Một đất nước mà ở đó, tuổi trẻ gào khóc, lên đồng tập thể, thiếu điều tự tử vì kết quả một trận bóng nhưng đồng loại, đồng bào, đồng tộc chết hơn hai mươi ba ngàn người trong vòng một tháng, chẳng có mấy người tuổi trẻ xúc động.
Một đất nước mà ở đó, người ta không quan tâm gì nhiều về giáo dục, văn hóa hay quyền con người, nhưng người ta quan tâm đến quyền được đi bão sau trận đấu, quyền được ăn nhậu, được hát karaoke, được đàn đúm trong lúc dịch giã hoành hành, đau đớn chết chóc…
Nhưng thực ra nó có kỳ lạ không? Câu trả lời là không! Bởi đó là luật nhân quả, đó là những gì chúng ta đã gieo rắc suốt nhiều năm nay thông qua giáo dục, quản lý hành chính, văn hóa, chính sách và cả chính trị.
Bởi giáo dục một chiều, ngoài mặt thì luôn có câu cửa miệng rằng “Tiên học lễ hậu học văn” nhưng bên trong thì đen tối, thối nát, không lễ cũng không văn, chỉ có những mưu đồ tư lợi, chỉ có những ý nghĩ lạng lách, đánh võng để đi đến đích quyền lực cho nhanh nhất và cao nhất. Một nền giáo dục mà mới gần đây nhất, ông Bộ trưởng Sơn phải nhấn mạnh rằng “quyền lực chuyên môn phải là quyền lực cao nhất”, chỉ như vậy cũng đủ hiểu được nền giáo dục đó đang ở đâu, ngồi vị trí nào trong xã hội loài người.
Một nền hành chính mà ở đó, những người làm công tác quản lý, thật hiếm hoi người có chữ nghĩa thực thụ, mua bằng bán chức, luồn lách chui sâu ngồi cao, và cái ghế quyền lực chính là tài sản kếch xù, chỉ cần đạt được nó, người ta có thể tha hồ hô mưa gọi gió cho đến khi bị phát giác thì lại bán đàn em, đẩy thuộc cấp vào tù và chung chi cho đàn em, cho thuộc cấp bằng chính khoản tiền vừa bán được cái ghế trống của đàn em… Cuộc chơi dai dẳng và bất chấp, làm đảo lộn mọi thứ.
Nói về văn hóa, có lẽ phải hiểu rằng đây là một thứ văn hóa trái dấu, nơi cơ quan văn hóa cũng là nơi hành xử thiếu văn hóa nhất, nơi làm công tác văn hóa cũng là nơi kém văn hóa nhất. Từ việc cắt xén, tùng xẻo văn bản, tác phẩm cho đến tùng xẻo các khoản tài chính, tùng xẻo văn hóa, trộm cắp văn hóa, tạo ra những đám đông văn hóa mà ở đó, hò hét, a dua, trộm cắp, lén lút… được ưa chuộng và người ta không làm gì khác ngoài các hành xử này.
Từ chỗ giáo dục thực dụng, văn hóa bản năng, quản lý mờ ám và tham lam, không gian xã hội trở nên ngợm mùi vật dục, cùng phát triển song hành với chủ nghĩa vật dục, thứ triết lý xuyên suốt để người Cộng sản làm cách mạng của họ cho đến khi thống nhất hai miền và sau đó là những đợt thanh trừng có động cơ vật dục, rồi tiếp theo là những đợt vùi dập phe đối phương bằng các trại cải tạo, tạo nên làn sóng thuyền nhân lớn nhất trong lịch sử, cả đất nước trở thành cái trại cải tạo lớn, trong đó việc cải tạo cái bao tử cho nhỏ lại, vừa vặn với bữa ăn thời đại mới, cải tạo lá gan nhỏ lại để biết sợ, cải tạo bộ não bé lại để không cần phải suy nghĩ nhiều mà phải biết làm lụng, lao động, cải tạo tâm hồn phải biết sắn, khoai, mồ hôi nhưng quên đi hoa hồng, như lời cố thi sĩ Nguyễn Đức Sơn: “Đụ mẹ bông hồng/Mày không lao động/Mà mày trổ bông”.
