Header Ads

  • Breaking News

    Người Việt sang Anh: Ra đi bằng mọi ngả, ở lại bằng mọi giá

    Các nhóm hỗ trợ người di cư có mặt bên ngoài cảng Calais sau khi xảy ra vụ chìm thuyền. Ảnh: AFP

    Thảm kịch 27 người chết đuối ngoài khơi Calais do thuyền bị đắm khi tìm cách vượt biển vào Anh hôm 24/11, trong đó có phụ nữ, bà bầu và trẻ em, một lần nữa, lại làm rúng động lương tâm thế giới về nạn buôn lậu người, nạn nhập cư lậu và bi kịch của những người sẵn sàng liều chết rời bỏ quê hương ra đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở nước khác.

    Từ nhiều năm nay, các nước châu Âu đã phải đối phó với tình trạng nhập cư lậu, trong đó vương quốc Anh được nhiều di dân bất chấp hiểm nguy tìm đến.

    Dùng thuyền nhỏ, thuyền cao su vượt qua eo biển hẹp English Channel (trong tiếng Pháp là La Manche), giữa Anh và Pháp, là một trong những cách mà những kẻ buôn lậu người sử dụng để đưa người nhập cư lậu vào nước Anh.

    Còn đối với người Việt, thảm kịch này gợi nhớ lại thảm kịch hai năm trước, với 39 đồng bào người Việt chết trong chiếc container đông lạnh tại một khu công nghiệp ở Grays, hạt Essex, London, vào ngày 23/10/2019, cũng đang trong hành trình tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh.

    Ngoài con đường “xuất khẩu lao động“, sau này, người lao động Việt lại lũ lượt rủ nhau tìm đường đi lao động “chui“.

    Các tổ chức buôn lậu người trong đó có cả người Việt tham gia hoặc cầm đầu, ngày càng hoạt động tinh vi, mức độ quy mô, với những đường dây nối dài từ Nga hay Trung Quốc sang các nước châu Âu.

    Từ năm bảy năm trước, nước Anh và thế giới đã được biết đến những câu chuyện bi thảm về “người rơm” (người nhập cư lậu), những con người đã phải trải qua những hành trình dài gian khổ, nguy hiểm rồi ăn chực nằm chờ ở trong những khu rừng của thành phố cảng Calais, Pháp trước khi tìm đường vào nước Anh.

    Chính phủ Pháp đã cố gắng càn quét, dẹp sạch khu vực này vào tháng 10/2016 nhưng cho đến bây giờ, vẫn có những lán trại người Việt và người nước khác tìm cách nhập cư lậu vào Anh ở đây.

    Sau thảm kịch chết trong container, người Việt vẫn tiếp tục tìm đường nhập cư lậu vào Anh.

    Tờ Telegraph hồi tháng 8/2021 có bài “Người Việt di cư góp phần đẩy tỷ lệ người vượt Kênh cao kỷ lục“.

    Sau vụ 39 người chết, các tuyến đường quen thuộc bị kiểm soát gắt gao hơn, các băng nhóm người Việt có mạng lưới buôn người mở rộng khắp châu Âu được cho là đã chuyển từ xe tải sang các chuyến hành trình bằng ô tô nhằm tránh bị phát hiện, hoặc cho người nhập cư lậu đi bằng thuyền bơm hơi.

    Số liệu của Hội đồng di dân Anh cho biết, trong top 10 quốc gia có số người đến Anh bằng thuyền nhỏ từ tháng 1/2020 đến tháng 5/2021, Việt Nam đứng thứ 5 – sau Iran, Iraq, Sudan, Syria.

    Tại sao nhiều người Việt muốn đến Anh?

    Tôi không rõ lý do của các sắc dân khác khi họ nhất quyết muốn đến Anh, ngay cả khi được Pháp và các quốc gia EU khác cung cấp một nơi an toàn để xin tị nạn, là gì.

    Ảnh: một tiệm Nails của người Việt ở Mỹ

    Nhưng với người Việt, việc lựa chọn Anh ngoài yếu tố ngôn ngữ-tiếng Anh dù khó, vẫn phần nào quen thuộc và tương đối dễ học với người Việt hơn tiếng Pháp, tiếng Đức, các thứ tiếng Đông Âu, Bắc Âu…, thì là vì tìm việc làm chui (cho đồng bào) dễ hơn.

