Tác phẩm Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - khảo cổ học và bảo tồn di sản
PNO - Tác phẩm Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - khảo cổ học và bảo tồn di sản của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu vừa được trao giải đồng, giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần 2 - VUPA 2020 (Vietnam Urban Planning Award). Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - cộng tác viên của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chung quanh tác phẩm này.
Tác phẩm Đô thị Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - khảo cổ học và bảo tồn di sản của tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu vừa được trao giải đồng, giải thưởng Quy hoạch đô thị Quốc gia lần 2 - VUPA 2020 (Vietnam Urban Planning Award). Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải - cộng tác viên của Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu chung quanh tác phẩm này.
Nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải: Mọi người thường nghe “Sài Gòn 300 năm”, nhưng tác phẩm của chị lại xác thực tuổi đời của Sài Gòn là 3.000 năm, vì sao thưa chị?
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Từ góc độ của khảo cổ học, “tuổi đời” của một vùng đất là những dấu tích của người xưa để lại. Hệ thống di tích khảo cổ cho biết có nhiều nhóm dân cư cổ hiện diện trên địa bàn thành phố từ khoảng 3.000 đến 2.000 năm trước. Di tích Bến Đò (Q.9 nay thuộc TP.Thủ Đức) cho thấy vùng đất Sài Gòn có niên đại sớm nhất là khoảng 3.000 năm trước. Ngoài ra, còn nhiều di tích khác ở khắp thành phố, đặc biệt tập trung dày đặc ở H.Cần Giờ.
Những di tích chứng cứ này ẩn sâu trong lòng đất, sau khi khai quật, nhiều di vật đã được thu thập để nghiên cứu gồm rìu, cuốc bằng đá, đồng, vũ khí như giáo, lao bằng đồng và sắt, đồ gốm sinh hoạt (nồi, bình, hũ); đồ tùy táng trong mộ có cả trang sức bằng đá ngọc, mã não, thủy tinh…
Đặc biệt công tác khảo cổ tìm thấy khá nhiều di cốt người cổ (cách đây khoảng 2.500 năm) trong nhóm Mộ Chum tại Cần Giờ. Trong khu vực nội thành đã tìm thấy một số di tích và vật liệu kiến trúc, tượng thờ, vật dụng sinh hoạt là dấu tích cư trú, đền tháp của cộng đồng cư dân thuộc nền văn hóa Óc Eo của vương quốc Phù Nam, niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII. Tất cả đang được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM và Bảo tàng TP.HCM.
* Chị đã đặt vấn đề tích cực bảo tồn “những ADN cơ bản của Sài Gòn”, chị có thể cho biết những ADN ấy là gì?
- ADN của một đô thị là những đặc trưng vốn có của nó, nếu thiếu hoặc để mất thì không còn bản sắc riêng độc đáo. Tôi nhận biết Sài Gòn có bốn ADN cơ bản: là một đô thị sông nước, sớm được xây dựng và quy hoạch theo kiểu phương Tây, đa dạng văn hóa, và là một trung tâm kinh tế giao thương. Những đặc trưng này phản ánh điều kiện tự nhiên - xã hội, quá trình hình thành đô thị Sài Gòn khác biệt với những đô thị lớn khác như Huế, Hà Nội…
* Có nhiều vấn đề phải giải quyết trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt với việc bảo vệ di sản, theo chị, đâu là vấn đề lớn nhất?
- Đó là mâu thuẫn giữa ước vọng về cuộc sống tiện nghi hiện đại với việc giữ gìn di sản quốc gia, truyền thống văn hóa. Mâu thuẫn này tồn tại trong sự phát triển chung của đô thị, và trong cuộc sống mỗi người dân. Quá trình đô thị hóa thường xảy ra ba trường hợp:
Khi hai bên đồng thuận với mục đích chung là bảo tồn di sản văn hóa, có khát vọng thụ hưởng văn hóa tinh thần cùng quyền lợi kinh tế lâu dài, thì Nhà nước cần có quan điểm định hướng và chính sách phù hợp. Công dân cần có nhận thức đúng. Từ đó, sẽ có những giải pháp bảo tồn và phát huy di sản hiệu quả.
Trường hợp ngược lại, khi di sản không được coi là vốn quý cho sự phát triển bền vững, thì hệ thống pháp luật, chính sách, quản lý sẽ bất cập với thực tiễn. Việc nâng cao nhận thức và điều chỉnh hành vi cho cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa không được chú trọng. Sự yếu kém sẽ làm cho di sản bị hủy hoại thường xuyên và ngày càng trầm trọng, đánh mất vốn quý của cha ông để lại.
Trường hợp thứ ba, cả Nhà nước và người dân đều có ý thức tốt muốn bảo vệ di sản, nhưng có yếu tố tiêu cực khách quan tác động vào. Có thể thấy, hiện nhà quản lý và nhà đầu tư đang giữ vai trò quyết định đến sự tồn tại của di sản văn hóa. Các nhà nghiên cứu và cộng đồng cũng có vai trò ngày càng quan trọng hơn.
* Tác phẩm của chị được đánh giá hấp dẫn vì kết hợp được phương pháp nghiên cứu khoa học với ký ức của tác giả và của rất nhiều người khác. Nhờ đâu chị có thể làm được điều đó?
- Sống tại TP.HCM đã 46 năm, nhưng khi nghiên cứu, tôi luôn có sự “phân thân”. Vừa có cảm nhận chủ quan vừa có sự khách quan của nghiên cứu khoa học. Tôi cũng có nhiều bạn bè, bà con sống ở TP.HCM đến vài đời, họ giữ những ký ức bền chặt về thành phố trải qua hàng trăm năm lịch sử. Tôi lắng nghe với sự khách quan, công bằng, tôn trọng những cảm xúc đẹp ấy, và chia sẻ trong tác phẩm như di sản “tâm hồn Sài Gòn”.
* Từng khảo sát một số nơi thế giới, theo chị, có cách bảo tồn di sản văn hóa nào phù hợp với Việt Nam?
- Khoảng 10 năm nay, tôi có đi khảo sát nước ngoài về bảo tồn di sản văn hóa, nhất là di sản đô thị. Nhiều bài học có thể áp dụng mà không quá tốn kém, đó là sự hiểu biết, cách ứng xử với di sản để đề ra những chính sách cụ thể về trùng tu, bảo tồn, truyền thông cho di sản, tổ chức du lịch di tích lịch sử văn hóa.
Tôi ấn tượng sâu sắc về sự đồng bộ nhất quán giữa chính sách của chính quyền và ý thức tự giác của cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ đó giúp đạt được hiệu quả bền vững.
* Giải thưởng lần này có ý nghĩa thế nào với chị?
- Từ nghiên cứu di sản đô thị, tôi có dịp học hỏi được từ nhiều giới: những người quản lý đô thị, giới nghiên cứu và thực hiện quy hoạch, các kiến trúc sư. Hiện nay nhiều người trẻ theo nghề này, họ lạc quan vui vẻ, có sức khỏe, tiếp xúc nhiều, luôn đào ra được cái cổ xưa nhưng rất mới và giá trị. Giải thưởng cũng hơi bất ngờ. Vì tôi nghĩ lĩnh vực khảo cổ đô thị của mình có vẻ như hơi xa với quy hoạch phát triển đô thị. Việc trao giải này cũng là sự ghi nhận vai trò bảo tồn di sản có ý nghĩa quan trọng trong quy hoạch phát triển đô thị ở nước ta.
* Xin cảm ơn và chúc mừng chị!
Nguyễn Thị Ngọc Hải (thực hiện)
Không có nhận xét nào