Header Ads

  • Breaking News

    Gs. Nguyễn Văn Tuấn : Xét nghiệm huyết thống vẫn có thể sai lầm


    Hình minh hoạ xét nghiệm STR để xác định quan hệ huyết thống. Trong hình, người con có mẫu tự 9,11; trong đó mẫu tự 11 là từ cha và 9 là từ mẹ. Nguồn: https://genetics.thetech.org/ask-a-geneticist/how-paternity-tests-work

    Nhiều người có vẻ tin rằng kết quả xét nghiệm quan hệ huyết thống dựa vào DNA là chính xác 100%, là không còn gì để tranh cãi. Rất tiếc rằng quan điểm này sai. Kết quả xét nghiệm DNA vẫn có thể sai, và tỉ lệ sai lầm có thể dao động trong khoảng 1% đến 30%. Sai lầm có thể là vô ý nhưng cũng có thể cố ý.

    Để xác định mối quan hệ huyết thống, xét nghiệm DNA là một phương pháp có độ chính xác cao. Dĩ nhiên là không thể chính xác 100%, nhưng nếu xét nghiệm làm đúng qui trình khoa học thì đa số kết quả đều đạt độ chính xác gần 100%.

    Vì ý nghĩa quan trọng của việc xét nghiệm huyết thống, không phải labo nào cũng được phép làm. Ở Úc, chỉ có các labo từ bệnh viện hay tư nhân được nhà chức trách phê chuẩn và đạt tiêu chuẩn khoa học mới được làm xét nghiệm huyết thống. Xét nghiệm huyết thống chỉ được làm với sự đồng thuận của ‘khách hàng’. Lấy mẫu máu của người ta đi làm xét nghiệm mà người ta không biết là một vi phạm về nhân quyền và vi phạm đạo đức khoa học.

    Phương pháp xét nghiệm DNA phổ biến là Short Tandem Repeat (STR tests). Mỗi STR là một đoạn DNA có nhiều chữ, và mỗi chữ chỉ có 2 hay 4 mẫu tự được lặp lại nhiều lần. Tạm gọi mỗi STR là ‘locus’ (số nhiều là ‘loci’), và những chữ là ‘allele’. Mỗi locus có nhiều allele. Mỗi chúng ta có loci giống nhau: chẳng hạn như tôi có 3 loci vWA, FGA, D21S11, thì các bạn cũng có 3 loci đó. Tuy nhiên, tập hợp các allele của 3 loci đó thì rất khác nhau giữa chúng ta. Bởi vì 50% DNA của người con là từ người cha; do đó, nếu hai người có quan hệ huyết thống thì khoảng 50% tập hợp những allele của các loci này của người con và người cha phải giống nhau.

    Nhưng kết quả xét nghiệm có thể sai lầm. Sai lầm có thể là cố ý hay vô ý. Sai lầm cố ý phổ biến là người ta can thiệp vào DNA và biến kết quả dương tính thành âm tính (hay ngược lại). Có người vì lí do nào đó sửa kết quả xét nghiệm theo ý họ. Đây là những trường hợp vi phạm pháp luật, và đó cũng chính là lí do tại sao người ta không đặt niềm tin vào những xét nghiệm do cảnh sát làm.

    Sai lầm cũng có thể xảy ra ngay từ khâu thu thập mẫu xét nghiệm. Mẫu xét nghiệm thường là mẫu máu hay/và niêm mạc từ trong miệng. Công đoạn lấy mẫu dùng swab cũng có thể gây ra sai sót vì lấy mẫu sai chỗ. Nếu mẫu xét nghiệm lấy từ miệng thì người đó phải nhịn ăn uống và không hút thuốc trước đó ít nhứt là 1 giờ. Mặc dù ăn uống không làm thay đổi DNA, nhưng ảnh hưởng đến chất lượng của mẫu và làm cho việc trích xuất DNA khó khăn. Ngoài ra, mẫu xét nghiệm phải được bảo quản đúng nhiệt độ và điều kiện vô trùng trước khi làm xét nghiệm. Nếu quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn thì mẫu có thể bị nhiễm, và kết quả xét nghiệm sẽ sai.

    Labo cũng có thể sai vì cách họ xử lí mẫu xét nghiệm không tốt, làm cho mẫu bị nhiễm nên cho ra kết quả sai. Labo cũng có thể lộn mẫu xét nghiệm của người này sang người khác, hay trộn mẫu xét nghiệm, tất cả đều dẫn đến kết quả sai.

    Trong xét nghiệm huyết thống, tỉ lệ sai lầm có thể lên đến 30% [1], nhưng đa số là các nghiên cứu từ thập niên 1980. Tỉ lệ sai lầm thật có lẽ 5-10%, và đó là con số ở các nước có nền khoa học tiên tiến. Còn sai lầm về xét nghiệm DNA huyết thống ở Việt Nam thì chưa ai nghiên cứu nên chưa biết chính xác là bao nhiêu, nhưng chắc chắn có xảy ra trong thực tế.

    Do đó, kết quả xét nghiệm quan hệ huyết thống dựa trên DNA không hẳn mang tính xác định. Xét nghiệm nào cũng có sự bất định, và điều này thì chúng ta đã biết qua xét nghiệm Covid.

    Tôi thấy trong vài ngày qua chỉ có 2 luật sư là tỏ ra bình tĩnh và có suy nghĩ (thoughtful) trước thông tin giám định DNA những người trong Thiền Am. Còn lại thì người ta có vẻ quá dễ tin vào cái tài liệu cắt xén của công an (?) do ai đó tung lên mạng. Tiếp tay phát tán những thông tin của kẻ ác là một hành vi ác ôn vậy. Người biết chút về khoa học và biết suy nghĩ cần phải duy trì mức độ đề kháng cần thiết để chống lại những thông tin nặc danh với nội dung rất nhạy cảm liên quan đến những con người thật.

    Hình như người ta đã quên vụ án “hai bao cao su đã qua sử dụng“. Hoá ra Tản Đà vẫn có lí: “Dân hai lăm triệu ai người lớn / Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.”

    ______

    [1] https://jech.bmj.com/content/59/9/749

    Báo chí của Nhà nước có dịp tung ra những cái tít mâu thuẫn nhau. Lúc thì nói đang điều tra. Lúc thì nói đã khởi tố. Thật không biết đâu mà lường. Nhiều khi tôi nghĩ xã hội Việt Nam ngày nay kinh khủng quá. Có xã hội văn minh nào mà người ta tung lên mạng những thông tin DNA với những tên họ cụ thể? Có xã hội văn minh nào mà báo chí kết tội người ta trước khi người ta ra toà? Có xã hội văn minh nào mà luật sư (hi vọng là luật sư thật) lên mạng thoá mạ những cá nhân một cách vô cớ? Có xã hội văn minh nào mà công an bắt người ta nhưng chưa xác định tội danh gì để khởi tố? Có xã hội văn minh nào mà báo chí vu cáo loạn luân trong khi chưa có bằng chứng độc lập? Chỉ có xã hội Việt Nam thời nay.


    Năm ngoái, có một tờ báo của Nhà nước cũng tung tin về loạn luân, nhưng cũng tờ báo đó sau đó xoá bỏ thông tin về loạn luân. Sao mà vu cáo người ta dễ dàng như thế?!

    Nguyễn Văn Tuấn Blog


    Không có nhận xét nào