Võ Thái Hà tổng hợp
Tòa án Myanmar hoãn ra phán quyết đối với bà Suu Kyi
30/11/2021
Bà Aung San Suu Kyi.
Một tòa án ở Myanmar đã hoãn phán quyết hôm 30/11 trong phiên tòa xét xử nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi để cho phép lấy lời khai từ một nhân chứng bổ sung, một thành viên cấp cao trong đảng chính trị của bà, theo AP.
Một quan chức pháp lý cho biết tòa án đã đồng ý với đề nghị bào chữa rằng họ cho phép ông Zaw Myint Maung, người trước đó không thể đến tòa vì lý do sức khỏe, sẽ bổ sung lời khai của mình.
Theo kế hoạch trước đó, tòa án sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 30/11 về tội kích động và vi phạm các hạn chế kiểm soát dịch COVID-19.
Phán quyết này sẽ là phán quyết đầu tiên đối với bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel 76 tuổi, kể từ khi quân đội lên nắm quyền vào ngày 1/2, bắt giữ bà và ngăn đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai.
Bà cũng đang bị xét xử với một loạt các tội danh khác, bao gồm cả tội tham nhũng, có thể khiến bà phải ngồi tù hàng chục năm nếu bị kết án.
Quan chức pháp lý không nêu tên cho biết thẩm phán đã hoãn quá trình tố tụng cho đến ngày 6/12, khi ấy ông Zaw Myint Maung sẽ được lên lịch ra làm chứng. Không rõ khi nào phán quyết sẽ được đưa ra.
Quốc Hội Pháp ra nghị quyết ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế
Đăng ngày: 30/11/2021
Ảnh minh họa: Một phiên họp Quốc hội Pháp, ngày 11/12/2014. © AP Photo/Francois Mori, File
Trong một động thái trái ngược hẳn với quan điểm của Bắc Kinh, Quốc Hội Pháp ngày hôm qua 29/11/2021, đã thông qua một nghị quyết về việc Đài Loan tham gia vào hoạt động của một số tổ chức quốc tế, chủ yếu là Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO.
Theo hãng tin Pháp AFP, văn bản “ủng hộ việc kết hợp Đài Loan với công việc của các tổ chức quốc tế và các diễn đàn hợp tác đa phương” đã được thông qua với 39 phiếu thuận. Trang tin chính thức của Đài Loan Taiwan Info nói rõ thêm là có hai phiếu chống và 3 người vắng mặt.
AFP ghi nhận là nghị quyết vừa được Quốc Hội Pháp thông qua tương tự như một nghị quyết khác, đã được Thượng Viện Pháp thông qua ngày 06/05, một động thái đã gây ra căng thẳng với Trung Quốc.
Nội dung nghị quyết được hậu thuẫn của rất nhiều chính đảng nhưng không có giá trị ràng buộc, ủng hộ “việc tiếp tục các bước ngoại giao do Pháp thực hiện” nhằm giúp Đài Loan tham gia vào công việc của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là WHO.
Nghị quyết nêu bật “thành công” của “mô hình Đài Loan” về quản lý đại dịch Covid-19, và lấy làm tiếc rằng mô hình này không thể được chia sẻ vì lợi ích của tất cả các định chế quốc tế mà Đài Loan không được tham gia. Cho đến nay, Trung Quốc là nước khăng khăng ngăn chặn không cho Đài Loan gia nhập hay tham gia hoạt động của các tổ chức quốc tế.
Theo AFP, nghị quyết của Quốc Hội Pháp cũng chứa đựng một điểm công kích khác nhắm vào Bắc Kinh khi nhấn mạnh rằng: “Đài Loan đã phát triển một hệ thống chính trị đa nguyên sinh động và một đời sống dân chủ sôi động, phát huy nhân quyền và một nền văn hóa dân chủ dựa trên các giá trị mà cư dân của họ gắn bó”.
Văn kiện còn ghi nhận rằng Đài Loan, nằm giữa một khu vực đang chịu nhiều căng thẳng địa chiến lược gay gắt, “luôn thể hiện thái độ hòa bình, xây dựng và hợp tác trên quy mô toàn cầu”.
