Header Ads

  • Breaking News

    Cửa khẩu Việt-Trung: 'Khả năng Bắc Kinh muốn gửi tín hiệu 'răn đe' Hà Nội



    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Việc Trung Quốc chặn hàng hóa Việt Nam ở biên giới đã diễn ra vài tuần nay nhưng Việt Nam vẫn chưa thể tìm ra giải pháp nào khác ngoài những lời kêu gọi 'giải cứu' trong cộng đồng.

    Trong bối cảnh Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục chặn hàng hóa Việt Nam trong nhiều tháng nữa, câu hỏi được đặt ra là đâu là nguyên nhân thực sự phía sau thực trạng này và giải pháp cho Việt Nam là gì.

    BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn nhà nghiên cứu Trung Quốc, thạc sĩ Ngô Tuyết Lan về vấn đề này.

    BBC: Có thể có những nguyên nhân thực sự nào phía sau việc Trung Quốc chặn hàng Việt Nam ở biên giới, thưa bà?

    Ngô Tuyết Lan: Thứ nhất, chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", do đó siết chặt quản lý và hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu ở các cửa khẩu thông thương, đặc biệt cửa khẩu trên bộ với Việt Nam.

    Ngày 17/8/2021, tại cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai), Trung Quốc tuyên bố phát hiện dấu Sars-cov2 trên trái thanh long Việt Nam và ngừng nhập khẩu. Đến 27/11/2021, Trung Quốc ngừng nhập khẩu toàn bộ trái cây tươi Việt Nam. Đến nay cửa khẩu này vẫn đóng đối với trái cây Việt Nam.

    Mới đây, cơ quan phòng chống dịch thành phố Bằng Tường cũng thông báo sẽ tạm ngừng nhập khẩu thanh long Việt Nam trong 4 tuần do 3 lô hàng thanh long Việt Nam xét nghiệm có virus Sars-cov2.

    Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, Sars-cov2 có lây qua thực phẩm không ? Hiện nay, WHO và các nhà khoa học đều nêu rõ không có bằng chứng xác nhận con người nhiễm Sars-cov2 qua thực phẩm hay bao bì đóng gói thực phẩm.

    Thứ hai, trái cây Việt Nam xuất sang Trung Quốc đa phần qua con đường "tiểu ngạch", tự phát, rủi ro cao và thụ động khi phía Trung Quốc thay đổi chính sách. Việc xuất khẩu các sản phẩm này sang Trung Quốc phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở - những điểm thông quan thường bị đóng đầu tiên khi dịch bệnh bùng phát.

    Hiện chỉ có 9 loại trái cây của Việt Nam được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc do hai nước chưa đàm phán xong về quản lý chất lượng hàng nông sản, dù Việt Nam đã ký FTA với Trung Quốc nên nhiều nông sản được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi xuất vào nước này. Những loại trái cây khác xuất qua đường tiểu ngạch.

    Đáng chú ý là, nông dân và thương lái cả hai phía hiện vẫn chuộng hình thức truyền thống - giao dịch qua đường tiểu ngạch. Một phần là do đặc tính của nông sản tươi, thời gian bảo quản ngắn hạn, nên cần giao dịch, vận chuyển nhanh gọn.

    Một thương nhân Việt Nam chuyên kinh doanh ở biên giới Việt Trung cho tôi biết, "tiểu ngạch" cũng có nhiều nghĩa.

    Thông thường, theo con đường tiểu ngạch, các thương lái không ký trước hợp đồng mà vận chuyển hàng trực tiếp lên cửa khẩu rồi mới tìm đối tác Trung Quốc và đàm phán giá. Sau đó xe hàng của Việt Nam cùng với đối tác Trung Quốc chạy thẳng qua các cửa khẩu chính thức hoặc lối mở, vận chuyển hàng đến kho ở phía Trung Quốc.

    Thương lái Trung Quốc thường làm việc trực tiếp với hải quan Trung Quốc theo hình thức chung chi. Bằng cách nào đó hải quan sẽ cho hàng thông quan mà không cần kiểm dịch cũng như các giấy tờ kê khai thuế.

    Một loại hình "tiểu ngạch" khác là, ví dụ 10 xe hàng thông quan qua cửa khẩu, thì 3 xe khai báo theo chính ngạch, số còn lại không ghi trong giấy tờ hoặc ghi sai tên hàng hoá. Đây có thể là lý do chính khiến các thương lái 2 bên ưa chuộng phương thức tiểu ngạch, vừa nhanh gọn vừa giảm chi phí.


