Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ bảy 04 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Covid-19 : Gần 40 nước đã phát hiện biến thể Omicron

    Ảnh minh họa tại Luân Đôn, Anh, ngày 02/12/2021 về biến thể Omicron của SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. © Justin TALLIS AFP

    Theo thông báo ngày 03/12/2021 của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, biến thể Omicron đã được phát hiện tại 38 quốc gia, nhưng hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào do biến thể mới của virus gây bệnh Covid-19.

    Trong một cuộc họp báo, một phát ngôn viên của WHO, ông Christian Lindmeier, cho biết phải cần thêm nhiều tuần nữa mới có thể biết chính xác hơn về tác động của biến thể Omicron, xác định mức độ lây lan và khả năng kháng vac-xin của biến thể mới này. Theo lời ông Lindmeier, các dữ liệu ban đầu cho thấy biến thể Omicron lây lan nhanh hơn, nhưng đó là điều duy nhất biết được cho đến nay về biến thể này. Ông Lindmeier cũng xác định hiện cũng chưa có thông tin nào về các ca tử vong liên quan đến Omicron.

    Trong khi đó, một quan chức của WHO cho biết là tính đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện ở 38 quốc gia và kể từ nay, biến thể mới này đã lây lan đến 6 vùng của thế giới theo cách phân vùng của WHO. Riêng tại Pháp, theo cơ quan y tế, đã có 12 ca nhiễm Omicron được ghi nhận.

    Biến thể mới, mà WHO  xếp vào loại « đáng lo ngại », đã được phát hiện lần đầu tiên tại Nam Phi. Cơ quan y tế của nước này đã báo động về biến thể mới cho WHO ngày 24/11. Ngoài những ca nhiễm là những người đến từ nam châu Phi, nay cũng đã có những ca nhiễm Omicron trong cộng đồng đầu tiên ở một số quốc gia như Hoa Kỳ hoặc Úc. 

    Theo đánh giá của WHO, khả năng biến thể Omicron lan ra toàn cầu là rất cao. Nhưng phát ngôn viên của tổ chức này nhấn mạnh phần lớn các ca nhiễm Covid-19 hiện nay vẫn là do biến thể Delta.

    Trong khi đó, chủ tịch Liên đoàn Quốc tế các Hội Chữ thập đỏ (FICR) Francesco Rocca cho rằng sự xuất hiện của biến thể Omicron là bằng chứng về mối nguy hiểm của sự bất bình đẳng về chích ngừa Covid-19 giữa các nước trên thế giới, tức là có nguy cơ những biến thể rất mới sẽ xuất hiện tại những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp.

    Hôm qua, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Kristalina Georgieva cho biết định chế tài chính này có thể sẽ phải hạ mức dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới do tình hình lây lan của biến thể Omicron.

    Hiện giờ tình hình dịch Covid-19 ở châu Âu ngày càng trầm trọng, chẳng hạn như số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Pháp sắp chạm ngưỡng 50.000, cụ thể là hôm qua đã có thêm 49.858 ca nhiễm được ghi nhận, tính trung bình trong 7 ngày qua là 38.890 ca mỗi ngày, trong khi cách đây một tháng con số này chỉ là 6.000, làm gia tăng áp lực lên các bệnh viện.

    Trước tình hình đó, thủ tướng Pháp Jean Castex hôm 02/12 thông báo là Hội đồng Cố vấn về dịch tễ sẽ họp lại vào thứ Hai 06/12 để xem xét khả năng ban hành các biện pháp hạn chế mới để đối phó với đợt dịch thứ năm.

    Mỹ và Liên Âu quan ngại về các hành động đơn phương trên biển của Trung Quốc

    Thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Wendy Sherman trong cuộc đối thoại Mỹ- Liên Âu ngày 03/12/201. Ảnh minh họa. Andrew Harnik POOL/AFP/File

    Trung Quốc có « những hành động đơn phương và gây vấn đề trên biển » ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan, gây bất ổn cho hòa bình và an ninh trong vùng. Trong cuộc đối thoại cấp cao lần thứ hai về Trung Quốc tại Washington ngày 02/12/2021, Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu đều cho rằng những hành động hung hăng của Trung Quốc tác động trực tiếp đến an ninh và thịnh vượng của hai bên.  

