Vài ngày nữa là giao thừa, nhưng không khí Tết trong nhà gần như bị đóng băng như không khí ngoài trời. Tôi ngồi bên khung cửa sổ nhìn những hạt tuyết rơi lả tả, trắng xóa cả bầu trời. Tuyết vương trên lá, tuyết phủ ngập cả lối đi, những tia nắng ấm vừa sưởi ấm bầu trời vừa tạo nên sắc màu cho khung cảnh thêm thơ mộng. Đã lâu lắm rồi tôi mới cảm nhận được cái đẹp thực sự của mùa đông trên xứ Đức, nơi bị thiên hạ cho là lạnh lẽo lẫn buồn nản và không đáng sống!!!
Bằng này năm ngoái tôi đã đi trốn lạnh ở mãi tận đâu đâu, khi thì ăn Tết tại quê nhà vừa ấm lại vừa vui, lúc sang Cali đón xuân, đến khu Phước Lộc Thọ xem đốt pháo, từng bánh pháo dài nổ điếc cả tai và ngửi mùi khói đến nghẹt cả thở. Còn thức ăn quê hương thì đầy dẫy, bày bán la liệt chỉ sợ không có sức nếm thử tất cả các món ngon vật lạ nơi xứ người.
Đấy là cái Tết con Chuột tại xứ Cờ Hoa, mở màn cho một đại dịch Corona đang ngấm ngầm len lỏi vào thế giới loài người.
Lúc ấy các tin tức về con vi rút Vũ Hán chỉ mới rò rỉ ra bên ngoài, mọi người cứ nghĩ nó ở xa lắm, mãi tận bên Trung Quốc. Còn ta đang vui xuân tại Phố Bolsa, xem diễn hành mừng xuân tại “Đại lộ kinh hoàng” của Westminster và đặc biệt năm nay có đến hai cuộc diễn hành tổ chức tại hai quận khác nhau của hai cộng đồng. Một sự kiện hy hữu có một không hai trong lịch sử tỵ nạn của người Việt tại khu Sài Gòn Nhỏ này.
Sau Tết vài hôm, tôi mới cảm nhận được sự hiện hữu của con cúm Tàu đang lởn vởn trong bầu không khí trong lành của xứ Mỹ vĩ đại, nơi tôi chọn để ăn một cái Tết “dối già” thật xôm tụ xen lẫn bi ai! Tại sao lại bi ai? Không bi ai làm sao được, khi phải sống chung với lũ… dịch Corona. Nó giết người không bằng gươm dao hay súng đạn, nhưng bóp chết tất cả các tự do tối thiểu của tôi. Không cho phép tôi được thưởng thức món mì vịt tiềm tại một nhà hàng Tàu nổi tiếng trong vùng.
Chẳng là hôm ấy chúng tôi hẹn nhau đến quán Mì Dìn Ký để khao quân, phe Đức quốc đãi bạn bè cũ mừng ngày hội ngộ nơi đất khách quê người. Nhưng khi xe vừa kịp đậu trước cửa nhà hàng, anh bạn vàng đã hớt ha hớt hải đến chận trước cửa xe, ngăn không cho bước xuống:
– Tôi vừa nghe tin nóng, tên đầu bếp của nhà hàng mới nghỉ Tết từ Vũ Hán về. Mình nên đổi lộ trình sang quán Việt Nam ăn Cơm Tấm Cali tốt hơn!
Thế là phe ta mặt mũi tái mét, líu ríu quay đầu xe chạy một mạch sang ăn uống tại “ao nhà” cho nó lành. Cái gì chứ đụng đến ổ dịch Vũ Hán thời điểm đó là toi mạng.
Tin tức về con cúm Vũ Hán phát tán như thế nào? Gia phả ba đời của nó từ đâu ra: “Ngôi chợ trời hải sản của thành phố Vũ Hán hay phòng thí nghiệm P4?“. Lúc ấy chỉ là thuyết âm mưu!
Tôi miệt mài nghe chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa thủ thỉ bên tai những “Giải ảo thời sự” bằng youtube, nên cũng nắm bắt được một số ít thông tin cần thiết, không phải bỡ ngỡ trước biến cố đổi đời lẫn đổi mạng.
Những ngày du xuân quý báu thật ngắn ngủi, tôi phải tận hưởng từng phút giây. Đến Las Vegas, kinh đô của ánh sáng và các sòng bài quốc tế. Rất tiếc trong người tôi không có máu ăn thua cờ bạc, nhiều khi lại chứa cả “gen“ chống lại cờ bạc, nên ngày nào cũng đi ngang qua các cạm bẫy cả chục lần mà lòng vẫn dửng dưng. Chắc các chủ tiệm Casino lừng danh thế giới ở Las Vegas chúa ghét những loại người có “Antigen cờ bạc” cỡ như tôi!
