Các siêu cường lao vào cuộc chạy đua chế tạo robot sát thủ có thể xóa sổ nhân loại. Sau khi một hội nghị của Liên Hợp Quốc gần đây không thống nhất được lệnh cấm đối với “những con robot giết người” dạng Kẻ hủy diệt - vốn đang được phát triển bởi Trung Quốc, Nga và Mỹ thì các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về điều đó.
Một máy bay không người lái Kargu-2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã thực hiện một vụ giết người tự động mà không cần người điều khiển đầu tiên trên thế giới vào năm ngoái, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết. Ảnh STM
Theo NY Post, các cường quốc đang đầu tư hàng tỷ USD để tạo ra các vũ khí thông minh, tự động tiên tiến có thể săn và tấn công mục tiêu mà không cần bộ điều khiển.
Năm ngoái, một máy bay không người lái cảm tử do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất đã thực hiện vụ giết người tự động đầu tiên trên thế giới nhằm vào các mục tiêu là con người ở Libya, một báo cáo của Liên Hợp Quốc tiết lộ.
Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng, công nghệ đang phát triển quá nhanh, các chính phủ và xã hội đã không xem xét đúng mức những mối nguy hiểm tiềm ẩn từ việc này.
Họ nói rằng máy móc tự đưa ra quyết định dễ mắc phải những sai lầm không thể đoán trước và lây lan nhanh chóng.
Chúng phát sinh từ các mã được gọi là thuật toán mà ngay cả các lập trình viên không phải lúc nào cũng hiểu và không thể ngừng hoạt động.
Nếu vũ khí thông minh trong tương lai được trang bị đầu đạn sinh học, hóa học hoặc thậm chí hạt nhân, hậu quả có thể dẫn đến tận thế một cách không có chủ ý.
“Đó là một thế giới mà loại lỗi thuật toán không thể tránh khỏi ngay cả những gã khổng lồ công nghệ như Amazon và Google hiện nay cũng có thể mắc - dẫn đến việc xóa sổ toàn bộ thành phố”, Giáo sư James Dawes của Đại học Macalester cảnh báo .
“Thế giới không nên lặp lại những sai lầm thảm khốc của cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân", ông Dawes nói thêm.
Giáo sư MIT Max Tegmark, đồng sáng lập Viện Cuộc sống Tương lai, đã đưa ra một cảnh báo thảm khốc tương tự.
"Công nghệ đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các cuộc thảo luận quân sự-chính trị. Và theo mặc định, chúng ta đang hướng đến hậu quả tồi tệ nhất có thể xảy ra", ông Tegmark nhấn mạnh.
Một lệnh cấm tiềm năng đối với cái gọi là Hệ thống vũ khí tự động gây chết người (LAWS) đã được thảo luận vào tuần trước tại Liên Hợp Qquốc.
Một số trong số 120 quốc gia tham gia - bao gồm Brazil, Nam Phi và New Zealand - lập luận rằng LAWS nên bị hạn chế bởi một hiệp ước như bom mìn.
Ngày càng có nhiều quốc gia bao gồm Pháp và Đức ủng hộ giới hạn đối với một số loại vũ khí tự động, bao gồm cả những loại vũ khí nhắm vào con người. Trung Quốc cho biết, họ cũng ủng hộ một loạt các hạn chế.
Các quốc gia khác, bao gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Anh và Australia phản đối lệnh cấm, nói rằng việc tiếp tục phát triển robot sát thủ là điều cần thiết để tránh rơi vào tình thế bất lợi về mặt chiến lược.
Không có nhận xét nào