Võ Thái Hà tổng hợp
Mỹ : TT Biden kết thúc thượng đỉnh vì dân chủ dưới sự chỉ trích
Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì thượng đỉnh vì dân chủ qua cầu truyền hình, tại Washington, ngày 09/12/2021. © AFP / Nicholas Kam
Hôm qua, 10/12/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden kết thúc cuộc họp « thượng đỉnh vì dân chủ » được tổ chức trực tuyến. Tuy nhiên, sự kiện đã bị phía Nga, Trung Quốc và một số người trong nước chỉ trích gay gắt.
Trong cuộc họp qua video, nguyên thủ Mỹ tuyên bố : Dân chủ « không có biên giới, nói mọi thứ tiếng. Dân chủ thực thi ở những nhà đấu tranh chống tham nhũng, ở những người bảo vệ nhân quyền, ở trong lòng các nhà báo ». Joe Biden khẳng định Hoa Kỳ sẽ sát cánh cùng những ai « cho phép dân tộc họ được thở tự do và không bóp nghẹt người dân bằng bàn tay sắt ».
Chủ nhân Nhà Trắng cho rằng thế giới đang đứng trước một « bước ngoặt » trong sự đối đầu giữa những chế độ chuyên chế mỗi lúc một mạnh và các nền dân chủ bị đe dọa. Để tỏ thiện chí, Hoa Kỳ ngay ngày đầu buổi họp, đã cam kết đóng góp 424 triệu đô la, ủng hộ cho tự do báo chí, các cuộc bầu cử tự do và các chiến dịch chống tham nhũng. Ông tuyên bố, « nền dân chủ cần những nhà vô địch ».
Trung Quốc cáo buộc nền dân chủ Mỹ là vũ khí hủy diệt hàng loạt
Thế nhưng, theo AFP, mong muốn tái khẳng định Hoa Kỳ là một tấm gương dân chủ đã gặp phải nhiều chỉ trích. Trung Quốc, tỏ thái độ giận dữ vì không được mời dự, hôm nay (11/12/2021) trong một thông cáo đăng trên trang mạng của bộ Ngoại Giao lên án « nền dân chủ Mỹ là một vũ khí hủy diệt hàng loạt ». Bắc Kinh tố cáo tổng thống Mỹ thừa hưởng tư tưởng từ cuộc Chiến Tranh Lạnh, « thao túng và trang bị vũ khí cho dân chủ, để rồi kích động gây chia rẽ và đối đầu » về ý thức hệ.
Ở trong nước, tổng thống Joe Biden cũng bị phê phán. Đảng Cộng Hòa chỉ trích ông không tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc. Đặc biệt, việc tư pháp Anh hôm qua, quyết định bác khiếu nại đề nghị từ chối dẫn độ Julian Assange - nhà sáng lập Wikileaks - sang Mỹ để xét xử cũng làm dấy lên nhiều chỉ trích gay gắt tại Hoa Kỳ.
Daniel Ellsberg, người báo động về chiến tranh Việt Nam trên mạng xã hội Twitter tự hỏi « làm thế nào Biden dám đưa ra bài học tại thượng đỉnh vì dân chủ mà vẫn từ chối ân xá » cho Julien Assange. Người này cho rằng Joe Biden « sát hại tự do báo chí nhân danh "an ninh quốc gia" ».
Nước Nga của ông Vladimir Putin cũng tận dụng cơ hội này lên án tư pháp Anh đã có một quyết định « đáng hổ thẹn ». Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, Maria Zakharova, trên mạng xã hội Telegram mỉa mai : « Phương Tây đã trang trọng mừng ngày Quốc tế Nhân quyền (10/12) và kết thúc "Thượng đỉnh vì Dân chủ" ».
Ông Biden nói không còn để ý tới việc người dân xếp hạng mình nữa
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (ảnh: Từ video của PBS NewsHour)
Tổng thống Joe Biden nói với nhà báo Jimmy Fallon hôm thứ Sáu (10/12) rằng ông không còn chú ý đến các cuộc thăm dò ý kiến về sự chấp thuận của người dân đối với năng lực làm việc của ông, theo Daily Wire.
