ và các bộ, nhất là từ những người cầm đầu như thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng… được xem như pháp lệnh, khi đã ban ra dân chúng nhất nhất phải thực hiện. Vấn đề đáng nói là chủ trương như thế nào.

    Đã từng diễn ra cảnh dở khóc dở cười khi chính phủ đẻ hết chỉ thị này tới chỉ thị khác, theo đầu óc chủ quan, tư duy mệnh lệnh, tạo nên kiểu ngăn sông cấm chợ mới. Chẳng hạn cấm dân ra đường từ 6 giờ chiều tới 6 giờ sáng không khác chi thiết quân luật; lập tràn lan các trạm xét hỏi đòi đủ thứ giấy tờ, gây ra đủ thứ phiền hà; cấm tuyệt đối cả những nhu cầu tối thiểu của con người, nên mới có chuyện dở khóc dở cười coi bánh mì không phải là lương thực, sữa không phải hàng hóa. Chống dịch nhẽ ra phải bằng tư duy và biện pháp khoa học, bằng chuyên môn, thì người ta lại dựa vào chính trị, vào thứ thói quen chính trị cổ hủ từng tồn tại quá lâu ở xứ này. Ví dụ việc tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi, nhất là cho trẻ em, cũng phải chờ bộ chính trị duyệt. Nếu chỉ là chuyện khôi hài đã đi một nhẽ. Đằng này cười ra nước mắt.

    Vụ kit test Việt Á bị phanh phui liên quan tới nhiều vấn đề. Nó lừa đảo, gian dối, trục lợi chính sách, câu kết với kẻ xấu trong bộ máy cai trị để kiếm tiền trên nỗi đau của dân chúng. Lợi dụng thiên tai địch họa để bóc lột, tội ấy chỉ có cách duy nhất lôi ra bắn. Nhưng những kẻ tạo điều kiện cho nó cũng không thể vô can. Trong đám “can phạm” có cả những kẻ làm chính sách, ép dân phải thực hiện chính sách. Sản phẩm dùng cho việc ngoáy mũi, xét nghiệm của Việt Á sẽ chỉ là cọng rác nếu không có chính sách ép dân ngoáy mũi tràn lan, cực kỳ phiền hà, kém hiệu quả, gây bao nhiêu tốn kém và bất bình.
    Đã đến lúc phải nghiêm túc xem lại những gì đã làm và đang làm, nhất là xét nghiệm. Suốt bao nhiêu tháng, việc tét (test) mũi tràn lan dưới danh nghĩa phòng chống dịch diễn ra trên cả nước khiến cuộc sống chao đảo, tốn công tốn của không biết bao nhiêu mà kể. Nó phơi bày những tiềm năng thế mạnh xấu xa trong bộ máy cai trị, mà vụ cô gái bị cưỡng chế ngoáy mũi ở TP.Dĩ An tỉnh Bình Dương là ví dụ rõ nhất. Hà chính mãnh ư hổ (chính sách hà khắc như con cọp dữ). Con người khi thành nạn nhân của chính sách vô lý và tàn bạo, không khác gì con vật. Nói thẳng, từ trung ương xuống địa phương, từ ông thủ tướng tới tay dân phòng lính lệ đều phải chịu trách nhiệm về chuyện test đại trà lợi ít hại nhiều làm khổ dân này.
    Cần chấm dứt ngay trò test mũi tràn lan rất tốn kém tiền bạc của dân và công quỹ nhà nước (thực ra cũng là tiền do dân đóng góp). Phòng ngừa dịch chưa biết thế nào, dân có tránh được dịch không, chỉ thấy làm giàu cho đám cá mập. Chả hạn, người đi máy bay, đã tiêm đủ 2 - 3 mũi vắc xin, đã khai báo y tế đầy đủ, không xuất phát từ vùng dịch cam đỏ, mà vẫn bị đè ra test là điều cực kỳ vô lý. Nhiều khi chi phí ngoáy mũi xét nghiệm ngang giá vé bay. Tiền dân một nắng hai sương làm ra không phải để chúng bay tùy tiện đặt ra chính sách vớ vẩn rồi bắt dân nộp vào. Thằng Việt Á nói cho cùng chỉ là kẻ đại diện thu tiền. Đó không phải là phòng dịch, mà là ăn cướp. (còn tiếp)



