Võ Thái Hà tổng hợp
Siêu bão RAI: Số người Philippines thiệt mạng đã lên ít nhất 146 người
CẬP NHẬT (9:30am): Theo thông tin mới nhất từ Cảnh sát Quốc gia Philippines vào sáng 20/12, số người chết vì bão Rai đã tăng lên 208 người. Ít nhất 239 người bị thương và 52 người mất tích.
Theo số liệu chính thức do Philippines công bố, số người chết vì siêu bão Rai đã lên ít nhất 146 người.
Những ngôi nhà bị phá hủy bởi cơn bão Rey ở khu vực ven biển của tỉnh Bohol miền trung Philippines. Hình chụp vào ngày 17/12/2021 (DAVE RESPONTE / AFP qua Getty Images).
Theo hãng tin AP vào ngày 19/12, Tỉnh trưởng Arthur C. Yap của tỉnh Bohol (miền trung Philippines) cho biết vào ngày Chủ Nhật rằng tỉnh này đang trong tình trạng thảm họa, số người thiệt mạng lên tới 72 người, 10 người mất tích và 13 người bị thương do ảnh hưởng của siêu bão Rai.
Ông Arthur C. Yap cũng nói rằng số người chết có thể tăng lên đáng kể. Do liên lạc bị gián đoạn, chỉ có 33 trong số 48 thị trưởng của tỉnh có thể báo cáo tình hình cho ông. Cơ quan chức năng đang cố gắng xác nhận trường hợp thương vong ở những khu vực chưa được thống kê, sạt lở núi và lũ lụt quy mô lớn có thể khiến số lượng lớn người chết.
Tỉnh Bohol có dân số hơn 1,2 triệu người. Tỉnh trưởng Arthur C. Yap đã đưa ra một tuyên bố trên Facebook, yêu cầu các thị trưởng sử dụng quyền hạn khẩn cấp để đảm bảo rằng mọi người được tiếp cận với thực phẩm và nước uống.
“Rõ ràng, những thiệt hại mà tỉnh Bohol phải gánh chịu là rất lớn và bao trùm”, ông Arthur C. Yap nói.
Chính quyền tỉnh này cho biết khoảng 780.000 người đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão và hơn 300.000 cư dân phải sơ tán khỏi nhà của họ.
Ngoài 72 trường hợp người chết mà ông Arthur C. Yap nói thì các cơ quan ứng phó thảm họa, cảnh sát quốc gia và các cơ quan chức năng địa phương khác cũng thông báo có ít nhất 64 trường hợp người chết. Quần đảo Dinagat là một trong những tỉnh đông nam đầu tiên bị ảnh hưởng bởi cơn bão, cơ quan chức năng đã báo cáo thêm 10 người chết, nâng tổng số người chết cho đến nay là 146 người.
Bão Rey đổ bộ Philippines vào thứ Năm tuần trước là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay. Vì con số thương vong vẫn đang được thống kê, các thông tin của các phương tiện truyền thông khác nhau không giống nhau.
Theo Washington Post, hôm Chủ Nhật cảnh sát Philippines cho biết cơn bão đã làm ít nhất 167 người thiệt mạng, 124 người bị thương và 43 người mất tích, nhưng số liệu này chưa được xác nhận độc lập bởi Ủy ban Quản lý Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia (NDRRMC).
Hàng ngàn quân nhân, cảnh sát, lực lượng bảo vệ bờ biển và lính cứu hỏa Philippines đã được triển khai tìm kiếm cứu nạn ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Nhiều tàu hải quân đã được điều động để chở nước uống, lương thực và vật tư y tế.
Liên Hiệp châu Âu thúc đẩy các phương pháp điều trị chống Covid
Giữa làn sóng thứ 5 của Covid-19, Cơ quan Dược phẩm châu Âu đã phê duyệt vào mùa đông này việc sử dụng 5 loại thuốc chống Covid.
Làn sóng thứ 5 của Covid-19 đang hoành hành ở các nước thuộc Liên Hiệp châu Âu (EU), buộc những nước này phải đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng và áp dụng các biện pháp hạn chế mới. Trong bối cảnh đáng lo ngại này, kể từ ngày 12 tháng 11, Liên Âu đã cho phép sử dụng 5 phương pháp điều trị chống Covid, nhằm bổ sung cho các chiến dịch tiêm vac-xin.
