Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam hiện đang bỏ tù 23 nhà báo, xếp thứ tư thế giới sau Trung Quốc

    Ảnh: sáu (06) trong số những nhà hoạt động bị chính quyền bắt giữ trong thời gian gần đây, từ trái qua: Phạm Đoan Trang, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Thúy Hạnh, Cấn Thị Thêu, Phạm Chí Dũng, Trịnh Bá Phương.

    Việt Nam là một trong những nước bắt giam nhiều nhà báo nhất trên thế giới, xếp sau Trung Quốc, Myanmar và Ai Cập, theo báo cáo đặc biệt mới công bố của tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả CPJ.

    Hôm 8 tháng 12, tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ chuyên hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy tự do báo chí và bảo vệ nhà báo, công bố nghiên cứu về tình hình tự do báo chí và đàn áp truyền thông trên toàn thế giới trong năm 2021.

    Chính quyền Hà Nội bị liệt vào nhóm bỏ tù nhiều nhà báo nhất trên thế giới, với 23 ký giả hiện đang phải chịu các án tù khác nhau.

    Ba phóng viên và blogger của Đài Á Châu Tự do gồm các ông: Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Tường Thụy và Trương Duy Nhất cũng nằm trong danh sách này.

     


    Ảnh: Hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng của Việt Nam, Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương, dự kiến sẽ hầu tòa trong hai phiên xử riêng biệt từ 14-15/12.

    Theo Ủy ban Bảo vệ Ký giả thì riêng trong năm nay, chính quyền Việt Nam đã khởi tố và bỏ tù sáu nhà báo, trong đó có các thành viên của nhóm Báo Sạch.

    Bà Huỳnh Thục Vy là trường hợp mới nhất phải trả lại nhà giam sau gần 3 năm hoãn thi hành án vì có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

    Bình luận về báo cáo mới nhất của CPJ về tình hình đàn áp báo chí ở Việt Nam, ông Trịnh Hữu Long, Tổng Biên tập của Luật khoa Tạp chí, cho RFA biết quan điểm:

    “Tôi nghĩ rằng đây là một cái bản danh sách, hay có thể nói là “bản thành tích” cực kỳ đáng xấu hổ, cực kỳ đáng lên án của chính quyền Việt Nam.

    Và một điều vô cùng đau lòng nữa là trong danh sách này có một người đồng nghiệp cực kỳ thân thiết của tôi là nhà báo Phạm Đoan Trang, người đã cùng tôi lập ra tờ Luật Khoa.

    Thế thì tôi nghĩ rằng nó cho thấy một vấn đề rất là lớn của đất nước chúng ta là cái việc hình sự hoá hành vi ngôn luận, trong đó có hành vi ngôn luận của nhà báo.”

    Ông Trịnh Hữu Long cũng cho biết bản danh sách 23 nhà báo đang bị giam giữ chỉ nói lên một phần của chiến dịch đàn áp tự do báo chí ở Việt Nam, trên thực tế thì chính quyền còn áp dụng nhiều hình thức đàn áp khác, trong đó theo như ông Long là cái chết đáng ngờ của một vài nhà báo.

    Hình thức đàn áp tự do báo chí hiệu quả nhất ở quốc gia độc đảng, theo nhà báo từng có kinh nghiệm trong môi trường báo chí nhà nước là sự tự kiểm duyệt, ông nói:

    “Cái việc đàn áp báo chí một cách có hệ thống nhất, hiệu quả nhất, quy mô nhất đó là tạo ra một môi trường tự kiểm duyệt trong toàn bộ hệ thống báo chí Việt Nam, lẫn trong xã hội Việt Nam.

    Nỗi sợ hãi bị trừng phạt đã tạo ra hiệu ứng gây cóng trong toàn bộ xã hội, và vô hình chung, những nhà báo là những người đáng ra cần có vai trò dẫn dắt xã hội thì cũng bị chi phối bởi cái hiệu ứng gây cóng này. Và đó là cái khiến cho hệ thống kiểm duyệt, hệ thống quản lý báo chí ở Việt Nam hiệu quả.

    Còn cái việc bắt bỏ tù những nhà báo này trên thực tế là công cụ để tạo ra nỗi sợ hãi trong xã hội.”

    Nghiên cứu của Ủy ban bảo vệ Ký giả thống kê số nhà báo bị bắn chết hoặc hiện đang bị giam giữ trên toàn cầu. Điều đáng chú ý là con số phóng viên và nhà báo bị bắt giam đạt kỷ lục trong năm 2021, tổng cộng có 293 người hiện đang bị giam cầm ở nhiều quốc gia.

    Đứng thứ nhất trong số các quốc gia đàn áp báo chí nặng nề nhất thế giới, theo tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả, là Trung Quốc với 50 nhà báo bị bỏ tù. Xếp sau là Myanmar, nơi chính quyền quân sự đang giam giữ 26 ký giả. Tiếp đến là Ai Cập với 25 người, và Việt Nam đứng thứ tư với 23 nhà báo đang ở tù.

