Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Tuấn – Việt Nam: Thất bại của xã hội đối với trẻ em

    Quỹ Nhi đồng LHQ lên tiếng vụ bé 8 tuổi bị người tình của cha đánh đến chết/RFA

    Tôi nghĩ rằng nếu bé Vân An ở Úc thì chắc chắn cái kết cục đau lòng đó không thể xảy ra. Trường học và cộng đồng (hàng xóm) không thể nào để sự ngược đãi như thế kéo dài cả năm trời. Sự việc đau lòng nói lên sự thất bại mang tính hệ thống về việc bảo vệ trẻ con ở Việt Nam.

    Hôm trước, tôi có thuật một câu chuyện tôi chứng kiến tại một khu phố đông người Việt ở Sydney, Úc. Một bà dẫn cháu đi chợ, con bé đòi mua gì đó nhưng bà không mua cho và thế là nó khóc, và bà ấy đánh vào mông đứa bé nhiều lần. Một ông cụ người Việt đang đi qua đường thấy sự việc, ông đến can thiệp và yêu cầu bà không được đánh đứa bé. Bà kia chẳng những không nghe lời khuyên mà còn lớn tiếng mắng lại rằng ông không được can thiệp vào chuyện bà đang dạy đứa cháu. Bà nói lớn đến nổi tôi ngồi bàn cà phê bên kia đường và vẫn nghe và phải theo dõi. Tuy nhiên, ông cụ không tha, và cảnh báo rằng nếu bà còn đánh con là ông sẽ gọi điện cảnh sát để bắt bà. Nhiều người đi ngang cũng cảnh cáo bà không được đánh trẻ con, và thế là cuối cùng bà đành im lặng và dắt cháu đi về phía xe điện. Hi vọng bà không còn đánh đứa bé.

    Mấy mươi năm trước, khi mới qua Úc định cư, tôi được biết một câu chuyện về sự bảo vệ trẻ con ở nước này. Chuyện là một em học sinh tiểu học gốc Việt bị cảm cúm, và ba má cháu 'cạo gió' ở lưng và cổ (như chúng ta vẫn thấy). Khi em học sinh vào lớp, cô giáo chú ý mấy vết đỏ ở cổ, cô ấy âm thầm gọi điện báo cảnh sát rằng cô ấy nghi ba má đứa bé bạo hành con. Cảnh sát tới điều tra, nhưng vì bất đồng ngôn ngữ nên phải nhờ đến một thông dịch viên (là bạn tôi). Thông dịch viên cố gắng giải thích rằng trường hợp này chỉ là 'cạo gió' nhưng anh ta không biết dịch sang tiếng Anh là gì, nên phải làm động tác để minh hoạ. Động tác minh hoạ càng làm cho cảnh sát nghi ngờ là đứa bé bị ngược đãi. Tuy nhiên, họ cẩn thận đi tìm tư vấn từ bác sĩ Úc, nhưng chẳng bác sĩ nào biết cạo gió là gì. Đến bác sĩ gốc Việt thì ông cũng không biết dịch là gì nên chỉ chuyển ngữ nôm na là 'Wind scratching' (cạo gió) nhưng ông giải thích rằng đó không phải là bạo hành mà là một phương thức trị liệu rất phổ biến ở Việt Nam. Câu chuyện kết thúc có hậu là cảnh sát không phạt ba má đứa bé, nhưng cả gia đình học một bài học nhớ đời.

    Hai câu chuyện nói lên sự bảo vệ trẻ con ở Úc nó nghiêm chỉnh và chặt chẽ như thế nào. Ai trong cộng đồng cũng có bổn phận bảo vệ trẻ em. Từ thầy cô giáo ở trường học đến người qua đường, ai cũng phải ý thức được rằng bảo vệ trẻ em là ưu tiên số 1. Thấy người ta bạo hành trẻ em mà không báo cáo hay không can thiệp có thể xem là vi phạm pháp luật.

    Nhưng ở Việt Nam thì do văn hoá và truyền thống, nên nhận thức về bạo hành trẻ em chưa được đúng đắn. Những người thuộc thế hệ tôi ai cũng từng bị thầy cô trừng phạt bằng roi mây và xem đó là bình thường, nhưng khi ra nước ngoài tôi mới biết đó không phải là 'bình thường'. Người ta thậm chí còn nghiên cứu tâm lí về cây roi, và đi đến qui định là nhà trường không được dùng roi để trừng phạt học trò. Thành ra, có những trường hợp mà theo định nghĩa ở thế giới văn minh là 'bạo hành', nhưng ở Việt Nam thì đa số xem là 'dạy dỗ' con cái!

