Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ tư 22 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Covid : Thủ tướng Nhật Bản thông báo tiếp tục đóng cửa biên giới

    Nhật Bản khởi động chậm chạp chiến dịch tiêm chủng liều nhắc lại chống Covid-19. AP - Koji Sasahara 

    Trong thông điệp gửi tới quốc dân, sau khi kết thúc phiên họp Quốc Hội cuối năm, hôm qua, 21/12/2021, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết chính phủ sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp hạn chế ở biên giới để chống lại biến thể Omicron của Covid-19. 

    Thủ tuớng Kishida còn nhấn mạnh : “Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp hạn chế để ngăn chặn biến thể Omicron. Những người đã tiếp xúc với người bị nhiễm Covid sẽ phải cách ly tại các cơ sở được chỉ định trong vòng 14 ngày, thay vì tự cách ly tại nhà."

    Các biện pháp thắt chặt hạn chế, phòng chống dịch bệnh này được đưa ra trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng liều nhắc lại vẫn chưa bắt đầu, điều này khiến người dân Nhật Bản lo lắng và bất bình.

    Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval cho biết thêm :

    Chiến dịch tiêm chủng liều nhắc lại khó có thể bắt đầu trước tháng 3 đối với đa số dân Nhật Bản do việc lãnh đạo nước này ra quyết định chậm chạp cộng thêm các vấn đề về nguồn cung ứng.

    Điều này khiến người dân Tokyo khó chịu và sợ hãi :

    Một phụ nữ cho biết : “Biến thể Omicron đang lan truyền với tốc độ đáng sợ trên khắp thế giới và như thường lệ, Nhật Bản đang phản ứng rất chậm trong việc tiêm chủng. Tôi thật sự không yên tâm."

    Một phụ nữ khác đồng tình : “Chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, không thể tiếp tục thế này được nữa, mọi người đang rất lo sợ. Đối với tôi, biến thể mới này rất đáng lo ngại.”

    Một người đàn ông nói : “Sự chậm chạp của chính phủ sẽ làm hỏng đêm giao thừa của tôi. Tôi đã phải từ bỏ ý định đón giao thừa với ông bà của tôi vì không muốn gây nguy hiểm cho sức khỏe của họ. Tôi chỉ mong được tiêm mũi thứ ba để mọi người có thể gặp lại nhau.”

    Và thậm chí mọi người không chắc chắn rằng một khi chiến dịch này bắt đầu, mọi việc sẽ suôn sẻ.

    Một người đàn ông lo ngại : “Hệ thống đăng ký ngày giờ tiêm sẽ lại gặp sự cố. Và khi đó, rất dễ có nhầm lẫn : đáng lẽ phải tiêm Moderna thay vì Pfizer hoặc ngược lại. Nói tóm lại sẽ giống như lần trước, sẽ rất hỗn độn."

    Một người đàn ông khác nói : “Chúng tôi sẽ được tiêm mũi thứ ba 8 tháng sau mũi thứ hai. Ở các nước khác là 5 hoặc 6 tháng, các bạn tự hiểu rồi đấy!”

    Các nhà dịch tễ học thì không yên tâm : họ nhấn mạnh rằng mức độ kháng thể và khả năng đề kháng miễn dịch giảm nhanh hơn ở những người cao tuổi. Và 29% người Nhật trên 65 tuổi.

    Úc viện trợ Việt Nam thêm 1,14 triệu liều vaccine COVID-19 

    Australia viện trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Photo Twitter Marise Payne.

    Australia viện trợ vaccine COVID-19 cho Việt Nam. Photo Twitter Marise Payne. 

    Hôm 22/12, chính phủ Australia cho biết vừa viện trợ thêm 1,14 triệu liều vaccine COVID-19 cho Hà Nội, nâng số lượng viện trợ vaccine của nước này cho Việt Nam lên hơn 3,7 triệu liều.

    Đại sứ quán Australia tại Hà Nội cho biết số vaccine này do Australia sản xuất, là một phần trong cam kết hỗ trợ 7,8 triệu liều vaccine của Australia dành cho Việt Nam để triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19.

    “Chúng tôi đã phân phối hơn 3,7 triệu liều vaccine và sắp tới sẽ có thêm nhiều liều nữa,” đại sứ quán cho biết.

    “Việc cung cấp vaccine của Australia cho các nước láng giềng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được bổ sung để đảm bảo việc triển khai vaccine an toàn và hiệu quả,” Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết.

