Nhật Bản phản đối các nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông
Aldgra Fredly
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi (ở giữa) nói chuyện với các nhân viên truyền thông sau khi ông tới thị sát hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh (phía sau), tại căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản hôm 06/09/2021. (Ảnh: Kiyoshi Ota/Pool Photo/AP) Đông Dương
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã nói chuyện với người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghe) thông qua cuộc họp video hôm thứ Hai (27/12), thể hiện sự phản đối của Nhật Bản đối với những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông bằng cách cưỡng ép.
Ông Kishi đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông, đặc biệt là tại Quần đảo Senkaku nơi Trung Quốc liên tục xâm nhập. Ông kêu gọi Trung Quốc “tự kiềm chế”, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Nhật Bản hầu như quản lý quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông từ năm 1895, nhưng Bắc Kinh bắt đầu khẳng định quyền của mình đối với quần đảo này vào những năm 1970. Ở Trung Quốc, quần đảo này được gọi là Quần đảo Điếu Ngư.
Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ các cuộc xâm phạm lặp đi lặp lại của các tàu Trung Quốc vào vùng biển này trong nhiều thập niên. Hôm 19/11, bốn tàu Trung Quốc được cho là đã đi vào lãnh hải Nhật Bản gần Quần đảo Senkaku, đây là trường hợp thứ 37 tàu tuần tra Trung Quốc đi vào lãnh hải của Nhật Bản trong năm nay.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, ông Ngụy nói với ông Kishi rằng Trung Quốc sẽ “bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ và các quyền và lợi ích hàng hải của mình” ở Quần đảo Senkaku. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cả hai nước nhằm tham gia các nỗ lực chung để duy trì sự ổn định ở Biển Hoa Đông.
Nhật Bản phải thẳng thắn đối mặt với lịch sử và học hỏi từ lịch sử, và đây là thái độ đúng đắn và sự lựa chọn khôn ngoan, ông Ngụy nói.
Cuộc thảo luận cũng đề cập đến tầm quan trọng của sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, nơi căng thẳng giữa hòn đảo tự trị Đài Loan và Trung Quốc đang leo thang. Trung Quốc tuyên bố quốc gia được bầu cử dân chủ này là một phần lãnh thổ của mình và đe dọa sẽ đưa hòn đảo này vào quyền kiểm soát của họ bằng vũ lực nếu cần thiết.
Ông Ngụy chỉ ra rằng Trung Quốc và Nhật Bản nên “tăng cường trao đổi cấp cao” và “cùng nhau kiểm soát rủi ro” để ngăn chặn sự leo thang xung đột giữa hai nước.
Hai bộ trưởng cũng đã đồng ý bắt đầu vận hành một đường dây nóng giữa các quan chức quốc phòng của họ vào cuối năm sau.
“Chúng tôi xác nhận rằng việc sớm thiết lập đường dây nóng giữa các cơ quan quốc phòng Nhật Bản và Trung Quốc là quan trọng,” ông Kishi nói với các phóng viên sau cuộc họp video, theo Kyodo News.
Tháng trước, Nhật Bản đã tổ chức một cuộc tập trận trên Đảo Tsutara không người ở Goto, tỉnh Nagasaki, với giả định rằng các lực lượng ngoại quốc đã chiếm Quần đảo Senkaku, Kyodo News đưa tin, trích dẫn một số nguồn tin chính phủ.
Cuộc diễn tập kéo dài hai ngày, có sự tham gia của Lực lượng Phòng vệ, lực lượng tuần duyên, và cảnh sát, không “nhằm vào một hòn đảo hoặc một quốc gia cụ thể” mà là nhằm cải thiện khả năng phản ứng của Nhật Bản đối với các tình huống khẩn cấp ở các khu vực đảo của đất nước, chính phủ cho biết.
Kỷ lục chưa từng có ở Úc: 11,201 ca nhiễm mới tại NSW trong 24 giờ qua
NSW ghi nhận 11,201 ca nhiễm mới và 3 tử vong trong 24 giờ qua.
Hiện tại có 625 người nhập viện để chữa Covid và 61 người trong khu ICU.