Theo France 24, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) đã phê duyệt 2 phương pháp mới để điều trị Covid-19 hôm 16/12/2021. Ủy viên Y tế châu Âu Stella Kyriakides phấn khởi nói rằng : "điều này nâng tổng số thuốc được dùng để điều trị Covid-19 tại EU lên thành 5 loại, đồng thời đạt được mục tiêu mà chúng tôi đề ra trong chiến lược của mình cho năm 2021."
Những thuốc được cấp phép bao gồm Xevudy (sotrovimab) của tập đoàn GlaxoSmithKline của Anh, Kineret của tập đoàn Thụy Điển Sobi, RoActemra hoặc Actemra được sản xuất bởi hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche, Regkirona của tập đoàn Celltrion của Hàn Quốc và cuối cùng là Ronapreve được phát triển bởi công nghệ sinh học Regeneron của Mỹ và được tiếp thị bởi Roche.
Hầu hết các thuốc này đều là kháng thể đơn dòng, hay nói cách khác là kháng thể tổng hợp. Đây là một phương pháp đã được sử dụng trong nhiều năm để điều trị các bệnh tự viêm mãn tính hoặc một số bệnh ung thư. Vào ngày 6 tháng 12, EMA đã khuyến khích mở rộng việc sử dụng tocilizumab, một kháng thể đơn dòng được bán dưới tên Actemra hoặc RoActemra, để điều trị những bệnh nhân Covid-19 thể nặng nhất.
Tuy nhiên, hiện tại ở châu Âu, 5 loại thuốc này chưa có ở dạng viên nén, mà mới chỉ được phát triển ở dạng thuốc để tiêm.
Nhìn sang Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Hoa Kỳ cho biết vào hôm qua, tổng thống Joe Biden chuẩn bị áp dụng những biện pháp hạn chế mới đối với những người Mỹ chưa tiêm phòng vào mùa đông này.
Ông Fauci nói với kênh NBC rằng "vấn đề thực sự" ở Hoa Kỳ là chúng ta có rất nhiều người đủ điều kiện để được tiêm chủng, nhưng không chịu đi tiêm.
Các nghị sĩ yêu cầu NBC không phát sóng Thế vận hội Bắc Kinh vì nhân quyền
NBCUniversal nên hủy chương trình phát sóng Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh khi chỉ còn hai tháng nữa là đến [sự kiện này], và thay vào đó chuyển hướng ánh đèn sân khấu về phía những vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền này ở Tân Cương và Hồng Kông, các nhà lập pháp Hoa Kỳ nói với đài truyền hình.
“Gần một tỷ USD mà NBCUniversal và các chi nhánh của nó đã đầu tư vào kỳ Thế vận hội này có nghĩa là tổ chức này có trách nhiệm phải giải quyết tác động của các hành vi vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc,” Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon) và Dân biểu James McGovern (Dân Chủ-Massachusetts), chủ tịch và đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC) có sự tham gia của lưỡng đảng, đã viết trong một bức thư hôm 16/12 cho Giám đốc Điều hành Jeff Shell của NBCUniversal.
Trong bốn năm qua, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã thu về 73% doanh thu từ việc bán bản quyền phát sóng. Khoảng 40% thu nhập đó đến từ riêng NBC.
Việc các nhà tài trợ cho Thế vận hội đã tán thành rộng rãi các Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc về Kinh doanh và Nhân quyền, đã tạo ra trách nhiệm cho các công ty này trong việc giải quyết tác động nhân quyền đến từ các sản phẩm và dịch vụ của họ, các nhà lập pháp cho biết trong bức thư.
“Các vận động viên, nhân viên hỗ trợ, và các thành viên của giới truyền thông sẽ có mặt tại một quốc gia nơi một cuộc diệt chủng đang diễn ra, và khi tuân thủ điều lệ của Thế vận hội để khuyến khích ‘tôn trọng các nguyên tắc đạo đức căn bản và phổ quát’, NBCUniversal phải nghĩ về việc điều đó có nghĩa là gì đối với những người tham gia ở Bắc Kinh và cả công dân Trung Quốc,” bức thư nêu rõ.