Nghị quyết cũng kêu gọi “mở rộng” các nỗ lực để Đài Loan tham gia vào các cơ quan hợp tác quốc tế khác như Tổ Chức Hàng Không Dân Dụng Quốc Tế ICAO/OACI, Cảnh Sát Hình Sự Quốc Tế Interpol hoặc Công Ước Khung Liên Hiệp Quốc về Biến Đổi Khí Hậu UNCAC/CNUCC.
Theo AFP, văn bản này mang chữ ký của gần 200 dân biểu của cả phe đa số lẫn phe đối lập, trong đó có Christophe Castaner, chủ tịch của nhóm Cộng Hòa Tiến Bước LREM, Damien Abad thuộc nhóm Những Người Cộng Hòa LR, Patrick Mignola, nhóm cánh Trung MoDem, Valérie Rabault đảng Xã Hội PS… Riêng hai đảng Cộng Sản và Nước Pháp Bất Khuất LFI đã không ký vào văn kiện.
Covid-19 : Biến thể Omicron đại náo cả thế giới
Số ca nhiễm biến thể Omicron tăng nhanh một cách nguy hiểm tại nhiều nước. © DADO RUVIC / REUTERS
Cái tên Omicron, biến thể mới của virus corona có mặt trên hầu khắp các trang báo Pháp ra hôm nay (30/11/2021). Vừa được phát hiện ít ngày, biến thể này đã trở thành mối đe dọa cho cuộc chiến dai dẳng với Covid-19, đối với kinh tế của cả thế giới đang cố gượng dậy. Một bầu không khí náo loạn từ khi có cảnh báo của Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO).
Les Echos chạy tựa : « Covid : Tình trạng khẩn cấp trước Omicron ». Tờ báo cho hay, các bộ trưởng Y Tế của nhóm nước giàu có G7 hôm thứ Hai (29/11) đã họp khẩn cấp và đánh giá biến thể Omicron « lây nhiễm cao », đồng thời đề nghị phải có « hành động khẩn ». Cùng lúc, Tổ Chức Y Tế Thế Giới khẳng định biến thể mới có « nguy cơ rất cao » trên quy mô thế giới. Các nước liên tiếp theo nhau đóng cửa biên giới hy vọng giảm đà lây lan của biến thể virus mới này.
Le Monde ghi nhận vài ngày qua thế giới đã thấy liên tục có những dấu hiệu cho thấy biến thể mới của Covid-19 đang lây lan mạnh, chưa cần phải đợi xác định nó có nguy hiểm hơn những biến thể trước hay không. « Một luồng gió hoảng sợ đang tràn vào rất nhiều nước từ khi phát hiện ra Omicron ». Như một phản ứng tự nhiên, cả thế giới lại tính chuyện đóng cửa trở lại. Bầu không khí lo sợ có vẻ nặng nề hơn ở châu Âu, khi mà Omicron xuất hiện vào đúng thời điểm châu lục này đang căng mình chống đỡ làn sóng dịch mới bùng lên trở lại.
Nhật báo Công giáo La Croix có bài : « Châu Âu chuẩn bị chống Omicron thế nào ». Tờ báo cho hay, trong khi những ca nhiễm biến thể mới đang lần lượt được phát hiện gần như khắp nơi trên Lục Địa Già, các nước châu Âu một lần nữa lại bị đặt trước thách thức phải phối hợp hành động ứng phó. Một cuộc chạy đua với thời gian lại bắt đầu, như nhận định của bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen.
Danh sách các nước châu Âu mà Omicron đã đến dài thêm. Liên Hiệp Châu Âu dự tính đặt thêm 1,8 tỷ liều vac-xin để chuẩn bị ứng phó với biến thể mới. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học cần phải mất ba tuần để phân tích xác định độc tính, khả năng lây nhiễm và công hiệu của vac-xin với biến thể mới này.
Ủy Ban Châu Âu hôm 28/11 khẳng định thêm : « Chúng ta phải tận dụng thời gian ». Tận dụng thời gian nhưng vẫn chỉ là kêu gọi thực hiện các biện pháp phòng dịch đã triển khai, tăng cường tiêm chủng. Mặc dù từ hôm 26/11, khi có khuyến cáo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, nhiều nước châu Âu đã nhanh chóng ngừng các chuyến bay từ nam châu Phi đến, thắt chặt các quy định cách ly. Trước mắt khả năng đóng cửa biên giới nội địa EU không đặt ra.