Số người nhập viện trong 24 giờ qua tăng 68 từ 557 người hôm thứ Ba, trong lúc đó ICU tăng chỉ có một.
Số ca nhiễm tăng đến 5139 từ 6062 ghi nhận hôm thứ Ba, khiến cho số ca nhiễm hôm nay tại NSW trở thành số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại Úc từ trước đến nay.
Hiện tại, 93.5% dân số NSW đã chích xong hai liều và 95% đã chích xong một liều.
Tính đến 8 giờ tối hôm qua có 157,758 đi xét nghiệm trong ngày.
Trong lúc đó Victoria cũng lập kỷ lục về số ca nhiễm trong ngày với 3767 ca nhiễm mới. 397 bị nhiễm Covid đang được điều trị tại bệnh viện, 62 người trong khu ICU và 28 người cần máy trợ thở.
Hơn 92% người dân Victoria đã chích xong 2 liều và 75,132 người đi xét nghiệm hôm qua.
Các trung tâm xét nghiệm tại NSW và Victoria đang bị quá tải khi người dân đổ xô đi xét nghiệm trước khi nghỉ lể mừng năm mới.
Sáng hôm nay, Thủ hiến Queensland Premier Annastacia Palaszczuk công bố những người đến tiểu bang của bà có thể chứng minh kết quả âm tính từ máy xét nghiệm nhanh “Rapid Antigen” bắt đầu từ ngày 1 tháng Giêng.
CDC Hoa Kỳ giảm thời gian cách ly còn 5 ngày cho người nhiễm COVID không triệu chứng
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bên ngoài một trường tiểu học ở tây bắc
Giới chức trách y tế Mỹ ngày thứ Hai rút ngắn thời gian cách ly được khuyến nghị đối với những người Mỹ mắc COVID-19 không có triệu chứng xuống còn năm ngày so với chỉ dẫn trước đó là 10 ngày.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật (CDC) cũng cho biết những người không có triệu chứng sau khi cách ly nên tuân thủ khuyến nghị đeo khẩu trang năm ngày khi ở gần những người khác.
Họ cũng khuyến nghị cách ly năm ngày đối với những người phơi nhiễm virus chưa được chủng ngừa hoặc hơn sáu tháng kể từ khi tiêm liều vaccine mRNA thứ hai hoặc hơn hai tháng sau khi vaccine Johnson & Johnson và chưa được tiêm tăng cường. Sau thời gian cách ly nên đeo khẩu trang nghiêm ngặt thêm năm ngày.
Theo CDC, việc cô lập tách những người bị bệnh truyền nhiễm khỏi những người không bị bệnh, trong khi việc cách ly ngăn cách và hạn chế sự di chuyển của những người đã phơi nhiễm bệnh truyền nhiễm là để xem họ có bị bệnh hay không.
“Các khuyến nghị cập nhật của CDC về cô lập và cách ly cân bằng những gì chúng ta biết về sự lây lan của virus và sự bảo vệ nhờ tiêm chủng và liều tăng cường,” Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói trong một phát biểu.
CDC tuần trước nói Omicron chiếm 73% các ca nhiễm virus corona ở Mỹ.
Các ca lây nhiễm đột phá đang gia tăng trong nhóm dân đã tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả những người đã tiêm mũi tăng cường thứ ba. Tuy nhiên, Omicron dường như gây ra các triệu chứng nhẹ hơn ở những người đó, một số người trong số họ không có triệu chứng nào cả.
Giảm khuyến nghị cách ly 10 ngày của CDC sẽ giúp những người không có triệu chứng trở lại làm việc hoặc đi học, với các biện pháp phòng ngừa thích hợp, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci nói với CNN vào tuần trước.
CDC nói những cá nhân đã được tiêm tăng cường không cần phải cách ly sau khi phơi nhiễm, nhưng nên đeo khẩu trang trong 10 ngày.
Tổng Thống Biden kí ban hành luật chi tiêu quốc phòng 770 tỉ đôla
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng, hoặc NDAA, cho năm tài chính 2022, chấp thuận 770 tỉ đôla chi tiêu quốc phòng, Nhà Trắng cho biết ngày thứ Hai.