    Chính vì nhận thức lệch lạc so với chuẩn mực hiện đại mà tình trạng ngược đãi và hành hạ trẻ con ở Việt Nam rất nghiêm trọng. Nghiêm trọng như thế nào? Theo một điều tra xã hội thì ở trẻ em trong tuổi 1-14, có đến 68% từng bị ngược đãi bởi người thân [1]. ('Người thân' ở đây là ba má, ông bà, chú, bác, cô, cậu). Càng sốc hơn là con số này có xu hướng tăng theo thời gian! Ngược đãi trẻ em ở Việt Nam thậm chí còn được nghiên cứu khoa học, và kết quả chỉ ra rằng tỉ lệ bị ngược đãi trong năm qua là khoảng 50%, kể cả 2.6% bị lạm dụng sex [2]. Nghiên cứu này còn chỉ ra rằng tỉ lệ trẻ em bị ngược đãi ở Việt Nam cao hơn ở Hoà Lan.

    Tại sao tình trạng ngược đãi trẻ em ở Việt Nam quá cao? Tôi nghĩ ngoài nguyên nhân văn hoá và nhận thức, còn có nguyên nhân liên quan đến luật pháp. Thật vậy, các chuyên gia quốc tế nhận định rằng Việt Nam thiếu một khung pháp lí để bảo vệ trẻ em từ những ngược đãi và hành hung, đặc biệt là lạm dụng sex. Việt Nam cũng không có hệ thống chăm sóc và yểm trợ nạn nhân [3].

    Và, vai trò của cộng đồng và tổ chức dân sự. Ở Việt Nam, người ta được/bị gieo vào tư tưởng "Đèn nhà ai nấy rạng" hay "Chuyện nhà ai thì người ấy tự lo". Và, xuất phát từ suy nghĩ đó, người ta không mấy quan tâm đến những gì xảy ra chung quanh mà không ảnh hưởng đến họ. Điều này thể hiện rõ qua sự việc liên quan đến bé Vân An, mặc dù được cảnh báo nhiều lần, nhưng người có trách nhiệm an ninh khu chung cư vẫn thờ ơ theo kiểu 'Chuyện nhà ai thì người ấy tự lo'. Việt Nam có nhiều hội đoàn phụ nữ, bảo vệ trẻ em ở mọi cấp địa phương, nhưng công bằng mà nói vai trò của họ rất mờ nhạt. Phụ nữ và trẻ con bị bạo hành rất thường xuyên, nhưng chẳng có tiếng nói của các hội đoàn này. Người ta phải hỏi các hội đoàn này tồn tại để làm gì.

    Dù câu trả lời là gì thì cái cái chết của bé Vân An nói lên sự thất bại của một xã hội không bảo vệ được trẻ con. Nếu tôi là nhà chức trách, tôi sẽ lập ra ngay một "Quĩ Vân An" (Van An Foundation) để nghiên cứu và hoạch định chánh sách cùng khung pháp lí để bảo vệ trẻ con. Đó cũng là một cách tưởng niệm những trẻ con đã và đang bị ngược đãi vậy.

    TB: Các bạn có thể xem buổi phỏng vấn trực tiếp cậu ruột bé Vân An, do Nhà báo Đoàn Bảo Châu thực hiện:

    https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=2800121103618330&id=704543964

    ____

    [1] https://saigoneer.com/.../18045-two-thirds-of-vietnamese...

    [2] https://www.tandfonline.com/.../10.../10926771.2016.1250851

    [3] https://www.unicef.org/.../shame-and-pain-vietnam-starts...

    Nguyên văn: “Vietnam still lacks a strong legal framework to protect children from all forms of violence, especially sexual abuse. This also extends to the lack of care and support services for victims.”

    FB Nguyễn Tuấn

    Quỹ Nhi đồng LHQ lên tiếng vụ bé 8 tuổi bị người tình của cha đánh đến chết

    RFA

    Người dân tưởng niệm cái chết của bé gái 8 tuổi bị người tình của cha hành hạ đến chết

    /Chụp màn hình video/RFA edited

    Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) hôm 29/12/2021 bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong gây xôn xao dư luận những ngày qua. 

    "Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo, không phải các tình nguyện viên hay các cán bộ phúc lợi không được đào tạo, mà cần có các nhân viên chuyên nghiệp có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ.

    Trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất của trẻ và để bảo vệ phụ nữ - chứ không phải bảo vệ kẻ gây ra bạo lực, cần có một hệ thống với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực của tất cả các nhà chức trách, trong tất cả các trường học, trên toàn cộng đồng." - Thông cáo báo chí của quỹ cứu tế được thành lập bởi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cho biết. 

    UNICEF giải thích thêm, không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để  trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi.  

    Và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự  giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực, cũng theo Quỹ nhi đồng LHQ. 

    UNICEF cho hay, họ hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống bảo vệ có sự điều phối giữa các bên liên quan, tuy nhiên cần có sự đầu tư nguồn lực, cam kết mạnh mẽ của chính phủ để đảm bảo có được sự thay đổi cho những người cần nhất, để đạt được mức độ nhận thức và trách nhiệm bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên khắp Việt Nam. 

    rfa.org

    Không có nhận xét nào