Header Ads

  • Breaking News

    Tin tức thế giới ngày Thứ ba 21 tháng 12 năm 2021

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Biến thể Omicron: Lo âu bao trùm châu Âu giữa mùa Giáng sinh

    Biển thế Omicron gây lo ngại tại Châu Âu. Ảnh minh họa Justin TALLIS AFP/File

    Thông tin chính của các báo Pháp ra ngày hôm 20/12/2021 là cả châu Âu cũng như nước Pháp đang nháo nhác lo sợ trước mối đe dọa của Covid-19 cùng biến thể Omicron, khi chỉ còn ít ngày nữa đến lễ Giáng sinh và đón Năm Mới. Không có không khí háo hức đón chờ Noel và mừng Năm Mới, cuộc chiến chống dịch chiếm hầu hết trang nhất các báo.
    Le Figaro chạy tựa chính trang nhất “Châu Âu cố ngăn cơn sóng Omicron” và  “Châu Âu đang đứng trước đe dọa phong tỏa trở lại”. Để đối phó với đà lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron, các nước châu Âu đang phải hành động khẩn trương với những biện pháp ngày càng khắc nghiệt hơn. Tờ báo cho hay, Đức đã tái lập lại chế độ cách ly với du khách đến từ các vùng nguy hiểm, song song với việc đẩy mạnh và mở rộng hơn nữa chiến dịch tiêm chủng. Một số nước khác đã khẩn trương áp dụng các biện pháp hạn chế, từ giới nghiêm cho đến đóng cửa các tụ điểm công cộng, như ở Ailen hay Đan Mạch.

    Quyết định mạnh mẽ của chính phủ Hà Lan hôm thứ Bảy vừa rồi áp đặt lệnh phong tỏa trở lại đất nước cho đến ngày 14 tháng Giêng như là một gáo nước lạnh đối với người dân trong nước, nhưng cũng là một cảnh báo đối với các nước châu Âu về mức độ nguy hiểm của biến thể Omicron. Hà Lan là nước đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu áp dụng biệt pháp triệt để này, nhưng dường như đất nước này không còn sự lựa chọn nào khác, đành chấp nhận hy sinh kỳ lễ hội quan trọng nhất của năm để bảo vệ sức khỏe dân chúng.

    Le Figaro cho biết, quyết định của chính phủ Hà Lan được đưa ra khi đất nước này đang qua đỉnh làn sóng biến thể Delta và mới chỉ ghi nhận được khoảng 100 ca nhiễm Omicron. Nhưng cơ quan y tế Hà Lan cho rằng biến biến thể mới này có thể sẽ chiếm đa số các ca nhiễm từ nay đến cuối năm và Hà Lan sẽ không có đủ năng lực để chống đỡ với tình huống như vậy.

    Trong khi đó tại nước Anh, hai ngày cuối tuần qua vẫn ghi nhận số ca nhiễm thường nhật trên 90 nghìn. Omicron đã thế chỗ Delta thành biến thể chủ yếu ở nước này, chiếm 83% các ca nhiễm. Các nhà khoa học ở bên kia bờ biển Manche liên tiếp đưa ra những con số báo động đầy lo sợ: Từ nay đến cuối năm nước Anh có thể sẽ có thêm từ 600 nghìn đến 2 triệu ca nhiễm. Mỗi ngày các bệnh viện của nước Anh sẽ có thể phải nhận thêm mới ngày từ 3.000 đến 10 nghìn bệnh nhân và số tử vong thường nhật cũng sẽ có thể lên đến hàng nghìn người.

    Pháp: Chỉ còn vũ khí vac-xin

    Pháp dù là nước đã đạt tỷ lệ tiêm chủng thuộc hàng cao nhất châu Âu, nhưng không phải là không bị đe dọa bởi làn sóng ngầm Omicron, trong lúc vẫn chưa qua đỉnh đợt dịch thứ 5.

