Thu Thuỷ – Thoibao.de (Tổng hợp)
Ảnh: Biếm họa mô tả Dư luận viên Việt nam
Từ năm 2017, báo chí Việt nam bắt đầu công khai thông tin về một lực lượng đấu tranh trên mạng có tên gọi là lực lượng 47, mà nay mọi người đều đã quen với tên gọi là Dư luận viên.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nói với báo Tuổi trẻ hồi năm 2017 rằng lực lượng này (gọi là lực lượng 47 – theo chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, “vừa hồng vừa chuyên“, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên Tổ chức Phóng viên Không Biên giới – RSF hôm 12/3/ 2020, đã công bố danh sách 20 kẻ thù lớn nhất trên Internet, trong đó có Lực lượng 47 của Quân đội nhân dân Việt Nam gọi là Dư luận viên. Họ sử dụng các công nghệ kỹ thuật số để đe dọa, giám sát hoặc kiểm duyệt các nhà báo và do đó làm giảm nghiêm trọng quyền tự do thông tin trên Internet.
Truy tìm nguồn gốc của Dư luận viên, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc có bài phân tích như sau:
Mạ Thủ
Tôi mới học được một danh từ mới: mạ thủ. Một cách ngắn gọn, mạ thủ là một kẻ chuyên nghề chửi. Giống như dư luận viên ngày nay.
Lịch sử ra đời của mạ thủ vẫn còn mang tính thời sự ngày nay.
Theo tác giả Huy Phương (báo Người Việt), danh từ này xuất phát từ thời Hán Sở tranh hùng và Tam Quốc Chí bên Tàu. Thời đó, nhà cầm quyền huy động những người có lá phổi lớn, tiếng nói vang, và có cách chửi độc địa để làm ‘mạ thủ’.
Mạ thủ chỉ có một việc đơn giản là chửi bới đối phương. Họ trong tư thế trần truồng, xông lên phía trước, sát cổng thành của đối phương, và tung ra những lời chửi bới tục tĩu và dơ bẩn nhứt nhắm vào đối phương.
Mục đích là hạ nhục và khiêu khích đối phương bằng cách thoá mạ ông bà tổ tiên của đối phương, sao cho họ mở cửa thành để lính xông vào.
Điều trớ trêu là mạ thủ là những người bị chết đầu tiên vì họ không có vũ khí khi xông trận. Họ có thể xem như là những con chốt thí cho bọn cầm quyền.
Tàu ngày xưa là nơi sản sanh ra những mạ thủ, thì Tàu ngày nay cũng có những đội quân mạ thủ, nhưng họ mang một danh xưng văn hoa hơn: dư luận viên.
Tiếng Hoa là “wumao”. Báo chí phương Tây gọi họ là “50 cent Army” (“Lực lượng 50 cent”).
Tại sao là ’50 cent’? Tại vì mỗi mạ thủ được trả lương 50 cent cho mỗi ‘bình luận’ họ viết trên mạng.
Ai là những mạ thủ thời nay? Theo nghiên cứu của Gs Gary King (ĐH Harvard), họ là những nhân viên, cán bộ của Nhà nước.
Nhưng họ không phải cán bộ bình thường, mà phải qua một quá trình tẩy não sao cho họ không còn khả năng suy nghĩ một cách logic.
Nói tóm lại, bọn mạ thủ là những kẻ không có khả năng đánh giá đúng sai, họ chỉ đơn giản là những cái máy phun ra những câu chữ mà có khi họ không hiểu.
Theo ước tính của Gs King, Tàu có chừng 500,000 đến 2 triệu mạ thủ, túc trực 24/24 trên mạng để theo dõi và … chửi.
Chiến trận của họ là trên mạng. Phương tiện của họ không còn là tiếng nói mà là chữ viết.
Mỗi năm, đội quân phi chánh thống này tung lên mạng 450 triệu thông tin giả.