Ông Biden đưa ra tuyên bố này khi xuất hiện trong chương trình “The Tonight Show” vào tối thứ Sáu, trong bối cảnh xếp hạng tín nhiệm đối với ông trong cuộc thăm dò gần nhất đã rơi xuống mức dưới 40%.
Nhà báo Fallon hỏi ông Biden: “Ngài quan tâm đến xếp hạng phê duyệt ở mức độ nào?”
“Chà, tôi không còn quan tâm nữa,” ông Biden trả lời. “Tôi đã chú ý đến khi chúng ở giữa mức 60%. Bây giờ là khoảng 40%; Tôi không còn để ý nữa”.
Ông Biden nói rằng xếp hạng phê duyệt của mình giảm là do thông tin sai lệch.
“Hãy nhìn xem, chúng tôi mới ở Tòa Bạch Ốc chưa đầy một năm, rất nhiều điều đã xảy ra, và hãy nhìn xem, mọi người đang sợ hãi, mọi người đang lo lắng”, ông Biden nói. “Và mọi người đang nhận được quá nhiều thông tin không chính xác, tôi không muốn nói về tôi, mà là về hoàn cảnh của họ. Vì vậy, họ, bạn biết đấy, họ đang được thông báo rằng Ngày tận thế đang tới. Sự thật là nền kinh tế đã phát triển nhiều hơn so với bất kỳ thời điểm nào trong gần 60 năm qua, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,2%, và theo quan điểm của tôi, nó sẽ còn thấp hơn nữa”.
Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy tỷ lệ chấp thuận của người dân đối với ông Biden, chỉ ở mức 37% , thấp hơn mọi thống đốc ở Hoa Kỳ và thậm chí mức chấp thuận của người dân đối với ông đã xuống dưới 30% ở 17 tiểu bang, và chỉ còn là 18% ở Tây Virginia.
Theo Daily Wire, một cuộc thăm dò khác cho thấy chỉ 22% người Mỹ muốn ông Biden tranh cử vào năm 2024 và chỉ 12% muốn Phó Tổng thống Kamala Harris tranh cử.
Tân thủ tướng Đức công du Pháp: Paris và Berlin cam kết phối hợp vì Liên Âu
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (T) và tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi họp báo chung ở điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 10/12/2021. © AP Photo / Thibault Camus
Ngay sau khi nhậm chức, tân thủ tướng Đức đến Pháp hôm qua, 10/12/2021. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của thủ tướng Olaf Scholz. Phối hợp hành động để củng cố Liên Hiệp Châu Âu là mục tiêu hàng đầu của lãnh đạo Pháp - Đức.
Chọn Paris là điểm đến đầu tiên giống như những người tiền nhiệm, thủ tướng Đức Olaf Scholz muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của trục hợp tác Pháp - Đức. Phát biểu trong cuộc họp báo với người đứng đầu chính phủ Đức sau cuộc hội kiến, tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố « các trao đổi song phương đầu tiên cho thấy rõ ràng là hai bên có sự đồng thuận về quan điểm vững chắc ». Thủ tướng Đức cũng khẳng định : « chắc chắn quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển ».
Trong cuộc họp báo nói trên, nguyên thủ Pháp nhấn mạnh : « Chuyến công du này là một thời điểm rất quan trọng để tạo lập những nền tảng vững chắc cho hợp tác giữa hai nước chúng ta. Không chỉ vì quan hệ song phương, mà cũng để nêu ra các vấn đề châu Âu, các chủ đề quốc tế lớn ».
