Header Ads

  • Breaking News

    Phố Núi - Công Lý và Sự Thương Xót


    “Luật Sư của chế độ này không phải là ”thầy cãi“ như trong chế độ tư bản, nhưng chỉ là người điều đình với chánh án để có bản án. Đừng mong có một án lệ nào xứng đáng cho chúng ta học hỏi.”

    Thập niên 60, tôi có theo dõi một vụ án giết người mang tên Vụ Án Tướng Cướp Đèn Đỏ. Cảnh sát theo dõi bắt được một nghi phạm tên Kerryl Chessman. Anh một mực kêu oan, các luật sư chỉ định bỏ cuộc. Anh tiếp tục kháng án, tự học luật để tự bào chữa, cuộc xử án kéo dài nhiều năm. Kết cuộc, anh bị bồi thẩm đoàn buộc tội, án được thi hành. Vài năm sau, cảnh sát bắt được thủ phạm. Dư luận nói: “Chúng ta kết án một nghi phạm, nhưng giết một người.”

    Có lẽ, ít có quốc gia nào trên thế giới có nền Tư Pháp chặt chẽ như Hoa Kỳ, dẫu vậy vẫn có thể sai sót, ngay cho dù họ có thêm bồi thẩm đoàn để giúp các chánh án bớt phạm sai lầm. Tôi không muốn phê bình hệ thống tư pháp của Việt Nam hiện nay. Tôi có hai người bạn cùng thời, tốt nghiệp luật trước 1975. “Kẹt” lại. Học thêm luật XHCN làm luật sư trong chế độ mới, tôi có đứa cháu năm nay đã hơn 40 tuổi, cũng hành nghề luật sư. Cả 3 người nói với tôi, “Luật Sư của chế độ này không phải là ”thầy cãi“ như trong chế độ tư bản, nhưng chỉ là người điều đình với chánh án để có bản án. Đừng mong có một án lệ nào xứng đáng cho chúng ta học hỏi.” Những giao dịch, liên hệ quyền lợi dân sự được giải quyết giữa hai bên cá nhân hay nhờ “băng Đảng”, băng đảng ở đây bạn đọc có thể hiểu đảng nào cũng được, cũng như xã hội đen “xử” dùm.

    Vụ việc một nữ sinh ăn cắp tại một cửa hàng may mặc bị bắt tại trận, thay vì giao cho cảnh sát thụ lý nhưng được chủ nhân cửa tiệm “xử lý “ bằng cách đánh đập, sởn tóc, cắt áo quần thủ phạm, một cô gái 17 tuổi, mặc cho cô gái quỳ lạy van xin tha thứ, dù món hàng chỉ đáng giá 7, 8$ USD, trong khi đó ở các thành phố Xanh của Đảng Dân Chủ Mỹ, ăn cắp hàng trị giá dưới 1,000$ thì không bị định tội. Good!

    “Xã Hội” của nước Đông Lào nhào vào sỉ vả chủ tiệm, chê bai là không có lòng nhân; ngược lại một nhân vật giang hồ bay từ Saigon ra Hà Nội, đến tận quê, hào phóng cho tiền cô bé và gia đình. Sau đó thì công an mới bắt tay vào, mời hai bên lấy lời khai. Vui thiệt. Xã hội “động lòng thương xót “ và quên đi cái tội ăn cắp của cô gái nhỏ đáng tội nghiệp. Người ta thấy hai vợ chồng chủ tiệm bị tống giam vì hành hung, làm nhục người. Đúng! Nhưng còn cô gái? Cô gái nghèo vì lý do nào đó phải trộm cắp, dù đáng thương nhưng tội trộm vẫn phải xử chứ! Chưa biết vụ việc đi đến đâu.

    Lý do gì mà xã hội Việt Nam hiện tại lại có cái việc mạnh ai nấy tự giải quyết “vấn đề” của riêng mình mà không cần, cả không sợ cơ quan công quyền, mà đại diện là bộ phận Công An? Quý vị đã có câu trả lời rồi. Tôi không nói. Gia quy Quốc pháp ở đâu rồi?

    Cách đây hơn 50 năm, tôi đặt chân đến Mỹ, vào trường học đã biết nước Cờ Hoa đã có hơn 100,000 luật và điều luật. Ngoài Tam Quyền Phân Lập còn có thêm Tối Cao Pháp Viện. Cái vi cao nhất này là nơi có quyền giải thích, giải nghĩa, giải quyết mọi luật lệ và tranh chấp liên quan đến Hiến Pháp Mỹ. Câu nầy dài hôn?