Họ đặc biệt nhắm đến thoá mạ những cá nhân và nhóm chỉ trích đảng cộng sản Tàu. Họ tận dụng nguỵ biện tối đa để tấn công đối phương, thay vì bàn luận.
Thật ra, mạ thủ không có khả năng nghị luận, vì mục đích tồn tại của họ đơn giản là chửi bới và nhục mạ đối phương. Họ trong thực tế là những tên hề rẻ tiền, những kẻ tâm bệnh.
Bọn mạ thủ cũng rất thích làm ra vẻ có tầm nhìn quốc tế bằng những bình luận về quan hệ quốc tế.
Đối với họ, biến cố Thiên An Môn là không có thật, mà chỉ là sản phẩm tưởng tượng của bọn phản động phương Tây.
Đài Loan phải là của Tàu. Biển Đông là của Tàu, còn bọn “nước nhỏ” như Việt Nam và Phi Luật Tân chỉ là đám thừa cơ hội gậm nhắm lãnh hải của Đại Quốc.
Ngoài chửi, các mạ thủ cũng có khi tung ra những thông tin đánh trống tinh thần quốc gia và giấc mơ một China Vĩ Đại.
Họ rất thích chỉ trích nhạo báng các nền dân chủ phương Tây, các giá trị phương Tây, nhưng hết lời ca ngợi các lãnh đạo cộng sản Tàu.
Họ cũng thích lan truyền những bản tin về hoạt động thường ngày của các cấp cán bộ cộng sản như là những kẻ yêu nước thương dân.
Những bài viết ca ngợi cán bộ cộng sản và quảng bá sự tiến bộ của Tàu chiếm chừng 60% tổng số tin tức do bọn mạ thủ tung ra.
Phải nói rằng sự ra đời của mạ thủ hay wumao là một quái thai xã hội.
Thử tưởng tượng một thể chế như chánh phủ Úc mà tung tiền ra để tổ chức và mướn những kẻ hạ cấp và những lưu manh mạng chỉ để tung ra những lời ca ngợi mình và tấn công đối phương.
Một viễn cảnh không thể nào xảy ra, vì người dân sẽ nổi giận với chánh phủ dùng tiền thuế của họ cho chuyện … tào lao.
Chỉ có những chánh phủ bất tài và thiếu tự tin, những chánh phủ hắc ám biết mình làm điều ác với xã hội mới có những đội quân wumao, bởi nếu chánh phủ chánh nghĩa và có thực tài thì cần gì đến bọn hạ cấp đó.
Mà, thực ra, một chánh phủ được những kẻ hạ cấp ca ngợi thì chánh phủ đó cũng thuộc loại hạ cấp mà thôi.
Thành ra, sự hiện diện của đội quân mạ thủ hay wumao không chỉ là một căn bệnh ung thư xã hội, mà còn là tín hiệu mạnh nhứt về một chánh phủ bất chánh và bất tài.
Tôi hơi phân vân khi thấy vài người xem chửi là một nét văn hoá của người Việt! Nghe qua có vẻ là một cách hợp thức hoá chửi bới trong xã hội.
Tôi rất ngờ quan điểm này, bởi nếu là một nét văn hoá người Việt thì tại sao trước 1975 ở miền Nam không có nạn chửi bới tràn lan trên mặt báo như ngày nay. Thật ra, phải xem chửi là một căn bệnh xã hội.” Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Úc nêu nhận định.
Một bài viết trả lời Dư luận viên của GS Mạc Văn Trang được chia sẻ nhiều trên FB với nộ dung như sau:
“Trước đây có mấy bạn DLV gọi mình là “thằng già”, chửi mình đủ kiểu. Mình bảo, các cậu cứ chửi thoải mái, có từ nào tục tĩu nhất dùng hết đi.
Chỉ yêu cầu các bạn công khai danh tính, cho địa chỉ gia đình, để mình sao chép những câu chửi đó, gửi cho ông bà, bố mẹ các bạn thưởng lãm và tự hào! Trong số ông bà, bố mẹ các bạn có khi có người là học trò của mình đấy.