Theo AFP, Liên Âu là chủ đề số một của cuộc hội kiến Đức - Pháp, 21 ngày trước khi nước Pháp đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu. Trước cuộc gặp hôm qua, tổng thống Macron đã cho biết những ưu tiên chính của Pháp về dự án châu Âu. Trong cuộc họp báo với thủ tướng Đức, nguyên thủ Pháp nhấn mạnh : « Về các vấn đề xã hội, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kỹ thuật số, chiến lược chung đối phó với các thách thức nhập cư, các vấn đề về đầu tư hay đổi mới định chế, hai bên chúng tôi đã thực sự khẳng định quyết tâm hợp tác », để xây dựng một « Liên Âu hùng mạnh hơn ».
Liên minh ba đảng của chính phủ Đức, đảng Xã hội - Dân chủ, đảng Xanh và đảng Dân chủ - Tự do, đặt Liên Âu ở vị trí trung tâm, hơn hẳn so với thời thủ tướng tiền nhiệm Angela Merkel. Lộ trình hành động liên quan của tân chính phủ Đức thúc đẩy Liên Âu hướng đến xây dựng một Nhà nước Liên Bang, vốn là một chủ đề húy kỵ đối với nhiều nước châu Âu, kể cả Pháp. Tuy nhiên, Paris hy vọng đây là cơ hội để thúc đẩy việc xây dựng Liên Âu.
Máy bay quân sự Trung Quốc lại xâm nhập ADIZ Đài Loan
Các máy bay chiến đấu F-16 theo dõi các máy bay ném bom của Trung Quốc bay quanh Đài Loan. (Ảnh: Thông tấn xã Trung ương Đài Loan).
13 máy bay quân sự Trung Quốc hôm 10/12 đã tiến vào vùng nhận diện phòng không (ADIZ) phía tây nam Đài Loan. Đài Bắc đã điều chiến đấu cơ theo dõi và ngăn chặn, theo Focus Taiwan.
Cơ quan phòng vệ Đài Loan cho biết 13 máy bay Trung Quốc chia làm hai đợt xâm ADIZ của hòn đảo. Đợt đầu tiên gồm hai máy bay chiến đấu H-6 và một máy bay tác chiến điện tử Y-8 tiến sâu vào ADIZ phía tây nam và nam đảo Đài Loan. Đợt thứ hai gồm một máy bay săn ngầm, một máy bay cảnh báo sớm KJ-500, hai tiêm kích hạng nhẹ J-10 và 6 chiến đấu cơ hạng nặng J-16.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã triển khai tiêm kích giám sát, phát cảnh báo và kích hoạt hệ thống tên lửa phòng không để đề phòng các trường hợp gây nguy hiểm từ các máy bay quân sự Trung Quốc.
Đợt xâm nhập lần này của máy bay Trung Quốc diễn ra một ngày sau khi Nicaragua tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan.
Tuyên bố của Nicaragua khiến Đài Loan chỉ còn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức với 14 quốc gia. Cơ quan ngoại giao Đài Loan ra tuyên bố cho biết họ “đau buồn, lấy làm tiếc” trước thông tin này và sẽ ngừng quan hệ với Nicaragua, dừng hợp tác song phương và sơ tán nhân viên khỏi đất nước này.
Trong 14 tháng qua, Bắc Kinh liên tiếp gia tăng các hoạt động quân sự gần Đài Loan. Điều này khiến Mỹ và nhiều đồng minh lo ngại nguy cơ quân đội Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng Đài Loan, ngay cả khi đây là một kịch bản khó xảy ra ở thời điểm hiện tại.
Olaf Scholz đến Bruxelles : An ninh và quốc phòng EU là trọng tâm
Ngay sau chuyến đi Pháp, tân thủ tướng Đức đến Bruxelles cũng trong ngày hôm qua. Thủ tướng Olaf Scholz có cuộc hội kiến với chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel với nội dung chính là chuẩn bị cho thượng đỉnh châu Âu vào hai ngày 16 và 17/12, với chủ đề trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Theo Euronews, trong cuộc hội kiến giữa thủ tướng Đức với lãnh đạo Ủy Ban Châu Âu, hai bên khẳng định mục tiêu chung của Liên Âu là bảo đảm « nền quốc phòng và an ninh hiệu quả, không dung thứ cho bất kỳ mối đe dọa nào chống lại một quốc gia thành viên ».