The Epoch Times đã liên lạc với NBCUniversal để yêu cầu bình luận.
Các tập đoàn quốc tế đã tỏ ra miễn cưỡng về việc công khai có lập trường chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Tại một phiên điều trần của Quốc hội hồi tháng Bảy, các giám đốc điều hành hàng đầu của Coca-Cola, Airbnb, Procter & Gamble, và Visa, toàn bộ bốn nhà tài trợ này của Hoa Kỳ cho Thế vận hội đều đã tuyên bố ủng hộ nhân quyền trên toàn cầu, sẽ không làm rõ liệu họ có ủng hộ việc dời Thế vận hội sang một quốc gia khác hay hoãn Thế vận hội hay không.
“Miễn là chính phủ cho phép các vận động viên tham gia thi đấu, chúng tôi sẽ ở đó để hỗ trợ và tài trợ cho họ,” một giám đốc điều hành nói với các quan chức.
Hồi tháng 11, nhóm vận động Human Rights Watch cho biết họ đã viết thư cho tất cả trừ một trong những nhà tài trợ hàng đầu của IOC, cũng như NBC, để yêu cầu được biết lý do tại sao họ vẫn im lặng về tình hình nhân quyền ở Trung Quốc. Câu trả lời duy nhất đến từ đối tác bảo hiểm của IOC là Allianz. Họ nói rằng họ “ủng hộ Phong trào Olympic và sự ủng hộ lâu năm của chúng tôi cho các lý tưởng của phong trào này sẽ không dao động.”
Nghiên cứu: Vaccine COVID-19 tăng cường của Sinopharm có hoạt tính yếu hơn Omicron
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết trong một bài báo rằng mũi tiêm vaccine tăng cường COVID-19 của Sinopharm do Trung Quốc sản xuất có hoạt tính trung hòa “thấp hơn đáng kể” đối với biến chủng Omicron, mặc dù họ cho biết thêm rằng hiệu quả của vaccine này kháng lại Omicron vẫn chưa rõ ràng, theo Reuters.
Nghiên cứu trên được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu của Đại học Giao thông Thượng Hải và một phòng thí nghiệm có trụ sở tại Thượng Hải chuyên về các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp - đã so sánh hoạt tính của vaccine tăng cường của Sinopharm với một chủng COVID-19 trước kia có nguồn gốc từ Vũ Hán, vẫn theo Reuters.
Theo một bài báo được công bố hôm 18/12, hoạt tính kháng thể trung hòa của vaccine Sinopharm tăng cường (BBIBP-CorV) của công ty Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc chống lại Omicron đã giảm 20,1 lần so với hoạt tính chống lại chủng virus Vũ Hán trước đây, theo trang India News Republic.
Sinopharm chưa phản hồi ngay lập tức yêu cầu bình luận của báo chí.
Nghiên cứu này đã phân tích các mẫu từ 292 nhân viên y tế được tiêm liều thứ ba hoặc tiêm nhắc lại khoảng 8-9 tháng sau liều thứ hai. Sau 4 tuần, các mẫu huyết thanh từ 78,1% người tham gia vẫn giữ được hoạt tính trung hòa chống lại Omicron, các nhà nghiên cứu cho biết trong bài báo, vẫn theo trang India News Republic.
Trong khi đó hãng tin Bloomberg dẫn một nghiên cứu khác cho biết các mũi tiêm COVID-19 Sinopharm của Trung Quốc, Johnson & Johnson của Mỹ, cũng như vaccine Sputnik do Nga phát triển, tạo ra ít hoặc không có kháng thể chống lại biến chủng Omicron.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Washington và nhà sản xuất thuốc Thụy Sĩ Humabs Biomed SA. Họ đã phân tích hiệu quả của sáu loại vaccine chống lại biến chủng Omicron. Chỉ có ba trong số 13 người đã tiêm cả hai liều tiêm của vaccine Sinopharm cho thấy có kháng thể trung hòa chống lại Omicron.
Đối với vaccine J&J, chỉ số này giảm xuống còn một trong số 12 mẫu. Không ai trong số 11 người được tiêm chủng đầy đủ vaccine Sputnik tạo ra kháng thể như vậy, theo Bloomberg.