    Trong thông cáo chung được công bố sau cuộc họp, thứ trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Wendy Sherman và tổng thư ký Cơ quan Hoạt động Đối ngoại Châu Âu (SEAE) Stefano Sannino « tái khẳng định tầm quan trọng duy trì và khuyến khích tự do lưu thông hàng hải và hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế chiểu theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 » (UNCLOS).  

    Cả hai quan chức ngoại giao tuyên bố cần phải « duy trì hợp tác chặt chẽ », phối hợp quản lý chính sách ngoại giao đối với Trung Quốc, được cả hai bên coi là « đối thủ cạnh tranh mang tính hệ thống », « trong đó có những điểm mà hai bên có cùng lợi ích và có khả năng hợp tác mang tính xây dựng ».  

    Ngoài ra, bà Wendy Sherman và ông Stefano Sannino cũng đề cập đến tình trạng vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, trong đó có các vụ trấn áp cộng đồng thiểu số ở Tân Cương, đàn áp Tây Tạng và tình hình dân chủ xuống cấp ở Hồng Kông… Những chủ đề này nằm trong hồ sơ nghiên cứu của sáu nhóm làm việc được thành lập trong cuộc họp cấp cao đầu tiên vào tháng 05/2021 trong khuôn khổ Đối thoại Hoa Kỳ – Liên Hiệp Châu Âu về Trung Quốc.  

    Việc tổ chức Đối thoại này được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu Josep Borrell nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 23/10/2020 khi thảo luận về những lợi ích chung của hai bên trong khuôn khổ đối tác xuyên Đại Tây Dương.

    Ngày 03/12, bà Sherman và ông Sannino tiếp tục thảo luận về Trung Quốc cùng với các cuộc tham vấn cấp cao về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương.

    Facebook: Trung Quốc lập tài khoản giả tung tin thất thiệt

    Facebook ngày càng bị lên án là nền tảng phát tán tin giả . Ảnh minh họa: Timothy Hales Bennett/Unsplash)

    Một tài khoản Facebook giả danh một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ tên là Wilson Edwards – đăng bài tố cáo Hoa Kỳ đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch COVID-19 – thực chất là sản phẩm của những người dùng liên kết với các công ty cơ sở hạ tầng nhà nước Trung Quốc, công ty Meta – chủ của mạng Facebook, cho biết hôm thứ Tư 1 Tháng Mười Hai.

    Theo trang Business Insider, các bài đăng trên tài khoản Wilson Edwards từ ngày 24 Tháng Bảy đến ngày 10 Tháng Tám đã lan truyền câu chuyện về “sự đe dọa” của Hoa Kỳ về nguồn gốc coronavirus; sau đó được đăng lại trên các phương tiện truyền thông xã hội toàn cầu và cả các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc như Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) và Nhân Dân Nhật báo (People’s Daily).

    Tài khoản này cho rằng, các nguồn tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các nhà nghiên cứu đã phàn nàn về áp lực và sự đe dọa của Hoa Kỳ liên quan đến kế hoạch của cơ quan này nghiên cứu dịch COVID-19 bắt nguồn từ đâu và như thế nào, nhằm đổ trách nhiệm cho Trung Quốc gây ra đại dịch vào lúc nguồn gốc của virus là một đề tài gây tranh cãi và mang tính chính trị. Thực tế không có áp lực nào của Hoa Kỳ đối với WHO trong vấn đề này.

    Mãi cho đến ngày 10 Tháng Tám, Facebook mới gỡ tài khoản mang tên Wilson Edwards sau khi Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Bắc Kinh xác nhận không có công dân Thụy Sĩ nào tên là Wilson Edwards.

    Tài khoản Wilson Edwards chỉ được tạo ra 12 tiếng đồng hồ trước khi bắt đầu đăng các tuyên bố thất thiệt trên cả Facebook và Twitter. Công ty Meta cho biết, chiến dịch thông tin xuyên tạc diễn ra sau đó “là một kiểu hiệu ứng phòng gương (hall of mirrors), không ngừng phản chiếu và khuếch đại một nhân cách giả tạo bắt nguồn từ chính Trung Quốc”.

    Cho đến nay mạng xã hội Facebook vẫn bị cấm ở Trung Quốc.