    “Tại Việt Nam, gói COVID-19 trị giá 60 triệu đôla Úc của Australia đang giúp đào tạo nhân viên y tế, cung cấp tủ lạnh để duy trì bảo quản trong dây chuyền lạnh và hỗ trợ triển khai vaccine ở các tỉnh vùng sâu vùng xa,” bà nói. “Tiếp cận vaccine COVID-19 kịp thời và công bằng là ưu tiên hàng đầu của khu vực và điều này rất quan trọng đối với an ninh y tế chung và phục hồi kinh tế của chúng ta.”

    Tính đến nay, Australia đã chia sẻ hơn 12 triệu liều vaccine như một phần của cam kết 60 triệu liều cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Bộ Y tế Việt Nam hôm 21/12 cho biết số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đều tăng, với hơn 16 ngàn ca/ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 1,5 triệu ca và hơn 30 ngàn người tử vong vì COVID-19.

    Kinh tế toàn cầu trong năm 2021: thiếu hụt nguồn cung

    Vấn đề chủ đạo của nền kinh tế toàn cầu trong thập niên sau khủng hoảng tài chính là chi tiêu thấp. Nhưng đến năm 2021, trong bối cảnh các chính phủ mạnh tay kích thích, chi tiêu tăng vọt. Các chuỗi cung ứng hàng hóa, vốn không được đầu tư đầy đủ, phải vật lộn để có thể theo kịp. Giá cả tăng vọt, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

    Nguyên nhân trước mắt là covid-19, nhưng có hai câu chuyện sâu xa hơn. Thứ nhất, việc chuyển đổi từ than đá sang năng lượng tái tạo, vốn khó dự trữ hơn, khiến các nước dễ bị gián đoạn nguồn cung nhiên liệu hóa thạch. Thứ hai, chính sách thương mại không phải lúc nào cũng được soạn thảo với mục tiêu hiệu quả kinh tế, mà còn nhằm theo đuổi một loạt các mục tiêu, từ áp đặt các tiêu chuẩn lao động đến trừng phạt các đối thủ địa chính trị.

    Những yếu tố này sẽ không biến mất và các chính trị gia có thể dễ dàng đi đến chính sách sai lầm. Họ có thể quay về năng lượng truyền thống ô nhiễm hơn hoặc chủ trương chủ nghĩa bảo hộ và can thiệp nhà nước. Do đó, bác bỏ phi carbon hóa và toàn cầu hóa có thể mới chính là hậu quả hàng đầu của tình trạng thiếu hụt hiện này.

    Một năm phát triển nhanh của đầu tư mạo hiểm

    Trong 5 thập niên qua, ngành đầu tư mạo hiểm (VC) đã tài trợ cho những ý tưởng đột phá có thể thay đổi thế giới, chẳng hạn như vắc-xin mRNA. Bảy trên mười công ty lớn nhất thế giới đều được VC hỗ trợ. Trong năm 2021 đầu tư mạo hiểm lên mức cao nhất mọi thời đại, 580 tỷ đô la, nhiều hơn gần 50% so với con số 2020.

    Giờ đây VC ngày càng được mở rộng và biến đổi, khi các nhà đầu tư dày túi như các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và quỹ hưu trí chen chân vào. Quá trình tăng trưởng này mang lại những rủi ro đáng kể, chẳng hạn như việc các nhân vật sáng lập start-up đua nhau đốt tiền hay các khoản lương hưu bị lãng phí vào những start-up được định giá quá cao. Nhưng về lâu dài, nó hứa hẹn giúp ngành trở nên toàn cầu hơn, đa dạng hóa vốn rủi ro và đem VC đến gần hơn với nhà đầu tư phổ thông. Nhiều vốn theo đuổi một vũ trụ ý tưởng lớn hơn sẽ thúc đẩy cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và tạo ra một hình thức chủ nghĩa tư bản năng động hơn.

    Hệ thống tài chính Trung Quốc nhìn từ Evergrande

    Hệ thống tài chính rộng lớn và thiếu minh bạch của Trung Quốc từ lâu đã trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế nước này và thế giới. Những khó khăn của Evergrande và các hãng bất động sản khác trong năm 2021 cho thấy quản lý rủi ro là một công việc rất khó khăn. Quyết định kiểm soát nợ trong ngành bất động sản của chính phủ đã đẩy Evergrande đến bờ vực sụp đổ. Trong khi đó các hãng bất động sản lớn khác ở Trung Quốc cũng đang gánh khoản nợ 5 nghìn tỷ USD.