Vậy đến chỗ thiên đường của kéo máy, sóc bài này để làm gì? Tôi chỉ thích đi ngắm cảnh, ngưỡng mộ các hào nhoáng về lối kiến trúc của những tòa nhà tráng lệ, về những vườn hoa trang trí thật cầu kỳ, các show trình diễn free và cả trả tiền đắt giá nếu diễn viên thuộc loại nổi tiếng. Một thành phố không bao giờ ngủ yên với ánh đèn lấp lánh muôn màu.
Thời điểm ấy ra đường ít ai chịu đeo khẩu trang, thỉnh thoảng gặp một cô nàng tóc đen trong nhóm những người tóc đen đi ngược chiều lại, đeo khẩu trang. Hình ảnh ấy trông thật phản cảm, chẳng làm ai hài lòng vì nghĩ cái người ấy đang bị bệnh có liên quan đến đường phổi nên giữ gìn không muốn lây sang người khác. Nghĩa là gặp ai đeo khẩu trang đều phải lánh xa.
Khổ nỗi lúc ấy, du khách viếng Las Vegas đa số là người Trung Quốc. Đến chỗ nào cũng gặp họ, thường là từng đoàn, từng nhóm, nói chuyện ồn ào như vỡ chợ.
Bình thường tôi rất dễ thương và vui vẻ với nhóm người này, nhưng hiện tại trong tình thế “Corona, xa ta ra“, tôi đâm ra kỳ thị với nhóm người này. Cứ nghĩ họ là nguyên nhân gây ra bệnh, đem dịch Covid từ Vũ Hán sang. Cả thế giới chỗ nào lại không có người Trung Quốc. Rồi thêm sự ám ảnh của những tin tức từ Vũ Hán, những Video khiếp sợ được lén lút truyền ra bên ngoài, người chết vì Covid-19 như rạ, thiêu đốt ngày đêm không hết.
Nghĩ cũng lạ, nhìn lại mình cũng tóc đen, mũi thấp, da vàng như rứa! Có khác gì hơn đâu mà bày trò kỳ thị chán ghét! Tuy nhiên tôi vẫn ghét, vì trong máu lỡ nhiễm độc tố “Tàu lạ ác gian” ngoài Biển Đông, nên chạm tới họ là tôi bị dị ứng rất khó chịu.
Những ngày cuối tại khu Sài Gòn Nhỏ, ngoài việc đi thăm viếng các danh lam thắng cảnh quanh vùng như Nhà Thờ Kính, Cây Đa trăm tuổi… Tôi nhờ bác Google tìm cho vài địa chỉ hàng quán nổi tiếng với món ăn ngon, ít nhất cũng đạt gần 5 điểm. Bác ấy chỉ đường đến quán Hủ tiếu Mỹ Tho của một đôi vợ chồng già chủ quán. Than ôi! Thời oanh liệt khách hàng đứng xếp hàng dài chờ bàn trống nay còn đâu! Quán vắng hoe! Chẳng ma nào đến, thỉnh thoảng có người đến mua mang về vì sợ gặp con phải gió Cô Vi.
Bà chủ quán đứng tuổi người Nam, nói chuyện rất dễ thương, đã chịu khó trả lời câu hỏi về sự khác biệt giữa Hủ tiếu Mỹ Tho và Nam Vang. Để cuối cùng chọn tô Hủ tiếu Nam Vang, vì tôi sợ miếng gan heo trên tô Hủ tiếu Mỹ Tho. Bà còn quảng cáo món Mì gõ nổi tiếng của quán, khách phương xa đến chỉ đòi Mì gõ. Tôi tiếc thầm trong bụng, hứa với lòng, lần sau đến nhất định sẽ gọi tô Mì gõ.
Và làm gì có lần sau, chỉ vài tuần sau đó nước Mỹ đã bị con Corona dần cho một trận tơi tả. Du khách như tôi chỉ nằm mơ cũng không dám nghĩ đến ngày trở lại. Mà có trở lại cũng không thể như ngày xưa trước thời Cô Vi. Đấy là một thực tế đau lòng!