Mỹ, Anh cảnh báo Nga về bất kỳ hành động xâm lược mới nào ở Ukraine
30/11/2021
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken.
Hôm 30/11, Hoa Kỳ và Anh cảnh báo Nga về bất kỳ hành động xâm lược quân sự mới nào đối với Ukraine khi liên minh quân sự phương Tây NATO nhóm họp để thảo luận về ý định của Moscow liên quan đến việc họ tăng cường quân đội ở biên giới với nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, theo Reuters.
Tại một cuộc họp báo trước cuộc họp NATO, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng báo động trước những động thái “bất thường” của quân đội Nga và “lời lẽ ngày càng hiếu chiến” từ Moscow.
Ông nói: “Bất kỳ hành động leo thang nào của Nga sẽ là mối quan tâm lớn đối với Hoa Kỳ ... và bất kỳ hành động gây hấn nào mới đều sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng”.
“Chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến chặt chẽ với các đồng minh và đối tác NATO trong những ngày tới ... về việc liệu chúng tôi cần phải thực hiện những bước đi nào nữa với tư cách là một liên minh nhằm tăng cường khả năng phòng thủ, tăng cường khả năng đương đầu và tăng cường năng lực của chúng tôi hay không”, ông Blinken nói thêm.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss hôm 30/11 cũng cảnh báo rằng việc Nga xâm nhập vào Ukraine sẽ là một sai lầm chiến lược, cho rằng bất kỳ ý kiến nào cho rằng NATO đang khiêu khích Nga là sai trái, vẫn theo Reuters.
Bà Truss nói trước khi diễn ra cuộc họp với các đối tác NATO ở Latvia: “Chúng tôi sẽ sát cánh cùng các nền dân chủ chống lại hành động xấu của Nga. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine và sự ổn định ở Tây Balkan”.
“Bất kỳ lời lẽ nào hàm ý rằng NATO đang khiêu khích người Nga rõ ràng là sai. Bất kỳ hành động nào của Nga nhằm phá hoại quyền tự do và dân chủ mà các đối tác của chúng tôi được hưởng sẽ là một sai lầm chiến lược”, bà Truss cho biết thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hôm 30/11 cho biết việc Nga tập trung lực lượng gần biên giới Ukraine có thể nhằm củng cố vị thế thương lượng trong cuộc gặp trong tương lai giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, vẫn theo Reuters.
Trong một tuyên bố được đăng trên trang web của Bộ Kinh tế, ông Oleksiy Reznikov cho biết quan hệ giữa Ukraine và Nga đã căng thẳng hơn trong quá trình Nga tập trung thêm quân vào mùa xuân đầu năm nay.
Ông Reznikov nói: “Các sự kiện hôm nay rất có thể liên quan đến cuộc gặp sắp tới của Tổng thống Mỹ Joe Biden với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Phía Nga đang cố gắng củng cố vị thế đàm phán của mình”.
Trung Quốc: Olympic Mùa Đông diễn ra theo kế hoạch, bất chấp nguy cơ từ biến chủng Omicron
30/11/2021
Hôm 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 “suôn sẻ” và đúng kế hoạch.
Hôm 30/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa đông 2022 “suôn sẻ” và đúng kế hoạch, bất chấp những thách thức do sự xuất hiện của biến chủng COVID-19 Omicron đặt ra, theo Reuters.
“Tôi tin rằng biến chủng này chắc chắn sẽ đặt ra một số thách thức đối với những nỗ lực của chúng tôi trong việc ngăn chặn và kiểm soát virus, nhưng do Trung Quốc có kinh nghiệm trong việc ngăn chặn và kiểm soát virus COVID-19, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ có thể đăng cai Thế vận hội Mùa đông như đã định, suôn sẻ và thành công”, ông Triệu nói.
Bắc Kinh sẽ tổ chức Thế vận hội Mùa Đông từ ngày 4/2 đến ngày 20/2/2022, không có khán giả nước ngoài và với tất cả các vận động viên và nhân viên liên quan được “theo dõi chặt chẽ” và phải qua xét nghiệm COVID-19 hàng ngày.