    Các báo đều ghi nhận không khí “lo lắng đang lên cao tại Pháp trước Noel”. Theo La Croix, tại Pháp, mới chỉ có 310 ca nhiễm biến thể Omicron được phát hiện. Tuy nhiên con số này được cho là thấp hơn với thực tế, nếu cứ nhìn vào đà lây nhiễm nhanh của biến thể này. Đến giờ các bệnh viện ở Pháp đã bắt đầu rơi vào tình trạng căng thẳng, thiếu giường bệnh, thiếu nhân viên. Hội Đồng Khoa Học đã kêu gọi chính phủ thiết lập các biện pháp hạn chế có hiệu quả nhân dịp lễ đón Năm Mới, trong đó không loại trừ cả lệnh giới nghiêm.

    Chính phủ Pháp giờ chỉ còn đặt cược vào vũ khí vac-xin để cố gắng không phải trở lại những biện pháp khắt khe, làm hỏng kỳ lễ hội cuối năm của người dân. Pháp tăng tốc chiến dịch tiêm chủng liều thứ 3, đồng thời với việc mở rộng đối tượng tiêm chủng đến trẻ em và gia tăng áp lực với những người không muốn tiêm chủng, để hướng tới chủ trương bắt buộc tiêm chủng với toàn dân.

    Tổng  kết năm 2021 qua từng chủ đề lớn. Hôm nay là địa chính trị toàn cầu.

    Những thách thức đặt ra cho chính phủ mới của Đức

    Mọi người rất nghi ngờ khi đèn giao thông lần đầu được sử dụng ở Berlin vào những năm 1920, thủ tướng mới của Đức Olaf Scholz phát biểu. Nhưng ngày nay chúng là không thể thiếu. Ông Scholz kỳ vọng liên minh “đèn giao thông” của ông, vừa nhậm chức hôm 8 tháng 12, sẽ đạt được thành công tương tự.

    Ông Scholz, người thuộc đảng Dân chủ Xã hội, lãnh đạo một chính phủ ba bên với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) thân thiện với doanh nghiệp. Họ thừa kế một nước Đức giàu có, ổn định, nhưng đứng trước hàng loạt thách thức, bao gồm cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và Trung Quốc, sau nhiệm kỳ 16 năm của Angela Merkel.

    Những việc cần làm hàng đầu của ông Scholz là thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh của Đức: các đảng muốn nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong sản lượng điện lên 80% vào năm 2030. Các đối tác EU của Đức kỳ vọng ông Scholz sẽ theo bước bà Merkel trong nỗ lực xây dựng tổ chức trong bối cảnh thách thức từ covid-19 và các động thái gây hấn của Nga. Nhưng thủ tướng cũng phải đảm bảo liên minh không chia rẽ. Đặc biệt khi trong một số vấn đề, FDP và Xanh hoàn toàn trái ngược nhau.

    Nhìn lại thất bại của Mỹ ở Afghanistan

    “Taliban không phải là quân đội Bắc Việt Nam,” Tổng thống Joe Biden tuyên bố vào ngày 8 tháng 7, vài ngày sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan. “Bạn sẽ không thấy cảnh tượng sơ tán khỏi mái nhà đại sứ quán.” Đến ngày 15 tháng 8, các nhà ngoại giao Mỹ rời Kabul bằng trực thăng Chinook.

    Chuyến rút quân của Mỹ khỏi Kabul, giống ở Sài Gòn vào năm 1975, là một thời điểm địa chính trị rất đặc biệt: quốc gia hùng mạnh nhất thế giới bị đánh bại bởi một bên yếu hơn. Trong sự kiện 2021, tình trạng hỗn loạn đã khiến các nước láng giềng tràn ngập người tị nạn và cổ vũ các chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới.

    Nhưng bài học kinh nghiệm từ Việt Nam có thể rất quan trọng. Bất chấp thất bại nhục nhã, trong vòng 15 năm Mỹ đã thắng cuộc chiến tranh lạnh và trở thành siêu cường dẫn đầu thế giới. Đó có thể là một điều an ủi đối với Mỹ. Song chẳng an ủi gì đối với người dân Afghanistan hiện phải sống dưới chính quyền Taliban.