Ngày mai, 12/12, tân thủ tướng Đức có kế hoạch đến Ba Lan, thành viên khối 27 nước hiện đang có xung đột với Liên Âu về vấn đề Nhà nước pháp quyền và tính tối thượng của luật pháp châu Âu.
Ứng viên nặng ký cho cuộc đua Tổng thống Pháp nói “Không” với siêu liên bang EU
Ứng cử viên Valerie Pecresse
Ứng viên bảo thủ, người dường như sẽ là đối thủ đáng gờm nhất của ông Emmanuel Macron cho cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm tới đã bắt đầu chiến dịch tranh cử của bà vào thứ Bảy (11/12), trong đó tuyên bố sẽ chống lại lời kêu gọi của nước Đức về việc hình thành một siêu liên bang châu Âu.
Valerie Pecresse, người đã tự mô tả mình là “1/3 Thatcher, 2/3 Merkel”, đã bất ngờ chiến thắng trong cuộc tranh cử lãnh đạo của đảng Cộng hòa bảo thủ Les Republicains party vào cuối tuần trước. Kể từ đó, bà đã gây tiếng vang lớn trong các cuộc thăm dò dư luận.
Tại cuộc mít-tinh tranh cử đầu tiên của mình với tư cách là ứng cử viên của một đảng bắt nguồn từ cố Tổng thống Charles de Gaulle, bà Pecresse nói rằng bà muốn EU duy trì sự độc lập của các quốc gia và không trở thành một siêu liên bang như Hoa Kỳ.
Trong lịch sử, những người bảo thủ Pháp ủng hộ hội nhập châu Âu trong lĩnh vực kinh tế, chẳng hạn như tạo ra đồng euro hoặc một thị trường chung duy nhất, nhưng đã chống lại các nỗ lực chuyển dịch quyền lực cấp cao về các vấn đề chủ quyền nhạy cảm như chính sách đối ngoại và quốc phòng.
Bà nói: “Tôi nghe một số đối tác Đức của chúng tôi gợi ý rằng Liên minh châu Âu nên phát triển thành một nhà nước liên bang. Tôi sẽ nói “không”.
Thỏa thuận thành lập liên minh cầm quyền mới của Đức dưới thời Thủ tướng Olaf Scholz nói rằng EU nên hướng tới một “nhà nước liên bang châu Âu”.
Pecresse cũng cho biết bà không muốn Pháp trở thành nước mà bà gọi là chư hầu của Hoa Kỳ, và cũng không muốn thấy một nước khác thoát khỏi EU như Anh đã làm. Bà sẽ làm việc với ông Scholz bất chấp phe cánh tả chiếm đa số.
“Tôi sẽ làm việc với ông ấy vì Đức là đồng minh quan trọng. Nhưng đối với tôi, tình bạn không đến nếu không có sự thẳng thắn”, bà nói.
Tại cuộc mit-tinh ở trung tâm Paris, Michel Barnier, nhà cựu đàm phán Brexit của EU, người đã mất quyền lãnh đạo đảng, cho biết ông đồng ý với bà Pecresse về vấn đề châu Âu.
Một cuộc thăm dò tuần này đã cho thấy bà sẽ có thể đánh bại ông Macron với tỷ số 52-48 nếu bà lọt vào vòng tranh cử Tổng thống vào tháng Tư năm tới.