Theo chính sách “Không COVID”, Trung Quốc từ trước đến nay đã có những biện pháp ngăn chặn COVID-19 nghiêm ngặt nhất thế giới.
Nhật Bản xác nhận ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên
30/11/2021
Chốt kiểm soát COVID-19 ở sân bay Narita, Nhật.
Hôm 30/11, Nhật Bản xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến chủng Omicron COVID-19, một ngày sau khi đóng cửa biên giới đối với tất cả người nước ngoài, đó là một trong những biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhất thế giới, theo Reuters.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Hirokazu Matsuno cho biết việc phát hiện ra người mắc bệnh, một nhà ngoại giao từ Namibia khoảng 30 tuổi đến sân bay Narita ở thủ đô Tokyo, cho thấy việc kiểm soát biên giới đã có tác dụng.
“Để tránh trường hợp xấu nhất xảy ra với biến chủng Omicron, chúng tôi sẽ luôn cập nhật tình hình lây nhiễm ở từng quốc gia và phản ứng linh hoạt, nhanh chóng”, ông nói thêm.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã cam kết hỗ trợ phản ứng với đại dịch khi ông còn vận động tranh cử.
Ông Kishida cho biết ông sẽ chịu trách nhiệm về tất cả những lời chỉ trích về quyết định đóng cửa đất nước một lần nữa trong một động thái mà các nhà phân tích cho rằng nhằm gửi đi một thông điệp mạnh mẽ.
Ông Airo Hino, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Waseda cho biết: “Ông ấy nói rằng ông ấy là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ trong một cuộc khủng hoảng, rằng ông ấy có thể đưa ra một bước đi quyết định như vậy”.
“Các chính phủ tiền nhiệm đã không sớm hạn chế việc đi lại và ông ấy đã làm điều đó”.
Các biện pháp này, sẽ kéo dài ít nhất một tháng kể từ khi có hiệu lực hôm 30/11, nhìn chung đã được công chúng hoan nghênh.
Tình hình phục hồi kinh tế của Ấn Độ
Rất ít nền kinh tế bị Covid-19 gây thiệt hại nhiều như Ấn Độ. Chỉ trong năm 2020 GDP đã giảm 7,3%. Giờ đây, chính phủ tự tin nền kinh tế đang phát triển trở lại — đến mức họ tuyên bố Ấn Độ sẽ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong năm nay. Vào thứ Ba, họ sẽ công bố số liệu GDP quý ba. Các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng 7-9% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý trước.
Tốc độ tăng trưởng cao này phần lớn phản ánh thiệt hại to lớn của năm ngoái. Về mặt tuyệt đối, phải đến quý sau GDP mới trở về mức trước đại dịch, cho thấy tăng trưởng bị mất đi tới hai năm. Ngay cả trước đại dịch, nền kinh tế Ấn Độ đã phải vật lộn với nhu cầu thấp, đầu tư khập khiễng và khu vực tài chính ốm yếu. Khi các vấn đề này kéo dài và Omicron xuất hiện, Ấn Độ sẽ phải mất một lúc để phục hồi hoàn toàn.
Microsoft họp đại hội đồng cổ đông thường niên
Khi các cổ đông Microsoft họp thường niên online vào thứ Ba, họ khó mà không hài lòng với ban quản trị của công ty. Doanh thu trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 đã tăng gần 18% so với năm trước, lên mức 168 tỷ đô la. Lợi nhuận ròng thậm chí còn tăng nhanh hơn, tăng 38% lên hơn 61 tỷ đô la. Kết quả là giá trị vốn hóa thị trường tăng: gần đây nó đã vượt quá 2,5 nghìn tỷ đô la (chỉ Apple có vốn hóa cao hơn).
Dù vậy các cổ đông vẫn có nhiều điều để thảo luận. Họ sẽ bỏ phiếu về một loạt các đề xuất, bao gồm cả việc liệu công ty có nên công bố báo cáo minh bạch về các hoạt động vận động hành lang, chênh lệch lương giữa các nhóm chủng tộc và giới tính cũng như các chính sách chống quấy rối tình dục hay không (trước những cáo buộc người sáng lập Bill Gates có mối quan hệ không phù hợp nhân viên nữ). Có lẽ đáng ngạc nhiên đối với một công ty tự coi là khai sáng về mặt chính trị (đã vượt qua bê bối chống độc quyền đầu những năm 2000), khi hội đồng quản trị đã khuyên các cổ đông bác bỏ những đề xuất này.
