Võ Thái hà tổng hợp
Ông Pompeo: Nếu ĐCSTQ thống trị tuyến đường Biển Đông, khủng hoảng chuỗi cung ứng sẽ ngày càng sâu sắc
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (ảnh: Youtube/CBN News).
Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo hôm 26/12 rằng, cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện nay sẽ chỉ là “trò chơi trẻ con” nếu không thể ngăn chặn bước tiến của chính quyền Trung Quốc trong việc thống trị tuyến đường thương mại Biển Đông.
Trong một cuộc phỏng vấn trên WABC 770 AM, ông Pompeo kêu gọi sự chú ý đến mối nguy hiểm gây ra cho toàn thế giới do sự xâm lấn và hoạt động quá mức của ĐCSTQ ở khu vực Biển Đông.
Ông Pompeo nói “Đông Nam Á, các quốc gia như Việt Nam, Singapore và Hàn Quốc, tất cả đều cần hiểu rằng mối đe dọa từ việc Trung Quốc thống trị ở Biển Đông sẽ khiến các vấn đề chuỗi cung ứng của chúng ta… ngày nay giống như trò chơi trẻ con, nếu người Trung Quốc có thể thống trị… các chuyến hàng thương mại qua Biển Đông”.
Ông cho rằng, ý định của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thống trị khu vực Biển Đông và loại bỏ các đối thủ thương mại của họ. Đồng thời, cựu ngoại trưởng tuyên bố rằng, Hoa Kỳ phải đóng một vai trò “thiết yếu” trong việc khiến cho chính quyền Trung Quốc hiểu rằng ý định này là cực kỳ có hại và nguy hiểm đối với toàn bộ thế giới.
Ông nói “Chúng tôi có thể làm được… Chỉ cần sự lãnh đạo của tổng thống, [khả năng] giao tiếp tốt và khả năng giải quyết”.
Tuyến đường thương mại gây tranh cãi này chạy qua eo biển Malacca. Theo tạp chí thương mại China Power, một cuộc phong tỏa giả định ở eo biển này vì bất cứ lý do gì, có thể tạo ra sự hỗn loạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt đầu với các tuyến thương mại liên vùng và các trung tâm sản xuất đa quốc gia có liên kết địa lý với Biển Đông.
Đáng chú ý, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới và 80% lượng dầu nhập khẩu đi qua eo biển này, đây chính là điều kiện thiết yếu cho sự hùng mạnh của nền công nghiệp nước này.
Nhiều chuyên gia và chính trị gia Hoa Kỳ đã lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng hiện tại trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ bắt nguồn từ việc Mỹ phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng hiện tại cần được xem như lời cảnh tỉnh để thay đổi trong tương lai, hướng tới sự độc lập thương mại nhiều hơn.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Trung Quốc từng là nhà cung cấp hàng nhập khẩu lớn nhất của nước này, chiếm hơn 18% trong năm 2019. Các danh mục nhập khẩu chính bao gồm các sản phẩm từ ngành công nghiệp điện tử, dệt may và đồ chơi, v.v.
Hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đã gia tăng theo cấp số nhân kể từ năm 2001, khi Tổng thống Bill Clinton đề bạt Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Vấn đề sẽ không quá nghiêm trọng nếu chỉ có Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng tất cả các quốc gia trên toàn cầu đã tăng đáng kể lượng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhiều quốc gia đã từ bỏ hoàn toàn các ngành công nghiệp lịch sử địa phương để thay thế bằng các sản phẩm của Trung Quốc.
Hậu quả là đưa đến sự phụ thuộc ngày càng lớn vào chế độ cộng sản Trung Quốc và sức mạnh công nghiệp của nó – thực tế là dựa trên sự bóc lột sức lao động, sự nghèo đói của người dân và sự đàn áp của nhà nước.
Covid-19 : Mỹ giảm thời gian cách ly xuống còn 5 ngày
Ảnh chụp bên ngoài một bệnh viện tại thành phố New York, Mỹ, ngày 18/11/2021. AFP - SPENCER PLATT
Tình hình dịch bệnh có chiều hướng căng thẳng hơn tại Mỹ những ngày gần đây. Số lượng ca nhiễm mới hàng ngày tăng gần gấp đôi so với hai tuần trước. Biến thể Omicron lây nhanh nhưng có thể ít gây bệnh nặng, nhất là với người đã tiêm chủng hai liều. Chính quyền trung ương kêu gọi « bình tĩnh », đồng thời ra quy định mới giảm mạnh thời gian cách ly.
