Header Ads

  • Breaking News

    Phan Quang Trọng -Tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam qua hai báo cáo của Chính quyền Liên bang Hoa Kỳ


    Ngày 12 tháng 5 năm 2021, Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố báo cáo thường niên về những vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2020. Báo cáo này đã được một số cơ quan truyền thông tại Hoa Kỳ tóm tắt và tường trình, nhưng đặc biệt đã gây một làn sóng phản ứng mạnh như “đỉa phải vôi” từ phía các cơ quan cũng như báo chí lề phải của Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Cộng thêm vào tháng 11 năm nay, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, một tổ chức lưỡng đảng do chính phủ Hoa Kỳ thành lập cũng đưa ra bản báo cáo thường niên về tự do tôn giáo và còn đề nghị đưa Việt nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Bài viết giới thiệu sơ lược về báo cáo của hai cơ quan Hoa Kỳ nói trên về tình hình tôn giáo tại Việt Nam và tìm hiểu về lý do và mục đích chính quyền Hoa Kỳ thành lập hai tổ chức trên cũng như thành quả hoạt động của họ trong quá trình bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng trên thế giới.

    Nếu chỉ nhìn các sinh hoạt tôn giáo ở mặt nổi, chúng ta dễ bị lầm là Việt-nam đang tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng. Thí dụ, lễ giáng sinh là một đại lễ theo truyền thống Thiên Chúa Giáo nhưng đã trở thành một lễ hội quốc tế gần như không còn phân biệt tôn giáo, quốc gia. Tại Việt Nam, mặc dù đại dịch Covid đã làm ngưng trệ nhiều sinh hoạt xã hội, chúng ta vẫn thấy đa số người dân VN nhất là người công giáo hay tin lành luôn sốt sáng đón mừng ngày lễ này. Nhiều người thấy cảnh sinh hoạt tưng bừng trong các sinh hoạt và lễ hội tôn giáo như việc nhà cầm quyền CSVN đăng cai tổ chức đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc Vesak năm 2019 dễ hiểu lầm người dân VN thật sự được tự do trong các sinh hoạt tôn giáo. Đó chỉ là lớp vỏ bên ngoài của các sinh hoạt tôn giáo nhưng thực chất người dân Việt Nam chưa được hưởng trọn vẹn quyền tự do lựa chọn niềm tin và được sống đúng nghĩa theo truyền thống đòi hỏi của niềm tin họ lựa chọn. Đây là đánh giá của hai cơ quan có thẩm quyền về lãnh vực này là Văn Phòng Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (VPTDTGQT) của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (BNG HK) vào trung tuần tháng 5 năm 2021 và Ủy ban Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (UBTDTGQT) vào đầu tháng 11 vừa qua. Cả hai là cơ quan trực thuộc chính quyền liên bang HK, có kinh nghiệm thu thập, kiểm chứng và đánh giá trong nhiều năm về tình hình tôn giáo trên khắp thế giới. Riêng bản báo cáo về TDTG từ BNG HK là bản báo cáo thứ 21 kể từ khi VPTDTGQT này được thành lập từ năm 1998.

    Báo cáo thường niên của BNGHK cho năm 2020 được đưa ra quốc hội và cả công luận Hoa Kỳ vào ngày 12 tháng 5, 2021. Đây là bản báo cáo đặc biệt về lãnh vực tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chúng ta có thể lên trang mạng của BNGHK và vào VPTDTGQT để tải bản báo cáo 25 trang này về đọc. Một bản báo cáo đầy đủ với những chứng cớ được tổng hợp từ những báo cáo vi phạm, được sàng lọc từ nhiều nguồn và nhiều tổ chức xã hội dân sự cũng như thiện nguyện uy tín. Nói chung đây là bản báo cáo kỹ lưỡng và khả tín đã làm nhà cầm quyền CSVN phải phản ứng mạnh như “như đỉa phải vôi”. Từ Bộ ngoại giao VN đến Bộ công an và mấy trăm tờ báo lề phải lên tiếng tìm cách phản bác báo cáo thường niên này của BNG HK. Phát ngôn nhân của BNG Việt Nam nói báo cáo này “vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những nguồn tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”, nhưng có lẽ nhà cầm quyền VN đã lo lắng hơn khi Ủy ban TDTG Quốc tế trong báo cáo về tình hình TDTG vào tháng 11 năm nay còn đề nghị đưa VN vào danh sách cần quan tâm đặc biệt (CPC). Vì nếu Ngoại trưởng HK đề nghị và Quốc hội HK đồng thuận, HK sẽ có những biện pháp trừng phạt về kinh tế ngay cả việc cấm vận đẩy VN vào thế phải quan tâm và buộc thay đổi chính sách đàn áp tôn giáo có hệ thống và liên tục của họ.