    “Cuộc điều tra của chúng tôi phát hiện ra rằng gần như toàn bộ sự lan truyền ban đầu câu chuyện Wilson Edwards trên nền tảng của chúng tôi là thất thiệt. Đó là một chiến dịch gây ảnh hưởng nhiều giai đoạn, nhưng phần lớn không thành công bắt nguồn từ Trung Quốc”, công ty Meta nói.

    Công ty Meta cho biết đã có một mạng lưới các tài khoản chuyên khuếch đại tin tức giả mạo, nhiều tài khoản không có thực, nhưng một số là có thực và thuộc về “nhân viên của các công ty cơ sở hạ tầng nhà nước Trung Quốc” trên toàn cầu, cả ở Trung Quốc đại lục.

    Meta cho biết đây là lần đầu tiên họ phát hiện ra một hoạt động “bao gồm một nhóm phối hợp các nhân viên nhà nước để tự khuếch đại thông tin giả mạo.” Tuy nhiên, công ty nhấn mạnh nhiều lần rằng các tuyên bố sai sự thật chủ yếu được quảng bá bởi các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.

    Công ty Meta nói nhà sinh học giả mạo chỉ là một trong vô số tài khoản Facebook ở khắp thế giới đang tác động tiêu cực đến người dùng và xã hội. Riêng trong Tháng Mười Một vừa qua, công ty đã xóa các tài khoản và các hành vi bị nghi ngờ không xác thực liên kết với tổ chức tình báo KGB Belarus, cũng như các nhóm khác ở Việt Nam, Ba Lan và Palestine.

    Báo cáo của công ty Meta được đưa ra trong bối cảnh công chúng ngày càng gia tăng áp lực chống lại Facebook về những gì mà các nhà phê bình nói là tác hại gây ra cho xã hội từ các nền tảng xã hội. Facebook đã bị cáo buộc tạo điều kiện cho việc lan truyền thông tin sai sự thật về COVID-19 và vaccine, cũng như bầu cử và các vấn đề khác.

    Ngoại trưởng Mỹ cảnh cáo Trung Quốc về vấn đề Đài Loan

    Reuters

    Ngoại trưởng Mỹ, Antony Blinken.

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/12 cảnh báo giới lãnh đạo Trung Quốc nên suy nghĩ kỹ trong các hành động đối với Đài Loan và cảnh cáo sẽ có ‘hậu quả khủng khiếp’ nếu Trung Quốc khơi ra cuộc khủng hoảng xuyên qua Eo biển Đài Loan.

    Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, đáp câu hỏi liệu Trung Quốc có đang tiến tới chuyện xâm lấn Đài Loan, ông Blinken nói ‘đó sẽ là một quyết định thảm hoạ khả dĩ.’

    Ngoại trưởng Mỹ cũng đồng thời nhắc lại quan điểm của Washington rằng Mỹ kiên quyết cam kết đảm bảo Đài Loan có phương tiện tự vệ.

    Bắc Kinh nói Đài Loan là lãnh thổ của họ.

    Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan cho hay căng thẳng với Trung Quốc đang xuống dưới mức thấp nhất trong 40 năm qua và rằng Trung Quốc sẽ có thể leo thang lên thành một cuộc xâm chiếm trên quy mô toàn diện trước năm 2025.

    Mấy năm gần đây, Trung Quốc tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan bằng cách tham gia các cuộc diễn tập quân sự khiêu khích và tìm cách cô lập Đài Loan với thế giới, Ngoại trưởng Mỹ tố cáo.

    Trung Quốc hiện vẫn là ưu tiên số một trong chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

    Mỹ: Việt Nam, Đài Loan vượt ngưỡng tiền tệ nhưng không bị dán nhãn ‘thao túng’

    04/12/2021

    Reuters

    Trụ sở của Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington, D.C.

    Bộ Tài chính Hoa Kỳ hôm 3/12 nói Việt Nam và Đài Loan tiếp tục vượt quá ngưỡng cho phép về thao túng tiền tệ theo luật thương mại năm 2015 của Hoa Kỳ, nhưng không chính thức dán nhãn các nước này là “thao túng tiền tệ”.

    Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong báo cáo tiền tệ bán niên rằng tính đến tháng 6/2021, không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ tìm cách thao túng tiền tệ để có lợi thế thương mại hoặc để ngăn chặn các điều chỉnh cán cân thanh toán hiệu quả theo luật năm 1988.

