Đảng viên không được phép đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trần Cẩm Tú đã ban hành Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, về việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm: Đảng viên không được phép đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…
Bài viết này xin dừng lại để bàn luận quanh nội dung vì sao xã hội dân sự lại là điều cấm đảng viên đòi hỏi?
Không quản được thì cấm!
Theo lập luận của báo Quân đội Nhân dân Việt Nam – cơ quan của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tại bài viết “Hiểu đúng về xã hội dân sự ở Việt Nam” phát hành cuối tháng 3-2014, thì, “Ở Việt Nam, xã hội dân sự thấm nhuần về mặt văn hóa cộng đồng, tính đoàn kết, tương trợ và tính đồng thuận xã hội. Tổ chức xã hội dân sự có thể đóng vai trò tích cực, là người phản biện đối với chủ trương, chính sách của Nhà nước một cách ôn hòa và có trách nhiệm”.
Tuy nhiên, vẫn theo quan điểm của tờ báo thuộc Quân ủy Trung ương, “thực tế ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng cho thấy, tổ chức xã hội dân sự, bao gồm cả các đảng chính trị (không nằm trong hệ thống chính trị Nhà nước) cũng có thể trở thành lực lượng đối kháng với Nhà nước, là nòng cốt cho những cuộc bạo loạn, lật đổ chế độ xã hội, thậm chí có thể kết nối với các thế lực thù địch bên ngoài gây chiến tranh, làm tổn hại đến độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia”.
Như vậy, văn bản Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW mà ông Trần Cẩm Tú ký ban hành, trong đó đảng viên không được “phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái, đòi thực hiện “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”, đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”…” cho thấy đây là cách thức rất quen thuộc trong quản trị ở Việt Nam: quản lý không được thì cấm!
Vì Nhà nước chưa đủ mạnh nên Đảng phải ra điều cấm đoán đó?
Trên thực tế thì tuy có nhiều ý kiến khác nhau về xã hội dân sự, nhưng người ta đều thống nhất ở một điểm chung là khái niệm này liên quan đến việc “củng cố phát triển và dân chủ”.
Các khu vực dân sự giữ một vai trò nhất định trong việc phát huy dân chủ. Tại nhiều nước đang phát triển thuộc khu vực châu Phi, Trung cận Đông và Đông Nam Á, Nhà nước thường có tính tập trung cao độ và thiếu một cơ chế dân chủ thực sự. Ở các quốc gia này, một nhóm tương đối nhỏ (giai cấp nắm chính quyền) kiểm soát và lạm dụng Nhà nước vì lợi ích riêng một cách có hệ thống trong hàng chục năm liền, trong khi nhiều nhóm, thành phần xã hội khác bị lãng quên hoặc thậm chí có thể bị kỳ thị.
Đối với những bộ phận dân cư bị thiệt thòi này, một khu vực dân sự lớn mạnh sẽ tạo cho họ khả năng tiếp cận nhiều hơn quá trình quyết định chính sách. Điều này sẽ cải thiện sự tham gia chính trị của người dân và làm tăng hiệu quả của các hoạt động của Nhà nước.
Đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự đối với quản trị dân chủ gồm có tăng cường trách nhiệm giải trình, tính công khai và phản hồi của cơ quan Nhà nước, cũng như tăng cường sự tham gia và phổ biến thông tin đến người dân. Những cơ chế dân chủ (quy định của hiến pháp, quyền ứng cử và bầu cử…) là điều kiện cơ bản và là môi trường cho tiến trình dân chủ.
Nhưng, trong thực tế, một chương trình dân chủ tối thiểu cho bầu cử và sự đảm bảo hiến pháp đối với người dân vẫn còn chưa đủ. Không có sự trợ giúp của xã hội dân sự, không có sự cộng tác giữa nhà nước và các đại diện của xã hội và thiếu một văn hóa chính trị dân chủ (tôn trọng các quy tắc đạo đức và tôn trọng lẫn nhau…) thì dân chủ sẽ không tồn tại. Vì thế, khuyến khích và trợ sức cho xã hội dân sự đóng một vai trò chính trị xã hội quan trọng, mang tính chiến lược.
Phát triển là một quá trình lâu dài về văn hóa – xã hội và cấu trúc tổ chức. Hai nhân tố này đòi hỏi một Nhà nước có tính trách nhiệm cao trong mọi quốc gia đang phát triển. Phát triển cũng như dân chủ không thể bị áp đặt và quá trình này liên quan đến toàn bộ xã hội.
Chỉ một Nhà nước đủ mạnh mới có khả năng thực thi và gìn giữ những điều kiện dân chủ và xác lập một nền “quản trị tất” cho sự phát triển.
Đảng đang tự giảm sức mạnh chi phối của chính mình!
Những nhân tố cơ bản cho dân chủ và phát triển lại thường phát sinh gắn liền với xã hội dân sự. Dân chủ tham gia không chỉ có nghĩa là tham dự bầu cử, mà còn có nghĩa là tham gia trực tiếp vào đời sống kinh tế, văn hóa và xã hội.
Những hoạt động xoá đói giảm nghèo, những đóng góp cho giáo đục và đào tạo, sự trợ giúp những họat động nông nghiệp, kinh doanh và dịch vụ, những biện pháp đảm bảo bình đẳng giới, những cơ quan truyền thông, viện nghiên cứu độc lập và những hiệp hội đại diện quyền lợi cho người dân sẽ thúc đẩy sự phát triển thật sự.
Các tổ chức xã hội dân sự đóng góp với Nhà nước bằng cách tham gia ngày càng tích cực vào quá trình cung cấp dịch vụ.
Những nỗ lực của khu vực dân sự bổ sung vào nguồn lực và hoạt động của Chính phủ trong việc phân phối địch vụ, giảm nhẹ gánh nặng lên Nhà nước. Song song với sự lớn mạnh của khu vực tư, Nhà nước thu hẹp bớt lĩnh vực của mình.
Xuất phát điểm cho công việc của xã hội dân sự thường là sự đáp ứng những nhu cầu cơ bản hay cung cấp những sản phẩm dịch vụ. Trên thực tế, điều này bù đắp cho sự thiếu hụt của Nhà nước. Ngoài những công việc có thể gọi chung là dịch vụ, thành viên xã hội dân sự cũng thực hiện chức năng đại điện cho quyền lợi của các nhóm công dân bị thiệt thòi khi đưa ra các khuyến nghị, tác động đến điều kiện chính trị và quá trình soạn thảo chính sách nói chung.
Như vậy, xã hội dân sự có một vai trò quan trọng trong việc đòi hỏi và thúc đẩy tinh thần trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân của mình. Với cách hiểu đó, một lần nữa cho thấy nếu cấm đảng viên tham gia vào xã hội dân sự thì chính Đảng sẽ tự làm giảm đi sức mạnh của mình, khi gián tiếp tạo ra sự đối lập giữa những tổ chức xã hội dân sự gồm các thành viên không đảng viên, và các hội đoàn nhà nước của hội viên là đảng viên.
Nói một cách khác, quyền bình đẳng về chính trị của Hiến định đã bị vi phạm ở Hướng dẫn số 02-HD/UBKTTW, về việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.
Việt Nam Thời Báo
Không có nhận xét nào