Hôm 20/12, công ty dược Moderna của Mỹ cho biết rằng một liều tăng cường vaccine COVID-19 của họ dường như có khả năng bảo vệ chống lại biến chủng Omicron trong phòng thí nghiệm và rằng phiên bản vaccine hiện tại sẽ tiếp tục là “dòng đầu tiên của Moderna bảo vệ chống lại Omicron”, theo Reuters.
Trung Quốc: Đài Loan là ‘đứa hoang đàng’ rồi cũng sẽ hồi gia
Hôm 20/12, nhà ngoại giao hàng đầu của chính phủ Trung Quốc cho rằng Đài Loan là một “đứa hoang đàng” và cuối cùng sẽ trở về nhà chứ không phải quân cờ để bị lợi dụng, tái xác nhận quyết tâm của Bắc Kinh về việc kiểm soát hòn đảo này, theo Reuters.
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan một phần lãnh thổ của họ, và trong hai năm qua đã tăng cường sức ép quân sự và ngoại giao để khẳng định yêu sách chủ quyền của mình, trước sự tức giận ở Đài Bắc và mối quan ngại sâu sắc ở Washington.
Phát biểu tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết nguyên nhân của những căng thẳng hiện nay là do chính phủ Đài Loan nỗ lực “dựa vào Hoa Kỳ để đòi độc lập” và Hoa Kỳ cùng các nước khác cố gắng “sử dụng Đài Loan để kiểm soát Trung Quốc”.
“Chính những hành động đồi bại này đã làm thay đổi hiện trạng và phá hoại hòa bình ở eo biển Đài Loan, vi phạm sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”, ông Vương nói.
Ông nói, để đối phó với điều này, Trung Quốc đã thực hiện “các biện pháp đối phó mạnh mẽ” để “đánh bật sự kiêu ngạo” của những người muốn Đài Loan chính thức độc lập.
“Đài Loan là đứa hoang đàng rồi cuối cùng sẽ hồi gia chứ không phải quân cờ bị kẻ khác lợi dụng. Trung Quốc phải và sẽ thống nhất”.
Trung Quốc đặc biệt tức giận trước sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Hoa Kỳ là nhà cung cấp vũ khí và hậu thuẫn quốc tế quan trọng nhất cho hòn đảo này, mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức.
Chính phủ Đài Loan đã nhiều lần tố cáo sức ép của Trung Quốc, nói rằng chỉ người dân Đài Loan mới có quyền quyết định tương lai của họ và họ sẽ không nhượng bộ trước những lời đe dọa.
Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc bại trận trong cuộc nội chiến với những người Cộng sản và đã chạy sang Đài Loan vào năm 1949. Còn những người cộng sản ở đại lục đã thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông với diễn tập tàu sân bay
Hai tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh của Trung Quốc được triển khai tham gia các cuộc tập trận tác chiến thực tế ở khu vực Biển Đông, nơi có nhiều quần đảo mà Trung Quốc chiếm đóng.
Truyền thông nhà nước loan tin dẫn thông tin từ tờ Nhân dân Nhật báo cho biết, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã lên đường đến một khu vực không được tiết lộ tại Biển Đông để tham gia cuộc diễn tập chiến đấu thực tế, diễn tập các máy bay chiến đấu, kiểm soát thiệt hại và cứu hộ.
Như vây tàu sân bay Sơn Đông là tàu sân bay thứ hai của hải quân Trung Quốc, cũng là lần thứ hai trong năm 2021, tham gia tập trận tại Biển Đông kể từ hồi tháng 5.
Vào ngày 18/12, lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản thông báo phát hiện hạm đội gồm bốn tàu của hải quân Trung Quốc đã vượt qua vùng biển giữa đảo Okinawa và đảo Miyako hướng về phía Nam tiến vào Thái Bình Dương.
Tờ South China Morning Post ngày 19/12 thông tin xác nhận việc hạm đội tàu sân bay Liêu Ninh và các khu trục hạm đã vược qua eo biển Miyako tiến vào Thái Bình Dương để tập trận trên biển.
Hành động này của Trung Quốc diễn ra trong khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hoa Kỳ tuần tra Thái Bình Dương đã cập cảng ngừng hoạt động trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và Năm mới.
Không có nhận xét nào