Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Kim - Cuộc Chiến Có Thể Xảy Ra Tại Ukraine?


    Trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư ngày 19/1 tuần qua, Biden khẳng định ông ta đã làm được nhiều việc hơn bất kỳ Tổng Thống nào trong lịch sử. Nhiều người giật mình tự hỏi “Biden nói gì vậy?” Cuộc họp báo của Biden bị đánh giá là thất bại. Mặc dù Biden gọi tên của phóng viên từ danh sách có sẵn nhưng ông ta vẫn lúng túng khi được hỏi về vụ Ukraine. Biden cho biết quyết định của Hoa Kỳ sẽ tùy thuộc vào mức độ tấn công của Nga. Lời phát biểu của Biden bị phê bình là thiếu khôn ngoan, nguy hiểm và gây hoang mang cho đồng minh của Hoa Kỳ. Ron Klain, Chánh Văn Phòng của Biden vội đính chính, và Biden đã tuyên bố lại “Nga sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Ukraine.” Trước tình hình căng thẳng gia tăng, Thứ Bảy ngày 22/1 vừa qua, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra lệnh di tản nhân viên Tòa Đại Sứ và gia đình của họ ra khỏi Kiev, thủ đô Ukraine.

    Tại sao Nga muốn tấn công Ukraine?

    Ukraine là quốc gia ở Đông Âu, có khoảng 42,41 triệu dân, là quốc gia lớn thứ hai sau Nga về diện tích tại Âu Châu với 603,500 km2, có chung biên giới với Âu Châu và Nga. Ukraine có nhiều sắc dân, tiếng Ukraine là ngôn ngữ chính, ngoài ra còn có thêm 40 ngôn ngữ khác, trong đó tiếng Nga chiếm 17% dân số. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, Ukraine cũng như một số quốc gia Đông Âu đã sáp nhập vào Nga. Năm 1991, sau khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Ukraine tuyên bố là quốc gia trung lập, nhưng sau đó thiết lập mối quan hệ với khối NATO qua hiệp định Liên Minh Âu Châu-Ukraine.

    Năm 2013, Tổng Thống thân Nga là Viktor Yanukovych đã hủy hiệp định Liên Minh Âu Châu-Ukraine, và nối lại ngoại giao chặt chẽ với Nga. Nhiều cuộc biểu tình đã nổi lên chống đối chính quyền thân Nga này. Làn sóng biểu tình gia tăng và kéo dài trong nhiều tháng đã dẫn tới cuộc cách mạng lật đổ TT Viktor Yanukovych . Viện cớ phải bảo vệ những người nói tiếng Nga tại bán đảo Crimea của Ukraine, quân đội Nga đã tấn công và chiếm Crimea vào tháng 3 năm 2014. Đồng thời Nga đã yểm trợ các nhóm ly khai tại Donetsk và Luhansk thuộc miền đông Ukraine, gọi chung là Donbas, với dân số hơn 6,6 triệu người. Sau một cuộc trưng cầu dân ý, nhóm ly khai tuyên bố độc lập khỏi Ukraine. Nga đã hỗ trợ quân sự, kinh tế và chính trị cho lực lượng ly khai. Năm 2019, Nga ban hành lệnh đơn giản hóa quy trình cấp quốc tịch cho cư dân vùng ly khai của Ukraine, đã có hơn 527,000 người trong vùng ly khai này được cấp quốc tịch Nga. Theo nhiều nhà quan sát, Nga đã gây trở ngại cho Ukraine để giữ thế mạnh trong những cuộc thương lượng với Hoa Kỳ và NATO, nếu không đạt được thỏa hiệp, Nga sẽ tấn công Ukraine để bảo vệ công dân của Nga sống trong vùng ly khai.

    Đa số các quốc gia Âu Châu không công nhận việc Nga chiếm Crimea, Nga bị lên án đã vi phạm luật pháp quốc tế và sự cam kết của Nga với Hoa Kỳ và Anh Quốc. Trong bản Ghi Nhớ tại Budapest, thủ đô của Hungary năm 1994, Nga, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã khẳng định “tôn trọng độc lập, chủ quyền và biên giới hiện có của Ukraine.” Nga phủ nhận những điều cáo buộc, cho rằng việc sáp nhập Crimea là chính đáng. Đã có những cuộc nói chuyện giữa các nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ, NATO và Nga nhằm ngăn chặn một cuộc chiến có nguy cơ xảy ra tại Ukraine, tuy nhiên không đạt được kết quả nào cả.