    OK. Khởi thủy, các Thẩm Phán cũng hơi nhiều, có lúc sĩ số lên đến 40 vị, hai đảng lớn tuỳ nhu cầu mà đòi hỏi phải có thêm vài vị để quân bình cán cân khi cần bỏ phiếu. Vả lại, lúc mới hình thành Viện, các vị nầy không nhất thiết phải là các nhà thông thái về luật nhưng là các nhân sĩ am tường Kinh Thánh.

    Nhân số quá nhiều, nhiều khi làm cho sự cãi cọ kéo dài, khó giải quyết. Theo thời gian, nhân sự còn lại 9 vị, như chúng ta đang có ngày nay và trình độ văn hoá ngày càng cao nên các vị cũng bị “yêu cầu” có học vị cùng là việc thâm niên trong ngành nghề. Tuy nhiên, theo tiền lệ, khi có trở ngại hay khó khăn trong việc giải thích một vụ việc về Hiến Pháp, họ quay về Kinh Thánh để tìm giải pháp theo cách giải quyết của “lời Chúa”. Giải pháp tối thượng, ngưng bàn cãi.

    Vị vua nổi tiếng anh hùng, công minh và nhân ái David đã giận dữ lên án chết cho một người giàu có, kẻ đã giằng lấy con chiên duy nhất của một người nghèo khó, có lẽ là người làm công của ông ta, làm thịt để đãi bạn mình. Tiên Tri Nathan đem câu chuyện trên ra giữa triều đình đã thẳng thắn chỉ vào mặt David phán: “Kẻ gian ác đó chính là Vua.” Lúc nổi giận, David quên cả luật pháp, ông phán quyết theo cảm tính. Vì theo luật pháp, kẻ gây thiệt hại cho người khác chỉ phải đền lại gấp tư thôi. (Xh21:37-bản GKPV, Xuất 22:1-bản TKH)

    Nhưng này, với ông vua David, ông nhìn thấy Bethsheba, vợ của Urie quá đẹp, nên thông dâm cùng bà rồi lại còn lập kế giết vị tướng nầy của mình để cưới bà làm vợ. Dù sau nầy, ông có ăn năn xin Thiên Chúa Javeh tha thứ nhưng hậu quả của việc làm gian ác nầy ông cũng phải nhận lấy: gia đình hỗn loạn, các vương tử giết nhau, con trai ông yêu thương nhất là Ápsalom cướp ngôi truy sát ông, làm nhục ông bằng cách hiếp các người thiếp của  ông giữa đám đông dân chúng. Người bây giờ thường gọi là quả báo nhãn tiền. Câu này thường người dân hấp cổ bé họng bây giờ choàng lên cổ các quan toà thay vì xử án thì ra những bản án có tính trả thù.

    Nói chung, Thượng đế yêu thương và sẵn lòng tha thứ nhưng Ngài công bình không thể kể kẻ có tội là vô tội. Hậu quả của tội lỗi cá nhân thì cá nhân đó phải chịu trách nhiệm và phái trả giá. Chúng ta sống trong một đất nước pháp trị thì hãy hành xử như một người dưới luật pháp. Những người nhân danh pháp luật mà không sống theo pháp luật, không hành xử theo pháp luật sẽ không tránh sự phán xét Đấng cầm giữ công lý từ trên cao. Kinh Thánh viết: “Chớ lừa dối mình. Đức Chúa Trời chẳng chịu khinh dể đâu. Vì hễ ai gieo giống chị sẽ gặt giống nấy.” Chính quyền nào, chính phủ nào xem thường luật pháp Thiên Chúa, quý vị và các bạn thừa biết.

    Gia quy, Quốc pháp ở đâu rồi? Hoàn cảnh túng thiếu khó khăn có thể đùa đẩy một người lương thiện thành một kẻ hư đốn. Chúng ta có thể thông cảm nhưng không thể không “trừng trị”, nhưng có tình trạng giảm khinh. Sau đó, giới chức cầm quyền có nhiệm vụ giải quyết vấn đề một cách thích đáng để vụ việc không bị tái phạm.