    Căng thẳng gia tăng xoay quanh vấn đề Đài Loan

    Nếu 2020 là năm Trung Quốc khẳng định quyền lực thống trị Hồng Kông, thì 2021 là năm họ hướng sang Đài Loan. Năm nay, một số lượng kỷ lục máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào vùng trời xung quanh hòn đảo này. Vào tháng 3, Đô đốc Phil Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, nói với Quốc hội ông lo lắng Trung Quốc sẽ tấn công Đài Loan ngay từ năm 2027.

    Thái độ ngày càng hiếu chiến của Trung Quốc đã buộc các nhà hoạch định chính sách ở Washington phải suy nghĩ nghiêm túc về cách xử lý nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan. Một dấu hiệu ban đầu cho thấy gia tăng căng thẳng ở châu Á-Thái Bình Dương là việc thành lập AUKUS, một tổ chức hợp tác Mỹ-Úc-Anh hồi tháng 9 nhằm cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trung Quốc ngay lập tức phản đối hiệp ước, trong khi Đài Loan hoan nghênh nó như một “xu hướng tích cực và cần thiết cho hòa bình ổn định trong khu vực.”

    Chiều hướng mới trong xung đột Israel-Palestine

    Năm nay Vùng đất Thánh chứng kiến nhiều xung đột hơn. Tháng 5 có cuộc chiến kéo dài 11 ngày giữa Israel và Hamas khiến 242 người Palestine và 10 người Israel thiệt mạng. Cuộc giao tranh không đạt được kết quả gì ngoại trừ việc dọn dẹp chiến trường cho đợt giao tranh tiếp theo.

    Có rất ít áp lực đối với Israel để giải quyết cuộc xung đột giữa hai bên. Năm ngoái Bahrain, Maroc, Sudan và UAE đều đồng loạt thiết lập quan hệ ngoại giao với nhà nước Do Thái. Một nửa dân số Ả Rập giờ đây sống ở các nước công nhận Israel. Chính phủ mới của Israel do Naftali Bennett lãnh đạo tiếp tục thắt chặt các mối quan hệ này trong năm 2021.

    Trong khi đó, ủng hộ đối với giải pháp hai nhà nước đang giảm dần trong cả người Israel và người Palestine. Cả hai bên đều không chắc chắn bản thân mình muốn đạt được điều gì. Những nỗ lực kiến tạo hòa bình gần đây đã trở nên vô ích. Tổng thống Joe Biden dường như không muốn can dự. Israel và Palestine cũng đã ngừng đàm phán trực tiếp từ 2014. Rất ít nhà quan sát dự đoán thay đổi trong năm 2022.

    Các nước phương Tây chỉ trích cuộc bầu cử thiếu dân chủ ở Hồng Kông

    Theo Reuters, Nikkei

    Người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông tập hợp tại Đài Bắc vào ngày bầu cử 11/1 (ảnh: Viola Kam/United Social Press).

    Anh, Hoa Kỳ, Canada, Úc và New Zealand hôm thứ Hai (20/12) đã bày tỏ quan ngại về sự xói mòn nền dân chủ ở Hồng Kông.

    Năm nước cho biết trong một tuyên bố chung: “Ngoại trưởng Úc, Canada, New Zealand và Vương quốc Anh, và Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm kết quả của cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp ở Hồng Kông [vừa diễn ra], đồng thời bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi về sự xói mòn các yếu tố dân chủ của hệ thống bầu cử của Đặc khu hành chính”.

    Nhóm G7 cũng ra tuyên bố nói rằng những thay đổi đối với hệ thống bầu cử của Hồng Kông đã làm suy yếu mức độ tự trị cao được Đảng Cộng sản Trung Quốc hứa hẹn đối với Hồng Kông theo nguyên tắc “Một quốc gia, hai hệ thống” khi đặc khu được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997

    Hôm Chủ nhật (19/12), hơn 1,3 triệu cử tri Hong Kong đi bầu Hội đồng Lập pháp, tương đương 30,2%, thấp nhất từ khi đặc khu được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Đây là lần đầu tiên người Hong Kong đi bỏ phiếu bầu thành viên Hội đồng Lập pháp kể từ khi Bắc Kinh cải cách hệ thống bầu cử của đặc khu, với quy định chỉ những “người yêu nước” mới đủ tiêu chuẩn lãnh đạo thành phố.