    So với các quốc gia Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển… dân số ít-chỉ có chừng 5-8 triệu, thị trường lao động nhỏ, người nhập cư khó tìm việc làm, một phần vì phải vượt qua rào cản ngôn ngữ, phần khác các ngành kinh doanh, dịch vụ tư nhân nhỏ cũng không phát triển, trong khi đó ở Anh dân số khoảng 66-67 triệu, thị trường kinh doanh buôn bán nhỏ tràn lan như nấm (chưa kể thị trường lao động “chui“), người nhập cư dễ tìm việc hơn nhiều.

    Cũng cần phải thấy rằng những quốc gia nào mà cộng đồng người Việt đông đảo, làm ăn nhiều, như Anh, Đức, Ba Lan, Tiệp…thì càng thu hút đồng bào trong nước tìm đến vì họ có thể làm việc cho người Việt, không cần học ngôn ngữ.

    Không hiếm người sống ở Anh nhiều năm, thậm chí 30 năm, nhưng vẫn không sử dụng được tiếng Anh ở mức độ đơn giản.

    Vì sao nhiều người Việt làm nails và kinh doanh nghề nails ở Anh và nhiều nước khác?

    Với một người không giỏi ngoại ngữ, làm nails là một nghề không nặng nhọc lại dễ học, dễ làm, không cần phải sử dụng ngôn ngữ nhiều, học bằng thực tế, không cần phần lý thuyết. Trong khi đó nếu học nghề cắt uốn tóc, thời gian kéo dài 1-2 năm, học và thi cả lý thuyết lẫn thực hành.

    Học trang điểm, massage, hay chăm sóc da, cái gì cũng có phần lý thuyết, thi lấy giấy chứng nhận, hoặc có bằng mới làm được.

    Không có nhiều chủ người Việt kinh doanh mở tiệm tóc hay làm đẹp, vì nhiều người trong số họ cũng không giỏi tiếng Anh, không “điều khiển” thợ bản xứ được, nên tốt nhất là cứ mở tiệm nails, thuê người Việt.

    Ảnh: 39 người Việt chết trong thùng container đông lạnh ở Anh cũng chỉ vì muốn đến Anh mưu sinh

    Báo chí trong nước từng có những bài viết về “mặt tối” của thị trường làm móng tay của người Việt ở Anh, rằng thợ Việt bị trả lương rất thấp, vài chục bảng một tuần, sống chen chúc trong những căn nhà chật hẹp, lao động 6 ngày/tuần, mỗi ngày có khi 10 tiếng, như nô lệ.

    Những cảnh tượng đó nếu có chắc là hiếm, xin khẳng định là người Việt làm nails ở Anh kiếm sống rất khá.

    Một thợ nails người Việt tùy theo tay nghề, kinh nghiệm sẽ được trả từ £1,800-£2,800, thậm chí £3,000/tháng, trước thuế.

    Mức lương này phải nói là quá cao, nếu so với nhiều người có bằng đại học, đi làm công chức, cũng chỉ chừng £1,800-2000/tháng trước thuế.

    Nếu như mặt tốt là vì người Việt nổi tiếng với nghề nails nên các tiệm nails Việt thường là đông khách, nhưng mặt khác, những người kinh doanh cũng biết tìm đủ cách để lách thuế, để có thể có lời. Mà chuyện này thì không chỉ người Việt.

    Các cộng đồng nhập cư đến từ các quốc gia đang phát triển khác cũng vậy thôi.

    Bên cạnh các tiệm nails người Việt làm ăn hoàn toàn đúng luật, một số tiệm nails và thợ Việt đã nằm trong “tầm ngắm” của cảnh sát Anh và các tổ chức nhân quyền vì họ biết người Việt mở tiệm nails thường tìm nhiều cách để lách thuế và sử dụng một số thợ không có giấy phép lao động ở Anh – những việc mà theo luật Anh là bất hợp pháp và bóc lột sức lao động.

    Nhưng với người Việt, cho dù có phải ở chật chội, làm nhiều giờ, ngày Chủ nhật còn lại chỉ dành để giặt giũ, dọn dẹp và ngủ, thì mức lương đó vẫn là quá tuyệt vời.

    Đó là lý do tại sao nhiều người Việt tìm đến Anh và nhiều quốc gia phát triển có cộng đồng đang ăn nên làm ra khác, bất chấp cái giá phải trả không chỉ là hàng chục ngàn bảng mà có khi còn cả tính mạng!