    Cuộc khủng hoảng có thể thúc đẩy dọn dẹp các khoản nợ xấu, nới lỏng kiểm soát giá cả (bao gồm cả tỷ giá hối đoái), tăng minh bạch và các tòa án độc lập có thể thực thi quyền tài sản. Một hệ thống như vậy sẽ phân bổ vốn tốt hơn và hạn chế vay mượn thiếu thận trọng. Song chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình là củng cố quyền kiểm soát đối với nền kinh tế, các luồng thông tin, tòa án và các cơ quan quản lý. Ngay cả khi Evergrande bằng cách nào đó không sụp đổ, hệ quả từ các chính sách của ông Tập đối với sức khỏe lâu dài của hệ thống tài chính giờ mới bắt đầu xuất hiện.

    Xuất hiện nhiều thế lực mới trong ngành công nghệ

    Mỹ vẫn thống trị ngành công nghệ toàn cầu, chiếm khoảng 71% giá trị thị trường của các công ty niêm yết. Nhưng một trật tự khác đã xuất hiện trong những mảng tập trung vào cung cấp dịch vụ internet cho người tiêu dùng, chẳng hạn như thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số. Trong mảng này người Mỹ không áp đảo bằng. Năm 2021 là một năm tiêu biểu với hàng loạt vụ lên sàn của các công ty internet ở các thị trường mới nổi, chẳng hạn như Grab ở Đông Nam Á hay PayTM của Ấn Độ.

    Thành công của các công ty ngoài nước Mỹ này là tin tốt. Chúng giúp thúc đẩy cạnh tranh và đổi mới để giải quyết các vấn đề địa phương. Chúng cũng không đi kèm nhiều toan tính địa chính trị. Tuy nhiên vẫn có rủi ro. Một số nước có thể muốn che chở cho các công ty địa phương. Ngoài ra là vấn đề thiếu vốn. Dù thế nào, người tiêu dùng toàn cầu giờ có nhiều lựa chọn hơn trên màn hình smartphone của họ.

    Hoa Kỳ cảnh báo các ngân hàng giao dịch với các quan chức Trung Quốc bị trừng phạt

    https://img.etviet.com/2021/12/GettyImages-1223717123-700x420.jpg

    Những người tham dự từ nhiều lực lượng khác nhau diễn hành bên cạnh một biểu ngữ ủng hộ luật an ninh quốc gia mới vào cuối buổi lễ kéo cờ đánh dấu kỷ niệm 23 năm Hồng Kông được bàn giao từ Anh Quốc tại Hồng Kông vào ngày 01/07/2020 (Ảnh: Anthony Wallace/AFP/ Getty Images) 

    Hoa Thịnh Đốn đã nêu đích danh 5 quan chức Trung Quốc vốn đã bị trừng phạt vì làm suy yếu quyền tự chủ của Hồng Kông trong một báo cáo và cảnh báo rằng các tổ chức tài chính ngoại quốc làm ăn với họ cũng sẽ bị trừng phạt.

    Báo cáo hôm 20/12 đã xác định năm người là Trần Đông (Chen Dong), Hà Tĩnh (He Jing), Lô Tân Ninh (Lu Xinning), Đàm Thiết Ngưu (Tan Tienui), và Doãn Tông Hoa (Yin Zonghua), tất cả đều là phó giám đốc tại văn phòng liên lạc của Trung Quốc tại Hồng Kông. Cơ quan đại lục này được lập ra để quản lý các chính sách của Bắc Kinh tại thuộc địa cũ của Anh Quốc.

    Năm cá nhân này trước đây bị Bộ Ngân khố Hoa Kỳ đưa vào danh sách đen. Họ “đã, đang góp phần đáng kể hoặc cố gắng góp phần đáng kể trong việc CHND Trung Hoa không đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo Tuyên bố chung hoặc Luật Căn bản,” báo cáo nêu rõ.

    Việc nêu tên năm người này đã đưa đến số quan chức vi phạm các tiêu chí của Đạo luật Hồng Kông Tự trị của Hoa Kỳ (HKAA) là 39. Đạo luật này được cựu Tổng thống Donald Trump ký thành luật hồi tháng 07/2020, hai tuần sau khi Bắc Kinh áp đặt một luật an ninh quốc gia đối với thành phố này.

    Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price cho biết hôm 20/12, “Các tổ chức tài chính ngoại quốc cố ý thực hiện các giao dịch quan trọng với các cá nhân được liệt kê trong báo cáo hôm nay sẽ bị trừng phạt.” 

    Các tổ chức tài chính bị phát hiện vi phạm đạo luật có thể phải chịu cái gọi là các biện pháp trừng phạt thứ cấp, bao gồm các hạn chế đối với các khoản vay của Hoa Kỳ, ngoại hối, giao dịch tài sản, xuất cảng, và chuyển tiền, thêm vào đó là các biện pháp chống lại việc thi hành.

    Theo các điều khoản của đạo luật, Bộ Ngân khố được yêu cầu xác định bất kỳ tổ chức nào như vậy trong khoảng thời gian từ 30 đến 60 ngày kể từ ngày nộp báo cáo lên Quốc hội.

    Cho đến nay, Hoa Kỳ chưa trừng phạt bất kỳ tổ chức tài chính ngoại quốc nào vì giao dịch với những cá nhân trong danh sách nêu trên.

    Báo cáo định kỳ sáu tháng mới nhất cho Quốc hội, được yêu cầu theo HKAA, là bản cập nhật cho các báo cáo tháng 10/2020 và tháng 03/2021.

    Cùng ngày, Bộ Ngoại giao cho biết họ lo ngại sâu sắc về “những nỗ lực rõ ràng” của Bắc Kinh nhằm bóp nghẹt tiếng nói dân chủ của Hồng Kông trong cuộc bầu cử lập pháp hôm 19/12, trong đó chỉ “những người ái quốc” mới có thể tranh cử và sự lựa chọn của cử tri bị hạn chế vì Bắc Kinh sửa luật bầu cử, theo một tuyên bố báo chí.

    Năm cá nhân bị nêu tên trong tuần này nằm trong số bảy quan chức Trung Quốc bị trừng phạt hồi tháng Bảy vì tội đàn áp dân chủ ở Hồng Kông.

    Cô Rita Li là phóng viên của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ từ năm 2018.

    Thiện Lan biên dịch

    TT Biden sẽ cung cấp bộ xét nghiệm COVID miễn phí cho dân Mỹ 

    Reuters 

    Tổng thống Joe Biden phát biểu về nỗ lực ứng phó với COVID-19 và tiêm ngừa vaccine, trong Phòng Quốc Yến của Nhà Trắng ở Washington, ngày 21 tháng 12, 2021.

    Tổng thống Joe Biden phát biểu về nỗ lực ứng phó với COVID-19 và tiêm ngừa vaccine, trong Phòng Quốc Yến của Nhà Trắng ở Washington, ngày 21 tháng 12, 2021. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày thứ Ba loan báo mở thêm các địa điểm tiêm chủng và xét nghiệm liên bang để ứng phó với một đợt gia tăng các ca nhiễm COVID-19 do biến thể Omicron gây ra, và cho biết khoảng 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh tại nhà sẽ được cung cấp miễn phí cho người Mỹ bắt đầu từ tháng 1.

    Ông Biden đưa ra cả lời cảnh báo đối với những người chưa tiêm ngừa, những người mà ông nói có "lý do chính đáng để lo ngại," và trấn an những người đã tiêm ngừa rằng họ có thể tụ họp cho đợt nghỉ lễ cuối năm dù biến thể mới đang lan tràn khắp cả nước.

    "Không, đây không phải là tháng 3 năm 2020, ông Biden nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. "Hai trăm triệu người đã tiêm ngừa đầy đủ, chúng ta đã chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta đã biết nhiều hơn."

    Nói về những nguy cơ đối với một phần tư người Mỹ trưởng thành vẫn chưa tiêm chủng đầy đủ, ông Biden nói những người vẫn chưa tiêm ngừa "có nguy cơ nhập viện hoặc thậm chí tử vong cao hơn đáng kể."

    Các biện pháp được công bố hôm thứ Ba bao gồm kích hoạt khoảng 1.000 nhân viên quân y để hỗ trợ các bệnh viện đã bị quá tải vì bệnh nhân COVID ở một số khu vực.

    Biến thể Omicron, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng trước, đang khiến số ca nhiễm tăng gấp đôi sau 1,5 đến 3 ngày, theo Tổ chức Y tế Thế giới. Vẫn vẫn chưa biết liệu nó có gây bệnh nghiêm trọng hơn biến thể Delta hay không.