    Bản án khắt khe dành cho một khinh tội không đem lại an ninh trật tự xã hội, người thụ hình cảm thấy mình bị đối xử bất công và ức hiếp sẽ mang trong lòng một ý nghĩ chống đối và sự thể trong tương lai có thể tệ hại hơn. Những ‘anh hùng’ trong chuyện Thuỷ Hử là ví dụ điển hình, Jean Van Jean trong Les Miserables của Victor Hugo cũng thế.

    Sự phân minh và nhân đạo trong án phạt cho thấy tính răn đe và nhắc nhở ưu việt hơn trù dập và trả thù. Nhiều người gọi là cầm cân nảy mực đôi khi quên chức năng của hình phạt. Phản ứng trong vụ cô bé trộm váy cho thấy nhà chức trách đương quyền rất khinh suất trong cách giải quyết, làm cho thước đo giá trị đạo đức bị lệch lạc. Một lần nữa cho thấy người dân thật sự mất niềm tin nơi việc gọi là ‘Thượng Tôn Luật Pháp’ của Nhà Nước. Có thể đã có nhiều lần vài cơ quan thẩm quyền không “mặn mà” xử lý ngay những vụ việc giống như thế này, vì “mất công” và “ không đẻ ra tiền”. Ngược lại, những vụ ăn cắp, hối lộ ..của các đảng viên cao cấp lên đến hàng ngàn tỷ đồng thì được các đồng chí quan toà, nhận sự chỉ đạo từ cấp cao nhất trong đảng giơ cao đánh khẽ. Nực cười hơn nữa, có bị cáo tội đáng hàng chục năm tù, nhưng được giảm còn 4 năm vì thường công quả giúp nhiều chùa!

    Nếu pháp luật được tôn trọng thì kẻ chấp pháp sẽ không ngó lơ quyền lợi của người dân, trật tự an ninh xã hội được duy trì một cách thích đáng. Những hối lộ, “lót tay” cho toà, hay cái gọi là “Khoan hồng”, “nhân văn” của đảng vì bị cáo là đảng viên cấp cao sẽ kéo theo sự hỗn loạn tốt xấu, đúng sai do đó không còn lằn ranh giữa tội phạm và người bị hại, người của xã hội đen không có dịp chen chân vào giải quyết “xung đột dân sự”.

    Pháp đình Saigon được xây từ hồi Pháp thuộc, phía trước có tượng nữ thần công lý tay cầm thanh gươm, tay cầm cái cân và có giải băng bịt kín mắt. Về cái cân, ai cũng biết nó biểu tượng cho sự công bằng, chính trực, không thiên vị, pháp bất vị thân. Ngày xưa thế, nhưng ngày nay thì khác, rõ ràng người đảng viên dù tội thế nào, trừ phản đảng, cũng đều được ‘chiếu cố’.

    Thần công lý tự bịt mắt chứ không phải ai dám bịt mắt cô. Cô phớt lờ mọi cám dỗ ngoại cảnh, không thèm để ý đến áp lực, cám dỗ bất cứ từ dâu đến, lúc nào cũng khách quan, vô tư. Thần công lý cầm cân nẩy mực cho pháp luật phải được tôn trọng. Trong các vụ án,sự cân nhắc cẩn trọng và công bằng các chứng cứ, tình tiết của vụ việc, tôn trọng sự công bằng, chính trực, nghiêm minh, không thiên vị.

    Về thanh gươm của Thần Công lý nơi pháp đình biểu tượng cho sức mạnh cưỡng chế, quyền uy, bảo đảm công lý phải được thực thi. Tuy nhiên,thường thấy thanh gươm còn trong vỏ và trong tư thế hạ xuống chứ không phải trong tư thế vung cao sẵn sàng tấn công ai đó. Công lý không phải là sự sẵn sàng giết, đàn áp bằng sức mạnh mà sự phán quyết của toà phải được cân nhắc, suy xét cẩn trọng, và thanh gươm chỉ được rút ra khi thực sự cần thiết.

    Hồ Chí Minh khi còn mang tên Nguyễn Ái Quốc đã chế diễu toà án Pháp qua hình ảnh Thần Công lý, “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”. Câu này của HCM hoàn toàn phù hợp với toà án nước CHXHCN Việt Nam đặc biệt qua các vụ án xử liền một lúc trong một tuần lễ những người chân chính yêu nước như Phạm Đoan Trang và Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm vừa qua.

    Việt Nam Thời Báo

    Không có nhận xét nào