“Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tham nhũng tuyệt đối” (Lord Acton)
Hai năm qua, đại dịch Corona đã làm đảo lộn rất nhiều, nhưng khó thay đổi nhận thức và thể chế. Trong khi hô khẩu hiệu 4.0, nhiều người vẫn tư duy và hành động theo thói cũ 0.4. Trong thời kỳ quá độ, lợi ích nhóm vẫn là động lực chính. Người ta có thể làm bất cứ điều gì để trục lợi. Vụ đại án Việt Á là một ví dụ điển hình (case study). Test kits của Việt Á có thể đã góp phần làm dịch bùng phát lần thứ tư, với hàng vạn người thiệt mạng. Nhưng liệu Việt Á và các đối tác liên quan sẽ chịu trách nhiệm hay đổ lỗi cho nhau?
Biến thể Delta chưa qua thì biến thể Omicron đã tới, thách thức dân trí và thái độ ứng xử. Tôi viết bài này với dự cảm sang năm 2022, quá trình đổi mới thể chế sẽ được thúc đẩy mạnh hơn theo quy luật cùng tắc biến. Hy vọng đại án Việt-Á làm lay động lòng người. Khi trời đất xoay vần chuyển mùa, con người cũng trăn trở mong thoát khỏi đại dịch. Nếu Việt Nam muốn biến nguy thành cơ, phải nâng cao dân trí và thay đổi văn hóa ứng xử. Muốn chống dịch, các nước không chỉ có ngoại giao vaccine, mà cần ngoại giao văn hóa.
Văn Hóa ứng xử
Vào dịp cuối năm, nhân Hội nghị Ngoại Giao thường niên lần thứ 31 (15-18/12/2021), nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan đã chia sẻ suy nghĩ của mình trong bài Đôi điều suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam (TG&VN, 18/12/2021) trước yêu cầu “đổi mới, sáng tạo, hướng tới một nền ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, trong kỷ nguyên số”. Đó là lời nhắn nhủ tâm huyết của một nhà ngoại giao lão thành cho thế hệ kế tiếp.
Trong bài viết, ông Vũ Khoan nhấn mạnh “bốn đặc sắc văn hóa ngoại giao Việt Nam” là: kiên định trong mục tiêu; nhân văn trong cốt cách; rộng mở trong tâm hồn; linh hoạt trong hành động. Tuy kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, nhưng người Việt luôn muốn hòa hiếu với các dân tộc khác, trên tinh thần nhân văn mà Nguyễn Trãi đã từng răn: lấy đại nghĩa mà thắng hung tàn, lấy chữ nhân mà thay cường bạo.
Vì vậy, ông khẳng định ngoại giao chiến lang và ngoại giao bắt nạt là cách ứng xử “rất xa lạ đối với văn hóa ngoại giao Việt Nam”. Ông khuyên mỗi người Việt khi ra nước ngoài phải hành xử như một đại sứ để chuyển tải tinh thần đó tới cộng đồng quốc tế. Cụ Hồ từng kêu gọi phải tự tôn dân tộc nhưng không nuôi hận thù dân tộc. Nhưng đáng tiếc, có những người vô tình hay cố ý làm ngược lại, không chỉ gây phản cảm mà còn phản tác dụng.
Trong khi đại sứ Hà Kim Ngọc (tại Mỹ) viết bài Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam, (Dân Trí, 11/12/2021) thì hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà sang Mỹ dự Miss World 2021 tại Puerto Rico (16/12), lại vô duyên biểu diễn bài “cô gái vót chông”. Đó là một bài hát do nhạc sỹ Hoàng Hiệp sáng tác chỉ thích hợp để cổ vũ tinh thần chống Mỹ năm 1965, nhưng không thích hợp để cổ vũ hợp tác với Mỹ năm 2021.
Đó không phải lỗi của cô hoa hậu vô duyên mà là lỗi của những người làm văn hóa vô minh. Hiện tượng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thường xảy ra khi đất nước chưa trưởng thành (immature) trong thời kỳ dựng nước (nation building) như cụ Tản Đà đã từng bức xúc: Dân hai nhăm triệu ai người lớn; Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con. Đó là đầu thế kỷ 20, còn bây giờ là đầu thế kỷ 21, nhưng nhiều người vẫn chưa “khai dân trí”. Trong thi đấu thể thao, người ta vì “màu cờ sắc áo”, nhưng có kẻ bỏ cả quốc ca chỉ vì lợi ích.
