Header Ads

  • Breaking News

    Nguyên Sa - Hai tập thơ về cuộc đời (không) bầm giập của “một người yêu nước mình”

    Thơ và cuộc đời của Trần Vàng Sao không chỉ là những gì được kể trên truyền thông nhà nước.

     

    Minh họa: Luật Khoa. Ảnh: Tuổi Trẻ, NXB Giấy Vụn, NXB Hội Nhà Văn.

    Ngày 3/11, báo Tuổi Trẻ đăng bài về việc tác phẩm “Bài thơ của một người yêu nước mình” của Trần Vàng Sao đạt giải B Giải thưởng Sách quốc gia 2021. Trong bài viết, một hộp thông tin nhỏ được tô hồng. [1] Tòa soạn báo đặt vào đó lời “đính chính” rằng cuộc đời của nhà thơ quá cố này không “bầm giập” như nhiều người vẫn nghĩ.

    Tôi đã đọc tập thơ này trước đó, nhưng chỉ bắt đầu tò mò về cuộc đời của tác giả từ lời đính chính đáng ngờ này. Quả vậy, trong các bài viết vinh danh Trần Vàng Sao sau giải thưởng, người ta đã lược đi sự thật rằng ông từng bị chế độ dày vò vì dám nghĩ khác.

    Trần Vàng Sao tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941, là một nhà thơ ủng hộ cách mạng. Ông hoạt động mạnh mẽ trong phong trào sinh viên những năm 1960, đến 1965 thì lên chiến khu, công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế. Năm 1970, ông được đưa ra Bắc an dưỡng. Phần giới thiệu về ông trên bìa tập thơ, cũng như các trang chính thống khác, chỉ dừng lại ở đó. Thứ họ không kể là trong thời gian “an dưỡng” này, ông đã bị chính những đồng chí của mình vùi dập vì một cuốn hồi ký.

    Theo lời kể của nhà nghiên cứu Lữ Phương, những gì Trần Vàng Sao quan sát được ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa khiến ông thất vọng tràn trề. [2] Những dòng nhật ký ghi lại nỗi thất vọng này bị đồng chí của ông phát hiện và tố lên cấp trên. Ông bị bắt, cô lập, hành hạ, bị đối xử tàn tệ như “một con vật, một con chó”. Phần cuộc đời đau đớn này được ông kể trong tập hồi ký “Tôi bị bắt”, viết năm 1976-77, được Lữ Phương công bố trên Talawas năm 2005.

    Phần lời tựa của hồi ký là câu “Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù”. Bóng đen của những năm tháng ấy vẫn cứ theo ông mãi tận sau này. Sau năm 1975, dù là tác giả của nhiều bài thơ được ca ngợi, ông “thất sủng”, chỉ được giao giữ chức chuyên viên ở Phòng Văn hóa Thành phố Huế, và sau cùng làm chân giao liên ở xã Hương Lưu. Người bạn thơ đồng hương của ông là Nguyễn Khoa Điềm thì giữ các chức vụ cao như ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

    Các nguồn thông tin chính thống cũng không cho bạn biết rằng bản in năm 2020 của Nhã Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà văn (do Nguyễn Khoa Điềm tuyển chọn năm 2018) không phải là lần đầu tiên tập thơ của Trần Vàng Sao được in. Năm 2009, Nhà xuất bản Giấy Vụn đã ấn hành một phiên bản cùng tên. [3] Dù các bài thơ được chọn khá tương đồng, tác phẩm nổi tiếng “tau chưởi” không có mặt trong lần phát hành mới. [4] Phiên bản của Giấy Vụn không được nhắc tới cũng là một chuyện dễ hiểu – Giấy Vụn là một nhà xuất bản độc lập, nơi chuyên ấn hành những cuốn sách bị nhà nước cho là có vấn đề.