    Với cách thức làm việc cẩn thận và kinh nghiệm lâu năm của hai cơ quan trên thuộc chính quyền Hoa Kỳ cũng như phản ứng từ nhà cầm quyền VN, chúng ta có thể thấy ngay đây là 2 bản báo cáo quan trọng về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Xin tóm tắt vài điểm quan trọng trong bản báo cáo của Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế từ Bộ Ngoại giao Hoa kỳ cho năm 2020 vừa được công bố vào tháng 5 năm 2021.


    Đàn áp Đan Viện Thiên An (Công giáo), Thừa Thiên – Huế

    Bản báo cáo này ghi nhận một số nhóm tôn giáo không được nhà nước công nhận vẫn tiếp tục bị chính quyền sách nhiễu như dọa nạt, quấy rối, gây mâu thuẫn, phân biệt đối xử giữa các nhóm tôn giáo, can thiệp vào công việc nội bộ hay hạn chế đi lại, tịch thu tài sản và từ chối yêu cầu đăng ký và các quyền khác. Về những chi tiết quan trọng, đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu ra sự khác biệt giữa Đạo Cao Đài chân truyền được thành lập năm 1926 với Chi Phái Cao Đài 1997 được nhà nước hậu thuẫn. Qua kinh nghiệm của Đạo Cao Đài chúng ta thấy âm mưu của nhà cầm quyền CSVN là dựng lên một tổ chức tôn giáo quốc doanh, dần tiêu diệt tổ chức tôn giáo thực thụ, chân chính. Chính sách đó được áp dụng trong hầu hết các tôn giáo tại Việt Nam, thành công hay thất bại của âm mưu quốc doanh hóa các tôn giáo còn tùy thuộc vào khả năng tự vệ của mỗi tôn giáo. Hậu quả của chính sách này là tổ chức tôn giáo quốc doanh được nhà cầm quyền chống lưng dần tiêu diệt các tổ chức chân chính như chúng ta mục kích trong nhiều năm đã và đang xảy ra cho Phật giáo, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, v.v… Báo cáo cũng nêu rõ đã có những phản ảnh về sự can thiệp của nhà cầm quyền, gây mâu thuẫn, xung đột giữa thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký và với các nhóm đã đăng ký hoặc đã được công nhận hoặc giữa các tín đồ và những người không theo tôn giáo nào nhằm đánh phá các tôn giáo chân truyền.

    Nhiều tổ chức dân sự nêu rõ trong bản báo cáo là họ lo ngại nhà cầm quyền gây áp lực đến việc phân công hoặc bổ nhiệm các linh mục, nhất là các linh mục quan tâm và lên tiếng về những vi phạm nhân quyền tại VN. Cá nhân của tu sĩ hay dòng tu của nhiều nhóm tôn giáo được công nhận vẫn bị quấy rối và phân biệt đối xử như các LM Đặng Hữu Nam, Nguyễn Đình Thục, Nguyễn Duy Tân, và sự kiện nhà dòng Thiên An Huế bị côn đồ do nhà cầm quyền địa phương bảo trợ tấn công, vv.

    Về việc cấm xuất cảnh, báo cáo cho biết một số chức sắc tôn giáo phải đối mặt với các hạn chế đi lại hay xuất ngoại, và các nhà lãnh đạo và tín đồ của một số nhóm tôn giáo cũng gặp phải những hạn chế này từ phía chính quyền, đặc biệt là những thành viên của các nhóm tôn giáo chưa đăng ký ở những vùng quê xa xôi như tại Tây Nguyên. Báo cáo cũng cho hay nhà cầm quyền Việt Nam đã phân biệt đối xử với các tín đồ tôn giáo và các nhóm tôn giáo trên khắp đất nước.