Nhưng con người vẫn sống bằng niềm tin, bằng tia hy vọng, cho dù ở cuối đường hầm. Tết con Trâu tôi nhớ về quá khứ ăn tết con Chuột ở Phước Lộc Thọ, gần tết con Cọp tôi chờ đợi chính phủ Mỹ mở cửa cho vào. Tại sao tôi lại phải gấp gáp như thế? Vì quỹ thời gian của tôi không còn được nhiều nữa, ngày nào chân còn cứng, đầu gối chưa long, tôi phải thực hiện các ước mơ đi đến những nơi mình thích đến.
Đã hai năm nay, cô nàng Cô Vi đã cản bước đi của tôi, rồi còn đem hai chữ “Vô Thường” ra dọa nạt nữa. Nếu nói không sợ là tự đang dối lòng, cô ấy làm thật đấy! Đã bao nhiêu người đã nằm xuống vì Cô. Vì Cô tôi phải bấm bụng tiêm liều hai mũi cho được miễn nhiễm cộng đồng, được đi lại tự do những nơi công cộng đông người. Một quyền tự do cơ bản có ghi trong hiến pháp.
Nhớ bài hát xưa “Tết, tết, tết… Tết đến rồi! Tết đến trong tim mọi người“. Vâng, trong tim ai cũng có một cái Tết, một xuân yêu thương được tiềm tàng trong ký ức thời còn đón Tết tại quê nhà. Mỗi người một ký ức riêng tư đầy hoa mộng, không thể phôi phai. Nhưng tình thế hiện nay tại quê nhà mới thật đau lòng khi phải nghĩ đến chuyện đón xuân vui chơi trong ba ngày tết với nàng Cô Vi. Như tình trạng chung của bao Việt kiều muốn về Việt Nam ăn Tết, tôi phải chờ đến bao lâu nữa? Chờ đến bao giờ…?
Trong lúc chờ đợi, tôi có thể phiếm luận chiều xuân về các câu ca dao tục ngữ đã được các “Thầy dùi” thời Cô-vít xuất khẩu thành vè đổi thay cho phù hợp với tình thế mới.
. Chẳng hạn ai kia quá chán nản, thụ động, chẳng biết làm gì hơn là cầu xin trời đất, trăng sao đuổi cổ cô nàng Cô-vít ra khỏi cuộc đời:
Trông trời, trông đất, trông mây.
Trông sao cho hết những ngày Cô Vi.
. Hay chơi màn “Kiều lẩy”, đổi cả thơ của cụ Nguyễn Du:
Người đâu gặp gỡ làm chi?
Người về dương tính, cách ly cả phường.
. Có người ví mình phận mỏng như cánh chuồn, chỉ biết bay lượn vu vơ, nhưng gặp thời buổi Cô Vi thì cũng chịu cảnh cách ly:
Thân em như cánh chuồn chuồn.
Sáng vui bay lượn, chiều buồn cách ly.
. Chỉ thương cho những trẻ thơ thời Cô-vít mong chờ những câu hát ru con của mẹ hiền:
Cái ngủ mày ngủ cho sâu.
Mẹ mày dương tính, còn lâu mới về.
. Và các em học sinh sẽ chờ đợi ngày khai giảng một cách mỏi mòn:
Con ơi nhớ lấy câu này.
Khai giảng chưa biết là ngày nào đâu?
. Hình ảnh những gia đình đoàn tụ nay còn đâu:
Khắp nơi con cháu ba kỳ.
Đứa thì F1, đứa thì F2.
. Một thực tế phũ phàng cho sự nhận định, thế nào là “Hàng thiết yếu” và “không thiết yếu“. Chẳng hạn như lời phát ngôn của một anh Công an ở Nha Trang, nhất quyết cho bánh mì là thứ hàng không thiết yếu, để bắt phạt một anh công nhân khốn khổ, đói quá phải ra đường mua bánh mì ăn đỡ. Có lẽ anh Công an này gốc Trung Quốc nên ít ăn bánh mì:
Dù ai buôn bán trăm nghề.
Hàng “không thiết yếu”, đừng bê ra đường.
. Tết năm Nhâm Dần, một năm đầy tốt đẹp nếu nhà sinh được con trai, vì “hổ tử” lót chữ Nhâm rất tốt cho đúng với câu “nam Nhâm, nữ Quý”. Nhưng thời buổi Cô Vi, ai biết được tương lai sẽ sáng láng như thế nào? Chỉ biết rằng hiện tại đang than ngắn thở dài với câu:
Chiều chiều ra đứng ngõ sau.
Nghĩ về Cô-vít, ruột đau chín chiều.
Hoa Lan
Đầu Xuân 2022
Không có nhận xét nào