Nhưng bên cạnh tin buồn vẫn có tin vui. Bài viết của ông Hà Kim Ngọc đã đề cập đến ba phần: (1) Ngoại giao văn hóa - cánh tay nối dài của “sức mạnh mềm” của Mỹ; (2) Ngoại giao văn hóa trong triển khai đối ngoại Mỹ; (3) Một số vấn đề đặt ra với Ngoại giao Văn hóa Việt Nam. Ông Ngọc điểm lại những giá trị Mỹ được chắt lọc bằng dân chủ, tự do cá nhân, bình đẳng, trọng nhân tài, là nền tảng của sức mạnh mềm mà Việt Nam cần tham khảo. Để hội nhập và xây dựng lòng tin, ngoại giao Việt Nam cần có bản sắc văn hóa.
Không phải chỉ có đại sứ Hà Kim Ngọc (tại Mỹ) mà đại sứ Vũ Hồng Nam (tại Nhật) cũng viết bài Ngoại giao văn hóa của Nhật Bản và bài học đối với Việt Nam, (TG&VN, 14/12/2021). Ông Nam đề cập đến ba trụ cột tinh thần của ngoại giao văn hóa Nhật Bản là: (1) Truyền bá văn hóa; (2) Hấp thụ văn hóa; (3) Cộng sinh văn hóa, và rút ra năm bài học thiết thực với Việt Nam. Bài viết của ông Hà Kim Ngọc và ông Vũ Hồng Nam phản ánh luồng gió mới của xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong bối cảnh mới.
Lịch sử lặp lại
Trong Chiến tranh Việt Nam, ông Phạm Xuân Ẩn (Điệp viên Hoàn hảo) phải làm nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước đầy nguy hiểm của một người yêu nước. Nhưng ông vẫn nuôi hy vọng một khi chiến tranh kết thúc, người Việt Nam và Mỹ sẽ có cơ hội trở thành bạn tốt. Chắc ông rất vui khi hai nước từ kẻ thù trong chiến tranh nay đã trở thành “đối tác toàn diện” (năm 2013) và đang trở thành “đối tác chiến lược”. Winston Churchill từng nói “không có bạn bè vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.
Nói cách khác, Việt Nam và Mỹ đang trở thành đối tác chiến lược vì “song trùng lợi ích”. Cách đây tám thập kỷ (5/1941) cụ Hồ đã từng đổi tên “Mặt trận Dân tộc Phản đế” thành “Mặt trận Việt Minh” (Việt Nam Độc lập Đồng minh) để bắt tay với Mỹ và phe đồng minh chống Phát xít Nhật. Sau thế chiến (1945), Mỹ và Nhật đã trở thành đồng minh. Nay Mỹ và Việt Nam “trên thực tế” (de facto) cũng đang trở thành đối tác chiến lược, để đối phó với sự trỗi dậy ngày càng cực đoan của Trung Quốc. Lịch sử dường như đang lặp lại.
Đầu năm 1945, Mỹ đã cử nhóm “Con Nai” (Deer Team) đến Việt Bắc để giúp Việt Minh chống Nhật. Khi cụ Hồ bị sốt rét nặng, một bác sỹ người Mỹ trong nhóm “Con Nai” đã cứu cụ thoát hiểm. Nếu không vì những biến cố lịch sử trớ trêu đầy nghịch lý, Việt Nam và Mỹ đã trở thành đồng minh hay đối tác từ lâu. Trong cuốn “Tại sao Việt Nam” (Why Vietnam) Archimedes Patti đã kể lại cơ hội hiếm có trong lịch sử hai nước bị bỏ lỡ như thế nào. Cho đến khi qua đời (năm 1998) đại tá OSS Patti vẫn coi cụ Hồ là một người bạn tốt.
Việt Nam chủ trương “làm bạn với tất cả” theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Nói cách khác, Việt Nam theo nguyên tắc “ba không một tùy” (Sách trắng Quốc phòng 2019). Trước một đối thủ mạnh hơn, về đối nội Việt Nam phải xây dựng đồng thuận quốc gia như tinh thần Hội nghị Diên Hồng thời nhà Trần, đã ba lần chiến thắng quân Nguyên. Về đối ngoại, Việt Nam phải khiêm tốn và giữ hòa hiếu với cả kẻ thù để vãn hồi hòa bình và tái thiết. Đó là một bài học quý mà tiền nhân để lại.