    Omicron hiện chiếm 73% tổng số ca nhiễm mới, theo dữ liệu mới nhất của Mỹ, tăng từ mức chưa đầy 1% vào đầu tháng.

    Sự gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm đang một lần nữa làm gián đoạn cuộc sống trên khắp đất nước, khiến các sự kiện từ các buổi biểu diễn Broadway đến các trận đấu thể thao chuyên nghiệp phải bị hủy bỏ.

    Ở New York, Washington và các thành phố khác của Mỹ, nhiều người xếp hàng dài để xét nghiệm COVID-19 khi mọi người tranh nhau xác định xem họ có bị nhiễm virus hay không trước khi đón mừng các ngày lễ, Reuters đưa tin.

    Việc cung cấp các bộ xét nghiệm nhanh tại nhà thêm vào kế hoạch của ông Biden được công bố vào đầu tháng này nhằm kêu gọi các công ty bảo hiểm y tế cung cấp các bộ xét nghiệm miễn phí cho các cá nhân có bảo hiểm, cũng dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 1.

    Chính quyền sẽ mở nhiều trung tâm xét nghiệm liên bang, bắt đầu ở Thành phố New York trước Giáng sinh, ông Biden nói. Nhiều địa điểm tiêm chủng và xét nghiệm liên bang sẽ được mở trên toàn quốc ở những khu vực có nhu cầu cao và khi có yêu cầu của các quan chức cấp địa phương và cấp bang.

    Cố vấn y tế hàng đầu của Nhà Trắng, Bác sĩ Anthony Fauci ngày thứ Ba nói chính phủ cũng đang cân nhắc giảm thời gian cách ly 10 ngày được khuyến nghị cho những người bị nhiễm virus, để giúp những người không có triệu chứng trở lại làm việc hoặc đi học.

    Covid-19 : Bí ẩn nguồn gốc Omicron và những biến thể khác

    Ảnh minh họa các biến thể của SARS-CoV-2 : Alfa, Beta, Delta, Gamma và Omicron được đặt theo bảng chữ cái Hy Lạp. Ảnh chụp ngày 02/12/2021 tại Toulouse, Pháp. Lionel BONAVENTURE AFP 

    Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đã chiếm khoảng 73% số ca nhiễm hàng ngày tại Mỹ, theo dữ liệu ngày 18/12. Nhiều nước châu Âu buộc phải phong tỏa, hủy các hoạt động lễ hội tập trung đông người và tăng cường các biện pháp hạn chế để tránh biến thể Omicron lan rộng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. 

    Được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11/2021 với tên gọi khoa học B.1.1.529, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron là “một biến thể không quá nguy hiểm” nhưng điều chắc chắn là Omicron sẽ lấn át biến thể Delta trong thời gian tới vì có đến 30 đột biến khác nhau so với chủng gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc).

    Ai là bệnh nhân đầu tiên của biến thể Omicron ? Đây là câu hỏi được trang France 24 đặt ra trong phần Giải mã (Décryptage) ngày 02/12/2021 : “Covid-19 : về nguồn gốc của các biến thể, dấu vết từ các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch”. 

    Siêu biến thể Omicron xuất phát từ đâu ?

    Cho đến giờ nguồn gốc của biến thể Omicron vẫn là một ẩn số nhưng một số nhà khoa học hướng đến giả thuyết các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, có thể là môi trường thuận lợi để các đột biến sinh sôi và tạo ra một biến thể mới. Từ nhiều tháng nay, họ nghiên cứu khả năng về mối liên hệ giữa những người có hệ miễn dịch bị suy giảm (đang chờ ghép tạng, bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV nhưng không được điều trị) với sự phát triển của các biến thể đáng lo nhất.

    Cụ thể, theo giải thích với đài France 24 của nhà virus học Morgane Bomsel, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và Viện Cochin ở Paris : “Khi một bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, virus sẽ ở lại rất lâu trong cơ thể người đó, đôi khi là nhiều tháng, trái với vài ngày đối với người bình thường. Hệ thống miễn dịch của người đó quá yếu và không thể thải virus”. 

    Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications ngày 04/11 nêu trường hợp một người đàn ông 58 tuổi, bị bệnh thận phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đã bị nhiễm Covid-19 trong suốt 6 tháng. Tháng 12/2020, nhiều bác sĩ Mỹ cũng ghi nhận một trường hợp tương tự : một bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đã qua đời sau khi bị nhiễm Covid-19 suốt 154 ngày. “Trong suốt thời gian đó, virus có thể đã tích tụ thành hàng loạt đột biến và sinh ra một biến thể mới”, vẫn theo giải thích của nhà virus học Morgane Bomsel. 

