Header Ads

  • Breaking News

    Ngô Nhân Dụng: Đàn áp cô Bành Soái


    Thời Việt Nam Cộng Hòa một trong bốn vị tướng tư lệnh vùng đã bị tố cáo về tội cưỡng ép một cô gái quê. Chúng tôi không nêu tên vị tướng này, đã qua đời, vì ông không bị một tòa án nào kết án. Điều đáng nói là bộ thông tin không kiểm duyệt những bài báo liên tiếp đăng chuyện này trong cả năm trời. Ông Chu Tử đã phê phán vị tướng này nêu đích danh trên báo, cũng như bà Trùng Dương, chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần hiện còn lưu giữ các hồ sơ đó, không bị cảnh sát hỏi thăm hoặc bị đưa ra tòa.

    Trước năm 1975 quyền tự do báo chí trong chế độ Cộng Hòa nước ta được tôn trọng hơn trong các nước cộng sản, như ở Trung Cộng bây giờ.

    Ngày 2 tháng 11, cô Bành Soái (Peng Shuai,), một đấu thủ quần vợt, đã viết những lời tố cáo ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli, 張高麗), cựu phó thủ tướng Trung Cộng đã cưỡng ép cô trong mười năm qua. Bành Soái, 35 tuổi, nổi tiếng vì đã chiếm những giải quần vợt quốc tế hàng lớn nhất. Bài viết của cô xuất hiện trên mạng Weibo, giống như Twitter ở Mỹ, trong 20 phút thì bị cắt bỏ. Cô bỗng nhiên “mất dấu vết” trong mấy tuần, chỉ xuất hiện sau khi dư luận thế giới xôn xao khiến Hội Quần vợt Phụ nữ (WTA) phải tìm cách gọi cho cô, nhưng không liên lạc được. Tổ chức Thế Vận Hội phải hỏi thăm, lúc đó mới được nói chuyện với cô.

    Trung Cộng đã bịt miệng Bành Soái tức khắc, vì Trương Cao Lệ, già gấp đôi tuổi cô, là một thành viên trong Thường Vụ Bộ Chính Trị đảng cộng sản, thường đứng hàng thứ tư phía bên trái Tập Cận Bình. Hơn nữa, Trương Cao Lệ là người phụ trách tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông đầu năm 2022 mà nhiều quốc gia đang tỏ ý định tẩy chay vì Trung Cộng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã dọa sẽ không có một viên chức chính phủ Mỹ nào tới dự các nghi lễ trong Thế Vận Hội này. Nhưng Trương Cao Lệ vẫn là người đang nói chuyện với ủy ban Thế Vận Hội Thế giới để chuẩn bị cho cuộc thao diễn sang năm.

    Bắc Kinh đã cấm tất cả các thông tin liên quan tới cô Bành Soái và những điều cô tố cáo. Báo, đài trong nước không được phép viết hay nói một tiếng nào. Tên cô bị hàng rào lửa ngăn chặn trên các mạng xã hội. Không biết có bao nhiêu người trong nước Trung Quốc được biết chuyện này. Ngày 3 tháng 11, khi viết tên cô “Peng Shuai hay ” trên Baidu, giống như tìm trên Google, người Trung Quốc có thể nhận được hai triệu tài liệu hoặc tin tức, nhưng bây giờ chỉ còn mấy chục ngàn mẩu tin. Tìm tên Trương Cao Lệ trên Baidu cũng chỉ thấy những bản tin cũ. Chương mục của cô trên Weibo trước đây có 588,000 người theo thường xuyên, đã bị khóa mặc dù mới có thêm 60,000 người tham gia. Theo nhật báo The Wall Street Journal, khi viết tên “Peng Shuai” trong tháng 11 trên Weibo thì chỉ thấy một nội dung cũ, là những lời Trung Cộng phản đối Sứ quán Pháp ở Bắc Kinh vì họ than phiền về những tội hành hạ phụ nữ Trung Quốc!

    Nhưng đối với bên ngoài, Trung Cộng mở một chiến dịch tuyên truyền trên các mạng xã hội nhắm bác bỏ lời tố giác của Bành Soái. Đài Truyền hình CGTN chiếu một email của cô, trong đó cô phủ nhận những lời tố cáo ngày 2 tháng 11, và nói rằng cô bình an và đang nghỉ ngơi. Một nhà báo trên đài này còn lên án những người nước ngoài nêu thắc mắc về cô Bành Soái là do óc kỳ thị chủng tộc của người da trắng (coi thường người Trung Hoa), đàn ông (coi thường cô Bành là một phụ nữ). Lời buộc tội này trở thành lố bịch vì trong số những người lên tiếng đòi biết tình trạng cô Bành Soái có những phụ nữ không phải người da trắng, như các nữ vô địch quần vợt Serena Williams (da đen), Naomi Osaka (người Nhật). Các cầu thủ quần vợt khác như Andy Murray, Novak Djokovic đã lập một địa chỉ Twitter mang tên #WhereIsPengShuai, Bành Soái Đâu Rồi?