Nhưng đáng tiếc là sau Chiến tranh, người ta đã quên mất bài học của tiền nhân vì say sưa với chiến thắng năm 1975, bỏ lỡ cơ hội hòa giải với Mỹ (năm 1978) và không hòa hoãn được với Trung Quốc (năm 1979). Vì vậy, Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba (với Trung Quốc) đã diễn ra, làm cho Việt Nam hao người tốn của, “chảy máu đến kiệt sức”, và rơi vào bẫy của Trung Quốc để ngư ông đắc lợi. Đó là hình thái “chiến tranh tiếp nối chiến tranh” giữa những người “anh em bạn thù” (Brother Enemy, Nayan Chanda, 1986).
Chiến tranh hay hòa bình là chuyện muôn thủa của loài người, và thắng hay bại là chuyện thường tình giữa các quốc gia. Nhưng sẽ là bi kịch nếu quốc gia nào bị mắc kẹt vào đối đầu giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, và sa vào “vùng xám” (grey area) để Trung Quốc thao túng và bắt nạt. Trong thời hậu chiến, Việt Nam vẫn không thoát khỏi hệ quả “nửa chiến tranh nửa hòa bình” (no war no peace) để mất nhiều cơ hội đổi mới và phát triển. Từ sau sự kiện Thành Đô (9/1990), như một định mệnh, Việt Nam vẫn chưa thể thoát Trung.
Bài học Việt Á
Tuy điều tra vụ đại án Việt Á còn đang tiếp diễn và mở rộng, nhưng có thể rút ra mấy bài học. Một là Việt Á không thể một mình dắt voi qua rào nếu không có hậu thuẫn của các Bộ liên quan. Hai là nhóm lợi ích về y & dược dù mạnh đến đâu cũng không dễ thao túng được chính sách nếu không có lỗ hổng do thể chế lỗi thời. Ba là Việt Á và các quan chức suy thoái không dễ lừa toàn xã hội nếu Quốc Hội và báo chí làm tốt vai trò giám sát quyền lực. Bốn là họ không dễ qua mặt được nhân dân nếu dân trí cao và xã hội dân sự mạnh.
Điểm tắc nghẽn lớn nhất (như bottleneck) là ý thức hệ và thể chế lỗi thời đang ngăn cản quá trình đổi mới vòng hai, làm cho đổi mới nửa vời và thiếu đột phá, chỉ nặng về hình thức mà thiếu thực chất. Nói cách khác, quá trình đổi mới bị các nhóm lợi ích thân hữu thao túng và vô hiệu hóa trong thời kỳ quá độ kéo dài vô hạn. Kết cục là mục tiêu công nghiệp hóa đã bị đẩy lùi, nền pháp trị (rule of law) và xã hội dân sự (civil society) bị thui chột, làm cơ chế kiểm soát và giám sát quyền lực không có hiệu quả (no checks and balances).
Trong bối cảnh đó, không tránh được tham nhũng và độc quyền, đặc biệt là tham nhũng chính sách, lợi dụng thể chế để trục lợi. Việt Á chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, với các nhóm lợi ích như con bạch tuộc ba đầu sáu tay. Muốn dẹp được các sân sau như VN Pharma hay Việt Á, phải đổi mới thể chế toàn diện và triệt để. Việt Á và các quan chức suy thoái đã “lừa toàn xã hội” (theo ông Dương Trung Quốc) vì vai trò giám sát quyền lực của Quốc Hội và báo chí bị vô hiệu hóa bởi các nhóm lợi ích độc quyền đang thao túng thể chế.
Báo chí trong nước đã đồng loạt đưa tin “bộ xét nghiệm của Việt Á được WHO phê chuẩn” (trong khi WHO không phê chuẩn). Cuối tháng 12/2021, Bộ Y Tế tuyên bố “việc xét duyệt sản phẩm Việt Á không phụ thuộc vào việc phê chuẩn hay không của WHO” và khẳng định quá trình xét duyệt sản phẩm của Việt Á được thực hiện “theo đúng quy trình và quy định của Việt Nam”. Nhưng quy trình đó đã bị thao túng vì cuối tháng 1/2020 ký đề án nghiên cứu, đến 3/3/2020 đã thông qua, và tháng 5/2020 đã đưa vào sử dụng.