    Bộ này nói Việt Nam và Đài Loan đã vượt ngưỡng thặng dư thương mại, tài khoản vãng lai và ngưỡng can thiệp ngoại hối và Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các nước này để giải quyết những lo ngại của Hoa Kỳ.

    Riêng về phía Việt Nam, Bộ Tài chính Mỹ nói họ “hài lòng với những tiến bộ mà Việt Nam đạt được cho đến nay”.

    Còn Đài Loan thì Bộ sẽ tiếp tục làm việc bắt đầu từ tháng 5. “Công việc bao gồm thúc giục xây dựng một kế hoạch với các hành động cụ thể để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của việc định giá tiền tệ thấp và mất cân đối bên ngoài”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết.

    Bộ này cho biết thêm rằng Thụy Sĩ, quốc gia bị chính quyền Trump gán nhãn “thao túng tiền tệ” vào năm 2020, chỉ vượt hai trong số ba ngưỡng, nhưng sẽ tiếp tục tiến hành phân tích sâu về các hoạt động của Thụy Sĩ trong ít nhất một năm nữa.

    Bộ Tài chính Mỹ đã chuyển Thụy Sĩ vào “Danh sách giám sát” các đối tác thương mại lớn bị chú ý nhiều đến thực tiễn tiền tệ, cùng với 11 quốc gia khác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ireland, Ý, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Mexico.

    Giải mã bí ẩn MH370: Giả thuyết mới khơi lại hy vọng tìm kiếm

    Nguồn hình ảnh, Richard Godfrey

    Chụp lại hình ảnh,

    Richard Godfrey

    Đến nay, vụ mất tích của chuyến bay Malaysia Airlines chở 239 hành khách và phi hành đoàn là một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất thế giới.

    Nhưng một kỹ sư hàng không người Anh, người đã dành hơn một năm nghiên cứu, cho rằng ông ta đã tính toán được nơi MH370 rơi.

    Richard Godfrey tin rằng chiếc Boeing 777 đã rơi xuống Ấn Độ Dương, cách Perth, Tây Úc 2.000km về phía tây.

    Máy bay biến mất khỏi radar trong một chuyến bay vào tháng 3 năm 2014.

    Ông Godfrey nói với BBC rằng ông hy vọng "sẽ có thể khép lại cho người thân và có câu trả lời chính xác những gì đã xảy ra với MH370 và cách ngăn chặn điều đó trong tương lai".

    Ông đã kết hợp các tập dữ liệu khác nhau và cho rằng vị trí mới này ở Nam Ấn Độ Dương.

    Ông nói: "Trước đây chưa ai nghĩ tới kết hợp dữ liệu vệ tinh Inmarsat, với dữ liệu hiệu suất của Boeing, với dữ liệu trôi dạt các mảnh vỡ nổi của Hải dương học, với dữ liệu ròng WSPR."

    Những người thân mong giải đáp nhiều câu hỏi

    Điểm chính xác được nhóm của ông xác định bằng tính toán dữ liệu là khoảng 33 độ Nam và 95 độ Đông trên Ấn Độ Dương.

    Đã có hai cuộc tìm kiếm sâu rộng ở Ấn Độ Dương để tìm MH370, đều không có gì.

    Nguồn hình ảnh, ATSB/Geoscience Australia

    Chụp lại hình ảnh,

    Vị trí rơi của MH370 được đánh dấu bằng một chấm đỏ

    Grace Nathan mất mẹ, Anne, trong vụ tai nạn.

    "Chúng tôi đã hy vọng từ lâu cho một bước đột phá mới, sẽ đảm bảo cho việc tìm kiếm bắt đầu lại và ít nhất là có một vị trí chính xác hơn," cô nói với BBC.

    Cô Nathan, một luật sư bào chữa hình sự sống ở Kuala Lumpur, muốn dữ liệu mới được kiểm tra bởi các chuyên gia hàng không, để kiểm tra lý thuyết là đáng tin cậy.

    Cô nói: "Chúng tôi hoan nghênh tất cả những phát hiện mới, đặc biệt nếu nó dựa trên bằng chứng hữu hình. Trong trường hợp này, nó dựa trên bằng chứng hữu hình. Đó là những thứ có thể tính toán được."