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Chụp lại hình ảnh, Cửa khẩu Lào Cai

    Tuy nhiên rủi ro là, nếu chính quyền cấp trung ương hay địa phương Trung Quốc siết chặt quy định, đóng cửa các lối mở hay siết chặt giám sát hoạt động ở cửa khẩu, thì chuỗi cung ứng sẽ đứt gãy mà thiệt hại đương nhiên thuộc về phía thương lái Việt Nam.

    Hiện nay, trong số các xe đang ùn ứ ở cửa khẩu, rất nhiều xe tự phát, chưa tìm được người mua bên Trung Quốc, chưa làm thủ tục xuất khẩu, chứ không hoàn toàn đều là những xe đang chờ thông quan hay bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc.

    Thứ ba, Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu nông sản số một của Việt Nam, do thị trường lớn, vị trí địa lý thuận tiện. Nhu cầu tiêu thụ hoa quả trên thị trường Trung Quốc dịp cuối năm rất lớn. Vì vậy, mặc dù có lệnh cấm biên từ phía Trung Quốc và chính phủ Việt Nam lên tiếng cảnh báo nhưng vẫn không ngăn chặn được dòng xe vận chuyển trái cây từ các tỉnh phía nam, nam trung bộ, Tây Nguyên đến các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh ở Lạng Sơn.

    Thứ tư, quan sát Trung Quốc nhiều năm, đặc biệt những biến động trên chính trường và xã hội nước này dưới thời ông Tập Cận Bình, tôi cho rằng mọi hoạt động đối nội, đối ngoại, ngoại thương của Việt Nam đều bị chi phối bởi các toan tính và lợi ích chính trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.

    Do đó, ẩn dưới các chính sách đóng mở thất thường cửa khẩu biên giới không loại trừ khả năng lãnh đạo Trung Quốc muốn gửi đi tín hiệu "cảnh cáo" hay "răn đe" nào đó với Việt Nam, hoặc đơn giản là muốn gây tổn thất cho kinh tế Việt Nam.

    BBC: Việc chặn hàng hóa ở cửa khẩu như vậy có gây ảnh hưởng hay mang lợi ích gì cho Trung Quốc không?

    Ngô Tuyết Lan: Người dân và thương lái Trung Quốc có nhu cầu thực sự đối với hàng nông sản trái cây Việt Nam, do ưu thế địa lý, trái cây tươi ngon, chi phí vận chuyển thấp. Do đó, việc Trung Quốc cấm biên cũng gây thiệt hại đáng kể cho thương lái Trung Quốc và người dân nước này trong dịp cuối năm.

    Nhưng đáng chú ý là, hàng nông sản Trung Quốc, trong khi đó, vẫn được thông quan vào Việt Nam, chỉ bị chậm hơn trước một chút.

    Trong các giỏ hàng Tết bán ở Việt Nam thường có hoa quả dán tem từ Mỹ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc… nhưng thực ra nhiều sản phẩm là hàng Trung Quốc ẩn dưới các lớp tem.

    Tóm lại, nông dân Việt xuất khẩu hoa quả loại một sang Trung Quốc giá thấp và thậm chí bị chặn không cho thông quan. Trong khi người dân Việt Nam trong nước tiêu thụ hoa quả đắt tiền nhập từ Trung Quốc dưới mác "sạch và xịn".

    BBC: Việc bị chặn hàng hóa ở cửa khẩu như vậy đã xảy ra từ lâu, tại sao Việt Nam chưa thể cùng Trung Quốc bàn thảo để đưa ra giải pháp?

    Ngô Tuyết Lan: Tình trạng này đã được Bộ Công thương, Cục Xuất Nhập khẩu Việt Nam dự báo sớm và thường xuyên có văn bản khuyến cáo gửi các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, hộ nông dân. Theo trang chinhphu.vn, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã có 3 cuộc điện đàm trực tuyến với các đối tác Trung Quốc và 10 cuộc làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc ở Việt Nam để giải quyết tình trạng ùn tắc hàng hoá ở cửa khẩu.

    Nhưng thương lái vẫn ùn ùn đưa xe lên biên giới đường bộ.

    Điều đó cho thấy thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa trung ương với địa phương. Còn tồn tại khoảng cách giữa hoạch định chính sách và tính hiệu quả của quyết sách khi đưa vào thực tiễn. Không thực thi chính sách một cách triệt để.

    BBC: Bà có bình luận gì về các biện pháp giải cứu nông sản, hàng hoá hiện nay của Việt Nam?

    Ngô Tuyết Lan: Tôi cho rằng Việt Nam nên chấm dứt biện pháp kêu gọi 'giải cứu nông sản và hàng hoá'. Đây là biện pháp tình thế, cảm tính và không có lợi cho tất cả các bên.

