Header Ads

  • Breaking News

    Trận Trân Châu Cảng đã định hình lại châu Á như thế nào?

     Nguồn: Dominic Faulder, “80 years since Pearl Harbor: How the attack reshaped Asia”, Nikkei Asia, 7/12/2021.

     

    Cuộc xâm lược gần như đồng thời của Nhật Bản vào Thái Lan đã đánh dấu sự kết thúc của Đế chế Anh.

    Bài phát biểu ảm đạm của Tổng thống Franklin Roosevelt trước Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ một ngày sau khi “lực lượng hải quân và không quân của Đế quốc Nhật Bản” tấn công Trân Châu Cảng ở Hawaii, nơi đặt Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ – “một ngày sẽ sống trong ô nhục ”, theo cách nói của ông – quả thực chưa bao giờ bị lãng quên.

    Roosevelt nói: “Khoảng cách giữa Hawaii với Nhật Bản cho thấy rõ ràng cuộc tấn công đã được lên kế hoạch có chủ ý từ nhiều ngày trước, thậm chí vài tuần”. Ông lưu ý rằng Malaya, Guam, Philippines, đảo Wake và đảo Midway cũng bị tấn công vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, nhưng lại không đề cập đến việc các lực lượng Nhật Bản đã bắt đầu xâm lược Thái Lan vài giờ trước đó, vào ngày 8 tháng 12 (tức ngày 7 tháng 12 theo giờ Mỹ).

    <span data-mce-type="bookmark" style="display: inline-block; width: 0px; overflow: hidden; line-height: 0;" class="mce_SELRES_start"></span>

    Một số học giả đã tự hỏi điều gì có thể xảy ra nếu Nhật Bản chỉ đưa quân vào Đông Nam Á mà không tấn công Trân Châu Cảng. Người Mỹ lúc đó sẽ ở đâu? Liệu Nhật có thể tiếp tục nắm giữ các vùng đất châu Á mà họ đã chinh phục được?

    Chính phủ Thái Lan đã biết trước nhiều tháng rằng cuộc xâm lược đang sắp xảy ra. Giống như người Mỹ, họ đã đàm phán với Nhật để cố gắng ngăn chặn một cuộc đối đầu vũ trang. Vào đêm ngày 7 tháng 12, Đại sứ Nhật Bản đưa ra thông báo rằng các lực lượng Nhật Bản sẽ đổ bộ vào Thái Lan ngày hôm sau, và chỉ cho người Thái hai giờ để cân nhắc cho phép Nhật được quá cảnh sang Miến Điện, điều đã bị từ chối.

     

    Cựu Thủ tướng Thái Lan Seni Pramoj.

    Cuộc tấn công của Nhật vào Thái Lan đã làm hỏng thành tích đáng tự hào của Thái Lan trong việc không bị thực dân Anh và Pháp đô hộ, nhưng nó cũng báo trước thời kỳ hoàng hôn đẫm máu của Đế quốc Anh. Để mở rộng Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á, Nhật Bản cần phải tấn công các lãnh thổ do Anh nắm giữ – gồm Malaya, Singapore, Miến Điện và cuối cùng là Ấn Độ – viên ngọc quý trên vương miện các thuộc địa Anh.

    Sự sỉ nhục đối với nước Anh diễn ra nhanh chóng. Ba ngày sau trận Trân Châu Cảng, hai tàu chủ chốt của Anh, tàu The Prince of Wales và Repulse, bị máy bay ném bom Nhật đánh chìm ngoài khơi Malaya. Vào tháng 1 năm 1942, Miến Điện bị xâm lược qua Đồi Tenasserim, và sau đó là cuộc rút lui quân sự dài nhất trong lịch sử nước Anh. Các lực lượng Nhật Bản đã trở nên nổi tiếng với việc đạp xe đạp qua Malaya để chiếm Singapore vào tháng sau mặc dù thiếu thốn các nguồn tiếp tế và đạn dược, trong sự kiện mà nhiều người coi là thảm họa quân sự lớn nhất của Anh. Các khẩu pháo phòng thủ của họ lúc đó vẫn hướng ra biển.