Đầu tháng này, Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ đã biểu quyết với tỉ lệ áp đảo thông qua dự luật quốc phòng với sự ủng hộ mạnh mẽ của cả phe Dân chủ và Cộng hòa cho luật hàng năm ấn định chính sách cho Bộ Quốc phòng.
NDAA được theo dõi sát sao bởi nhiều ngành công nghiệp và các lợi ích khác vì nó là một trong những dự luật lớn duy nhất trở thành luật hàng năm và vì nó liên quan đến nhiều vấn đề. NDAA trở thành luật hàng năm trong sáu thập niên qua.
Cho phép chi tiêu quân sự nhiều hơn khoảng 5% so với năm ngoái, NDAA tài khóa 2022 là một thỏa hiệp sau các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện sau khi bị đình trệ bởi tranh cãi về chính sách Trung Quốc và Nga.
Nó bao gồm khoản tăng lương 2,7% cho binh sĩ, tiền mua thêm máy bay và tàu Hải quân, bên cạnh các chiến lược đối phó với các mối đe dọa địa chính trị, đặc biệt là Nga và Trung Quốc.
NDAA bao gồm 300 triệu đôla cho Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine, một chương trình cung cấp sự hỗ trợ các lực lượng vũ trang của Ukraine, 4 tỉ đôla cho Sáng kiến Phòng thủ Châu Âu và 150 triệu đôla cho hợp tác an ninh Baltic.
Về Trung Quốc, dự luật bao gồm 7,1 tỉ đôla cho Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương và một tuyên bố của Quốc hội ủng hộ bảo vệ Đài Loan, cũng như lệnh cấm Bộ Quốc phòng mua sắm các sản phẩm được sản xuất bằng sức lao động cưỡng bức từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc.
Luật cũng lập ra một ủy ban gồm 16 thành viên để nghiên cứu cuộc chiến ở Afghanistan. Ông Biden đã kết thúc cuộc xung đột - là cuộc chiến dài nhất của Mỹ - vào tháng 8.
WHO : Đe dọa của biến thể Omicron ở mức « rất cao »
Trường hợp ca nhiễm ở Pháp tăng vọt không phải là ngoại lệ. Theo số liệu tổng hợp của AFP, trên toàn thế giới, số ca nhiễm trong tuần qua tăng 37% so với tuần trước đó. Nước Anh, một trong những quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch, cũng ghi nhận mức kỷ lục gần 130.000 ca nhiễm/ngày, chỉ tính riêng Anh và xứ Wales. Tại Hy Lạp, số ca nhiễm hôm qua tăng gấp đôi so với thứ Hai 27/12.
Nguy cơ liên quan đến biến thể Omicron trên thế giới « vẫn còn rất cao », đó là cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới hôm nay 29/12. Bà Catherine Smallwood, một trong các quan chức hàng đầu của WHO phụ trách châu Âu, nhận định : « Sự lây lan nhanh chóng của Omicron, giống như tình hình được quan sát thấy tại một số quốc gia, ngay cả kết hợp với tình trạng bệnh nhẹ hơn một chút vẫn sẽ dẫn đến một số lượng lớn các trường hợp nhập viện, đặc biệt là ở những người chưa được chích ngừa ».
Biển Đông: Indonesia mời Việt Nam và 4 nước ASEAN khác họp
Ảnh tư liệu do Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (BAKAMLA) chụp ngày 15/09/2020 cho thấy tầu Hải cảnh Trung Quốc hoạt động ở biển Bắc Natuna của Indonesia. © AP - Indonesian Maritime Security Agency
Lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia mời 5 đồng nhiệm ASEAN tham gia một cuộc họp vào tháng 2/2022, để thảo luận về những thách thức về an ninh tại Biển Đông. Theo giới quan sát, các yêu sách chủ quyền gia tăng của Trung Quốc tại vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia buộc quốc gia Đông Nam Á này tìm kiếm các hợp tác từ phía các láng giềng ven Biển Đông, cũng đang gặp các thách thức tương tự từ Trung Quốc.
