Nhiều luật sư tại Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích những quy định phòng dịch nghiêm ngặt tại nước này, đồng thời cho rằng chúng đã gây tổn hại nặng nề đến cuộc sống người dân.
Trong suốt hai năm của đại dịch, giới chức Trung Quốc luôn nhanh chóng phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt khi xuất hiện ca nhiễm nCoV trong cộng đồng. Hai năm sau khi lần đầu sử dụng Zero Covid-19, chính phủ Trung Quốc vẫn chưa tỏ dấu hiệu thay đổi chiến lược, dù gần như cả thế giới đã chuyển sang mở cửa lại và tìm cách sống chung với virus.
Trước thềm Thế vận hội mùa đông ở Bắc Kinh và Tết Âm lịch, Bắc Kinh vẫn kiên quyết đưa ca nhiễm về 0, dù đã có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều người mệt mỏi trước chiến lược này.
Nhiều thiệt hại
Nhiều vụ việc đã tạo nên một cuộc tranh luận trực tuyến về việc áp dụng những quy tắc phòng dịch. Tuần trước, một quan chức của huyện Đan Thành, thuộc tỉnh Hà Nam, đã đe dọa sẽ giam giữ những người từ vùng có nguy cơ trung bình hoặc cao khi họ về quê ăn Tết.
Ngoài ra, vào đầu tháng này, hai sản phụ ở Tây An đã sảy thai do quá trình nhập viện điều trị bị chậm vì các hạn chế liên quan đến Covid-19
Giờ đây, giáo sư tại một trong những trường đại học hàng đầu của Trung Quốc đã kêu gọi nhà chức trách dừng việc thực thi pháp luật quá mạnh tay, đồng thời ghi nhận sự hy sinh của người dân khi sống dưới các hạn chế.
Trong một bài báo trên tạp chí Newsweek của Trung Quốc, giáo sư Shen Kui, thuộc trường luật của Đại học Bắc Kinh, cho biết chính quyền các cấp nên bồi thường thiệt hại về vật chất và tâm lý mà những hạn chế nghiêm ngặt gây ra cho người dân.
Ông Shen cho biết chiến lược Zero Covid-19 gây ra những biến động trong cuộc sống của những ca mắc, ca nghi nhiễm hoặc những người bị yêu cầu cách ly hay nằm trong diện phong tỏa.
“Những thay đổi như vậy có thể gây ra những khó khăn lớn cho cuộc sống hàng ngày của một số người, làm gián đoạn nguồn cung thực phẩm, chỗ ở, việc điều trị y tế và sinh đẻ”, ông nói.
Trích dẫn luật phòng chống và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc, ông Shen cho biết chính phủ có trách nhiệm đảm bảo sinh kế của những người bị cách ly. Đồng thời, chính phủ phải bồi thường cho những người hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng.
“Nguyên tắc cơ bản này đã được thừa nhận. Nó cũng được quy định rõ ràng trong hiến pháp và các luật khác của đất nước chúng tôi”, ông cho biết trong một bài báo.
Ngoài ra, ông Shen cho rằng chính phủ nên xin lỗi và cảm ơn những cá nhân bị ảnh hưởng, đồng thời kiềm chế việc thực thi pháp luật quá mạnh tay.
“Các nhà chức trách cũng phải ngăn chặn tất cả tình huống có thể gây ra bất lợi lớn hơn cho số ít những người đã đặc biệt hy sinh”, ông Shen nói.
Đặt phòng dịch lên trên hết
Zhang Qianfan, giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, cho biết việc kiểm soát dịch bệnh đã trở thành một “chiến dịch” của cơ quan thực thi pháp luật nhằm đưa số ca nhiễm xuống 0, với cái giá là quyền tự do cá nhân.
Đề cập đến trường hợp của hai phụ nữ ở Tây An bị sảy thai và những người khác không thể điều trị trong thời gian bị phong tỏa, giáo sư Zhang nhận định rằng điều đó cho thấy “chính phủ đang không cân bằng việc kiểm soát dịch bệnh với các nhu cầu khác”.
Nhiều luật sư khác đã nêu bật sự thái quá trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Qu Zhenhong, một luật sư tại Công ty Luật Beijing Huayi, nói rằng ở một số nơi, việc phòng chống dịch bệnh “được đặt lên trên hết”.
“Sự việc ở Tây An phản ánh rõ hơn rằng việc phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng hơn mọi thứ. Điều này thật vô lý”, bà Qu nói.
Bà cho biết chiến dịch tiêm chủng ở thành phố Lâm Hạ, thuộc tỉnh Cam Túc, cũng là một trường hợp gây tổn hại đến quyền và lợi ích của người dân.
“Vấn đề tiêm chủng đã được nhấn mạnh nhiều lần vào tháng 7-8/2021, khiến những nơi như Lâm Hạ đã áp dụng việc tiêm chủng ép buộc. Điều này gây tổn hại đến quyền và lợi ích của nhiều công dân”, bà Qu cho biết.
Bà cho biết lệnh cấm những người chưa tiêm chủng đến nơi công cộng là một sự che đậy của yêu cầu tiêm vaccine bắt buộc. Bà đã gửi thư cho chính quyền Lâm Hạ vào năm ngoái để yêu cầu họ sửa lệnh.
Theo giáo sư luật Zhang Jianwei của Đại học Thanh Hoa, việc các quan chức địa phương muốn giữ chức, thay vì nghĩ tới lợi ích của dân chúng, cũng là nguyên nhân dẫn đến thực thi pháp luật quá mạnh tay.
Ông cho biết thêm rằng những vấn đề phát sinh trong đại dịch càng làm nổi bật thực tế rằng quyền tự do của cá nhân không được tôn trọng trong quá trình quản lý xã hội.
“Một số cán bộ có tâm lý lo sợ nếu có ca mắc xuất hiện, sự nghiệp của họ sẽ bị ảnh hưởng, từ đó muốn loại bỏ rủi ro. Kết quả là những biện pháp ngăn chặn dịch đã bị lạm dụng quá nhiều", ông nhận định.
Không có nhận xét nào