    Các ứng cử viên ủng hộ Bắc Kinh đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp này. Những ứng viên theo đường lối ôn hòa hoặc không ủng hộ chính quyền trung ương ở Bắc Kinh thua với cách biệt lớn.

    Benson Wong, một cựu giáo sư chính phủ tại Đại học Baptist Hồng Kông hiện đang sống ở Vương quốc Anh, gọi kết quả cuộc bầu cử hôm thứ Hai là một trở ngại cho thành phố. Ông bình luận: “Chúng đại diện cho ba mức thấp. Tính đại diện thấp, năng lực chính trị thấp và tính hợp pháp thấp trong chính trị.”

    Timothy Lee, người đã bị tòa án cách chức khỏi ghế hội đồng quận vào đầu năm nay và sau đó rời thành phố, nói: “Tôi nghĩ điều này cho thấy Hồng Kông không có niềm tin vào hệ thống bầu cử. Những người được bầu sẽ không phải là sự thật đại biểu nhân dân”.

    Trung Quốc đường đến Trung Đông đang mở

    Mục Ý kiến & Tranh luận của nhật báo Les Echos có bài: “Trung Đông: Người Trung Quốc đang tới!” của Dominique Moïsi, nhà nghiên cứu địa chính trị, một cây bút thời luận của Les Echos. Bài báo cho thấy, khi mà Mỹ giảm bớt sự hiện diện ở Trung Đông, thì Trung Quốc sẵn sàng thế chỗ như thế nào.

    Tác giả đặt câu hỏi: Sau khi đã là “lãnh địa đi săn” của Hoa Kỳ, Trung Đông liệu có thể sẽ trở thành trường đấu chủ yếu  giữa châu Âu và Trung Quốc?  Khi Mỹ đã tỏ mệt mỏi với chiến lược Trung Đông, thì những nước khác lại đổ xô đến để lấp chỗ trống mà Mỹ để lại trong vùng. Từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga, từ châu Âu đến Trung Quốc, mỗi bên đều có những tham vọng, chiến lược riêng của mình.

    Theo tác giả Dominique Moïsi, điểm mới ở đây là Trung Quốc đang nhìn thấy vùng Trung Đông, không chỉ là nơi có nguồn dầu mỏ họ đang rất khát mà còn là một khu vực không thể thiếu cho các mục tiêu địa chính trị toàn cầu của họ. Giữa lục địa Á và Âu, “Con đường tơ lụa” của Bắc Kinh chỉ có thể đi qua Trung Đông.  Nhưng làm thế nào để thay chân Mỹ mà không phải rơi vào một cuộc « chiến tranh bất tận » ở Trung Đông như Hoa Kỳ đã phải gánh chịu ?

    Ngược lại với các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ hay Nga, Trung Quốc có những ưu thế là có túi tiền đầy và không có những hiềm khích lịch sử với Trung Đông. Trung Quốc không có quá khứ thực dân hay đế quốc với các quốc gia Trung Đông, cũng không hề có thái độ bài Do Thái hay vấn đề gì với Hồi giáo.

    Tác giả bài viết nhận định: “Một nước Mỹ mệt mỏi, một châu Âu lưỡng lự, một Thổ Nhĩ Kỳ và một nước Nga có thể có những ưu tiên khác (Ankara là chuyện nội bộ còn Matxcova là chuyện Đông Âu), dường như con đường đang hé mở cho Bắc Kinh” đến Trung Đông. Nhiều nước như Ả Rập Xê Út hay Israel có vẻ như đang chờ đợi người Trung Quốc đến, tuy không vội vàng. “Trung Quốc đang trở thành nhân tố mới và là tấm gương phản chiếu của một vùng đất đang đầy biến chuyển này”, tác giả kết luận.