    Thái Lan trở thành đồng minh của phe Trục và tuyên chiến với Anh, nhưng không bao giờ chính thức chống lại Mỹ. Những tư liệu nhiều màu sắc nhất về vấn đề này kể lại rằng đại sứ Thái Lan tạ Mỹ, Seni Pramoj, đã xé tờ thông báo tuyên chiến trước mặt Cordell Hull, vị ngoại trưởng từng tại vị lâu năm nhất của Mỹ. Năm 1984, Seni, lúc đó đã hai lần làm thủ tướng Thái Lan, nói với một phóng viên nước ngoài rằng Hull bảo ông đừng “ngớ ngẩn như vậy.” Seni nói ông bỏ tờ thông báo tuyên chiến vào túi và quay trở lại đại sứ quán. Sau đó, ông trở thành một nhân vật chủ chốt trong phong trào kháng chiến Thái Lan Tự do.

     

    Anh hùng thời kỳ tiền độc lập, Tướng Aung San đã thành lập Quân đội Miến Điện, nhưng lực lượng này được phát triển bởi Tướng Ne Win, ngồi giữa, sau khi Aung San bị ám sát năm 1947. (Ảnh: Aung Gyi)

    Đây cũng là thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc Miến Điện, vốn được nuôi dưỡng bởi giới sinh viên và tăng lữ trong những năm 1930, cuối cùng đã được quân sự hóa. Người Nhật đã đưa đến Bangkok 26 người trong số 30 “đồng chí huyền thoại” (Thirty Comrades) – những chiến binh tự do người Miến mà họ đã huấn luyện tại đảo Hải Nam. Tại nhà của một bác sĩ người Miến, Hla Pe, vào ngày 26 tháng 12, họ đã chích máu bằng một ống tiêm dùng chung và uống máu tuyên thệ trung thành với Nhật Bản.

    Người lính dẫn đầu là Aung San. Ông mặc quân phục của một đại tá Quân đội Đế quốc Nhật Bản, mang theo một thanh kiếm katana, và sau đó được thăng hàm thiếu tướng. Đứng đầu Quân đội Miến Điện Độc lập với lực lượng hàng nghìn người, Aung San ngày nay được coi là người sáng lập ra Tatmadaw, tức quân đội Miến Điện. Vị anh hùng phong trào giải phóng dân tộc của Myanmar đã bị ám sát vào năm 1947 khi con gái ông, Aung San Suu Kyi, mới 2 tuổi.

    Miến Điện ngày nay được gọi là Myanmar, và không có quốc gia nào trên thế giới còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế bởi cách Đông Nam Á được định hình lại sau trận Trân Châu Cảng. Tướng Ne Win, một bí danh thời chiến có nghĩa là “Mặt trời của vinh quang”, đã tiếp quản đội quân mà Aung San tạo ra, và xây dựng nó thành một tổ chức đáng sợ mà cho đến ngày nay vẫn tin rằng họ là linh hồn bảo vệ cho quốc gia, dù không còn sự tham gia của người Nhật nữa.

    Cuộc chiến ở Miến Điện bắt đầu đổi chiều trong tháng 3 năm 1944, khi Tập đoàn quân số 15 của Nhật chạm trán với quân Anh tại Sangshak ở khu vực đồi Naga của Ấn Độ gần biên giới Miến Điện. Người Nhật đã giành chiến thắng trong trận chiến kéo dài ba ngày này nhưng phải trả giá đắt. Chỉ huy quân Nhật, Trung tướng Renya Mutaguchi, đang tiến về phía Dimapur ở Ấn Độ nhưng bị căng thẳng trong việc tiếp tế. Sangshak là khúc dạo đầu cho các trận đánh ở Kohima-Imphal vốn kéo dài tổng cộng 5 tháng và đặc biệt tàn bạo. Anh đã trao tặng bốn huy chương Victoria cho lực lượng của mình chỉ trong một cuộc giao tranh.