Theo quy định của Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh của Hoa Kỳ (CDC), kể từ hôm qua 27/12/2021, thời gian cách ly với người nhiễm virus không triệu chứng được giảm từ 10 xuống còn 5 ngày. Đối với những người chưa tiêm chủng, thời gian cách ly của người tiếp xúc với ca nhiễm cũng giảm từ 14 xuống 5 ngày. Riêng những ai đã tiêm chủng mà có tiếp xúc với người nhiễm thì không cần cách ly.
Theo AFP, cơ quan y tế Mỹ thông tin rõ ràng là đa số các trường hợp nhiễm virus xảy ra trong thời gian hai ngày trước và ba ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng bệnh Covid-19. CDC khuyến cáo mọi người sau thời gian cách ly nên mang khẩu trang đủ 5 ngày.
Tại New York, lo ngại trước làn sóng dịch bệnh mới, thị trưởng Bill de Blasio quyết định tiêm chủng bắt buộc với toàn bộ nhân viên chính quyền thành phố, giáo viên cũng như nhân viên các công ty tư nhân. Quyết định có hiệu lực từ hôm 27/12. Người vi phạm bị phạt tiền tới 1.000 đô la.
New York: số lượng trẻ dưới 5 tuổi phải nhập viện tăng vọt
Cơ quan y tế New York cũng lo ngại trước tình trạng số lượng bệnh nhân trẻ em phải nhập viện do Covid-19 tăng vọt từ giữa tháng 12. Thông tin viên David Thomson tường trình :
« Trẻ em nhập viện do Covid-19 vẫn còn rất hiếm. Tùy theo từng bang, tỷ lệ này chỉ chiếm từ 2 đến 4% số ca nhập viện nói chung. Tuy nhiên, xu hướng đang được ghi nhận ở New York là đáng báo động. Trong vòng hai tuần, số bệnh nhi nhập viện liên quan đến Covid tăng gấp bốn lần. Trong số các bệnh nhi này, không em nào được tiêm chủng đầy đủ.
Cũng phải nói rằng một nửa trong số bệnh nhi này là trẻ em dưới 5 tuổi, chưa đủ điều kiện tiêm vac-xin. Ở quy mô quốc gia, Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng 31% trong 10 ngày. Trung bình tuần trước, có 800 trẻ em phải nhập viện do Covid mỗi ngày, theo Washington Post, phần lớn là thiếu niên đã có các yếu tố nguy cơ.
Thứ Hai 27/12, đối mặt với dịch bệnh gia tăng mạnh ở Hoa Kỳ và tình trạng thiếu các bộ xét nghiệm, tổng thống Joe Biden trấn an, kêu gọi người Mỹ đừng hoảng sợ ».
Ông Biden nói ‘không có giải pháp liên bang nào’ cho đại dịch
Tổng thống Mỹ Joe Biden (ảnh: Youtube/CNBC Television).
Tổng thống Joe Biden đã nói rằng “không có giải pháp liên bang nào” cho đại dịch COVID-19 .
“Điều này sẽ được giải quyết ở cấp tiểu bang,” ông Biden cho biết tại cuộc họp ngày 27 tháng 12 với Hiệp hội Thống đốc Quốc gia và nhóm phản ứng COVID-19 của Tòa Bạch Ốc.
Đây là thay đổi mới nhất về chính sách phòng chống COVID từ vị tổng thống đã hứa rằng ông sẽ “đánh bại vi rút” và “kiểm soát nó”.
Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc COVID trong những tuần gần đây ở cả nhóm người được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Hiện Omicron là chủng COVID chiếm ưu thế ở Hoa Kỳ.
Trong những ngày gần đây, ông Biden đã tăng cường số lượng các điểm tiêm chủng trên toàn quốc và tăng chi tiêu cho các xét nghiệm COVID thêm 3 tỷ đô la.
Chuyên gia cảnh báo chính sách ‘0-Covid’ của Trung Quốc vô tác dụng với Omicron
Một người dân Trung Quốc đang được xét nghiệm Covid (ảnh: Từ video của WION)
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tỏ rõ sự kiên định với chính sách “0-Covid” bất chấp nền kinh tế Trung Quốc đang phải trả giá đắt và có những cảnh báo chỉ ra rằng chính sách chống dịch cực đoan của Bắc Kinh không hiệu quả với biến chủng omicron.
Thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã phong tỏa 13 triệu dân bắt đầu từ ngày 22/12. Theo quy định của lệnh phong tỏa, mỗi gia đình ở Tây An chỉ được cử một thành viên trong gia đình ra ngoài hai ngày một lần để mua nhu yếu phẩm và không được rời khỏi Tây An khi chưa được phép. Các trạm xe buýt đường dài đã bị đóng cửa, các trạm kiểm soát dịch bệnh được thiết lập trên các đường cao tốc, 85% các chuyến bay đến và đi Tây An đã bị đình chỉ, số lượng xe buýt và xe lửa trong thành phố bị cắt giảm, và các trường học đã bị đóng cửa.
Mức độ hà khắc trong phòng chống dịch ở Tây An được đánh giá là gần bằng các quy định đã được áp dụng cho Vũ Hán vào đầu năm 2020.
Tuy nhiên, Tulio de Oliveira, giám đốc Trung tâm Đổi mới và Ứng phó Dịch tễ Nam Phi (CERI), hôm 25/12, đưa ra cảnh báo rằng các biện pháp này sẽ không hiệu quả với biến chủng omicron và Trung Quốc sẽ gặp khó khăn lớn nếu tiếp tục chính sách “0-Covid”. Ông đưa ra lời khuyên rằng, Trung Quốc nên theo cách chống dịch như các nước khác.
Tờ WSJ trong bài báo có tiêu đề ” Phong cách lãnh đạo của Tập Cận Bình ” cho biết, vào cuối tháng 7/2021, một số quan chức của của ĐCSTQ đề xuất rằng Trung Quốc có lẽ đã đến lúc phải học cách chung sống với Covid. Những nguồn thạo tin của WSJ cho biết, ông Tập Cận Bình tỏ ra rất tức giận với đề nghị này.
Sau đó, các quan chức địa phương ở Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh theo chính sách “0-Covid”. Thượng Hải đã yêu cầu khoảng 3 triệu khách vào Công viên giải trí Thượng Hải pxét nghiệm virus Sars-Covid-2. Tỉnh Chiết Giang đã lập tức đóng cửa cảng Ninh Ba khi phát hiện một trường hợp nhiễm Covid. Quyết định phong tỏa cảng lớn thứ 3 thế giới của chính quyền Chiết Giang đã ảnh hưởng xấu tới chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hàng chục quan chức Đảng Cộng sản đã bị Bắc Kinh trừng phạt vì không kiểm soát được sự bùng phát của dịch Covid ở Tây An.
Nhiều báo cáo nhận định rằng, sở dĩ chính quyền Trung Quốc nhất định theo đuổi “0-Covid” vì vào đầu năm sau Thế vận hội Mùa đông sẽ diễn ra tại Bắc Kinh. Họ cần thể hiện với thế giới rằng họ có một môi trường an toàn, cho dù các biện pháp chống dịch kiểu “0-Covid” của họ bị lên án là cực đoan và vô nhân đạo.
Báo cáo mới nhất của các nhà nghiên cứu Hồng Kông chỉ ra rằng vaccine Trung Quốc không có tác dụng với biến thể Omicron. Báo cáo khuyến cáo những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine Trung Quốc nên tiêm thêm một mũi vaccine thương hiệu khác.
Tư Pháp Miến Điện dời ngày công bố bản án nhắm vào bà Aung San Suu Kyi
Về tình hình chính trị, một tòa án Miến Điện vừa quyết định dời việc công bố bản án nhắm vào cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi qua ngày 10/01/2022 thay vì hôm nay, 27/12/2021, trong vụ xử bà về tội danh vi phạm các quy định về viễn thông.
Bị bắt giam từ cuộc đảo chánh, bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quân sự truy tố trong gần 10 vụ án, với mức án tù có thể lên đến tổng cộng hơn 100 năm. Nhà lãnh đạo 76 tuổi đã phủ nhận mọi cáo buộc đối với bà, trong lúc những người ủng hộ bà đã tố cáo các thủ tục pháp lý vô căn cứ nhằm mục đích chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà và cho phép quân đội củng cố quyền lực.
Hồi đầu tháng 12 này, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bị tuyên án 4 năm tù về tội vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Bản án này sau đó được giảm xuống còn hai năm và bà hiện bị giam giữ tại địa điểm bí mật.