    Các thành viên của một số nhóm tôn giáo có thành viên là người nghèo hoặc người dân tộc thiểu số cho biết bị chính quyền từ chối một số lợi ích hợp pháp mà các thành viên được hưởng. Đặc biệt năm nay, bản báo cáo đã trích dẫn rất nhiều thu thập và nhận xét của Ủy ban Cứu người Vượt biển (còn có tên gọi là Boat Peole SOS) là một tổ chức dân sự đã có công huấn luyện hàng trăm báo cáo viên tại VN, thu nhận những báo cáo đầy đủ chi tiết được đánh giá cao về độ chính xác và làm việc nghiêm chỉnh từ BNG HK. Về mặt tích cực của nhà cầm quyền, báo cáo đã ghi nhận việc Ủy ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam hợp tác với các nhóm tôn giáo chưa đăng ký để họ hoàn thành các thủ tục đăng ký cần thiết. Trong năm 2020, cơ quan này đã thông qua khâu đăng ký nhiều hơn mọi năm. Tuy nhiên thủ tục đăng ký theo báo cáo vẫn còn phức tạp và phiền hà.

    Còn báo cáo thứ hai của Ủy ban Tự do tôn giáo Quốc tế (USCIRF) được phát hành vào tháng 11 năm nay, tuy ngắn nhưng không kém phần quan trọng nhất là việc họ đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Nếu đề nghi quan tâm đặc biệt đến Việt Nam được quốc hội HK chấp thuận sẽ dẫn đến những chính sách cụ thể bất lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam. Theo báo cáo của UBTDTGQT tình hình tôn giáo tại Việt Nam năm 2020 không khác năm 2019.

    Nhìn chung, Ủy ban đánh giá các luật về tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam đi ngược lại tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế. Áp lực từ nhà cầm quyền xem ra có hệ thống và tính toán đặc biệt đối với các tôn giáo độc lập và các cộng đồng tôn giáo thiểu số như hành hung, trục xuất, giam giữ, và nhiều trường hợp gần như buộc từ bỏ niềm tin của họ. Bản báo cáo viết có khoảng 10,000 giáo dân Thiên Chúa Giáo người H’mong, người Thượng không có quốc tịch vì cơ quan cầm quyền địa phương không cấp giấy chuyển hộ khẩu và chứng minh thư để trả đũa việc họ kiên vững với đức tin. Tuy nhiên, nhờ các tổ chức dân sự lên tiếng nhà cầm quyền cũng có vài quyết định tích cực như việc tái định cư người Tin lành H’mong tại tiểu khu 179 thuộc tỉnh Lâm đồng, tuy việc thực hiện tính đến tháng 12 vẫn chưa hoàn thiện.


    Giáo Hội PGVNTN ra tòa…

    Bản báo cáo cũng đề cập đến việc nhà cầm quyền địa phương can thiệp vào sinh hoạt tôn giáo của Phật giáo Hòa hảo (PGHH) và Cao đài độc lập. Ngay cả các sinh hoạt của Giáo hội Phật giáo VN thống nhất cũng bị can thiệp hay làm gián đoán như đám tang của đại lão hòa thượng Thích Quảng Độ hay việc cứu trợ thiên tai của giáo hội này. Vào tháng 8, một số thành phần bất hảo có nhà cầm quyền địa phương bảo trợ lại tấn công Đan viện Thiên an. Bản báo cáo cũng nhắc đến nhà hoạt động cho tự do tôn giáo thuộc giáo hội PGHH Nguyễn Bắc Truyển đang thụ án 11 năm tù trong tình trạng sức khỏe suy yếu vì tình trạng tồi tệ của nhà tù. Đồng thời Ủy ban cũng đưa ra nhiều đề nghị kêu gọi nhà cầm quyền VN cam kết cải thiện tình hình tôn giáo như sửa đổi luật về tôn giáo theo tiêu chuẩn của cộng đồng quốc tế mà VN là một thành viên. Việc nhà cầm quyền tiếp tục dùng “hội cờ đỏ” trong việc truyền bá tuyên truyền trực tuyến khuyến khích phân biệt đối xử như việc dùng ngôn ngữ xúc phạm nhắm tấn công các linh mục công giáo hay giáo dân cũng được nhắc đến.