Miền Nam Châu Phi thiệt hại vì Omicron
Thành phố Cape Town vào mùa hè rất đẹp: mặt trời rực rỡ, những bãi biển lấp lánh và làn gió trong lành mát rượi. Du khách đóng góp tới 3% GDP của Nam Phi, nhưng rồi covid-19 và các hạn chế đi lại khiến lượng khách nước ngoài giảm 71% trong năm 2020. Các nhà lãnh đạo đất nước đã hy vọng số liệu công bố vào thứ Ba sẽ mở đầu cho quá trình phục hồi.
Và rồi biến thể Omicron làm tiêu tan những hy vọng đó. Ngày càng có nhiều nước đã phát triển hủy các chuyến bay đến miền nam châu Phi, với hy vọng ngăn chặn biến thể mới. Đáp lại, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nói các lệnh cấm là “phi lý về mặt khoa học.” Nhưng khi biến thể mới tiếp tục chưa rõ ràng, các biện pháp như vậy sẽ vẫn được duy trì. Thiệt hại kinh tế sẽ còn tồi tệ hơn đối với các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch như Namibia (11% GDP) và Botswana (13%). Ngoài ra còn đó làn sóng ca nhiễm thứ tư.
Thổ Nhĩ Kỳ tăng trưởng cao kèm lạm phát phi mã
GDP Thổ Nhĩ Kỳ tăng kỷ lục 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý hai. Con số của quý ba, dự kiến được công bố vào thứ Ba, sẽ ít gây chú ý hơn nhưng có thể lại đạt mức hai con số.
Dù vậy tin này không quá lạc quan đối với người Thổ Nhĩ Kỳ. Tăng trưởng đang có chi phí ngày càng cao. Với mong muốn bơm tín dụng giá rẻ vào nền kinh tế, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã buộc ngân hàng trung ương phải cắt giảm lãi suất cho vay, bất chấp lạm phát tăng vọt. Kết quả là một cuộc khủng hoảng tiền tệ đang xóa sổ các khoản tiết kiệm và thu nhập. Đồng lira giảm mạnh 42,2% so với đồng đô la kể từ đầu năm, bao gồm mức giảm 17,6% kể từ ngày 18 tháng 11, thời điểm giảm lãi suất gần đây nhất của ngân hàng. Tỷ giá thực âm và đồng lira yếu giúp ích cho các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ và cho phép các nhà phát triển bất động sản tận dụng lãi suất thế chấp thấp. Song trên thực tế nó cũng khiến cho tất cả những người khác nghèo đi.
Mỹ tăng cường quân đội ở Guam, Úc để đối phó Trung Quốc
Các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ, Anh, Nhật thường xuyên túc trực trên Biển Đông nhưng vẫn không đủ để ứng phó với các thách thức quân sự của Trung Quốc. Trong ảnh từ gần đến xa: HKMH USS Ronald Reagan (CVN-76), HKMH HMS Queen Elizabeth (R08 – Anh Quốc), khu trục hạm JS Ise (DDH-182 – Nhật Bản) và HKMH USS Carl Vinson (CVN-70) đang phối hợp tập trận gần Okinawa. Ảnh Lực lượng Phòng vệ Duyên hải Nhật Bản.
Hoa Kỳ sẽ tập trung xây dựng các căn cứ quân sự ở đảo Guam và Úc để chuẩn bị tốt hơn cho quân đội Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc, một quan chức quốc phòng cấp cao cho biết hôm Thứ Hai 29 Tháng Mười Một trong cuộc họp báo công bố bản phúc trình Xem xét Vị thế Toàn cầu (Global Posture Review) của Bộ Quốc phòng.
Đánh giá vị thế của quân đội Hoa Kỳ hiện nay và từ đó đề ra các chiến lược, chiến thuật đối phó là một ưu tiên của chính quyền Biden; ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng thực hiện việc xem xét và đánh giá này. Cuộc đánh giá bắt đầu vào Tháng Ba do Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin phụ trách và đến nay đã hoàn tất sau mười tháng.