Bạo lực ở Miến Điện: Thái Lan tăng cường bảo vệ biên giới
Những người chạy trốn khỏi một cuộc giao tranh giữa quân đội Miến Điện và lực lượng dân quân của các sắc tộc thiểu số, tại một nơi tạm cư ở huyện Mae Sot, tỉnh Tak, Thái Lan, ngày 18/12/2021. REUTERS - ATHIT PERAWONGMETHA
Quân đội Miến Điện sử dụng vũ khí hạng nặng tấn công một vùng kháng chiến của các lực lượng vũ trang ở bang Kayah, sát biên giới Thái Lan, từ nhiều tuần nay. Đến sáng 28/12/2021, người dân địa phương vẫn nghe thấy tiếng đạn pháo, cho thấy các cuộc tấn công chưa chấm dứt. Hơn 5.000 người dân Miến Điện đã phải chạy sang lánh nạn ở Thái Lan. Trước tình hình này, chính quyền Bangkok buộc phải tăng cường bảo vệ biên giới.
Thông tín viên Carol Isoux tại Bangkok tóm lược tình hình :
« Tiếng súng cối vang trên trời, giao tranh trên bộ, xe cộ bị đốt cháy… rõ ràng giờ là cuộc chiến giữa quân đội Miến Điện (Tatmadaw) và các lực lượng dân quân vũ trang, trong đó có Liên Minh Quốc Gia Karen (KNU), một trong những lực lượng vũ trang dân tộc thiểu số lâu đời nhất ở Miến Điện và Các Lực lượng Phòng vệ Các dân tộc Karen, một tổ chức mới được thành lập, quy tụ nhiều nhóm công dân vũ trang.
Quân đội Miến Điện cũng bị tố cáo là đã vây ráp tàn phá nhiều ngôi làng để trừng trị người dân liên kết với các chiến binh vũ trang. Các cuộc giao tranh đã kéo dài từ nhiều tháng nay, nhưng việc Miến Điện đang vào mùa khô từ vài tuần qua đã tạo điều kiện cho quân đội thâm nhập được vào các vùng chiến sự rộng hơn. Vài nghìn người dân đã phải chạy lánh nạn sang Thái Lan. Hơn 5.000 người đã được phép ở lại trên lãnh thổ nước láng giềng vì lý do nhân đạo. Cử chỉ bất thường này từ phía Bangkok phản ánh rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình.
Quân đội Thái Lan đã thông báo tăng cường hiện diện ở tỉnh Tak, ở biên giới với Miến Điện. Những người dân Thái sống quá gần chiến tuyến có thể đến trú ẩn ở những ngôi chùa hay nhà kho, cách xa đường biên giới hơn ».
Những sự kiện gần đây phản ánh rõ tình hình khốc liệt ở Miến Điện. Quân đội không loại bất kỳ thủ đoạn nào để triệt hạ đối lập, cũng như bất kỳ « cá nhân nào bị tình nghi hợp tác với phe đối lập ». Trả lời RFI, ông Tom Andrews, báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc, khẳng định vụ sát hại 35 thường dân một ngôi làng theo Công Giáo ở bang Kayah hôm 24/12 là bằng chứng cho « chiến lược tiêu thổ » của tập đoàn quân sự, để cho thấy là « không một ai, nếu chống tập đoàn quân sự, có thể thoát khỏi việc bị trả thù ».
Ông Francis Waltari, điều hành hoạt động tại chổ của tổ chức Village Kareni, cho biết 35 người bị chết trong xe, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, trước đó chỉ tìm cách thoát khỏi vùng chiến sự. Xe của họ đã bị quân đội Miến Điện chặn lại và phóng hỏa, những người trong xe bị thiêu sống.
Hun Sen "tiếp tay" phá "Đồng thuận 5 điểm" của ASEAN về Miến Điện
Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin của chính quyền quân sự Miến Điện hội kiến thủ tướng Hun Sen tại Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 07/12/2021. REUTERS - HANDOUT
Mười tháng kể từ sau cuộc đảo chính quân sự ở Miến Điện, hơn 1.340 thường dân đã chết vì bạo lực của quân đội. Gần đây nhất là 35 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, khi chạy lánh nạn đã bị quân đội Miến Điện phóng hỏa thiêu sống trong xe ở bang Kayah.
Cộng đồng quốc tế lên án những tội ác của tập đoàn quân sự. ASEAN không công nhận tính chính đáng của chính quyền tướng Min Aung Hlang. Thế nhưng, mọi nỗ lực gây áp lực có nguy cơ thất bại do kiểu « ngoại giao cao bồi » của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen.
