Một phân tích của nhà kinh tế Mỹ đã chỉ ra, chính quyền Trung Quốc có thể đã hạ thấp tỷ lệ tử vong do COVID-19 tới 170 lần trong một chiến dịch bưng bít dữ liệu một cách có hệ thống để duy trì hình ảnh chính trị của họ.
Từ đó, có thể ước lượng số người tử vong vì COVID-19 ở Trung Quốc là khoảng 1,7 triệu chứ không phải 4.636 – con số tử vong cộng dồn trong hai năm mà nhà cầm quyền Trung Quốc duy trì trong sổ sách. Con số suy đoán cao hơn con số chính thức 366 lần.
97% các trường hợp tử vong được ghi nhận chính thức là từ Vũ Hán trong ba tháng đầu tiên của đại dịch. Phần còn lại của đất nước chỉ thông báo vài trăm trường hợp tử vong.
Kể từ ngày 1/4/2020, chính quyền Trung Quốc chỉ báo cáo thêm hai trường hợp tử vong, khiến Trung Quốc trở thành nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất thế giới. Đây là điều mà Trung Nam Sơn, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc, mới khoe khoang tuần trước.
Chỉ số tử vong thấp đáng kinh ngạc này, vốn thấp hơn của Mỹ hàng trăm lần, đã khiến nhà kinh tế George Calhoun nghi ngại. Ông là giám đốc chương trình tài chính định lượng tại Viện Công nghệ Stevens.
“Điều đó là không thể. Không thể về khía cạnh y khoa, không thể về khía cạnh thống kê,” ông Calhoun nói với đài truyền hình NTD, một chi nhánh của Epoch Times.
Ông nói, “Hãy nhớ, hồi năm 2020, chưa có vắc-xin, chưa có phương pháp điều trị. Mà họ có một quần thể dân số không được bảo vệ, rồi họ lại cho biết không người tử vong do COVID, dẫu rằng họ có hàng chục nghìn ca nhiễm bệnh.”
Xem xét các hồ sơ công khai, các báo cáo nghiên cứu trước đó và phân tích mô hình bưng bít các vụ bê bối của chính quyền ĐCSTQ trong quá khứ, ông Calhoun đi đến kết luận rằng với ông dường như rất rõ ràng: Trung Quốc biến chính sách “Zero Covid” của họ thành một mục tiêu chính trị, và đang làm sai lệch dữ liệu một cách hệ thống để minh chứng cho tuyên bố của họ.
“Ai đó đã đưa ra một thông điệp vào quý đầu tiên năm 2020 và nói, ‘Chúng ta muốn Zero COVID. Đó là chính sách của chúng ta.’ Và rồi nó đã trở thành Zero COVID,” ông nói.
Những bất thường
“”Bằng chứng không thể chối cãi đầu tiên là việc giảm đột ngột số ca tử vong do COVID-19 kể từ tháng 4/2020 tại Trung Quốc đại lục sau khi có tốc độ lây nhiễm khủng khiếp,” ông Calhoun nói.
Từ 1/4/2020 tới 8/1/2022, có hơn 22.102 trường hợp mắc bệnh được báo cáo tại Trung Quốc đại lục, theo dữ liệu từ Trung tâm dữ liệu Mỹ Johns Hopkins. Cùng giai đoạn này, Trung Quốc chỉ báo cáo hai người chết.
Để so sánh, cùng giai đoạn này, Hồng Kông báo cáo số ca COVID-19 bằng khoảng một nửa con số của Đại lục, nhưng có 213 trường hợp tử vong.
Tỷ lệ tử vong ca bệnh (tỷ lệ những người nhiễm bệnh tử vong) tại Vũ Hán trong ba tháng đầu tiên của đại dịch trung bình khoảng 7,7%, cao hơn Mỹ năm lần và hơn mức trung bình thế giới bốn lần.
