Header Ads

  • Breaking News

    Phạm Nguyên Trường – Bài giảng của thầy Khổng Vá về Lễ

    https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEjfSKsmba6fRcYfNe1ipCXVqJnkURjHSN4NZQb2iaVThcyzk4OKIuy3-zDicaia6A9UdJg-0qVftLcUmmw53t2f15d1y6_aQvcQ3676wA8zIgLraHjnsXwRa3us8VrkRYkSPiEcXmh8B5I/w471-h271/image.png



    Cách đây nửa năm, sau hai bài thị phạm dành cho giáo viên mầm non và tiểu học tham gia tập huấn về dạy chữ Lễ trong nhà trường, Thày Khổng Vá, hậu duệ đời thứ 74 của Khổng Khâu có bài thuyết giảng được ghi lại như sau:

    Thưa quí vị,

    Nội hàm của chữ Lễ hiện nay đã khác rất xa thời cụ tổ nhà chúng tôi. Hiện nay không ai còn chấp nhận quì gối bái sư như ngày xưa nữa, mà cũng không cần làm như thế nữa. Ngày nay Lễ là tuân thủ những luật lệ thành văn và bất thành văn của xã hội để cho việc giao dịch giữa người với người diễn ra một cách hài hòa và suôn sẻ. Không hài hòa sẽ làm cho người ta tức giận, mà tức giận là hại tới sức khỏe. Không suôn sẻ làm cho công việc trở thành trì trệ, mà hiện nay, thì giờ là vàng bạc, chỉ một cú “click chuột” là đã có hàng trăm ngàn, hàng triệu đô la được chuyển từ vùng này sang vùng khác, từ châu lục này sang châu lục khác rồi. Không hài hòa và không suôn sẻ chắc chắn là sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại cho mình và cho xã hội.

    Hôm qua tôi đã làm mẫu cho quí vị về cách dạy chữ Lễ trong thời đại hiện nay. Trẻ em ngay từ nhỏ đã phải học nói Cảm ơn, Xin lỗi, thấy đèn đỏ thì phải dừng lại, mua hàng hay thanh toán tiền thì phải xếp hàng đợi đến lượt mình; không được ồn ào, khạc nhổ hay vứt rác ở nơi công cộng, đi lại, nói năng nhẹ nhàng, từ tốn..vân vân và vân vân. Bài tập đọc nào, bài văn nào cũng có những chữ ám chỉ Lễ, quí vị cứ nhân đó mà giảng cho các cháu. Đấy chính là điều tôi đã nói: Lễ không trước Văn không sau. Lễ trước Văn có thể là hình thức giả dối. Văn trước Lễ có thể là xảo trá ngụy biện. Văn cùng Lễ hòa quyện vào nhau mới là trong Lễ có Văn, trong Văn có Lễ; nói một từ, viết một chữ cũng là Văn mà cũng là Lễ. Không hề nghĩ đến Lễ mà lúc nào cũng thể hiện được Lễ. Thế là sống một cách tự nhiên, tự tin, tự chủ, tôn trọng mọi người mọi sự mà không quỵ lụy, khúm núm. Là người bình thường học được, giữ được như thế là khá lắm rồi. Còn giữ Lễ đến mức làm việc gì, nói điều gì cũng trước hết nghĩ đến người khác; trở thành người có tinh thần vô tư vô ngã, tiên tha hậu ngã, mà quí vị gọi là Con Người viết hoa thì xứ Đông Lào này trăm năm sinh được một người đã là đại phúc.