Trang mạng Ấn Độ Bharat Express News hôm nay, 29/12/2021, dẫn thông tin từ báo Jakarta Post, theo đó phó đô đốc Aan Kurnia, đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (gọi tắt là Bakamla), cho biết đã gửi lời mời đến các đồng nhiệm Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam tham dự một cuộc họp với mục tiêu chính là « đưa ra một cách tiếp cận phối hợp » về các vấn đề ở Biển Đông và « cách ứng phó trên thực địa khi chúng ta phải đối mặt với cùng ‘‘xáo trộn’’ ».
Đề xuất của lãnh đạo Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia được nhiều chuyên gia và quan chức cấp cao của các quốc gia ven Biển Đông hưởng ứng. Theo ông Thomas Daniel, nhà nghiên cứu tại Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia (ISIS), đề nghị nói trên của Jakarta là « táo bạo và rất đáng quan tâm ». Ông Satya Pramata, một quan chức cao cấp trong chính phủ Indonesia, một cựu thuyền trưởng trong lực lượng tuần duyên, cho biết một cuộc họp như vậy sẽ là « cơ hội tuyệt vời để Cảnh sát biển ASEAN và lực lượng thực thi pháp luật hàng hải trao đổi và hợp tác ».
Người đứng đầu Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia không chỉ đích danh Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh chính là thách thức buộc Jakarta tìm kiếm hợp tác chặt chẽ với các láng giềng ven Biển Đông. Trong một bài viết trên trang mạng Nhật Bản The Diplomat hôm nay, 29/12, nhà báo Sebastian Strangio, chuyên theo dõi về các vấn đề Đông Nam Á, nhận định : Lời kêu gọi đoàn kết nói trên của Indonesia có thể là tín hiệu cho thấy Jakarta « công nhận rõ ràng mức độ nghiêm trọng của thách thức mà Trung Quốc đặt ra trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước, mà quốc gia này không có khả năng xử lý một mình. Đây có thể là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nhà hoạch định chính sách Indonesia - hoặc ít nhất là những người nắm rõ nhất với tình hình thực tế ở khu vực Natuna - đang thức tỉnh trước thái độ phủ nhận (mối đe dọa Trung Quốc) suốt thập kỷ qua ».
Nhật báo Indonesia Jakarta Post dẫn lời chuyên gia Thomas Daniel, Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia (ISIS), nhấn mạnh đến việc toàn bộ 10 thành viên khối ASEAN khó tìm được đồng thuận trong vấn đề Biển Đông, và « Trung Quốc đã khai thác thành công nguyên tắc đồng thuận của ASEAN để gia tăng tác động đến lập trường chung của ASEAN về Biển Đông, cũng như trong việc thương thuyết về Bộ Quy tắc Ứng Xử ở Biển Đông - COC ». Theo chuyên gia Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế Malaysia, « đã đến lúc các nước ASEAN liên quan trực tiếp nhất nên chủ động và không nên để phụ thuộc quá nhiều vào phần còn lại của ASEAN ».
An ninh biển : Việt Nam và Indonesia tăng cường hợp tác
Quan hệ về an ninh biển giữa Indonesia và Việt Nam vừa có bước tiến bộ đáng kể. Hôm qua, 28/12, Cảnh sát biển Việt Nam và Cảnh sát biển Indonesia đã ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác an ninh, an toàn hàng hải giữa hai lực lượng. Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Theo Thông tấn xã Việt Nam, văn bản ký kết nói trên « đánh dấu chính thức sự khởi đầu của mối quan hệ hợp tác chặt chẽ và toàn diện giữa hai cơ quan kể từ Ý định thư về tăng cường hợp tác giữa hai bên ký kết ngày 23/8/2017 ».
Theo Jakarta Post, các tranh chấp trên biển từng là tác nhân cản trở quan hệ song phương giữa Việt Nam và Indonesia trong nhiều thập kỷ, đặc biệt về vấn đề đánh bắt hải sản bất hợp pháp. Trong năm 2019, Indonesia đã bắt giữ và phá hủy 38 tàu của Việt Nam đánh bắt trái phép. Giới quan sát cũng ghi nhận tình trạng tương tự giữa Việt Nam và Philippines, cũng như giữa Indonesia và Malaysia.