    Các cuộc tìm kiếm MH370 trước đây gặp nhiều khó khăn vì quy mô của khu vực tìm kiếm.

    Ông Godfrey cho biết: "Một khu vực rộng tới 120.000 km vuông đã được tìm kiếm. Điều đó rất khó thực hiện."

    Đề xuất mới của kỹ sư này là bán kính vòng tròn 40 hải lý, nhỏ hơn nhiều so với các cuộc tìm kiếm trước đây.

    Ông Godfrey là thành viên sáng lập của Nhóm độc lập MH370, đồng thời là kỹ sư có nền tảng về xây dựng hệ thống hạ cánh tự động và hệ thống lái tự động cho máy bay.

    David Gleave là điều tra viên chính của Công ty Tư vấn An toàn Hàng không. Ông đã nghiên cứu các vụ tai nạn máy bay và mất tích trong nhiều thập niên.

    Ông Gleave hy vọng sẽ có một cuộc tìm kiếm mới: "Nguồn kinh phí cho cuộc tìm kiếm mới sẽ là vấn đề. Vì hiện tại chúng tôi có thêm dữ liệu chính xác về vị trí có thể xảy ra sự cố, điều đó có vẻ hoàn toàn đáng tin cậy và nhất quán với các lý thuyết khác ".

    Có 122 công dân Trung Quốc trên chuyến bay MH370, khởi hành từ Kuala Lumpur nhưng chưa bao giờ đến được điểm đến Bắc Kinh.

    Một trong những giả thuyết cho rằng đó là một vụ 'không tặc', khi phi công chiếm quyền điều khiển và vô hiệu hóa công nghệ radar rồi quay vòng trên Vịnh Thái Lan và hướng về phía Tây.

    Ông Gleave nói: "Nếu bạn cần giấu chiếc máy bay ở Nam Ấn Độ Dương, thì chỉ cần đảm bảo rằng nó ở xa hơn về phía tây của đường bay tiêu chuẩn, cách xa máy bay của đội tìm kiếm và cứu hộ Australia. Vì vậy, vị trí xác định này phù hợp với lý thuyết đó. "

    Sự tham gia của Ban An toàn Giao thông Úc (ATSB) trong cuộc tìm kiếm MH370 dưới nước đã kết thúc vào tháng 10/2017.

    Đại sứ Trung Quốc đề nghị Mỹ khoan dung, sớm dỡ bỏ thuế quan

    Aboluowang đưa tin, Qin Gang (Tần Cương), đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, hôm thứ Hai (29/11), đã bày tỏ hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ vẫn cởi mở, khoan dung và hủy bỏ thuế quan càng sớm càng tốt đối với Trung Quốc.

    Ông Qin nói ra điều này khi thực hiện bài phát biểu mang tên “Tăng cường sự tự tin và cùng nhau làm việc” tại bữa tối thường niên của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ – Trung Quốc (USCBC). Đại sứ Trung Quốc cũng cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ rút ngắn thời gian xét duyệt xuống còn 10 ngày cho các công ty Mỹ đến Trung Quốc đầu tư.

    Trong bài phát biểu của mình, ông Qin nói: “Chủ đề của bữa tối năm nay là ‘Con đường đến tương lai’, và Con đường tới tương lai đòi hỏi Tăng cường niềm tin. Chúng ta phải duy trì niềm tin vào sự phát triển chất lượng cao của Trung Quốc, tăng cường niềm tin vào sự mở cửa hết mức của Trung Quốc và xây dựng lại lòng tin trong quan hệ Mỹ-Trung”.

    Ông Qin nói thêm rằng, “hợp tác kinh tế và thương mại luôn là chấn tử và chân vịt của quan hệ Trung – Mỹ. Bản chất của quan hệ kinh tế và thương mại Trung – Mỹ là hai bên cùng có lợi và đôi bên cùng hưởng phúc. Hy vọng rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cởi mở và khoan dung, dỡ bỏ thuế quan càng sớm càng tốt và từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh trong lời nói và việc làm”.

    Ông Qin Gang cho rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ cần tiếp tục tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ tài chính, đồng thời tin rằng hợp tác Trung – Mỹ trong lĩnh vực năng lượng và biến đổi khí hậu sẽ mang lại những cơ hội mới và to lớn cho các công ty của hai quốc gia.

    Không có nhận xét nào