    Thời cụ tổ nhà chúng tôi xuất sơn hành hiệp, ở đất Trung Nguyên còn có rất nhiều gia phái, gọi là Bách Gia Chư Tử, cho nên cụ tổ nhà chúng tôi còn giảng Trung dung, khoan dung, độ lượng, vì cụ tổ nhà chúng tôi biết rằng Sự thật chỉ là sự thật đối với người đang nói và cũng chỉ có giá trị trong bối cảnh đó mà thôi. Không có sự thật nào hay trường phái nào là trường tồn bất biến. Sau này, khi người ta biến học thuyết của cụ tổ nhà chúng tôi thành duy nhất đúng, là lời của Thánh nhân thì Lễ không còn là Lễ ngày xưa nữa. Lễ trở thành quì gối cúi đầu trước người có quyền lực hơn mình theo kiểu: “Quân xử thần tử thần bất tử bất trung”. Ngu muội đến thế là cùng. Khi một người nào đó coi mình là người nắm được chân lý tối thượng thì làm sao anh ta còn giữ được Lễ với người có ý kiến khác mình. Độc quyền chân lý thì lúc nào cũng lo sợ người khác xóa bỏ độc quyền của mình cho nên trong lòng luôn luôn sợ hãi, luôn luôn nghi ngờ. Đứng trước người ta mà nghi ngờ thì có thể giữ được Lễ hay không? Chắc chắn là không rồi. Người tự coi mình là nắm được chân lý tối thượng cũng không thể là người có Nhân, Nghĩa, Trí, Tín nữa. Nghĩa là Lễ chỉ là một trong năm đức tính mà cụ tổ nhà chúng tôi tuyên thuyết mà thôi. Tách Lễ ra khỏi 4 chữ kia thì Lễ cũng không còn là Lễ nữa. Túm lại, độc quyền chân lý thì không còn Lễ, cũng chẳng còn Nhân, chẳng còn Nghĩa, chẳng còn Trí, chẳng còn Tín nữa.

    Cụ tổ nhà chúng tôi còn nói tới Chính danh. “Danh chính ngôn thuận. Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành”. Việc làm phải chính danh mới đúng Lễ, không chính danh thì tất nhiên là vô lễ. Thế mà, danh xưng dân chủ nhưng lại sắp xếp nhân sự trước khi bầu cử thì có chính danh không? Ăn bám người ta, khoa học gọi là kí sinh trùng, nhưng lại bắt người ta cám ơn mình thì có chính danh không? Không những không chính danh, mà còn đại vô lễ nữa. Người lớn vô lễ thì có thể dạy trẻ con có Lễ hay không?

    Lễ vừa dễ lại vừa khó như thế đấy, thưa quí vị. Trong bụng tôi có cả một bồ chữ về Trung dung, Chính danh, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, khai triển ra thì thành hàng trăm trang sách, giảng nói hết thì sẽ thuận lợi cho những người ngộ tính chưa cao, nhưng cũng là rào cản lớn đối với những người có ngộ tính cao, cho nên tôi xin dừng lại ở đây. Các vị tự suy nghĩ thì sẽ ra hết.

    Bài giảng đến đây là hết. Kính chào quí vị

    Sau đó Khổng Vá cúi xuống như thể tìm cái gì đó bên dưới bục giảng. 10 phút sau vẫn không thấy Ngài, mấy người ở hàng ghế đầu chạy lên nhưng không tìm thấy Ngài đâu nữa.

    Chỉ mấy ngày sau dân Đông Lào đã không còn bàn tán về chữ Lễ nữa và cũng không ai nhắc đến Khổng Vá nữa. Dân Đông Lào rất hay quên cho nên chẳng làm việc gì đến đầu đến đũa. CHÁN!

    PHỤC LỤC: Hai bài thị phạm về dạy Lễ của Thày Khổng Vá:

    Bài 1:

    1. Các em viết chữ CẢM ƠN. Xong chưa? Xong rồi ạ. Khi người khác làm cho các em việc gì đó thì các em nói thế nào? Cảm ơn a. Đúng rồi, phải luôn luôn nói cảm ơn khi có ai đó làm giúp mình. Nhớ chưa? Nhớ rồi ạ.



    2. Các em viết chữ XIN LỖI. Xong chưa? Xong rồi ạ. Khi em làm phiền người khác, ví dụ vô ý chạm vào họ, thì các em nói thế nào? Xin lỗi ạ. Đúng rồi, phải luôn luôn nói xin lỗi khi làm phiền người khác . Nhớ chưa? Nhớ rồi ạ.



    Bài 2:

    1. Các em viết chữ ĐÈN ĐỎ. Xong chưa? Xong rồi ạ. Đang đi mà gặp đèn đỏ thì các em làm thế nào? Dừng lại chờ đèn xanh ạ. Đúng rồi, gặp đèn đỏ thì phải dừng lại chờ. Nhớ chưa? Nhớ rồi ạ.




    2. Các em viết chữ XẾP HÀNG. Xong chưa? Xong rồi ạ. Khi mua hàng, mua vé hay tính tiền mà có đông người, thì các em làm thế nào? Xếp hàng chờ ạ. Đúng rồi, đông người thì phải xếp hàng chờ tới lượt mình. Nhớ chưa? Nhớ rồi ạ.



    Phạm Nguyên Trường Blog

    Không có nhận xét nào