Nhiệt độ giảm sâu, 70% diện tích Trung Quốc đóng băng, khó khăn ập tới
Một con phố ở Trung Quốc trong những ngày mùa đông 2021 (ảnh: Từ video của WION)
Một đợt giảm nhiệt sâu khác đang ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh và thành phố ở Trung Quốc. Gần 70% diện tích nước này đã bị đóng băng, nhiều nơi bão tuyết, đường xá bị đóng băng khiến một số lượng lớn đường bộ, đường sắt, đường hàng không bị đình trệ, giao thông tê liệt.
Theo China Fund News, tính đến sáng ngày 26 tháng 12, 18 thành phố lớn ở Trung Quốc đã có mức nhiệt thấp nhất trong mùa đông này. Các thành phố lớn như Thượng Hải, Hàng Châu và Trường Sa lần đầu tiên rơi vào tình trạng đóng băng trong nửa cuối năm.
Tính đến 0 giờ ngày 27 tháng 12, có tổng cộng 1029 thông tin cảnh báo sớm liên quan tới mức nhiệt giảm sâu, bao gồm các cảnh báo về 517 con đường có băng giá, 137 đợt lạnh và 115 trận bão tuyết.
Theo Sanxiang Metropolis Daily, tính đến 14 giờ ngày 26/12, 54 quận và thành phố ở tỉnh Hồ Nam đã có tuyết phủ, 36 quận và thành phố tuyết phủ dày hơn 5 cm, trong đó 17 quận và thành phố vượt quá 10 cm. Khu vực Hoài Hóa của Hồ Nam có tuyết phủ lên tới 21 cm, trận tuyết rơi lần này ở Hoài Hóa là trận tuyết lớn thứ hai ở địa phương trong 30 năm qua.
Bị ảnh hưởng bởi tuyết, giao thông vận tải ở tỉnh Hồ Nam bị gián đoạn. Vào ngày 26 tháng 12, Một số đoạn cao tốc đã áp dụng biện pháp kiểm soát các phương tiện. Sân bay Hoàng Hoa Trường Sa Hồ Nam dự kiến ban đầu cho 378 chuyến bay cất và hạ cánh, tính đến 10h30 ngày 37 chuyến bay đã bị hủy.
Ngày 26/12, tuyết rơi nhiều nơi ở thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu. Trong số đó, độ sâu tuyết ở thị trấn Wanshan là 7 cm. Tuyết rơi từ trung bình đến dày ở huyện Đức Giang, tỉnh Quý Châu, đã khiến một số cơ sở cung cấp điện bị trục trặc.
Ngày 26/12, tuyết rơi dày đặc, thậm chí có bão tuyết đã xảy ra ở nhiều nơi ở Trùng Khánh. Đây là trận tuyết rơi mạnh nhất trong năm nay ở Trùng Khánh, tuyết rơi nhiều bất ngờ đã ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đường bộ ở nhiều nơi thuộc thành phố này.
Tính đến 17h ngày 26, do ảnh hưởng bởi tuyết rơi và đóng băng, 26 đoạn của 5 đường cao tốc và 16 tỉnh lộ và quốc lộ ở Hồ Bắc, Hồ Nam, Tứ Xuyên và Quý Châu đã bị đóng cửa.
Tính đến 16:47 ngày 26, tỉnh Quảng Đông lần đầu tiên trong nửa cuối năm 2021 đã đưa ra 14 cảnh báo rét đậm cấp độ cao nhất.
Vào tối ngày 26 tháng 12, Roshow Technology thông báo rằng do bão tuyết cực lớn ở thành phố Tongliao, khu tự trị Nội Mông, nhiều trạm phát điện của Công ty Tongliao Juneng và Tongliao Sunshine Power đã bị sập ở các mức độ khác nhau.
COFCO Sugar trước đó đã thông báo rằng do thời tiết khắc nghiệt ở La Nina, lợi nhuận ròng của công ty trong năm nay sẽ bị giảm từ 180 triệu NDT (hơn 28 triệu USD) đến 300 triệu NDT (hơn 47 triệu USD).
Võ Thái Hà tổng hợp
Không có nhận xét nào