Header Ads

  • Breaking News

    Lương Thái Sỹ - Vũ khí mới của Mỹ có kềm chế nổi Nga?

     

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/01/digitization-g861d54c77_1920-1280x853.jpg

    Minh họa: Pixabay 

    Ngoài biện pháp tài chính, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đe dọa sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để gây thiệt hại cho một số ngành công nghiệp chiến lược của Nga nếu Moscow xâm lược Ukraine. Như vậy, chiến lược trừng phạt Nga có thể đi xa hơn nhiều so với các lệnh cấm vận Iran, Cuba, Syria và Bắc Hàn.

    Một vũ khí mới giá trị tiềm ẩn

    Chính quyền của Tổng thống Biden đang đe dọa sử dụng một biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới để gây thiệt hại cho các ngành công nghiệp chiến lược của Liên bang Nga, từ trí tuệ nhân tạo đến hàng không vũ trụ dân sự, nếu Moscow xâm lược Ukraine.

    Ngoài ra, trong phạm vi luật cho phép, Mỹ cũng có thể áp dụng biện pháp kiểm soát rộng rãi hơn để tước quyền sử dụng của người Nga đối với một số loại điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy chơi game.

    Những động thái như vậy sẽ mở rộng phạm vi trừng phạt của Mỹ ra ngoài biện pháp tài chính với một loại “vũ khí” chỉ được sử dụng một lần trước đây và gần như làm tê liệt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei. Vũ khí này có tên “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” (the foreign direct product rule), được xem là nguyên nhân chính làm Huawei bị sụt giảm doanh thu hàng năm lần đầu tiên, gần 30% trong năm 2021.

    Sau khi chính quyền Trump áp dụng “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” cho Huawei vào Tháng Tám, 2020, doanh số bán điện thoại thông minh của nó đã giảm mạnh, không còn dẫn đầu thế giới và rơi xuống vị trí thứ 10!

    Sự hấp dẫn của việc sử dụng “vũ khí” mới bắt nguồn từ thực tế: Hầu như bất cứ sản phẩm điện tử nào của hôm nay đều có chất bán dẫn (semiconductor, chip), một chi tiết nhỏ bé mà tất cả công nghệ hiện đại đều phụ thuộc vào, từ điện thoại thông minh, phản lực cơ đến máy tính lượng tử (quantum computer). Và đặc biệt hơn là hầu như không có chất bán dẫn nào trên trái đất không được làm bằng các công cụ (tools) của Mỹ hoặc được thiết kế bằng phần mềm của Mỹ.

    Chính quyền Trump đã áp đặt kiểm soát xuất khẩu khắc nghiệt để cắt nguồn cung chip cho Huawei. Khi đã có quyết định tăng cường trừng phạt Nga, chính quyền Biden có thể áp lực các công ty ở những nước khác ngừng xuất khẩu các loại hàng hóa có sử dụng công cụ và phần mềm của Mỹ sang Nga.

    Dan Wang, một nhà phân tích công nghệ làm việc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, ở thành phố Thượng Hải nói về trường hợp Huawei: “Đây là gọng kềm siết chặt từ từ của chính phủ Mỹ. Nó đã cắt giảm mạnh nguồn cung cấp chip của Huawei, cho dù chúng được sản xuất bên ngoài nước Mỹ nhưng dùng phần mềm và công cụ Mỹ”.

    Hiện chính quyền Biden đang thảo luận với các đồng minh châu Âu và châu Á để soạn thảo một phiên bản quy tắc nhằm ngăn chặn dòng chảy của các “nhân tố quan yếu” trong các ngành công nghiệp mà Tổng thống Nga Putin có tham vọng cao như hàng không dân dụng, hàng hải và công nghệ cao. “Sức mạnh của kiểm soát xuất khẩu là Mỹ có thể làm suy giảm năng lực của Nga trong những lĩnh vực được xem là nguồn tăng trưởng chính cho nền kinh tế” – một quan chức chính quyền cấp cao của Biden biết về các cuộc thảo luận nội bộ nói với điều kiện ẩn danh.