    Cũng như mọi virus khác, SARS-CoV-2 có khả năng tái tạo, nhưng đôi khi xảy ra lỗi trong quá trình này và người ta gọi đó là một "đột biến". Trong đa số trường hợp không có bất kỳ sự cố nào, nhưng không phải là không có ngoại lệ và việc này có thể dẫn đến khả năng lây nhiễm và độc lực của virus. Biến thể trở thành phiên bản mới của virus và mang theo những điều chỉnh này.

    Giáo sư virus học Vicent Maréchal, đại học Sorbonne, giải thích với France 24 : “Ở những bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, hệ thống miễn dịch không thắng được virus, nhưng sẽ vẫn chống virus. Quá trình đó sẽ gây ra điều mà người ta gọi là “áp lực lựa chọn””. 

    Nói tóm lại, trong cuộc chiến giữa virus và hệ miễn dịch, virus buộc phải tiến hóa và sẽ chỉ giữ lại những đột biến cho phép virus tiếp tục sản sinh và chống đỡ. Do đó sẽ chỉ còn những đột biến nguy hiểm nhất, có khả năng thoát được sức mạnh vô hiệu hóa của các kháng thể. Và virus, với những đột biến đó, sẽ lây lan nếu bệnh nhân lây cho một người khác. 

    Do đó, theo giáo sư Vincent Maréchal, “với số đột biến nhiều như vậy, có rất nhiều khả năng một bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch là nguồn gốc của biến thể Omicron”. Tuy nhiên, “đây không phải là lần đầu tiên một giả thuyết như vậy được nêu lên, nhà virus học Morgane Bomsel giải thích, mà từng được nhắc đến khi xuất hiện các biến thể Anh và Bêta”.

    Nam Phi, vùng đất mầu mỡ

    Nam Phi có lẽ là vùng đất thuận lợi cho kiểu tiến hóa như vậy, trong đó nguyên nhân chính là bệnh sida. Nam Phi có 7 triệu người sống với căn bệnh này, chiếm 12% dân số và 19% số người ở độ tuổi 15-45. Điều đáng nói là tỉ lệ bệnh nhân sida được điều trị lại rất ít, chỉ khoảng 57% người bệnh được điều trị trong năm 2017. Do đó, theo phân tích của giáo sư virus học Vincent Maréchal, “số người bị suy giảm hệ miễn dịch rất lớn, lại sống ở đất nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp và là nơi virus lây lan nhanh. Rõ ràng đây là điều kiện để các biển thể có thể xuất hiện”. 

    Omicron cũng không phải là biến thể đầu tiên của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi. Trước đó có hai biến thể, từng được gọi là “biến thể Nam Phi”, sau đó được đổi tên thành Bêta và C.1.2. Tuy nhiên, “điều này cũng được hiểu là Nam Phi tiến hành nhiều giải trình tự gen cho phép nhận dạng các biến thể” và giáo sư Vincent Maréchal nhấn mạnh “không hẳn bệnh nhân số 0 là ở Nam Phi”.

    Sau khi Nam Phi thông báo phát hiện biến thể mới Omicron, nhiều nước trên thế giới, như Hà Lan, thông báo dường như biến thể Omicron xuất hiện tại nước họ trước ngày phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Dù nguồn gốc địa lý của Omicron hiện vẫn là một ẩn số, nhưng có lẽ biến thể Bêta đã xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, theo một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Sciences ngày 09/09/2021.

    Cụ thể, biến thể Bêta, được tách lần đầu tiên vào tháng 10/2020, được cho là xuất hiện ở những người nhiễm bệnh sida ở vịnh Nelson-Mandela, có thể là do khu vực này thiếu phương tiện điều trị bệnh nhân nhiễm HIV. Vịnh Nelson-Mandela nằm trong số những vùng trên thế giới tập trung đông người nhiễm virus HIV nhất nhưng lại không được điều trị thích hợp. 

