Cái ác xuất hiện khi sự đồng cảm bị rửa trôi
Ảnh nền: Soha. Bìa sách: Amazon.
Một người vợ ly dị chồng, cảm thấy ghen tức vì chồng cũ tìm được hạnh phúc mới còn mình thì chưa. Cô cầm dao đâm chết hai đứa con gái ruột. Đứa con gái 16 tuổi bị cô đâm 37 nhát, còn đứa trẻ 13 tuổi bị mẹ mình đâm 29 lần. [1]
Một người cha giam đứa con gái của mình trong tầng hầm suốt 24 năm, cưỡng hiếp cô và buộc cô sinh bảy đứa con. [2] Một trong số những đứa trẻ chết ngay sau khi sinh ra và bị ông đốt xác phi tang. Ba đứa khác được ông công khai nhận nuôi như trẻ lang thang cơ nhỡ. Ba đứa trẻ còn lại sống trong hầm tối cùng mẹ của chúng từ khi ra đời đến lúc được giải thoát. Trong suốt thời gian đó, người cha này nói dối vợ mình, mẹ của cô gái, rằng cô đã mất tích.
Một người phụ nữ hành hạ đứa con gái 8 tuổi của người tình trong suốt bốn tiếng đồng hồ cho đến khi cô bé chết. [3] Đứa trẻ bị đánh liên tục bằng cây gỗ to dài cả mét; bị đạp mạnh vào bụng, âm hộ, ngực; bị trói tay chân bắt quỳ gối để học, vừa quỳ vừa uống nước. Trong khi đang quỳ, cô bé tiếp tục bị tát mạnh vào đầu, đạp cho té ngã, cho đến khi ngất đi, ngừng thở. Cô bé đã bị bạo hành trong suốt một thời gian dài, người cha biết chuyện nhưng không can ngăn. Sau khi đứa trẻ chết, ông ta vội vàng xóa camera để phi tang chứng cứ. [4]
Vì sao người ta có thể ác đến như vậy?
Phần lớn trong chúng ta đã từng ít nhất một lần đặt ra câu hỏi đó, nhưng hiếm khi ta có được câu trả lời thuyết phục.
Những câu trả lời dễ dãi kiểu “những kẻ đó sinh ra đã ác”, “chúng là quỷ chứ không phải là người” hay “chúng làm chuyện ác vì chúng ác” đều không giải quyết được vấn đề gì.
Góc nhìn khoa học có thể giúp chúng ta thêm một chút hiểu biết về bản chất và nguồn gốc của cái ác.
Quyển sách “The science of evil” (Khoa học về cái ác) của nhà tâm lý học Simon Baron-Cohen là một nỗ lực như vậy. [5]
Thông qua những câu chuyện thực tế, tác giả tổng hợp các nghiên cứu của bản thân và đồng nghiệp trong ngành tâm lý học, thần kinh học và phân tâm học để tìm cách giải đáp câu hỏi muôn thuở của nhân loại.
Cái ác hay là sự đồng cảm bị rửa trôi
Simon Baron-Cohen trước tiên đặt vấn đề với khái niệm “ác” (evil). Theo ông, nó là một từ quá chung chung và không có cơ sở khoa học rõ ràng để nghiên cứu.
Thay vào đó, ông đề xuất một khái niệm khác làm cơ sở để xem xét nó: sự đồng cảm hay thấu cảm (empathy).
Đồng cảm, theo định nghĩa đơn giản của Baron-Cohen, là khả năng nhận biết suy nghĩ hoặc cảm xúc của người khác và có phản ứng phù hợp với những tín hiệu đó.
Khi một người làm chuyện ác, họ không có khả năng đồng cảm với nạn nhân – hoặc không nhận biết những đau đớn của người khác, hoặc nhận ra nhưng không có phản ứng nào với cái đau đó.
Nói cách khác, người làm chuyện ác đối xử với người khác không khác gì đồ vật – tất cả đối với họ chỉ là những thứ vô tri vô giác, không có suy nghĩ, không có cảm xúc.
Trạng thái này được Baron-Cohen gọi là “empathy erosion”, tạm dịch là “sự đồng cảm bị rửa trôi”.
Trong khi cái ác khó có thể được định lượng, sự đồng cảm lại có thể được đo lường.
Baron-Cohen và các đồng nghiệp phát triển công cụ đo lường mức độ đồng cảm, hay “Empathy Quotient” (EQ). Đó là một bảng các câu hỏi để kiểm tra khả năng nhận biết và phản ứng với cảm xúc của người khác.
Ví dụ một số câu hỏi được dùng cho bài kiểm tra:
– Tôi có thể dễ dàng nhận ra nếu ai đó đang muốn tham gia vào cuộc trò chuyện.