Đông A (theo Reuters)
Đối trọng lại Ấn Độ, Trung Quốc thúc đẩy xây đường sắt 8 tỷ USD với Nepal
Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ giúp Nepal tăng cường kết nối thông qua đường bộ và đường sắt, một động thái được các chuyên gia cho rằng sẽ gây những lo ngại chiến lược cho đối thủ khu vực là Ấn Độ.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tái thiết Nepal, ông Vương cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng lại đất nước sau trận động đất kinh hoàng năm 2015 và thúc giục hợp tác chặt chẽ hơn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
“Trung Quốc sẽ nỗ lực để nghiên cứu tính khả thi của dự án đường sắt xuyên biên giới, cải thiện mạng lưới kết nối đa chiều xuyên Himalaya, và giúp Nepal thực hiện ước mơ của họ nhằm thay đổi từ một ‘đất nước sâu bên trong lục địa’ thành một ‘đất nước được kết nối,’” ông Vương nói tại hội nghị qua video hôm thứ Tư (9/12).
Ông cũng kêu gọi Nepal hợp tác sâu sắc hơn các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường trên các vấn đề từ thương mại, đầu tư và cung cấp năng lượng đến cơ sở hạ tầng và biến đổi khí hậu.
Trong số này bao gồm tuyến đường sắt xuyên biên giới trị giá 8 tỷ đôla chạy từ Shigatse ở miền nam Tây Tạng tới thủ đô Kathmandu của Nepal. Nó được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nepal, đất nước nghèo thứ hai ở châu Á sau Triều Tiên. Đây cũng là một phần quan trọng của chiến lược Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc ở Nam Á.
Tuyến đường sắt nằm trong 20 thoả thuận song phương được ký trong chuyến thăm chính thức Nepal của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2019, nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối hai nước.
Các chuyên gia cho rằng động thái của Trung Quốc rõ ràng là nhằm vào uy thế của Ấn Độ với nước láng giềng trên dãy Himalaya.
Giáo sư Madhav Nalapat, phó chủ tịch Manipal Advanced Research Group, nói rằng vấn đề của tuyến đường sắt là, mặc dù có giá trị chiến lược, nhưng việc sử dụng trong thực tế là hạn chế vì có rất ít nhu cầu giao thương trên tuyến đường này.
“Nhu cầu đi lại của hành khách cũng không có nhiều,” ông Nalapat nói. “Do đó, với nhiều người ở Ấn Độ, mục đích thực sự của tuyến đường sắt này là nhanh chóng mở lối cho quân đội từ Trung Quốc vào Nepal [nước có chung biên giới với Ấn Độ].”
Quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi đã xấu đi kể từ tháng 6 năm ngoái, khi quân đội Trung Quốc và Ấn Độ giao chiến trong một vụ đụng độ giáp lá cà chí tử tại biên giới tranh chấp của họ ở phía tây Himalaya.
“Có một khoảng cách giữa vị thế của Trung Quốc và Ấn Độ tại Nam Á, mức độ thâm nhập của Ấn Độ tại các nước Nam Á cao hơn nhiều so với Trung Quốc,” Lin Minwang, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán, cho biết.
Dự án tuyến đường sắt Tây Tạng – Kathmandu đã vấp phải sự phản đối của Ấn Độ trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc để giành ảnh hưởng chiến lược tại Himalaya, nơi các nhà chức trách Nepal đã đồng ý triển khai một tuyến đường sắt từ Kathmandu tới lục địa Ấn Độ vào năm ngoái.
Ngân Hà (theo SCMP)
Hơn 100 người chết khi lốc xoáy quét qua Kentucky, các bang khác của Mỹ
Hiện trường một đoàn tàu bị lật sau khi một loạt những cơn lốc xoáy gây tàn phá quét qua một vài bang của Mỹ ở Earlington, Kentucky, ngày 11 tháng 12, 2021.
Ít nhất 100 người e rằng đã chết ở bang Kentucky sau khi một loạt những cơn lốc xoáy tàn phá nặng nề quét qua sáu bang của Mỹ và để lại quang cảnh tan hoang dọc theo một con đường kéo dài hơn 200 dặm, nhà chức trách cho biết vào ngày thứ Bảy.