    Một số luật mới theo Ủy ban sẽ tác động tiêu cực đến môi trường tự do tôn giáo như luật an ninh mạng (hiệu lực vào tháng 1, 2019) có nhiều khoản mơ hồ và luật bảo vệ bí mật nhà nước (hiệu lực vào tháng 7, 2020) cho việc phát tán các tài liệu liên quan đến tôn giáo là vi phạm bí mật nhà nước! Ủy ban cũng thâu nhận nhiều báo cáo từ các tổ chức nhân quyền và xã hội dân sự cho thấy nhà cầm quyền viện dẫn điều 34 của luật tôn giáo để can thiệp vào bầu cử nội bộ các chức sắc tôn giáo độc lập. Một quyết định đặc biệt là Ủy ban đề nghị chỉ định Việt Nam là quốc gia cần được quan tâm đặc biệt do đã vi phạm nhân quyền và luật tự do tôn giáo một cách trầm trọng và có hệ thống.

    Qua hai bản báo cáo trên và ảnh hưởng của nó chúng ta thử tìm hiểu tại sao chính quyền Hoa Kỳ tự cho là có trách nhiệm đánh giá và công bố báo cáo thường niên về Tự do Tôn giáo Quốc tế? Và họ đã lập ra những cơ chế nào trong chính quyền để giúp quốc hội Hoa Kỳ đánh giá tình trạng vi phạm tự do tôn giáo của các quốc gia được quan tâm và có những hình thức trừng phạt nào để giúp cải thiện tự do tôn giáo trên thế giới?


    Đàn áp GH Cao Đài

    Câu trả lời theo thiển ý nằm trong nguyên tắc và bản sắc của đất nước Hoa Kỳ về tự do tôn giáo và mục đích thành lập cũng như cách vận hành của hai tổ chức ở trên để theo dõi cũng như đánh giá tình hình tự do tôn giáo từ phía Hoa Kỳ là Văn phòng tự do tôn giáo quốc tế của Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế. Tự do tôn giáo là quyền được thừa nhận rộng rãi và ghi nhận trong nhiều công ước và tuyên bố quốc tế như Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Hiệp định Helsinki. Đề cao và bảo về quyền tự do tôn giáo cũng là bản sắc chính của Hoa Kỳ và là nguyên tắc nền tảng mà đất nước này được thành lập. Hoa Kỳ công nhận tự do tôn giáo là một quyền bất khả xâm phạm và do đó cam kết bảo vệ quyền TDTG cho tất cả mọi dân tộc, mọi tôn giáo. Đối với Hoa Kỳ, bước đầu tiên trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế là làm sáng tỏ tình trạng lạm dụng nó, bao gồm cả việc đàn áp và phân biệt đối xử với các tôn giáo. Hoa Kỳ tin rằng trách nhiệm của họ là cung cấp thông tin về tình trạng tự do tôn giáo trên toàn thế giới để cộng đồng quốc tế có thể xác định và thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các thách thức đối với tự do tôn giáo.

    Về việc thành lập các cơ chế để giúp quốc hội Hoa Kỳ thực hiện nguyên tắc tôn trong TDTG, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (International religious Freedom Act viết tắt là IRFA) năm 1998, thành lập Văn phòng Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao do Đại sứ Lưu động đặc trách về Tự do Tôn giáo Quốc tế đứng đầu. Đạo luật này yêu cầu chuẩn bị và chuyển tới Quốc hội Hoa Kỳ Báo cáo thường niên về tình trạng tự do tôn giáo ở mỗi quốc gia, về các vi phạm tự do tôn giáo của các chính phủ nước ngoài cũng như đưa ra các quyết định và chính sách của Hoa Kỳ ủng hộ tự do tôn giáo. Cơ chế thứ hai là thành lập Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (US Commission on International Religious Freedom – viết tắt là USCIRF). Đây là một ủy ban độc lập, lưỡng đảng, do chính phủ liên bang thành lập từ Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế đề cập ở trên nhằm giám sát quyền tự do tôn giáo ở nước ngoài. Ủy ban này sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế để giám sát các vi phạm tự do tôn giáo trên toàn cầu và đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho Tổng thống, Ngoại trưởng và Quốc hội. Ủy Ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ là một cơ quan riêng biệt khác với Văn phòng TDTG Quốc tế của Bộ Ngoại Giao.