    Trung Quốc trừng phạt bốn thành viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ

    Lối vào một nhà thờ Hồi giáo, có găn biểu ngữ màu đỏ "Yêu đảng, yêu đất nước" ở Kashgar, miền tây, Trung Quốc, Tân Cương, ngày 4 tháng 11 năm 2017 © AP - Ng Han Guan

    Hôm nay, 21/12/2021, chính phủ Trung Quốc thông báo các trừng phạt đối với bốn thành viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ, do những bình luận của những nhân vật này về tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở vùng Tân Cương.

    Trong những tháng qua, đáp lại những vụ vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương, nơi có đa số dân là người Duy Ngô Nhĩ Hồi Giáo, Hoa Kỳ đã ban hành trừng phạt đối với ngày càng nhiều lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp Trung Quốc, khiến Bắc Kinh giận dữ, thi hành các biện pháp trả đũa tương tự.

    Theo hãng tin AFP, hôm nay, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc thông báo các biện pháp trừng phạt đối với chủ tịch và phó chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ, cùng với hai thành viên của ủy ban này, cụ thể là cấm họ nhập cảnh vào lãnh thổ Trung Quốc, kể cả Hồng Kông và Macao. Tài sản của bốn nhân vật này ở Trung Quốc, nếu có, sẽ bị phong tỏa và công dân Trung Quốc kể từ nay không được có quan hệ làm ăn với họ.

    Được thành lập vào năm 1998, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Mỹ thường xuyên đưa ra báo cáo về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới và vẫn cực lực chỉ trích chính sách của Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

    « Điều phối viên đặc biệt » về Tây Tạng

    Cũng liên quan đến Trung Quốc, hôm qua, ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thông báo bổ nhiệm một « điều phối viên » đặc biệt để « thúc đẩy việc tôn trọng nhân quyền » ở Tây Tạng, cũng như thúc đẩy « đối thoại thật sự » giữa Trung Quốc và đức Đạt Lai Lạt Ma. Trách nhiệm này được giao cho thứ trưởng đặc trách dân chủ và nhân quyền Uzra Zeya.

    Theo nhận định của AFP, việc bổ nhiệm điều phối viên đặc biệt về Tây Tạng có thể khiến quan hệ Mỹ-Trung thêm căng thẳng, bởi vì Tây Tạng vẫn là hồ sơ rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh.

    Hơn 60 nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa vào giữa tháng 12 đã kêu gọi tổng thống Joe Biden gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng và thúc đẩy Bắc Kinh nối lại đối với các đại diện của ngài, vốn đã bị gián đoạn từ 12 năm nay.

    Cà Mau: cầu xây hơn 30 tỷ chuẩn bị hoàn thành bất ngờ đổ sập chắn ngang sông

    RFA
    2021.12.21

    Cầu Cái Đôi Vàm bị lún trụ, đổ sập chắn ngang sông.

    RFA Edited

    Cầu Cái Đôi Vàm bắc qua sông Cái Đôi Vàm huyện Phú Tân, Cà Mau đang trong giai đoạn hoàn thành vào sáng ngày 21/12 bị sập nhịp rơi xuống nước chắn ngang sông.

    Truyền thông Nhà nước loan tin dẫn thông tin từ người dân sống hai bên bờ sông cho biết, vào khoảng 9 giờ sáng mọi người nghe tiếng bê tông rơi xuống nước, trụ chính lún dần kéo theo nhịp giữa sập và đổ sập xuống nước chắn ngang sông khiến tàu bè không thể qua lại khu vực này.

    Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân huyện Phú Tân ông Võ Trường Giang xác nhận với truyền thông rằng, công trình cầu Cái Đôi Vàm này do tỉnh thực hiện đầu tư. Khi bắt đầu có hiện tượng lún trụ đã cho rào chắn khu vực cầu không để người dân và tàu bè lại gần. Do đó, sự việc xảy ra không gây thiệt hại về người.

    Dự án xây dựng cầu bắc qua sông Cái Đôi Vàm có tổng mức đầu tư trên 54 tỷ đồng, trong đó giá trị xây lắp cầu Cái Đôi Vàm hơn 30 tỷ đồng, nguồn vốn từ ngân sách tỉnh Cà Mau. Công trình dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2022.

     

    Không có nhận xét nào