    Nhờ những phân tích tin học, khi so sánh tất cả các biến thể thuộc dòng Bêta trên thế giới, các tác giả bài nghiên cứu phát hiện ra rằng 90% “tổ tiên” của những biến thể này đều xuất phát từ Nam Phi. Biến thể đầu tiên thuộc dòng Bêta đúng là xuất hiện ở vịnh Nelson-Mandela. Sau đó, virus lan nhanh sang những tỉnh khác ở Nam Phi, tiếp theo là các nước láng giềng. Vào tháng 03/2021, biến thể Bêta trở thành virus "thống trị" ở miền nam châu Phi, ở đảo Mayotte và đảo La Réunion.

    “Biến thể có thể xuất hiện ở khắp nơi”

    Tuy nhiên, không vì thế mà chỉ mặt điểm tên Nam Phi mà ngược lại, theo giáo sư Vincent Maréchal, “điều này cho thấy chuyện gì xảy ra khi cùng lúc gặp hai đại dịch và điều quan trọng là không được quên cuộc chiến chống sida để ưu tiên chống Covid-19. Chúng ta thấy rõ trong hai năm gần đây, các biến thể có thể xuất hiện ở khắp nơi, từ vùng Bretagne của Pháp đến Anh và Ấn Độ. Rất nhiều yếu tố cần được chú ý. Có nhiều điều về các biến thể mà chúng ta chưa hiểu hết được”.

    Trong khi các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để làm sáng tỏ cơ chế phát triển của các biến thể này, giáo sư virus học đưa ra một giả thuyết cuối : “Có thể là các biến thể xuất hiện dễ dàng hơn ở một số nơi, tùy theo bối cảnh văn hóa-xã hội và dịch tễ. Vì thế, cần phải xác định những khu vực đó và triển khai theo dõi để xem chuyện sẽ xảy ra”.

    Trung Quốc tăng tốc mở rộng căn cứ trên đảo Hải Nam

    Trung Quốc tăng tốc mở rộng căn cứ trên đảo Hải Nam

    Hình ãnh vệ tinh chụp Căn cứ Mộc Miên ở hai thời điểm khác nhau /Courtesy CSIS 

    Trung Quốc gia tăng mở rộng căn cứ Mộc Miên trên đảo Hải Nam để quân đội có thêm khả năng theo dõi và đối phó các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động trong khu vực Biển Đông.

    Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) trụ sở tại Washington DC vào này 17/12 loan tin vừa nêu theo ảnh vệ tinh có được gần đây.

    Mộc Miên là căn cứ triển khai hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh (SATCOM). Tại đó có những hệ thống có thể được sử dụng trong tác chiến điện tử (EW). Căn cứ này chắc hẳn đóng vai trò thu thập tình báo tín hiệu (SIGINT), bao gồm bất cứ loại thông tin tình báo nào có được từ hoạt động đón chặn và phân tích tín hiệu nước ngoài hoặc thông tin liên lạc từ các vệ tinh, radar, phần cứng vũ khí và những hệ thống điện tử khác. Nhiều thiết bị trong khu vực lân cận dường như cũng được dùng cho công tác thu thập tình báo thông tin (COMINT).

    Hình ảnh vệ tinh cho thấy tại Căn cứ Mộc Miên chí ít từ năm 2018 đã có hoạt động lắp đặt tương tự; nhưng hình ảnh thu thập được từ ngày 21 tháng 11 năm nay cho thấy một số cơ sở chính mới. Đó là một phức hợp SATCOM/COMINT ở mạn nam căn cứ gồm một tòa nhà lớn, bốn đĩa ăn-ten (ba cái rộng 14 mét và một cái rộng 4 mét) và ít nhất bốn tháp ăn-ten phù hợp cho thông tin liên lạc hoặc tác chiến điện tử.   

    Hầu hết những cơ sở mở rộng được hoàn tất chỉ hơn một năm từ tháng 8/2020 đến 21/11/2021.

    Không chỉ ở Hải Nam, Trung Quốc còn cho lắp đặt các cơ sở thông tin- liên lạc và radar, cũng như dàn ăn-ten cho SIGNIT tại nhiều nơi ở Biển Đông, trong đó có hai đảo đá Subi và Chữ Thập. Giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa, Trung Quốc cho lắp đặt một hệ thống những cảm biến cố định hay nổi và trang thiết bị thông tin liên lạc. 

    Hoạt động mở rộng Căn cứ Mộc Miên và lắp đặt những hệ thống điện tử ở Biển Đông như vừa nêu phù hợp với công tác bao trùm hiện nay của Trung Quốc là hiện đại hóa quân đội Hoa Lục.


    Không có nhận xét nào