    Cả Ủy ban TDTGQT và Bộ Ngoại giao đều công bố báo cáo hàng năm về tự do tôn giáo quốc tế, nhưng mỗi bên có những mục đích khác nhau. Báo cáo của Bộ Ngoại giao ghi lại các vi phạm tự do tôn giáo ở mọi quốc gia trên thế giới. Báo cáo Thường niên của ủy ban đề nghị các quốc gia được chỉ định là “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” buộc quốc hội Hoa Kỳ phải cứu xét. Báo cáo cũng điều tra các quốc gia được lựa chọn, đồng thời ghi lại các trường hợp lạm dụng, đưa ra các khuyến nghị về chính sách cho các cơ quan hành pháp và lập pháp của chính quyền Hoa Kỳ. Báo cáo của Ủy ban cũng nhận xét về hiệu quả nỗ lực của Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo quốc tế.


    GH PG Hòa Hảo

    Nhà cầm quyền CSVN đã phản ứng mạnh và cho hai bản báo cáo trên không công bằng, phát ngôn viên của nhà cầm quyền CSVN nói như sau: “báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tại Việt Nam”. Thật sự đây là hai bản báo cáo có giá trị và được đánh giá cao từ các quốc gia dân chủ và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Chúng ta cũng thử tìm hiểu xem Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dựa trên thẩm quyền nào để đưa ra báo cáo hàng năm về Tự do Tôn giáo Quốc tế và chỉ định “Các Quốc gia Cần Quan tâm Đặc biệt”? Việc được chỉ định “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (Country of Particular Concern – CPC) có ý nghĩa và kết quả gì cho tình hình tự do tôn giáo tại các quốc gia đó?

    Quốc hội HK đã thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998 yêu cầu mỗi năm Tổng thống chỉ định các “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” do chính phủ của họ đã tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, đang diễn ra và ở mức độ nghiêm trọng. “Quốc gia cần quan tâm đặc biệt” là chỉ định và đề nghị của Ngoại trưởng Hoa Kỳ sau khi đánh giá các báo cáo và bằng chứng của các nước có hành vi vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Ủy ban yêu cầu đánh giá hàng năm về tình trạng tự do tôn giáo trên toàn thế giới và chỉ định các quốc gia đã “tham gia hoặc dung túng cho các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo” trong mỗi kỳ báo cáo. Ủy ban định nghĩa các vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo là các vi phạm có hệ thống, liên tục, bao gồm các vi phạm như tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt, áp lực nặng nề, giam giữ kéo dài mà không bị buộc tội, bắt cóc hoặc giam giữ bí mật hoặc từ chối trắng trợn quyền sống, quyền tự do, hoặc sự an toàn của giáo dân. Quyền chỉ định các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt của Tổng thống được giao cho Ngoại trưởng Hoa Kỳ. Trong những trường hợp Ngoại trưởng chỉ định quốc gia cần quan tâm, Quốc hội sẽ được thông báo, và đưa ra thi hành các biện pháp kinh tế để trừng phạt các quốc gia vi phạm.


    Tin Lành Việ Nam.

    Ủy ban TDTG QT thu thập tin tức về các vi phạm tự do tôn giáo ở nước ngoài bằng nhiều cách, bao gồm việc thăm viếng các quốc gia được chọn để quan sát thực tế, gặp gỡ thường xuyên với các viên chức của nước sở tại, gặp gỡ các nhà lãnh đạo tôn giáo, và cả nạn nhân bị đàn áp vì tôn giáo. Ủy ban cũng gặp đại diện các tổ chức xã hội dân sự hoạt động lâu năm tại các nước bị điều tra, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan chính phủ, các tổ chức cấp quốc gia và quốc tế hoạt động về nhân quyền, đồng thời chọn lọc và bám sát các báo cáo tin tức đáng tin cậy. Tháng 12, 2020 có 10 quốc gia sau đây đã được Ngoại trưởng HK đưa vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt: Miến Điện, Trung Cộng, Eritrea, Iran, Bắc Hàn, Nigeria, Pakistan, Saudi Arabia, Tajikistan, and Turkmenistan. Vào tháng 11 năm nay, Ủy ban đề nghị giữ 10 quốc gia đã đề nghị trong năm 2020 và thêm 4 quốc gia vào danh sách này là Ấn Độ, Nga, Syria, và Việt Nam. Báo cáo và đề nghị của VPTDTG của BNG HK và UBTDTGQT về Việt Nam là bằng chứng hùng hồn Việt Nam chưa thực sự có tự do tôn giáo.

    Phan Quang Trọng,

    Merry Christmas 2021

    Không có nhận xét nào