    Nông dân là phía chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vì khi phải giải cứu, có nghĩa là sản phẩm không tiêu thụ được theo như kế hoạch ban đầu của họ, có dấu hiệu hỏng nên phải "giải cứu" với giả rẻ thậm chí như cho không.

    Nhiều tiểu thương cho biết, giải cứu chỉ giải quyết được một phần nhỏ hàng tồn đọng. Số hàng còn lại phần lớn không kịp tiêu thụ, phải bỏ đi. Tóm lại, nông dân lỗ nặng khi rơi vào tình cảnh "giải cứu".

    Về phía người tiêu dùng, khi mua giải cứu là mua các sản phẩm không xuất khẩu được, không được kiểm định chất lượng, đa phần sắp hỏng, chất lượng không đảm bảo.

    Trên hết, "giải cứu" nông sản là biểu hiện của sự phát triển thiếu chiến lược vĩ mô, không bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam.

    BBC: Giải pháp trước mắt và lâu dài cho Việt Nam trong vấn đề này là gì?

    Tôi đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ, các bộ ngành hữu quan, Đại sứ quán Việt Nam ở Trung Quốc đưa ra:


    Nguồn hình ảnh, Getty Images

    Thứ nhất, tiến tới chấm dứt hoạt động tiểu ngạch truyền thống không có hợp đồng thương mại, đường mòn, lối mở. Khuyến khích xuất khẩu chính ngạch, hai bên có hợp đồng, mở chứng thư bảo lãnh ngân hàng, hợp đồng bồi thường bảo hiểm.

    Chuyển sang vận tải theo đường biển và đường sắt để tránh tập trung về các cửa khẩu đường bộ, vì hàng hoá vận chuyển bằng đường sắt có thể chạy thẳng vào nội địa Trung Quốc không cần dừng chờ thông quan. Vừa an toàn trong phòng dịch lại giảm chi phí vận chuyển, bằng nửa thời gian vận chuyển bằng đường biển.

    Tuy nhiên, nếu không thay đổi được tư duy của nông dân và doanh nghiệp, thiếu các chính sách hỗ trợ, lộ trình phát triển và chế tài thì rất khó để chấm dứt hoạt động tiểu ngạch ở các cửa khẩu biên giới trên bộ. Vận tải bằng đường sắt và đường biển đều qua con đường chính ngạch, vừa không khả thi đối với một số nông sản và vừa không phải ưu tiên hàng đầu của nông dân. Khổ đường sắt Việt Nam là 1.000mm, của Trung Quốc là 1.435mm nên vẫn phải làm một số thủ tục trung chuyển ở cửa khẩu.

    Thứ hai, đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường trong nước, giảm áp lực xuất khẩu. Hiện nông dân và thương lái Việt thường xuất khẩu sản phẩm loại một, và bán sản phẩm loại hai trong nước. Giá xuất khẩu sang Trung Quốc thấp hơn giá bán trong nước và tiềm ẩn rủi ro khi xuất hàng qua đường tiểu ngạch, nhưng nông dân vẫn làm vì Trung Quốc là thị trường lớn.

    Tôi cho rằng nông dân và thương lái Việt nên chú trọng hơn thị trường nội địa vô cùng tiềm năng, nên cung cấp hoa quả loại một cho người tiêu dùng trong nước. Để người tiêu dùng Việt không phải chờ lúc nông dân kêu cứu mới đổ xô một cách cảm tính đi mua hoa quả loại một nay đã không còn đảm bảo chất lượng.

    Không gì tuyệt vời bằng ăn những hoa quả trồng trên chính địa phương mình sinh sống, phù hợp thổ nhưỡng, mùa nào thức đó, tươi ngon bổ dưỡng.

    Thứ ba, nâng tầm nông sản Việt từ đó đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Sản phẩm đáp ứng đủ chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc, mã vùng để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường "khó tính".

    BBC: Trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc nói chung, Việt Nam cần chú ý những điểm gì? Vì sao?

    Ngô Tuyết Lan: Quan hệ Việt Trung luôn bị chi phối bởi mối quan hệ giữa Đảng Cộng Sản hai nước. Lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam khi đưa ra các quyết sách kinh tế xã hội nên đặt lợi ích của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích chính trị giữa hai Đảng.

    Bên cạnh đó, không ngừng phát triển quan hệ đa phương, đa dạng hoá các mối quan hệ hợp tác kinh tế với nhiều quốc gia, giảm thiểu phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.

    Không có nhận xét nào