Header Ads

  • Breaking News

    Michael Ignatieff - Nhân quyền, đạo đức toàn cầu và những đức tính bình thường

     Lược dịch : Ts. Phạm Đình Bá

    19/01/2022

    Nhà nghiên cứu Michael Ignatieff đã điều tra các giá trị đạo đức và hành vi được chia xẻ giữa các quốc gia.[1, 2] Mục tiêu của nghiên cứu là xác định xem liệu việc gia tăng hội nhập kinh tế và xã hội quốc tế có đang củng cố đạo đức toàn cầu hay không, và khám phá cách mọi người ở các nền văn hóa và cộng đồng kinh tế khác nhau ứng xử khi đối mặt với những thách thức về sự tồn tại của con người.

    Nghiên cứu tập trung vào các hành vi đạo đức hàng ngày của con người để khiến việc sống trong những hoàn cảnh khó khăn trở nên có thể tạm chấp nhận được. Nghiên cứu gọi những hành vi đạo đức này là “những đức tính bình thường”. Chúng bao gồm các thuộc tính như sự tin tưởng vào người khác, khoan dung, tha thứ, hòa giải, tôn trọng và kiên cường.

    Những đức tính bình thường nầy thường là những tập quán chung nhưng lại là bản chất của những hành vi đạo đức của từng cá nhân. Những đức tính nầy là bình thường bởi vì chúng quan tâm đến những yếu tố thiết yếu lặp đi lặp lại của cuộc sống chung của mọi người. Chúng cũng thể hiện bản năng học hỏi của chúng ta về những gì cuộc sống đạo đức đòi hỏi ở chúng ta nếu chúng ta muốn sống với lương tâm thanh thản.

    Nhóm nghiên cứu đã đến thăm các trung tâm đô thị khác nhau ở Hoa Kỳ , Brazil, Bosnia, Nhật Bản, Myanmar và Nam Phi để tìm hiểu cách người dân đối mặt với các vấn đề như thất nghiệp, tham nhũng, phân biệt sắc tộc và khôi phục lòng tin sau bạo lực sắc tộc và chiến tranh. Nghiên cứu cho thấy rằng đời sống đạo đức của một người bắt nguồn từ những thách thức cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Những đức tính bình thường nổi lên khi mọi người tìm cách làm cho cuộc sống có ý nghĩa về mặt đạo đức trong khi họ đối mặt với các khó khăn trong đời sống.

    Mặc dù luật pháp quốc tế có thể đã giúp hình thành các quyền con người, nhưng Ignatieff tìm thấy rằng dân gian trong các cộng đồng nghèo và các quốc gia đang phát triển không dựa vào nhân quyền khi tiếp cận với các vấn đề liên quan đến đạo đức. Đúng hơn, đời sống đạo đức bắt nguồn từ những thách thức cục bộ và cụ thể mà mọi người phải đối mặt trong cuộc sống.

    Đối với đại đa số mọi người, đời sống đạo đức phát sinh từ phản ứng của họ trước những thách thức về nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, bạo lực và phân biệt trong đối xử. Nghiên cứu cho thấy rằng cấu trúc của các qui định về nhân quyền đã góp phần gián tiếp vào sự đoàn kết toàn cầu bằng cách cung cấp nền tảng cho những đức tính bình thường của con người.

    Cơ sở của những đức tính này là yêu sách phổ quát về quyền bình đẳng của con người — cụ thể là “tất cả mọi người đều có quyền được tôn trọng và được điều trần công bằng”. Niềm tin vào mỗi người có “tiếng nói bình đẳng” cung cấp cơ sở đạo đức cho sự xuất hiện của các đức tính bình thường.

    Đáng tiếc, tiếng nói bình đẳng không đảm bảo hòa bình và thịnh vượng. Thay vào đó, nền tảng của bình đẳng chỉ cung cấp một cấu trúc cho sự phát triển của một trật tự xã hội tối thiểu. Những gì những người được phỏng vấn trong nghiên cứu chia sẻ, ở khắp mọi nơi, là mong muốn chung về trật tự xã hội, về một khuôn khổ kỳ vọng cho phép họ nghĩ cuộc sống của họ, bất kể phải đối mặt với khó khăn, là có ý nghĩa.

