Lạm phát của Mỹ đã lên mức cao nhất trong gần bốn mươi năm do mất cân bằng cung cầu liên quan đến đại dịch, cùng với các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế của chính phủ.
Người tiêu dùng hiện nay phải tính toán kỹ chi tiêu gia đình do giá thực phẩm ngày càng cao – Minh họa: Imants Kaziļuns/Unsplash
Lạm phát của Mỹ đã lên mức cao nhất trong gần bốn thập niên do mất cân bằng cung cầu liên quan đến đại dịch, cùng với các biện pháp kích thích nhằm thúc đẩy nền kinh tế của chính phủ.
Bộ Lao Động cho biết hôm Thứ Tư 12 Tháng Một, chỉ số giá tiêu dùng (consumer price index – CPI) – đo lường mức giá mà người tiêu dùng phải trả cho hàng hóa và dịch vụ – đã tăng 7% trong Tháng Mười Hai 2021 so với một năm trước đó, cao hơn mức 6.8% trong Tháng Mười Một. Đây là mức lạm phát cao nhất kể từ năm 1982 và đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp lạm phát vượt mức 6%.
Cái gọi là lạm phát lõi (core inflation) – không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng thường xuyên biến động – đã tăng 5.5% trong Tháng Mười Hai so với một năm trước – cao hơn mức tăng 4.9% của Tháng Mười Một và là mức cao nhất kể từ năm 1991.
Nhưng tính theo tháng, CPI Tháng Mười Hai chỉ tăng 0.5% so với tháng trước, tốc độ tăng có phần chậm lại so với Tháng Mười và Tháng Mười Một.
Lạm phát cao đã khiến nhiều người tiêu dùng Mỹ phải kiềm chế chi tiêu.
Lần cuối cùng giá tiêu dùng đạt mức tăng hàng năm như vậy là vào Tháng Sáu năm 1982, nhưng hoàn cảnh lúc đó rất khác so với ngày hôm nay. Lạm phát ở Mỹ lên tới 14.8% năm 1980 khi cuộc cách mạng Iran 1979 đẩy giá xăng dầu lên cao. Lúc đó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) mới được bổ nhiệm là ông Paul Volcker đã đặt ra mục tiêu đè bẹp lạm phát bằng cách tăng mạnh lãi suất, gây ra một cuộc suy thoái ngắn vào năm 1980. Khi lãi suất đạt 19% vào năm 1981, một cuộc suy thoái sâu hơn đã bắt đầu. Vào mùa Hè năm 1982, cả lạm phát và lãi suất đều giảm mạnh.
Ngày nay, đại dịch COVID-19 gây ra sự gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt hàng hóa và nguyên liệu – đặc biệt là xe hơi – cùng với nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng và các biện pháp kích thích của chính phủ là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng lạm phát.
Giá xe hơi và xe tải đã qua sử dụng tăng tới 37.3% trong Tháng Mười Hai so với một năm trước, đồ nội thất phòng khách, nhà bếp và phòng ăn tăng 17.3%. Giá vé máy bay và đặc biệt là giá phòng khách sạn đã tăng trong Tháng Mười Hai dù giá vé cho các dịch vụ giải trí đã giảm.
Việc tăng giá năng lượng (xăng dầu) do gián đoạn liên quan đến đại dịch cũng như các yếu tố thời tiết và địa chính trị – đã có dấu hiệu bớt căng thẳng. Giá xăng giảm 0.5% trong Tháng Mười Hai so với tháng trước.
Tuy nhiên, giá lương thực vẫn cao, tăng 0.5% trong Tháng Mười Hai, chậm hơn một chút so với tháng trước. Các nhà cung cấp thực phẩm đã tăng giá trong năm tới từ 25% đến 35% so với mức giá trước đại dịch. Cho đến nay, khách hàng đang chấp nhận mức tăng vì không có lựa chọn nào khác.
Tổng thống Biden cho rằng để kiềm chế lạm phát còn nhiều việc phải làm.
Tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp tục. Báo cáo việc làm Tháng Mười Hai của Bộ Lao Động ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 3.9% từ 4.2% trong Tháng Mười Một. Mức lương trung bình theo giờ đã tăng 4.7% trong Tháng Mười Hai so với một năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình khoảng 3% trước đại dịch. Tăng lương góp phần đẩy lạm phát lên cao vì chúng hỗ trợ mức chi tiêu cao hơn, nhưng tăng lương cũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Vào Tháng Mười Hai, khoảng 49% doanh nghiệp nhỏ cho biết họ có kế hoạch tăng giá trong ba tháng tới, theo Hiệp hội thương mại quốc gia của các doanh nghiệp độc lập.
Các nhà kinh tế và Fed kỳ vọng lạm phát sẽ giảm bớt trong năm nay khi các nút thắt về nguồn cung được giải tỏa và nhu cầu trở lại bình thường, nhưng biến thể Omicron của COVID-19 đã làm tăng thêm sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế và đại dịch tiếp tục bùng phát mạnh. Điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới có lẽ là câu hỏi lớn nhất về chính sách kinh tế của năm 2022.
Chủ tịch Fed hiện nay Jerome Powell trong bài phát biểu trước Quốc Hội hôm qua Thứ Ba cho biết ông lạc quan rằng vấn đề gián đoạn chuỗi cung ứng sẽ giảm bớt trong năm nay và giúp giảm lạm phát. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý tình trạng thiếu lao động của Mỹ có thể là một vấn đề trong tương lai.
Lạm phát cao là tin xấu cho Tòa Bạch Ốc và các nhà hoạch định chính sách kinh tế vì giá cả tăng xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và phủ bóng đen bất định lên tương lai của nền kinh tế. Điều đó sẽ có ảnh hưởng xấu tới uy tín của đảng Dân Chủ cầm quyền khi chỉ còn mười tháng nữa là đến cuộc bầu cử Quốc Hội giữa kỳ. Trong một bài đăng trên Twitter sáng nay Thứ Tư, Tổng thống Joe Biden nói rằng lạm phát đã có dấu hiệu giảm tốc độ nhưng chưa hài lòng. “Chúng ta có tiến bộ trong việc làm chậm tốc độ tăng giá. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm – Tôi vẫn tập trung vào việc hạ chi phí của các gia đình và duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh”, ông Biden viết.
Tuần trước Fed công bố kế hoạch tăng lãi suất ba lần trong năm 2022 như một biện pháp kiềm chế lạm phát; nhưng với tình hình này có thể số lần tăng lãi suất sẽ nhiều hơn. Thị trường chứng khoán phản ứng tích cực trước thông báo của ông Powell trước Quốc Hội rằng Fed đang chuyển sang chiến lược chống lạm phát sau nhiều tháng nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị đại dịch tàn phá. Vào giữa phiên giao dịch hôm nay 12 Tháng Một, các chỉ số Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq đều tăng nhẹ so với hôm qua.
Không có nhận xét nào