    Và cũng không ít trường hợp rơi vào tay bọn buôn người, bị bán vào các trang trại trồng cần sa hoặc buôn bán tình dục ở Anh, điều cũng xảy ra với người Việt nhập cư lậu ở một số quốc gia khác từ Malaysia cho tới Đông Âu.

    Tìm mọi cách để ở lại

    Tìm mọi cách để ra đi, nhiều người Việt mình cũng tìm mọi cách để ở lại Anh và một số nước châu Âu khác. Nếu không đủ điều kiện để ở lại một cách hợp pháp, có người sẽ “chạy” để có thể ở lại một cách hợp pháp.

    Ví dụ bỏ tiền ra làm giấy tờ kết hôn giả, bỏ tiền ra “thuê” một ông bố có quốc tịch nước ngoài để làm giấy khai sinh cho đứa con sinh ra ở nước ngoài, khai là nạn nhân buôn người để được tỵ nạn nhân đạo, thậm chí khai là nhà hoạt động dân chủ bị nhà nước cộng sản Việt Nam truy lùng, gây khó khăn nên xin tỵ nạn chính trị v.v…

    Ở Anh này chẳng hạn, có nhiều trường hợp các cô gái Việt qua Anh làm việc, chưa có giấy tờ chính thức nhưng vẫn mang bầu, sinh con, được chăm sóc y tế trong điều kiện tốt.

    Người ta có thể thắc mắc tại sao đang đi làm thuê, đời sống bấp bênh, giấy tờ chưa có mà còn sinh con làm gì cho khổ, sau mới biết nhiều người sinh con xong sẽ tìm cách khai sinh cho con với một người có quốc tịch Anh, để đứa trẻ sinh ra sẽ có quốc tịch Anh. Cứ người này làm trước rồi vẽ đường cho người sau.

    Cô nào sinh con cũng có một kịch bản như nhau, là mẹ đơn thân, ông bố của đứa trẻ chỉ đứng tên, khai nhận con trên khai sinh còn mọi việc là người mẹ phải tự lo nên các nhân viên xã hội lại động lòng trắc ẩn.

    Mới đây, ngày 14/9, ở Đức, cảnh sát Berlin đã phá được một đường dây “nhận cha giả” cho các phụ nữ VN có mang để họ được quyền lưu trú tại Đức.

    Một kịch bản giống nhau nữa là khai mình là nạn nhân của một đường dây buôn người.

    Nhưng một người Việt sống ở Anh lâu năm từng nói với người viết bài này rằng chỉ có khoảng 1% thực sự là nạn nhân buôn người, còn lại toàn tự nguyện bỏ tiền sang đi làm việc “chui“, nhưng khai như vậy để xin tỵ nạn nhân đạo.

    Con gái tôi đi làm phiên dịch part-time cho người Việt ở Leeds cũng nói rằng, trong bao nhiêu trường hợp, chỉ có một, hai trường hợp có vẻ là nạn nhân buôn người thật, có dấu hiệu bị đánh đập và kể cả bị ảnh hưởng về sức khỏe, thần kinh.

    Việc khai là nhà hoạt động dân chủ cũng thế, không phải không có một số trường hợp khi ở VN người đó không hề có bất cứ hoạt động gì phản kháng lại nhà cầm quyền, nhưng sau khi đặt chân đến nước khác thì khai là bị nhà nước VN truy cùng giết tận, nếu về là sẽ bị cầm tù, bị giết, đi kèm theo là những bằng chứng ngụy tạo cách này cách khác.

    Có những người lên tiếng chỉ trích những người tìm cách nhập cư lậu, cho rằng họ tham tiền nên mới đi, và họ chưa chắc đã nghèo khổ, bởi nếu nghèo đã không có hàng chục ngàn bảng Anh để trả cho bọn buôn lậu người như thế.

    Nhưng thật ra chỉ trích như thế cũng không hẳn công bằng.

    Chẳng ai muốn liều mình ra đi, sống và làm việc vất vả, cực nhọc ở xứ người nếu như có thể sống tốt ở VN.

    Và số tiền đó thường là họ phải vay mượn lãi suất cao hoặc cầm cố sổ đỏ, bán đất … và đi làm quần quật nhiều năm sau mới trả hết.

    Thoibao.de/blog/2021/11/29


    Không có nhận xét nào