    Nhưng biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ có thể xung đột với lợi ích kinh doanh của nhiều công ty Mỹ và châu Âu khi họ lo ngại nó có thể dẫn đến sự trả đũa của Nga trong các lĩnh vực khác, khiến những công ty nước ngoài bị ảnh hưởng phải đưa thiết kế công nghệ của Mỹ ra khỏi sản phẩm của mình.

    Mở rộng việc sử dụng “Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài” ra ngoài một công ty (ở đây là Huawei) cho toàn bộ một quốc gia hoặc toàn bộ nhiều khu vực sản xuất của một quốc gia là chưa từng xảy ra. Ông Robert D. Atkinson, chủ tịch tổ chức tư vấn Information Technology and Innovation Foundation nhận định: “Nó giống như một ma lực khiến người sử dụng có thể lạm dụng nhiều lần để cuối cùng…lợi bất cập hại! Các quốc gia khác sẽ nói: ‘Ôi trời, nước Mỹ muốn kiểm soát chúng tôi hoàn toàn! Vậy thì, cách tốt nhất là hãy tìm các giải pháp thay thế”.

    Song kiếm hợp bích có thành công?

    Theo một số nhà phân tích, Nga dễ bị tổn thương vì Moscow không sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng hoặc chip với số lượng lớn. Đặc biệt, Nga không chế tạo chất bán dẫn cao cấp nhất rất cần cho thế hệ máy tính tiên tiến, hiện bị thống trị bởi Đài Loan, Hàn Quốc, Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản.

    Will Hunt, nhà phân tích của Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi (Center for Security and Emerging Technology) thuộc Đại học Georgetown, nhận định: “Việc cắt giảm chip nhập vào Nga chắc chắn sẽ là đòn hiểm đánh trúng tham vọng công nghệ cao của giới lãnh đạo Nga”. Các quan chức giấu tên của chính quyền Biden cho biết hiện đang tranh luận về việc chỉ nên kiểm soát xuất khẩu đối với các lĩnh vực chiến lược vào Nga hay mở rộng nó sang cả các thiết bị hàng ngày.

    Paul Triolo, Giám đốc chính sách công nghệ của Eurasia Group, nhận xét: “Biện pháp trừng phạt này sẽ biến chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Mỹ thành vũ khí chống lại một quốc gia. Nói rõ hơn là chuỗi cung ứng bán dẫn của Mỹ sẽ bị vũ khí hoá”.

    Việc kết hợp trừng phạt tài chính với kiểm soát xuất khẩu sẽ có tác dụng “vừa ngay lập tức, vừa dần dần”. Trừng phạt tài chính sẽ ảnh hưởng sớm đối với các ngân hàng lớn, hàng không vũ trụ dân sự, hàng hải và các công ty công nghệ mới nổi. Lạm phát tăng dần đến mất giá đồng rúp. Còn kiểm soát xuất khẩu thì phải chờ thời gian để việc ngừng bán hàng cho Nga đạt đến mức đủ làm trì trệ sản xuất công nghiệp.

    Kevin Wolf, một cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ từng đứng đầu cơ quan thực thi lệnh cấm vận cho biết: “Nếu các hạn chế được áp dụng rộng rãi, chúng cũng có thể làm tăng giá hàng điện tử tiêu dùng ở Nga”. Theo các chuyên gia lệnh cấm cũng sẽ áp dụng cho các thiết bị điện tử cơ bản, các bộ phận máy bay, các mặt hàng viễn thông và phần mềm.

    Nhưng Mỹ xuất khẩu tương đối ít những sản phẩm này sang Nga, vì vậy nó chỉ có tác dụng hạn chế nếu các nước xuất khẩu nhiều không có lệnh cấm tương tự. Đức, đối tác thương mại lớn nhất của Nga ở Tây Âu và phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga, đang thảo luận nghiêm túc với Mỹ về lệnh trừng phạt.