Trong cái không khí nhào lộn từ vật chất tới tinh thần, từ hành động tới tâm hồn ấy, dường như đời sống con người ngày càng trở nên yếu đuối và tệ mạt, sự tệ mạt đến từ những trận gió vô thức mà con người có muốn cũng không cưỡng lại được, người ta chỉ biết, làm, ăn… làm, ăn… làm, ăn… và may mắn hơn thì được ca hát, được gào thét, được ốp đồng tập thể, điều ấy như một giải tỏa các xung năng, ức chế quá lâu ngày của một đám đông rơi vào trạng thái trì độn… Một sự trì độn được tích hợp, đồn nén lâu ngày, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Và cho đến hôm nay, mọi biểu hiện của giới trẻ như vô cảm, tàn nhẫn, máu lạnh, bạo lực, bất chấp… đều là hệ quả của một quá trình dài mà ở đó, cái nôi giáo dục, bầu sữa họ bú mớm và không khí họ thở đã nặng nề, đã ngợm mùi xú uế, tàn nhẫn. Chính vì vậy, dường như mọi thứ đều xoay quanh trục bạo lực và bất chấp. Liệu có còn hi vọng nào cho tương lai?
Đây là câu hỏi khó, mà cũng là câu hỏi rất dễ. Bởi kì thực, không nhất thiết đảng Cộng sản phải rời bỏ ghế chính trường, thậm chí, không nhất thiết đảng Cộng sản phải bỏ độc tài, họ vẫn cứ giữ độc tài, nhưng độc tài trong sự chọn lựa tự nhiên, độc tài trong lý tưởng tốt đẹp, tuyển dụng những con người có thực lực vào hệ thống và giảm bớt, thậm chí bỏ hẳn chính sách, chủ trương “thái tử đỏ”, bỏ hẳn việc xét lý lịch nhằm đảm bảo tránh tình trạng kẻ bất tài muốn giữ quyền lực thì dùng thủ đoạn. Sở dĩ cho đến hôm nay, đất nước trở nên lộn xộn, mệt mỏi và rối ren là vì chính những kẻ bất tài đang ngồi quá nhiều trong hệ thống quyền lực, họ không có khả năng cống hiến nhưng lại thừa khả năng đục khoét, tham lam và léo hánh để gỡ các khoản họ đã “đầu tư” duy trì chỗ ngồi. Nếu không có họ, câu chuyện đất nước sẽ sáng sủa và đẹp đẽ hơn.
Muốn đất nước trong sạch, phải có một hệ thống quyền lực sạch, không thể tin rằng chủ trương sạch có thể làm thay đổi một hệ thống bẩn, muốn chủ trương thực hiện tốt, chỉ có một cách duy nhất là phải có một hệ thống đủ trí lực, tài lực và tâm lực để thực hiện nó. Không thể tin mơ hồ rằng chủ trương sẽ thay thế năng lực, hoặc nghĩ rằng chủ trương sẽ thay đổi tâm lực, trí lực. Tiếc rằng, gần như mọi chủ trương mang yếu tố xây dựng đất nước của đảng Cộng sản đều vướng phải sức ì của tâm lực, tài lực và trí lực yếu kém của hệ thống bên dưới. Trong khi đó, rất nhiều chất xám bị bỏ quên, rất nhiều trí lực, tài lực, tâm lực không có cơ hội bước vào hệ thống bởi nỗi lo mất ghế độc tài, nhưng kỳ thực, chính nỗi lo này kết hợp với việc có quá nhiều kẻ không làm được gì, càng làm càng hỏng ngồi trong hệ thống mới nhanh chóng xô hệ thống sụp đổ.
Thử nhìn Singapore thì biết, họ tuy đa đảng nhưng đó chỉ là bề nổi, đất nước này vẫn giữ độc tài bằng cách khéo léo tạo ra các đảng đối lập nhưng kì thực, hệ thống trí lực, tài lực, tâm lực đã nằm trọn trong tay của đảng Hành Động Nhân Dân và mọi chi phí trên quốc đảo sư tử này vẫn thuộc về họ. Bởi ngay từ đầu, họ đã chọn hệ thống nhân tài nằm ngoài đảng và họ có một lợi thế to lớn là không có vấn đề xét lý lịch – một vấn đề phát sinh từ các biến động lịch sử do chiến tranh để lại.
Nhưng nói như vậy, nếu cứ sợ vấn đề di chứng lịch sử làm ảnh hưởng đến quyền lực độc tài thì lại càng rối ren và sụp đổ bởi rối ren đó, bởi càng lúc, hệ thống càng trở nên xấu tệ trong mắt nhân dân. Ngược lại, nếu đã tin chủ trương của mình là đúng, nếu đã tin chủ trương của mình sẽ đi đến tương lai tốt đẹp thì còn ngại gì không tìm những nhân tài thực thụ để họ cùng thực hiện chủ trương ấy?!
Thực sự, một đất nước, mà cho đến hôm nay, kinh tế phát triển, đời sống vật chất phát triển nhưng lại thụt lùi về văn minh và văn hóa, thì cũng nên coi lại vấn đề đội ngũ, khi câu chuyện chưa đến nỗi muộn mằng!
Không có nhận xét nào