Mình đi dạy học từ năm 1959 -1960, mới 21 – 22 tuổi, nhiều học sinh lớp 5 lớp 6 lúc ấy còn nhiều tuổi hơn thầy, có cậu đã có vợ con. Nay gặp mình, họ đầu râu, tóc bạc, vẫn ôm chầm lấy mình, thầy trò vui như trẻ chăn trâu! Ấy thế mà các “cụ học sinh” này chẳng may, có con cháu là DLV chửi thầy cũ của mình, khi biết ra thì làm sao đây?
Giờ có bạn (chắc được phân công phụ trách mình) không chửi tục nữa, mà rất lịch sự, hay nhắn tin nhắc nhở, hôm nọ bạn bảo: “Bác là nhà giáo uy tín mà toàn nói những chuyện tiêu cực, mặt trái xã hội, ảnh hưởng xấu đến lớp trẻ. Là nhà giáo chân chính phải truyền đạt những giá trị Chân, Thiện, Mỹ cho giới trẻ chứ”.
Xin thưa lại mấy ý:
“Lớp trẻ” mà lại nghe người ta nói “tốt”, tin ngay là “tốt”, nói “xấu” tin ngay là “xấu”, không biết phân tích phê phán nhận ra cái đúng, cái sai, cái thật, cái giả để tiếp nhận điều hay, lẽ phải, thì hạng người ấy nuôi tốn cơm làm gì.
Hơn 800 tờ báo cách mạng, hàng trăm đài truyền hình, phát thanh của Đảng, bao nhiêu cán bộ tuyên huấn, đoàn thể, 10.000 “LL47” và bao nhiêu DLV cùng với gần một triệu giáo viên đứng lớp, suốt ngày nêu gương người tốt, việc tốt, thi đua học tập làm theo các tấm gương thì còn sợ gì?
Có một cách tốt hơn, là:
– Cho người ta thấy đâu là sai lầm, hư vô, phi lý, lừa đảo, ngụy biện, hình thức giả tạo… người ta sẽ nhận ra đâu là Sự thật, biết cách tiếp cận Chân lý…
– Chỉ cho người ta thấy đâu là cái ác: Những luận điểm, âm mưu nham hiểm, những lời nói độc ác; những chuyện cướp bóc tàn bạo, những cách ứng xử bất nhân, bất nghĩa, vô pháp, vô đạo; những thủ đoạn hủy diệt môi trường sống của dân tộc, đầu độc cả giống nòi…
Khi người ta nhận diện được những cái ác đó và dám mạnh mẽ lên án chúng, thì cái Thiện đã thành hình trong con người…
– Chỉ cho người ta biết những “truyền thống văn hóa” nhưng đã lỗi thời thành xấu (như đâm trâu, chém lợn, cướp lộc, mê tín…); những thói hư tật xấu (ăn cắp, tham nhũng, mưu hèn, kế bẩn, dối trá, vô cảm…); những hành vi kém văn hóa:
– Lên án tội lãng phí, bệnh thi đua hình thức, những việc làm phô trương vô nghĩa; phê phán những sự ngu dốt tiêu hủy không biết bao nhiêu tiền của, vật tư, thời gian, sức người vào những chuyện vô tích sự, vô ích… là để giúp người ta nhận ra giá trị của Ích, biết thế nào là có ích và vô ích.
Ngô Bảo Châu có câu nói hay: “Bạn muốn sống có ích, hãy bớt làm những việc vô ích đi”.
Bây giờ, bạn hãy tự hỏi, việc làm của DLV liệu có đem lại giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích cho bạn và cho mọi người không?
Mong nhận được phản hồi của bạn với đầy đủ họ tên thật, hình ảnh thật, địa chỉ thật nhé.”
GS Mạc Văn Trang nêu quan điểm.
Không có nhận xét nào