– Tôi không thấy phiền gì lắm khi bản thân tới trễ trong một cuộc hẹn với bạn bè.
– Khi còn nhỏ, tôi thích cắt đôi con sâu để xem chuyện gì sẽ xảy ra.
Thông qua kết quả khảo sát, các tác giả nghiên cứu chia ra bảy nhóm người với mức độ đồng cảm từ thấp nhất (cấp độ 0) cho đến cao nhất (cấp độ 6).
Phân bổ các nhóm này thuộc dạng phân phối chuẩn theo đường cong (bell curve), với đa phần người được khảo sát nằm ở nhóm giữa, và một số ít nằm ở hai đầu.
Trong số những người thuộc nhóm có mức đồng cảm thấp, tác giả chỉ ra ba loại người có khả năng gây hại nhất: những người rối loạn nhân cách ranh giới (borderline), những người rối loạn nhân cách chống đối xã hội (psychopath) và những người ái kỷ (narcissist).
Nguồn gốc từ gia đình
Điểm chung của những nhóm rối loạn nhân cách ở trên là phần lớn họ có một tuổi thơ đầy sóng gió, hay nhiều người sẽ gọi là bất hạnh.
Bất hạnh không chỉ thể hiện ở những hành vi bạo lực, lạm dụng (abuse) từ người lớn, nó còn có thể là kết quả của sự bỏ mặc (neglect), thiếu vắng tình thương.
Nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh vai trò nền tảng của giai đoạn thơ ấu, rằng nó là chỉ dấu quan trọng có thể đoán định tương lai của một người.
Một đứa trẻ bị bạo hành khi còn nhỏ, lớn lên có thể trở thành kẻ bạo hành người khác. Một người được dạy dỗ bằng bạo lực, lớn lên cũng sẽ dùng tay chân để dạy dỗ lại kẻ khác. Và một đứa bé từ nhỏ không được trải qua những chăm sóc yêu thương, lớn lên sẽ rất khó có thể hiểu được làm thế nào và vì sao phải yêu thương người khác.
Các nhà tâm lý học gọi lý thuyết về giai đoạn phát triển thời thơ ấu là “attachment theory” – học thuyết gắn kết. Đó là giai đoạn mà đứa trẻ có thể học được những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời, bao gồm khả năng đồng cảm.
Một đứa trẻ bị bạo hành có thể lớn lên trở thành kẻ bạo hành. Ảnh minh họa: Secureteen.com.
Các nhà nghiên cứu cho rằng từ những khoảnh khắc đầu tiên, đứa trẻ đã cố gắng “đọc” suy nghĩ và cảm xúc của cha mẹ/ người chăm sóc mình, qua đó học cách đồng cảm với người khác. Nếu thứ chúng “đọc” được từ người lớn là sự thù ghét, đặc biệt là khi sự thù ghét đó nhắm đến chúng, khả năng đồng cảm của đứa trẻ sẽ bị bẻ lệch đáng kể.
Những đứa trẻ đón nhận thù ghét khi lớn lên sẽ giống một chiếc nồi áp suất luôn chực chờ bùng nổ.
Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp đứa trẻ lớn lên trong bạo hành nhưng có mức đồng cảm cao với người khác, hoặc ngược lại, những kẻ bạo hành được sinh ra và nuôi dưỡng trong những gia đình bình thường.
Vì vậy, bên cạnh yếu tố gia đình, những nhân tố di truyền, sinh học cũng cần được lưu ý để đánh giá sự phát triển của một đứa trẻ.
***
Một điểm đáng chú ý khi liên hệ giữa sự đồng cảm và cái ác là hầu như tất cả chúng ta đều trải qua những khoảnh khắc mà “công tắc đồng cảm” trong đầu bị tắt đi.
Đó là những lúc ta đang tập trung để làm một việc gì đó, mọi chuyện xung quanh đều rơi ra khỏi vùng chú ý. Hoặc trong trường hợp tiêu cực, đó là khi ta trải qua những cơn nóng giận, bị căng thẳng, mệt mỏi, và thường làm những hành động gây tổn thương người khác.
Đây là những trạng thái cảm xúc ngắn hạn (transient emotions), khác với tình trạng lâu dài (permanent) nơi những người rối loạn nhân cách.
Cách để nhận biết tính chất ngắn hạn là khả năng tự phản chiếu: biết suy nghĩ và có cảm xúc hối hận về hành động gây tổn thương cho người khác, từ đó sửa chữa việc mình làm.
Vấn đề nghiêm trọng sẽ xuất hiện khi một người mất đi cơ chế tự phản chiếu, tự kiểm soát này.
Không có nhận xét nào