    Nhà báo công dân Lê Trọng Hùng không có tên trong danh sách này, mặc dù ông sẽ ra tòa trong tháng 12 này cùng với một phiên tòa khác xử bà Phạm Đoan Trang, cả hai đều bị cáo buộc tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”.

    Lý do thật sự nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt là gì?

    Trên Báo Tiếng dân có bài phân tích của tác giả Hiếu Bá Linh như sau:

    Hôm qua ngày 6 tháng 12, báo chí nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Mai Phan Lợi (SN 1971) về tội “trốn thuế”.

    Hai nhà hoạt động xã hội dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đã bị bắt tạm giam cách đây hơn 5 tháng. Công an Hà Nội công bố vụ bắt giam này hôm 2 tháng 7 với cáo buộc “trốn thuế”.

    Một câu hỏi được đặt ra, có phải “trốn thuế” là lý do thật sự để bắt giam hai nhà hoạt động xã hội dân sự này?

    Ngày 14 tháng 7, Nhóm Tư vấn của EU (được thành lập trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA) đã gửi một lá thư đến ông Valdis Dombrovskis – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách thương mại, và ông Denis Redonnet – Phó Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thương mại.

    Nội dung lá thư trình bày về trường hợp hai nhà hoạt động xã hội dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị công an bắt giam sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam (được thành lập theo Chương 13 Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA).

     


    Ảnh: Nhà báo Mai Phan Lợi (trái) và luật gia Đặng Đình Bách

    Lá thư cũng cho biết, cả hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA, bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự thành lập ngày 16 tháng 11 năm 2020, nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp định EVFTA, sự cấu thành xã hội dân sự ở Việt Nam, và 7 tổ chức này đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG), nhưng không nhận được sự trả lời, nay thì 2 thành viên bị bắt giam.

    Lá thư do bà Chủ tịch Nhóm Tư vấn của EU ký tên cũng nêu ra những hoạt động của hai thành viên này:

    – Ông Mai Phan Lợi, 50 tuổi, chuyên gia báo chí và truyền thông xã hội. Trước khi sáng lập Hội đồng Khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục Cộng đồng (MEC), ông điều hành “Góc nhìn báo chí – công dân”, nhóm công khai có hơn 120 ngàn thành viên và Nhóm “Diễn Đàn Nhà báo trẻ” có 33 ngàn thành viên, đa số là nhà báo và sinh viên báo chí.

    Ông từng giữ chức Trưởng phòng Đại diện báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Năm 2016 ông bị Bộ Thông tin và Truyền thông thu hồi thẻ báo chí vì “xúc phạm nghiêm trọng danh dự Quân đội Nhân dân Việt Nam” qua vụ thăm dò lý do máy bay CASA 212 của hải quân Việt Nam mất tích, đăng tải trên Facebook và Diễn Đàn Nhà báo trẻ gây tranh cãi.

    Ông Lợi cũng nằm trong số các nhà hoạt động xã hội dân sự được mời gặp Tổng Tống Hoa Kỳ Obama trong chuyến công du Việt Nam năm 2016.

    Mai Phan Lợi cũng có bút danh Bút Lông, thực tế đã bị bắt giam không nguyên cớ từ hôm 24 tháng 6, và chỉ được công an công an xác nhận hôm 2 tháng 7 vừa qua.

     


    Ảnh: Lá thư của Nhóm Tư vấn của EU (trang 2 và 3)

    Luật gia Đặng Đình Bách, 43 tuổi, là người bảo vệ sinh thái, ít được biết trong giới bất đồng chính kiến, vì ông tập trung sinh hoạt trong lĩnh vực giáo dục nhằm giúp đỡ cộng đồng hiểu biết và bảo vệ các quyền của mình.

    Mục tiêu trang Web Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển bền vững (LPSD) của ông Đặng Đình Bách là “trở thành nơi lưu trữ thông tin về các vụ việc mà quyền và lợi ích hợp pháp của người dân bị xâm phạm do các hoạt động phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá. “

    Hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị bắt nhằm ngăn chặn tiến trình hình thành Nhóm Tư vấn dân sự trong nước

    Thông tin từ đài Á châu tự do cho biết, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) vào ngày 8/7 ra thông cáo báo chí nhận định rằng việc bắt giữ nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách của chính phủ Việt Nam là biện pháp nhằm ngăn chặn tiến trình hình thành ‘Nhóm Tư vấn trong nước (DAG)’.

    Nhóm này bao gồm các xã hội dân sự độc lập theo qui định của Hiệp ước Mậu dịch Tự Do Liên Âu-Việt Nam (EVFTA).

    Theo VCHR, tội ‘trốn thuế’ từng được cơ quan chức năng Việt Nam sử dụng để bắt giam một số nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam công khai chỉ trích Chính phủ trong những năm qua như trường hợp Luật sư Lê Quốc Quân, blogger Điếu Cày Nguyễn văn Hải, nhà báo Trương Duy Nhất…

    Tuy vậy, cũng theo VCHR, đây là lần đầu tiên Chính phủ Hà Nội nhắm vào hai người từng hoạt động công khai với những dự án bền vững, có đăng ký với Nhà nước và được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.

    Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

    Thoibao.de/blog

    Không có nhận xét nào