    “Người yêu nước mình” Trần Vàng Sao qua đời năm 2018 tại quê nhà, thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế, để lại một di cảo đồ sộ. Rất nhiều trong số này chưa từng được in ra. Sẽ đều là phiến diện nếu như chỉ mô tả ông như một người yêu nước, hay như một người bất đồng. Dù có thực sự bị “bầm giập” hay không, Trần Vàng Sao đã sống một cuộc đời phong phú và nhiệt thành như chính những bài thơ ông để lại cho đời.

     


    Bìa tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”, do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Nhã Nam ấn hành năm 2018. Ảnh: Luật Khoa.

    ***

    “cổ tay chị Miên rất đen
    chị đeo chuỗi cườm tấm không đủ hột
    ba chết đi để hai đứa mồ côi
    chị ở Đông Xuyên em ở Vỹ Dạ
    ngày kỵ cha thấy mặt nhau chị em mỗi đứa đứng một góc
    chị dựa cột nhà hai con mắt đỏ hoe
    em mặc áo đen dài như người lớn
    muốn chặt đầu Tây một thằng“

    (những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ, 12/4/1985)

    Trần Vàng Sao viết thơ về cuộc đời của chính mình, nhưng có thể thấy một phần lịch sử đất nước phản chiếu trong đó. Phần nhiều là những ký ức khốc liệt và xót xa: chiến tranh, đói kém, ký ức về cha bị bắn chết, chị em chia cắt, đồng đội chết mất xác, cái nghèo đe dọa, nỗi lo nhà chẳng có gạo ăn, không có đủ tiền mua cho con hai cái kẹo gừng.

    Những tác phẩm khốc liệt về chiến tranh là những gì người ta thường nhắc tới về Trần Vàng Sao, nhưng thơ ông không chỉ có vậy. Ông cụ viết thơ như thở, ông trải cuộc đời mình ra không che giấu, ông dùng con mắt tò mò để nhìn mọi biến cố, từ buồn đau như mất mát chiến tranh đến đời thường như chuyện đưa vợ đi đẻ. Tiếng Việt nhảy múa trong thơ ông như bóng nắng một buổi chiều hè. Chính sự giản dị làm ta xúc động.

    Xuyên suốt tập thơ, người đọc được làm quen với một Nguyễn Đính từ lúc nhỏ (những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ), nghe trải lòng của một thanh niên yêu nước (bài thơ của một người yêu nước mình, 1967), gặp lại ông năm 43 tuổi (người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình, 1984), đọc thơ ông viết cho con (mừng Bồ Câu ba tuổi), viết cho chị gái (trong cơn sốt đưa chị Miên về Đồng Xuyên, 1985). Cuộc đời ông bị bom đạn giày xéo, rồi bị giày xéo thêm một lần nữa vì những ký ức chiến tranh, nhưng cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, và Trần Vàng Sao cứ viết đến tận cuối đời. Như ông nói về lý do mình viết những dòng nhật ký dẫn đến tai họa năm xưa: “Viết vì mình biết chữ biết nghĩa nên phải viết.” [5]

    Tôi phật lòng biết mấy khi người ta dùng sự ra mắt của tập thơ này để minh chứng rằng tư duy kiểm duyệt văn hóa đã thực sự “đổi mới”; [6] nhưng ngẫm lại thì nó cũng chỉ là tép riu so với niềm vui được biết về ông qua một bản in trang trọng, đẹp từ trong ra ngoài. Tôi nghĩ rất nên mua sách bản chính thống để ủng hộ những người làm sách có tâm, nhưng cũng cần tìm đọc cả những thứ khác nữa – những thứ vẫn chưa biết bao giờ mới được trang trọng in ra và công khai lưu truyền cho người dân trong nước. Đó là cách tốt nhất để nhớ về một người như Trần Vàng Sao, tôi nghĩ vậy.


    Đọc thêm:

    Hồi ký Trần Vàng Sao trên Talawas.

    Thơ Trần Vàng Sao trên Thivien.net, bao gồm những bài chưa được in.

    Tạp chí Luật Khoa

    Không có nhận xét nào