Theo ông Calhoun, khả năng có hai kịch bản: Hoặc virus gây chết người vào hồi đầu năm 2020 ở Vũ Hán nhiều hơn bất cứ nơi nào, tại bất cứ thời điểm nào; hoặc số người nhiễm bệnh chính thức ở Trung Quốc là quá thấp, ít nhất 3 tới 4 lần.
Trong 20 tháng sau đó, liên tiếp xảy ra việc thiếu dữ liệu về COVID-19 từ Trung Quốc. Kể từ tháng 9, Trung Quốc đã trở thành nước duy nhất không cung cấp dữ liệu đầy đủ về tỷ lệ tử vong dôi dư – tức là những trường hợp tử vong không thể giải thích nằm ngoài xu hướng bình thường để có thể đưa ra ước tính sơ bộ về những ca tử vong do COVID chưa được thống kê, một khảo sát từ Đại học Washington cho thấy,
Dựa trên một mô hình do The Economist phát triển, ông Calhoun cho rằng tỷ lệ tử vong dôi dư của Trung Quốc vào khoảng 170 lần, có nghĩa là nhà cầm quyền chỉ báo cáo chưa đến 1% tổng số tử vong do COVID-19. Ông nói thêm độ lệch này vượt quá cả những nước bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn do tình trạng bất ổn dân sự quy mô lớn, như Libya, Iraq, Afghanistan, và Venezuela. Các nước này đã báo cáo tỷ lệ tử vong do COVID-19 ít hơn tới 11 lần.
Việc báo cáo thấp hơn số ca tử vong do virus xảy ra ở nhiều nước. Dựa trên mô hình của Economist, con số chính thức của Mỹ hụt khoảng 30%. Tuy vậy, trường hợp Trung Quốc là quá mức.
“Con số quá lớn,” ông Calhoun nói về sự khác biệt giữa số liệu chính thức của Trung Quốc và ước tính số tử vong thực sự
Đánh giá của ông Calhoun trùng với bằng chứng truyền miệng từ các cư dân địa phương, những phát hiện từ của tài liệu nội bộ bị lộ ra cho Epoch Times, và những nghiên cứu về tác động của virus tại Trung Quốc. Tất cả đều chỉ ra rằng số liệu chính thức là bị cắt xén một cách trắng trợn.
Vào những tháng đầu khi đại dịch mới bùng phát tại Vũ Hán, một số nhân viên nhà tang lễ thành phố nói với Epoch Times họ phải làm việc liên tục để hỏa táng thi thể. Vào tháng Ba, hàng nghìn bình tro được chuyển đến một trong những nhà tang lễ, khi số người chết chính thức chỉ được công bố là hơn 2.000. Một tháng sau, chính quyền đã nâng con số ca tử vong lên thêm 50%, quy sự khác biệt lớn đó cho sự yếu kém của chính quyền.
Một nghiên cứu được công bố trên The Lancet hồi tháng Ba năm ngoái cho biết vào tháng 4/2020, khoảng 968.800 người ở Vũ Hán đã có kháng thể, có nghĩa là họ đã phát triển khả năng miễn dịch với virus sau khi bị nhiễm bệnh.
Những bất nhất về dữ liệu không chỉ xuất hiện ở Vũ Hán. Trong giai đoạn hai tuần hồi tháng 2/2020, một tài liệu nội bộ của cơ quan y tế Sơn Đông cho thấy gần 2.000 người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, nhưng chỉ 755 người nhiễm bệnh được ghi nhận công khai.
Các tài liệu bị rò rỉ cho thấy chế độ tiếp tục coi kiểm soát virus là một nhiệm vụ chính trị.
Trong tài liệu mà Epoch Times có được gần đây, một quan chức hàng đầu tại tỉnh Thiểm Tây, nơi có thủ phủ Tây An, đã ra lệnh thi hành “các biện pháp cứng rắn nhất” để ngăn chặn virus lan ra ngoài Tây An. Với Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang đến gần, việc dịch bệnh lan rộng sẽ gây ra “nguy cơ hệ thống” và “làm tổn hại hình ảnh quốc gia,” tài liệu viết.
Ngân Hà (dịch từ The Epoch Times)
Không có nhận xét nào