Hun Sen cổ vũ độc tài Miến Điện trở lại chính trường khu vực
Cam Bốt sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN 2022 từ ngày 29/12/2021. Nhưng ngay từ đầu tháng 12,chính quyền Phnom Penh đã đi ngược lại hoàn toàn những chủ trương của ASEAN về Miến Điện, trong đó có việc từ chối đại diện chính trị cấp cao của tập đoàn quân sự. « Đồng thuận 5 điểm » (chấm dứt các bạo lực, mở đối thoại xây dựng giữa tất cả các bên, bổ nhiệm một đặc phái viên của chủ tịch ASEAN nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các bên Miến Điện, trợ giúp nhân đạo và tổ chức chuyến đi của đặc phái viên và phái đoàn ASEAN tới Miến Điện), được 10 nước Đông Nam Á kiên trì thảo luận, có nguy cơ biến thành tờ giấy lộn.
ASEAN để ngỏ khả năng để Miến Điện tiếp tục tham gia hoạt động của khối thông qua « một đại diện phi chính trị ». Tuy nhiên, thủ tướng Cam Bốt lại tìm cách đưa tập đoàn quân sự Miến Điện trở lại khối và từng bước công nhận tính chính đáng của lực lượng đảo chính này.
Ngày 07/12, thủ tướng Cam Bốt đã tiếp ngoại trưởng Wunna Maung Lwin của tập đoàn quân sự Miến Điện ở Phnom Penh. Một ngày sau, tướng Vong Pisen, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Cam Bốt, hội đàm trực tuyến với tướng Min Aung Hlang và mời người cầm đầu cuộc đảo chính tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN (ACDFM) lần thứ 19 vào tháng 03/2022.
Cam Bốt dường như đơn phương quyết định bổ nhiệm ngoại trưởng Prak Sokhonn làm tân đặc phái viên của ASEAN về Miến Điện. Không dừng ở đó, ông Hun Sen dự kiến công du Naypyidaw ngay tháng Giêng. Câu hỏi đặt ra là ông Hun Sen đến Miến Điện gặp giới lãnh đạo quân sự cấp cao với tư cách cá nhân, thủ tướng Cam Bốt hay chủ tịch luân phiên của ASEAN ?
Lại đơn phương phá hoại uy tín của ASEAN
Theo ông Charles Santiago, nghị sĩ Malaysia kiêm chủ tịch tổ chức các nghị sĩ ASEAN về nhân quyền (APHR), được trang Al Jazeera trích dẫn ngày 22/12, « ông Hun Sen đơn phương quyết định. Ai trao cho ông quyền đó ? Người đến Miến Điện phải là đặc phái viên ». Nói một cách khác, « ông Hun Sen đang tìm cách phá hoại » cách tiếp cận của ASEAN, dù Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á chỉ đạt được « một số thành công nhỏ, trong đó có việc hạn chế Miến Điện tham gia các cuộc họp của ASEAN » trong năm 2021.
Để giải thích cho kiểu « ngoại giao cao bồi », theo cách gọi của một số nhà quan sát, thủ tướng Cam Bốt lập luận rằng Miến Điện là một « thành viên của gia đình ASEAN », « nếu không làm việc với chính quyền Miến Điện thì chúng ta phải làm việc với ai ? ». Còn chuyên gia Charles Dunst, thành viên chương trình Đông Nam Á của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), cho rằng ông Hun Sen tỏ ra « tự tin vì nghĩ ông là một tác nhân vì hòa bình, rất nhiều lần ông nhấn mạnh đến kinh nghiệm ở Cam Bốt sau chiến tranh » liên quan đến lực lượng Khờme đỏ vào cuối thập niên 1990.
Liệu ông Hun Sen có sử dụng kinh nghiệm trấn áp xã hội dân sự, giải tán các đảng đối lập ở Cam Bốt để « thuyết phục » và « đồng cảm » với tướng Min Aung Hlang, người đứng đầu tập đoàn quân sự Miến Điện ? Không phải lần đầu tiên Cam Bốt đơn phương hành động trong khối ASEAN. Khi nước này giữ chức chủ tịch luân phiên năm 2012, lần đầu tiên ASEAN đã không ra được tuyên bố chung tại thượng đỉnh, vì Phnom Penh ủng hộ lợi ích của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với nhiều nước Đông Nam Á. Một thập niên sau, vẫn ông Hun Sen đang làm suy yếu uy tín của ASEAN trước cả khi Cam Bốt chính thức nhậm chức chủ tịch.
Không có nhận xét nào