Những cơn lốc xoáy dữ dội, được các nhà dự báo thời tiết nói là bất thường trong những tháng lạnh hơn, đã phá hủy một nhà máy sản xuất nến và các trạm cứu hỏa và đồn cảnh sát ở một thị trấn nhỏ ở Kentucky, quét qua một viện dưỡng lão ở bang Missouri lân cận, và làm thiệt mạng ít nhất hai công nhân tại một nhà kho của Amazon ở bang Illinois.
Thống đốc Kentucky Andy Beshear cho biết loạt lốc xoáy này có sức tàn phá khủng khiếp nhất trong lịch sử của bang. Ông nói khoảng 40 công nhân đã được giải cứu tại nhà máy sản xuất nến ở thành phố Mayfield, nơi có khoảng 110 người bên trong khi nhà máy bị biến thành một đống đổ nát. Sẽ là một "phép màu" nếu tìm thấy người nào còn sống dưới đống đổ nát, ông Beshear nói.
“Mức độ tàn phá không giống bất cứ gì mà tôi từng thấy và tôi không biết nói sao nên lời,” ông Beshear nói tại một cuộc họp báo. “Rất có thể sẽ có hơn 100 người thiệt mạng ở Kentucky.”
Ông Beshear cho biết 189 nhân viên Vệ binh Quốc gia đã được điều động để hỗ trợ. Các nỗ lực giải cứu sẽ tập trung phần lớn vào Mayfield, một thành phố nhỏ với khoảng 10.000 dân ở góc tây nam của bang, giáp Illinois, Missouri và Arkansas.
Tổng thống Joe Biden ngày thứ Bảy đã chấp thuận một tuyên bố khẩn cấp cho Kentucky.
Ông nói với các phóng viên rằng ông sẽ yêu cầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường xem xét biến đổi khí hậu đóng vai trò như thế nào trong việc gia tăng cường độ các cơn lốc xoáy, và ông nêu ra câu hỏi về hệ thống cảnh báo lốc xoáy.
Hoa Kỳ : Khảo sát: Đảng Cộng hòa đang có uy tín hơn Đảng Dân chủ
Biểu tượng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ (ảnh: Shutterstock).
Đảng Cộng hòa đang dẫn trước đáng kể so với Đảng Dân chủ trong cuộc khảo sát mới nhất của CNBC được công bố vào thứ Sáu (10/12, giờ Mỹ).
Theo thông cáo báo chí của cuộc thăm dò, “Đảng Cộng hòa hiện có lợi thế lịch sử với 10 điểm phần trăm trước đảng Dân chủ khi người Mỹ được hỏi họ thích đảng nào kiểm soát Quốc hội hơn.”
Cụ thể 44% người được hỏi ủng hộ đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội và 34% ủng hộ đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội.
CNBC lưu ý rằng “lợi thế dẫn trước của đảng Cộng hòa trong cuộc khảo sát tháng 10 là 2 điểm phần trăm so với đảng Dân chủ” và trong hai thập niên qua, không có cuộc thăm dò nào từ CNBC hoặc NBC cho thấy đảng Cộng hòa dẫn trước tới hai chữ số so với đối thủ của họ trong các cuộc khảo sát về kiểm soát quốc hội, kỷ lục trước đó chỉ là dẫn trước với 4 điểm phần trăm.
“Nếu cuộc bầu cử diễn ra vào ngày mai, đó sẽ là một thảm họa tuyệt đối không thể giải quyết được đối với đảng Dân chủ”, Jay Campbell, một đối tác tại Tổ chức Nghiên cứu Hart cho biết.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ tán thành công việc của Tổng thống Joe Biden giảm xuống mức 41% so với 50% không tán thành. Tỷ lệ tán thành đối với việc xử lý vấn đề kinh tế của ông Biden cũng giảm xuống 37% so với 56% không tán thành.
CNBC đã thăm dò ý kiến của 800 người Mỹ trên khắp đất nước với sai số +/- 3,5 điểm phần trăm.
Không có nhận xét nào