    Người nghèo suy nghĩ và lý luận theo đạo đức như thế nào để hiểu về sự hiện hữu của họ? Thoạt đầu, câu hỏi này có vẻ thừa: Đối với những người sống trong cảnh nghèo đói cùng cực như vậy, chẳng phải cuộc sống là một trận chiến để sinh tồn hơn là một cuộc đấu tranh cho ý nghĩa sao? Ngược lại, nghiên cứu cho thấy rằng ngay cả trong khu ổ chuột tuyệt vọng nhất hoặc ở những chung cư đầy dẫy tội phạm nhất, một phần cuộc sống vẫn là tìm kiếm một trật tự đạo đức nào đó.

    Ignatieff đã gặp và học được từ những người sống trong khó khăn nhất rằng trật tự đạo đức là điều cần thiết của cuộc sống và cuộc vật lộn để giữ đạo đức phải được tiến hành ngay cả trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Những người nầy tin rằng cần có một trật tự đạo đức. Đời sống không phải chỉ là một khu rừng không có luật lệ trong đó kẻ mạnh lấn ép người yếu đuối. Cần có trật tự, cần có hy vọng, ngay cả khi hy vọng chỉ là mong manh. 

    Đức tính thì phụ thuộc vào xã hội. Đức tính có thể được củng cố bởi các thể chế tốt và bị suy yếu bởi các thể chế tồi tệ. Các thể chế tốt để duy trì các đức tính bình thường là “thể chế tự do”, bao gồm sự lựa chọn của dân để tuyển người quản lý chính phủ, có luật lệ và sự tuân thủ luật lệ, cơ quan tư pháp độc lập, tự do hội họp và biểu đạt, quy tắc đa số và quyền của thiểu số, và thị trường cạnh tranh. Những cấu trúc nầy của thể chế tự do đã giúp tạo ra những cá nhân có đạo đức, loại bỏ phân biệt giai cấp, phân biệt đức tin và đàn áp tôn giáo. Thể chế nầy tạo dựng môi trường để cá nhân sống có đạo đức và tự do.

    Các đức tính thông thường vẫn tồn tại khi không có thể chế tự do, nhưng những đức tính nầy gặp phải nhiều khó khăn trong những chế độ độc tài. Các chế độ độc tài thường không trừng phạt những xâm hại đến những đức tính bình thường. Những đức tính bình thường không thể phát triển trong môi trường có tổ chức bất công đối với người thiểu số, người nghèo và những người đấu tranh cho công lý. Nếu người nghèo và người chịu thiệt thòi không được pháp luật bảo vệ bình đẳng, thì phẩm hạnh riêng của họ sẽ bị suy yếu.

    Không có chính phủ nào đạt được tính hợp pháp đầy đủ trong mắt tất cả các công dân của mình. Ở mọi thời điểm, sẽ có những hành hạ và bất công đánh thức sự tức giận của công dân. Câu hỏi đặt ra là khi nào thì các công dân sẽ nổi dóa và hết sức tức giận. Nghiên cứu gợi ra là điểm mấu chốt của sự nổi dậy và phản kháng luôn là vấn đề đạo đức. Khi người dân cảm thấy sự lạm dụng từ lâu đã được giới cầm quyền dung dưỡng là biểu hiện của sự khinh thường thái quá về đạo đức, đó là thời điểm của sự bùng nổ. Tại thời điểm nầy, khi sự bất công là quá sức chịu đựng của người dân, khi dân bị khinh thường hoặc phẩm giá của chọ bị chà đạp, thì khả năng chịu đựng của người dân bị gẫy đỗ. Khi đó, người dân có thái độ quyết liệt.

    Tài liệu:

    1.    Ignatieff, M., Human rights, global ethics, and the ordinary virtues. Ethics & International Affairs, 2017. 31(1): p. 3-16.

    2.    Mark R. Amstutz. Moral Values in an Era of Globalization: Review of Ignatieff’s The Ordinary Virtues: Moral Order in a Divided World. September 5, 2019; Available from: https://providencemag.com/2019/09/moral-values-globalization-book-review-michael-ignatieff-ordinary-virtues-moral-order-divided-world/.



    Không có nhận xét nào