Theo các chuyên gia y tế (BBC, 26/12/2021), quy trình xét nghiệm và xét duyệt có nhiều điểm không phù hợp khi Bộ Y Tế cấp phép “thần tốc”, chỉ trong vòng một ngày (3-4/3/2020); nhà xưởng Việt Á thiếu tiêu chuẩn (theo VTV24); Bộ KH&CN thiếu trách nhiệm trước công chúng vì có 6 tháng để đính chính việc hiểu sai về EUL (4-10/2020) và có 14 tháng để sửa sai (10/2020 đến 12/2021) nhưng không làm. Đây là một lỗi nguy hiểm, ảnh hưởng đến phòng chống dịch tại Viêt Nam do bộ xét nghiệm đã được bán ra 62/63 tỉnh thành.
Theo Tuổi trẻ (30/12), Việt Á được đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo TƯ về Phòng chống Tham nhũng, và bổ xung vào chương trình kỳ họp bất thường của Quốc hội. Dư luận bức xúc muốn làm rõ “ai đứng sau Việt Á” và “phải truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu” (theo tướng Lê Văn Cương). Để chống tham nhũng “không có vùng cấm” và làm trong sạch ngành y tế, phải làm rõ 80% cổ phần Việt Á của những ai? Việt Á có nhập test kits từ Trung Quốc không? Kinh phí nghiên cứu 19 tỷ đồng đã dùng làm gì?
Lời cuối
Đại dịch Covid-19 là một tai họa đối với loài người, gây ra khủng hoảng y tế toàn cầu, nhưng cũng là dịp tốt giúp người Việt tỉnh ngộ để biến nguy thành cơ. Test kits của Việt Á có thể đã góp phần làm dịch bùng phát lần thứ tư với thiệt hại nặng nề, trong khi chủ trương “xét nghiệm thần tốc diện rộng” giúp Việt Á gom 4.000 tỷ đồng của dân. Nhóm lợi ích này phải chịu một phần trách nhiệm không chỉ về cái chết của hàng vạn người, mà còn về tình trạng kinh tế xuống tới đáy năm 2021, với GDP chỉ tăng 2,5% (World Bank).
Muốn thoát khỏi đại dịch để phục hồi và phát triển kinh tế, Việt Nam phải nâng cao dân trí và thay đổi văn hóa ứng xử. Đại dịch đã làm đảo lộn nhiều quan niệm, buộc phải chuyển đổi tư duy “zero Covid” sang “sống chung với dịch”. Muốn chống dịch như chống giặc có hiệu quả, Việt Nam phải hội nhập quốc tế, không thể ngụy biện “làm theo cách của mình” (exceptionalism). Năm 2022, Việt Nam phải gấp rút đổi mới thể chế vòng hai theo quy luật cùng tắc biến trước khi quá muộn, vì “chậm chễ” (gruadulism) đồng nghĩa với tự sát.
Tham khảo
1. Kinh nghiệm ngoại giao văn hóa của Mỹ và bài học đối với Việt Nam, Hà Kim Ngọc, Dân Trí, 11/12/2021
2. Ngoại giao văn hóa của Nhật Bản và bài học đối với Việt Nam, Vũ Hồng Nam, TG&VN, 14/12/2021
3. Đôi điều suy ngẫm về văn hóa ngoại giao Việt Nam, Vũ Khoan, TG&VN, 18/12/2021
4. Scandal Việt Á: Đâu là đầu bạch tuộc? Trần Văn, VOA, 20/12/2021
5. Tướng Lê Văn Cương: phải truy đến cùng trách nhiệm người đứng đầu, Mạnh Đoàn, GDVN, 21/12/2021
6. Ông Dương Trung Quốc: Việt Á và quan chức suy thoái đã lừa toàn xã hội, Mạnh Đoàn, GDVN, 24/12/2021
7. Kit xét nghiệm Việt Á được nhận gần 19 tỉ đồng kinh phí nghiên cứu, Tuổi Trẻ, 26/12/2021
8. Những câu hỏi lớn về chất lượng của bộ xét nghiệm Việt Á, BBC, 26/12/2021
9. Ai đứng sau Việt Á? Dương Quốc Chính, Tiếng Dân, 27/12/2021
10. Mặt trận Tổ quốc đòi truy trách nhiệm 2 bộ Y Tế và KH&CN, VOA, 27/12/2021
11. Vụ án tại Việt Á: Khẩn trương, quyết liệt điều tra, không có vùng cấm, TTXVN, 30/12/2021
12. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đưa vụ Việt Á vào diện theo dõi, chỉ đạo, Tuổi Trẻ, 30/12/2021
NQD. 01/01/2022
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 31-12-21
http://viet-studies.net/kinhte/NQuangDy_VanHoaThoiCorona.html
Không có nhận xét nào