    Ảnh: Cô gái ở Bình Dương bị nhà chức việc phá cửa vào nhà cưỡng chế lôi ra ngoáy mũi, trông không khác gì đang thi hành án tử hình (nguồn: Internet)


    Tội ác chưa bị trừng phạt (phần 3)

    Từ vụ kit test Việt Á bị phanh phui, lộ ra những điều khủng khiếp. Không chỉ chuyện chúng câu kết, móc ngoặc ăn chia, làm ăn gian dối, hối lộ tham nhũng tràn lan, dính chùm từ trên xuống dưới, địa bàn tiêu cực mở rộng khắp nước, đồng tiền nhơ bẩn làm băng hoại cả hệ thống cai trị… mà còn phải kể đến những đau khổ tột cùng người dân gánh chịu, xã hội bị chao đảo, cuộc sống bị đẩy đến chân tường…

    Suốt nửa cuối năm 2021, nhất là từ tháng 6 tới tháng 10, theo lệnh từ chính phủ, cấp cơ sở đã buộc người dân phải đi test để lấy mẫu xét nghiệm, gọi nôm na là ngoáy mũi. Cả hệ thống cai trị lao vào cuộc ngoáy mũi vô tội vạ. Nơi tôi ở, cứ 3 - 4 ngày dân lại bị điệu ra chỗ tập trung ngoáy mũi. Sân trường học, trụ sở ủy ban, công viên, góc phố đều được trưng dụng cho chiến dịch vĩ đại này. Người già, người lớn tuổi chỉ ở nhà không đi đâu cũng bị ngoáy. Ở quận 8 Sài Gòn, từng xảy ra vụ nhà chức việc tới ngoáy, chủ nhà phản ứng, dẫn đến xung đột. Ở TP.Thuận An tỉnh Bình Dương, lực lượng công lực còn tự ý phá khóa vào nhà ép dân xuống sân ngoáy mũi. Tổ trưởng dân phố, anh em dân phòng suốt ngày đi từng ngõ gõ từng nhà, đập cửa ầm ầm, kêu gọi già trẻ gái trai lớn bé ra ngoáy mũi. Phải nói, không khác gì chiến tranh.

    Chủ trương và biện pháp ấy tất nhiên được nhà nước và báo chí mậu dịch tung hô khen ngợi, nhưng dưới cái nhìn khoa học và thực tiễn, rõ ràng bộc lộ rất nhiều góc tối. Điều dễ thấy nhất, sự ngoáy mũi vô tội vạ đã tốn kém không biết bao nhiêu mà kể, phiền hà dân chưa từng thấy kể từ sau khi kết thúc chiến tranh, nhưng người vẫn chết như ngả rạ. TS Nguyễn Văn Lạng cựu thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ trong bài đăng trên báo Một Thế Giới ngày 31.12.2021 cho biết tính đến cuối năm, hơn 32.000 người đã chết, khiến Việt Nam đứng thứ 26/234 nước và vùng lãnh thổ có số lượng người tử vong cao. Ai dám đảm bảo những bộ kit của Việt Á, và cả những dụng cụ “rất đáng ngờ” được dùng để xét nghiệm, để cho kết quả, không phải là những thứ vô tác dụng, đưa ra kết quả sai lạc. Liệu có thể xét nghiệm, ngoáy mũi ra kết quả âm tính nhưng thực tế lại là dương tính. Rồi con người sẽ chủ quan, không đề phòng, “vô tư” làm lây lan dịch. Ném tiền vào những cuộc càn quét xét nghiệm, ngoáy mũi vô tội vạ, trong đó có rất nhiều tiền móc từ túi dân, bắt dân phải trả, cứ giả dụ tiền bạc ấy sau này có thể bồi hoàn dân, cả nước cố gắng làm lụng bù lại phần đã chi, nhưng tính mạng của dân, của hàng vạn người bị tử vong thì ai chịu trách nhiệm, ai trả. Tất nhiên ở xứ này không ai chịu cả, chỉ có người chết chịu.