     

    Một bức tượng của Aung San gần Hồ Kandawygi ở Yangon: Anh ta đang mặc quân phục của Quân đội Quốc gia Miến Điện, đã loại bỏ quân phục của một Thiếu tướng Nhật Bản. (Ảnh của Dominic Faulder)

    “Chúng tôi đã bị cô lập ở Imphal trong nhiều tháng và được tiếp tế hoàn toàn bằng đường không bởi người Mỹ và Không quân Hoàng gia”, Thiếu tá Victor Brookes, một sĩ quan người Anh tại Ấn Độ từng chiến đấu tại Sangshak, nhớ lại vào năm 2005. “Nếu Nhật chiếm được Imphal và Dimapur, nơi có một ga đường sắt khổng lồ, không có gì có thể ngăn cản người Nhật tiến về Delhi.”

    Sự đổi chiều ở Miến Điện thật rõ ràng. Aung San bí mật đàm phán với thống chế Bill Slim, tư lệnh quân đoàn 14 của Anh. Đôi khi được mệnh danh là “Đội quân bị lãng quên”, đây là lực lượng Đồng minh lớn nhất được hình thành trong Thế chiến thứ hai và được tập hợp từ khắp nơi của Đế chế Anh, đặc biệt là Ấn Độ. Trong một động thái chống Nhật mang tính bước ngoặt, Aung San đã đưa lực lượng của mình gia nhập lực lượng Đồng minh vào tháng 3 năm 1945. Việc quân Nhật bị đánh bại lúc đó chỉ còn là vấn đề thời gian, và hiệp định đầu hàng cuối cùng đã được ký tại Vịnh Tokyo vào ngày 2 tháng 9 năm 1945.

    Tại tỉnh biên giới Tak của Thái Lan, một trong những sĩ quan được giao nhiệm vụ giải giáp quân Nhật là Đại úy Saiyud Kerdphol, người sẽ kết thúc sự nghiệp của mình vào những năm 1980 với tư cách là chỉ huy tối cao quân đội Thái Lan. “Chúng tôi rất nghèo,” ông nói với Nikkei Asia vào năm 2019. “Chúng tôi không có đồng phục phù hợp hoặc thức ăn để ăn.”

    Nghĩa trang Chiến tranh Taukkyan ở phía bắc Yangon là nơi chứa hài cốt của 6.374 binh sĩ từ Thế chiến II. Tượng đài chính ghi danh 27.000 binh sĩ Đồng minh khác. (Ảnh của Dominic Faulder)

    Saiyud đến nơi và thấy các sĩ quan Nhật Bản đang đợi trên thảm đỏ với đầy đủ quân phục cùng kiếm. “Họ không nói gì cả – họ biết phải làm gì. Ngay cả những viên đạn súng lục cũng đã được đánh số. Họ đã sử dụng lính Nhật để chất đồ lên xe tải của tôi.”

    Trung tướng Aketo Nakamura, chỉ huy Tập đoàn quân số 18 đồn trú tại Thái Lan, chưa bao giờ bị buộc tội vì tội ác chiến tranh. Tuyến Đường sắt Miến Điện khét tiếng nằm dưới quyền chỉ huy của một vị tướng khác. Nakamura đã xuất bản một cuốn hồi ký vào năm 1958, “Chỉ huy của đức Phật: Hồi ức về thời gian ở lại Thái Lan,” vốn chỉ được dịch sang tiếng Thái. Ông phàn nàn về việc bắn chết con ngựa trắng yêu quý của mình theo lệnh trực tiếp của Tư lệnh Đồng minh tối cao ở Đông Nam Á, Lord Louie Mountbatten, nhưng ghi nhận rằng người Nhật đã được đối xử tốt bởi người Thái khi chiến tranh kết thúc.

    Đó là buổi bình minh của một chương hoàn toàn mới trong quan hệ Nhật – Thái, vốn đã cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế một cách vượt mọi mong đợi. Phòng Thương mại Nhật Bản tại Bangkok hiện có gần 1.700 thành viên, gần gấp ba lần so với các phòng thương mại của người Anh hoặc người Mỹ tại đây.

    Nghiên Cứu Quốc Tế

    Không có nhận xét nào