Nội dung phúc trình là thông tin quân sự tuyệt mật, nhưng một quan chức quốc phòng cao cấp đã cung cấp cho báo chí một số chi tiết.
Đài CNN cho biết, trong cuộc họp báo hôm nay Thứ Hai, tiến sĩ Mara Karlin, Phó phụ tá Bộ trưởng phụ trách chính sách, nói Tổng thống Biden gần đây “đã chấp thuận” các phát hiện và khuyến nghị của Bộ trưởng Austin trong phúc trình đánh giá tư thế toàn cầu.
Phúc trình nhấn mạnh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là trọng tâm chú ý chính của Bộ Quốc phòng, vì Bộ trưởng Austin nhấn mạnh “Trung Quốc là thách thức đang gia tăng” đối với quân đội Hoa Kỳ.
Chính quyền Biden coi Trung Quốc là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại và gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, đặc biệt là về Đài Loan; và các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng đã công khai bày tỏ sự cảnh giác và quan ngại về nỗ lực nâng cấp, hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc. Tháng trước Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân nhận định việc Trung Quốc thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh là một thách thức đáng ngại cho Hoa Kỳ.
Phúc trình của Bộ Quốc phòng cho biết, để chống lại Trung Quốc, Bộ cần “tăng cường cơ sở hạ tầng quân sự ở Guam và Úc,” và ưu tiên “xây dựng căn cứ quân sự trên các quần đảo ở Thái Bình Dương”, cũng như “tìm kiếm khả năng tiếp cận rộng rãi hơn cho các hoạt động quân sự với các đối tác trong khu vực.”
“Ở Úc, các bạn sẽ thấy các cuộc triển khai mới, luân chuyển chiến đấu cơ và oanh tạc cơ, bạn sẽ thấy các lực lượng mặt đất tăng cường hợp tác đào tạo và hậu cần [với quân đội Úc], và rộng hơn là trên khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bạn sẽ thấy một loạt các cải tiến về cơ sở hạ tầng, ở Guam, ở Khối thịnh vượng chung Quần đảo Bắc Mariana và Úc,” ông Karlin nói trong cuộc họp báo.
Phúc trình Đánh giá thế trận toàn cầu cũng cho biết Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc “cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu và tăng cường các hoạt động” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, bằng cách “giảm quân số và trang thiết bị ở các khu vực khác” trên thế giới, quan chức này cho biết.
Tuy nhiên, khác với thời chính quyền Donald Trump, chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra quyết định cụ thể sau khi làm việc với các đồng minh và nhắm vào các mục tiêu dài hạn, theo tường trình của Reuters.
Về phía Nga, Bộ từ chối cung cấp thông tin cụ thể về cách thức quân đội Mỹ chuẩn bị đối phó với các mối đe dọa từ Moscow. Nói rộng ra, một trong những mục tiêu của cuộc rà soát là “thiết lập lại các tiêu chuẩn sẵn sàng chiến đấu”, để quân đội Mỹ “cơ động hơn, phản ứng nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng khi chúng xuất hiện”, quan chức này cho biết nhưng không nói chi tiết hơn về cách quân đội Mỹ đang chuẩn bị để chống lại Nga.
Ở Trung Đông, Bộ “tiếp tục hỗ trợ chiến dịch đánh bại ISIS,” với sự hiện diện quân sự hiện tại của quân đội Mỹ ở Iraq và Syria, cũng như tiếp tục xây dựng “năng lực của các lực lượng đối tác,” trong những đất nước đó. Nhưng nhìn chung, phúc trình nói cần “tiến hành phân tích bổ sung các yêu cầu về Trung Đông”, quan chức này cho biết.
Tình hình Afghanistan không chính thức được đưa vào cuộc xem xét tư thế toàn cầu, vì có một quy trình “riêng biệt” do Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách “đang xem xét lại chặng đường tương lai cho sự hiện diện của Mỹ ở đó”.
Nhìn chung khi tổng hợp đánh giá tình hình và vị thế, Mỹ đã thực hiện “khoảng 75 cuộc tham vấn,” với các đồng minh và đối tác, trong đó có “các đồng minh NATO, Úc, Nhật Bản, Nam Hàn và hơn một chục đối tác trên khắp Trung Đông và châu Phi,” ông Karlin nói.
Không có nhận xét nào