    Ngoáy mũi, xét nghiệm không phải tất cả đều miễn phí. Vô vàn người lao động cần lao đã phải chi số tiền kiếm được từ mồ hôi, công sức của mình trả cho dịch vụ áp đặt ấy, mà những người làm nghề giao hàng, shipper là ví dụ cụ thể nhất. Họ phải liều thân kiếm sống trong cơn đại dịch nhưng có thời kỳ cứ vài ba ngày buộc phải mua kết quả xác nhận âm tính. Không có nó sẽ bị phạt. Nhiều lái xe chở hàng hóa thiết yếu hoặc phục vụ sản xuất từ nơi này qua nơi khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Tờ giấy xác nhận kết quả âm tính đã xuyên thủng túi dân, việc xét nghiệm thành cơ hội béo bở cho những kẻ lợi dụng nước đục thả câu, mà Việt Á là bằng chứng, làm giàu tội lỗi trong sự đau khổ vất vả của dân. Ban bố một chính sách sai lầm, buông lỏng để cấp dưới thực hiện chính sách ấy, xét về bản chất, đó là bóc lột.

    Ngay cả những trường hợp lấy mẫu xét nghiệm đại trà, dù được coi là miễn phí, dân không phải trả tiền, cũng không có nghĩa không mất tiền. Ngân sách vẫn phải chi tiền mua dụng cụ và tổ chức thực hiện. Thực hiện tràn lan trên cả nước, đâu phải chỉ có vài tỉnh thành mua hàng của Việt Á với giá trên trời. Chỉ kẻ khờ khạo mới tin một địa phương chết dở bởi dịch, ngoáy mũi đêm ngày như TP.HCM lại không mua kit test của Việt Á. Thế không mua của nó, thì mua ở đâu, giá bao nhiêu…, cơ quan điều tra chả khó gì để làm rõ điều này. Chính quyền, ngành y tế, CDC các tỉnh thành khác cũng vậy, kiếm chác được bao nhiêu, ném bao nhiêu tiền qua cửa sổ trong các đợt xét nghiệm, ngoáy mũi, làm rõ chẳng khó gì, vấn đề là có muốn phanh phui ra hay không.

    Cũng cần mổ xẻ việc các địa phương, cơ sở y tế khi quyết toán xét nghiệm miễn phí cho dân đã khai giá mua bao nhiêu, bao nhiêu hàng, bao nhiêu tiền, đúng giá hay không, có chênh lệch, gian dối, hoa hồng, kê khống, hối lộ đút lót, thâm lạm gì không, tham nhũng vơ vét trên nỗi đau của dân như thế nào… Cứ như báo chí thông tin, đơn giá mua chưa tới 30.000 đồng/sản phẩm, mà chúng kê lên 270.000 - 300.000, gấp cả chục lần; rồi bộ kit test của Việt Á (chưa rõ do nhập lậu hay tự sản xuất) đội giá lên tới 450.000 đồng, gấp nhiều lần so với giá trị thực, thì đúng là chúng “ăn không chừa một thứ gì”, tàn bạo hơn lang sói. Đám giám đốc CDC các nơi bị lộ mặt tham nhũng, cũng như bọn Việt Á, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Phải làm sao lôi cả những kẻ khuất mặt, từ quan cực phẩm chỉ đạo tới bọn sai nha đầu sai làm khổ dân ra trị tội. Thực thi công lý chỉ có ý nghĩa khi áp dụng cho vùng cấm ấy.

    Không có nhận xét nào