    “Mục tiêu của ‘Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài’ cũng nhắm vào quân đội Nga, vốn trông cậy vào loại chip Elbrus thiết kế ở Nga nhưng sản xuất tại Đài Loan tại nhà máy TSMC – Kostas Tigkos, một chuyên gia về điện tử thuộc công ty Janes Group chuyên cung cấp thông tin tình báo quốc phòng có trụ sở tại Anh, nói – Nếu Mỹ cấm TSMC xuất những con chip đó cho Nga, như đã cấm thành công với Huawei, thì hệ quả sẽ tàn khốc”. Trong một tuyên bố, TSMC khẳng định: “Chúng tôi tuân thủ tất cả các luật lệ, quy định hiện hành và có hệ thống kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt… để đảm bảo tuân thủ đầy đủ mọi hạn chế xuất khẩu”.

    Một số nhà phân tích tin rằng các công ty đa quốc gia phương Tây sẽ đáp ứng yêu cầu của Mỹ về xuất khẩu sang Nga. Theo qui định, tất cả các nhà sản xuất chip của Mỹ đều đưa vào hợp đồng điều khoản khách hàng phải tuân thủ các quy tắc xuất khẩu của Mỹ. Công ty nào vi phạm nào sẽ bị đưa vào “Danh sách thực thể của Bộ Thương mại” (Commerce Department Entity List), một danh sách đen gồm các công ty nước ngoài mà các công ty Mỹ không được bán hay chuyển giao công nghệ.

    Phản ứng của Nga và “van thoát hiểm” Trung Quốc

    Về phía Nga, các quan chức chính phủ đánh giá thấp tác động tiềm ẩn của cấm vận từ Mỹ. Tập đoàn công nghiệp công nghệ và quốc phòng nhà nước Nga Rostec tuyên bố: “Trong khi một số linh kiện nước ngoài được sử dụng trong các sản phẩm dân dụng, Nga đã bắt đầu tự sản xuất nhiều linh kiện. Vì vậy, việc Mỹ thêm các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ chủ yếu đánh vào lợi ích của các công ty Mỹ sản xuất để xuất khẩu.

    Trong quá khứ cho thấy, chúng tôi có khả năng điều chỉnh rất nhanh”. Nhưng theo các nhà phân tích, Trung Quốc chính là “van thoát hiểm” để Nga giảm mạnh thiệt hại do cấm vận của phuông Tây. Trung Quốc hiện là nhà cung cấp thiết bị điện tử lớn cho Nga.

    Theo Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, năm 2020, Trung Quốc chiếm khoảng 70% nhập khẩu máy tính và điện thoại thông minh vào Nga. Ba trong số năm thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu ở Nga đến từ Trung Quốc (dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường International Data Corporation). Liu Pengyu, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ, gợi ý Bắc Kinh không ủng hộ việc Mỹ kiểm soát nước khác bên ngoài lãnh thổ của mình. “Trung Quốc luôn phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương của bất kỳ quốc gia nào và dùng luật trong nước để thực hiện cái gọi là quyền tài phán dài hạn đối với các quốc gia khác” – ông ta nhấn mạnh trong một tuyên bố.

    Như vậy, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn tiếp tục bán sang Nga ngay cả khi họ sử dụng công nghệ Mỹ trong các sản phẩm của mình, vì rất khó theo dõi doanh số bán điện thoại thông minh Trung Quốc. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Mỹ cũng có cách đối phó dựa vào thông tin “vi phạm cấm vận” do các công ty đối thủ của Trung Quốc cung cấp.

    Theo dõi dữ liệu vận chuyển và chia sẽ thông tin tình báo cũng giúp phát hiện những kẻ vi phạm. Nhưng Washington cũng rơi vào tình thế khó xử ngoại giao khi phát hiện công ty Trung Quốc vi phạm nếu hàng hóa xuất không phải quân sự.

    Edward Fishman, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao trong chính quyền Obama nhận định: “Theo tôi, mục tiêu của Mỹ giới hạn ở việc răn đe bằng cách dọa áp dụng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất, chẳng hạn như loại các ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cũng sẽ không thể tác dụng ngay tức thì dù đây là chọn lựa tốt để truyền đi thông điệp: Mỹ sẽ không hỗ trợ năng lực công nghệ và công nghiệp cho Nga nếu Putin còn sử dụng nó để bắt nạt các nước láng giềng và tấn công nền dân chủ”.

    (Tham khảo The Washington Post 24 Tháng Một)

    Sài Gòn Nhỏ

    Không có nhận xét nào