    Nga yêu cầu Hoa Kỳ và NATO ngưng cung cấp vũ khí cho Ukraine, chấm dứt hoạt động quân sự tại Đông Âu, và bảo đảm không cho Ukraine gia nhập NATO. Yêu cầu của Nga đã không được đáp ứng, các đơn vị chiến đấu của NATO vẫn được duy trì tại một số quốc gia Đông Âu là Ba Lan, Estonia, Latvia và Lithuania, và Nga không có quyền cản trở NATO thu nhận Ukraine làm thành viên. Phía Hoa Kỳ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, hàng không mẫu hạm USS Harry S. Truman với 5,000 thủy thủ đang trên đường tới Địa Trung Hải, sẵn sàng cho cuộc tập trận chung với khối NATO. Có nguồn tin tình báo cho rằng Nga sẽ mở một cuộc tấn công xâm lăng Ukraine vào đầu năm 2022. Tổng Thư Ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo nguy cơ xung đột là có thật. Lực lượng quân sự giữa Nga và Ukraine quá chênh lệch nhau nhưng cả hai quốc gia đều có vũ khí nguyên tử, nếu cuộc chiến xảy ra, hậu quả sẽ rất kinh hoàng, và sẽ là thảm họa cho tất cả những quốc gia tham chiến.

    Hoa Kỳ và NATO cam kết ủng hộ Ukraine

    Kể từ khi độc lập vào năm 1991, Ukraine là nước nhận được viện trợ quân sự và quỹ phát triển của Hoa Kỳ nhiều nhất tại Âu Châu và vùng Á-Âu. Trong thập niên 1990, Hoa Kỳ đã viện trợ 2,6 tỷ USD cho Ukraine, và 1,8 tỷ USD trong thập niên 2000. Trong 5 năm (2010-2014) trước khi Nga chiếm Crimea, Ukraine được viện trợ trung bình 105 triệu USD mỗi năm. Từ sau năm 2014 tới 2021, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraine 2,5 tỷ USD. Tổng cộng trong suốt thời gian từ 1991 tới 2021, Hoa Kỳ đã viện trợ cho Ukraine gần 8 tỷ USD. Hoa Kỳ dự định sẽ viện trợ cho Ukraine khoảng 459 triệu USD trong năm 2022. Cuối tuần qua, Hoa Kỳ đã gởi thêm vũ khí trị giá 200 triệu USD tới Ukraine. Cựu Cố Vấn Anh Ninh Quốc Gia Zbigniew Brzezinski thời TT Jimmy Carter đã biện minh cho việc ủng hộ Ukraine với lập luận “Ukraine mạnh không những có lợi cho quốc gia này mà còn giúp ngăn chặn sự trỗi dậy của một một tân đế quốc Nga.”

    Trong khoảng thời gian từ 2014-2019, Ukraine nhận được viện trợ của Liên Minh Âu Châu tổng cộng khoảng 17,3 tỷ USD. Từ năm 2020 tới nay, Ukraine đã nhận hơn 1,4 tỷ USD để giúp giải quyết đại dịch Covid 19 và hạn chế suy thoái kinh tế.

    Năm 2012 Ukraine được biết đến là một trong ba quốc gia tham nhũng nhất thế giới, sau Colombia và Brazil. Năm 2015, The Guardian xếp hạng Ukraine là “quốc gia tham nhũng nhất ở Âu Châu.” Trong chiến dịch chống tham nhũng, chính quyền Ukraine đã mở nhiều cuộc điều tra, trong đó có cuộc điều tra về con trai của Biden là Hunter Biden. Năm 2016, Biden với cương vị là Phó Tổng Thống đã đe dọa Ukraine “Hoa Kỳ sẽ giữ lại 1 tỷ USD tiền viện trợ và cho vay nếu Công Tố Viên Viktor Shokin không bị sa thải.” (theo tài liệu HSGAC của Thượng Viện)

    Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng địa thế của Ukraine quan trọng đối với an ninh của vùng Đông Âu và Âu Châu nên Hoa Kỳ và NATO không thể ngồi yên mặc cho Nga thôn tính Ukraine. Sáng Thứ Hai hôm qua, phóng viên của Reuters cho hay NATO đang điều động đưa nhiều tầu chiến, phản lực cơ chiến đấu và binh lính tới Đông Âu sẵn sàng ứng chiến. Phía Hoa Kỳ, Phát Ngôn Viên của Ngũ Giác Đài, tướng John Kirby thông báo sẽ có khoảng 8,500 quân nhân được đặt trong tình trạng báo động cao độ, chờ lệnh tới Ukraine nếu Nga khai chiến. Tổng Thư Ký NATO, Jens Stoltenberg nói “Chúng tôi sẽ thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để ứng phó với tình hình.” Cho đến nay, NATO có khoảng 4.000 quân đang hiện diện tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Âu, và các quốc gia Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp, Ba Lan đang chuẩn bị gởi quân đội hoặc phi cơ và tầu chiến tới Đông Âu. Hình ảnh một cuộc chiến sẽ xảy ra tại Ukraine đã quá rõ ràng, và tình hình mỗi ngày càng trở nên gay cấn hơn.

    Từ năm 2014, sau khi Nga chiếm bán đảo Crimea, Hoa Kỳ và Liên Minh Âu Châu đã áp đặt nhiều lệnh trừng phạt lên Nga. Tuy nhiên hầu hết các biện pháp trừng phạt của khối Liên Minh Âu Châu được áp dụng trong một khoảng thời gian xác định từ 6 tháng tới một năm để khuyến khích Nga thay đổi và sau đó điều chỉnh lại. Mức độ của sự trừng phạt thường không đạt được sự đồng thuận trong Liên Minh Âu Châu. Đức, một đồng minh lớn trong khối NATO đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine vì Đức có giao thương với Nga, và đặc biệt mua khí đốt của Nga. Ukraine và nhiều quốc gia khác bao gồm Australia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Thụy Sĩ cũng áp đặt những biện pháp trừng phạt đối với Nga để phản đối cuộc xâm lăng Ukraine. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Minh Âu châu đã góp phần tạo khủng hoảng cho nền tài chánh của Nga. Tính tới giữa năm 2016, Nga đã bị thiệt hại 170 tỷ USD và mất thêm 400 tỷ USD từ doanh thu của dầu và khí đốt. Nền kinh tế của Nga sẽ không có cơ hội tăng trưởng cho tới khi các lệnh trừng phạt được nới lỏng. Rất có thể Nga chỉ muốn gây áp lực để thương lượng với Hoa Kỳ và Liên Minh Âu Châu. Nếu cuộc chiến thực sự xảy ra, Nga có nhiều ưu thế để đạt được chiến thắng nhưng chắc chắn sẽ là một thảm họa cho Nga, Ukraine, Liên Minh Âu Châu, Hoa Kỳ và thế giới.

    Chủ Nhật vừa qua, 39 máy bay của Trung Cộng đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, trong số những máy bay này còn có cả một máy bay ném bom H-6 có khả năng mang bom hạt nhân. Nga và Trung Cộng có thể đã lên kế hoạch mở hai mặt trận cùng một lúc để thách thức Hoa Kỳ, vấn đề chỉ là thời gian. Hoa Kỳ không thể chú trọng vào Ukraine mà quên đi mặt trận vùng Thái Bình Dương do Trung Cộng chủ mưu. Thái Bình Dương là con đường biển huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ Đông sang Tây, cung cấp 60% nguồn hải sản thế giới, có nguồn dầu khí và khoáng sản phong phú. Cuộc chiến xảy ra tại Đài Loan sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Hoa Kỳ và nhiều quốc gia tại Biển Đông. Trung Cộng mới đích thực là mối đe dọa đến sự sống còn của Hoa Kỳ và thế giới.

    (Bài viết này dựa theo nhiều nguồn tin từ BBC News, RFI, Reuters, Foreign Affairs, Congressional Research Service)

    Kim Nguyễn
    January 25, 2022

    Không có nhận xét nào