    Tạp chí Hoàn cầu Thời báo của đảng Cộng sản dùng Twitter gửi đi hình ảnh cô Bành đang ngồi ăn tiệm hoặc đứng với trẻ em trên sân quần vợt. Nhưng tờ tạp chí này không dám nhắc đến tên Trương Cao Lệ và những cáo buộc đầu tiên của cô Bành. Thực ra thông điệp ngày 2 tháng 11 của Bành Soái không nêu ý kiến nào chống đối chế độ cũng như chính quyền cộng sản. Trong đó chỉ có những lời tâm sự của một cô gái không được yêu thương, đã từ bỏ gia đình ngay từ bé khi chấp nhận được huấn luyện nghề quần vợt. Cô cũng thú nhận mình là một “đứa con gái rất hư” nhưng xác định cô không bao giờ nhận tiền từ ông Trương Cao Lệ. Cô còn kể mỗi khi gặp nhau ông ta rất lo lắng kiểm tra coi có các máy thâu âm lén hay không.

    Bành Soái không chống chế độ cộng sản như Hác Hải Đông (Hao Haidong, 郝海) và Diệp Chiêu Dĩnh (Ye Zhaoying葉釗穎), một cầu thủ đá banh và một thủ quân vũ cầu (badminton). Ngày 4 Tháng 6 năm 2020, nhân ngày kỷ niệm cuộc tàn sát ở Thiên An Môn, cặp vợ chồng này đã lên tiếng đả kích đảng Cộng sản Trung Quốc, nêu lên cả vụ Hồng Kông, và vi phạm nhân quyền người Uyghurs ở Tân Cương.

     

    Hác Hải Đông, sinh năm 1970, đã là quán quân đạt số bàn phá lưới cao nhất trong nước Trung Quốc. Diệp Chiêu Dĩnh, sinh năm 1974, đã được phong là cầu thủ nữ số 1 thế giới vào năm 1995 và nhiều lần sau đó. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra lệnh xóa bỏ tất cả các thông tin về hai người, khóa chương mục của họ trên mạng Weibo và các mạng thể thao khác. Hai người hiện sống ở Tây Ban Nha, khi trả lời nhật báo The Wall Street Journal, đã nhắc lại cần xóa bỏ chế độ cộng sản.

    Để đối phó với những người như Hác Hải Đông, chiến thuật bình thường của Trung Cộng là “mặc kệ” chờ cho câu chuyện chìm vào quên lãng. Năm ngoái, người sáng lập công ty Alibaba đã biến mất trong ba tháng sau khi nói bất đồng ý kiến với chính sách nhà nước, rồi lại xuất hiện và không nói gì nữa. Năm 2018, nữ tài tử Phạm Băng Băng (Fan Bingbing,范冰冰) cũng “mất tích” trong ba tháng, khi tái xuất còn ngỏ lời xin lỗi đảng và nhà nước!

    Nhưng trường hợp cô Bành Soái nghiêm trọng hơn cả, vì đụng tới một ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị, cơ quan tối cao cầm đầu đảng cộng sản. Từ trước tới nay, các lãnh tụ Trung Cộng chỉ đánh nhau ở cấp cao với các cáo buộc tham nhũng, lạm quyền, chưa có người nào bị kể phạm tội về tình dục, một điều sỉ nhục. Nếu Tập Cận Bình bỏ qua, không “trừng phạt” cô Bành Soái thì hàng ngàn, hàng triệu các cô gái khác sẽ đứng ra tố cáo các thủ lãnh từ lớn đến nhỏ. Vụ này có thể biến thành một vấn đề an nguy của chế độ. Tập Cận Bình phải ra tay làm mạnh.

    Nhưng trong ba tháng nữa, Thế Vận Hội Mùa Đông sẽ diễn ra ở Bắc Kinh. Chính phủ Mỹ đã tỏ ý sẽ tẩy chay không dự nghi lễ khai mạc. Hội Quần Vợt Nữ WTA mới tuyên bố sẽ ngưng không tổ chức các cuộc tranh tài ở Trung Quốc, “nếu cô Bành Soái không được tự do phát biểu mà còn bị cưỡng ép phải phủ nhận các ý kiến của mình.” Hội WTA sẽ bỏ không tổ chức 9 cuộc tranh tài trong năm tới và có thể các năm sau, sẽ mất cơ hội kiếm hàng chục tới hàng trăm triệu mỹ kim!

    Nhà quản trị của WTA, ông Steve Simon nói, “Nếu những kẻ cường quyền có thể bịt miệng các phụ nữ tố cáo sách nhiễu tình dục, thì nền tảng xây dựng nên WTA, là quyền bình đẳng nam, nữ, bị xóa bỏ.”

    Bộ máy tuyên truyền của Trung Cộng chắc chắn sẽ phản đối quyết định trên. Họ có thể chế nhạo một hội quần vợt phụ nữ, Women Tennis Association, tại sao lại do một người đàn ông điều khiển! Sẽ có người cho họ biết rằng các tổ chức thể thao ở Mỹ không phân biệt nam nữ! Năm 2014 Michele A. Roberts là phụ nữ đầu tiên, người da đen, làm giám đốc điều hành (executive director) của NBPA, Hội Cầu thủ Bóng rổ Mỹ. Người được chọn kế vị từ năm tới là Tamika Tremaglio cũng là một phụ nữ.

    Vụ đàn áp cô Bành Soái cho thấy rõ hơn bộ mặt thật của chế độ độc tài đảng trị. Uy tín của Trung Cộng đang xuống thấp khắp thế giới, càng sụp đổ nhanh hơn. Bao nhiêu người lên tiếng muốn biết số phận cô Bành Soái ra sao, khi báo chí nước ngoài đặt câu hỏi, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Cộng trâng tráo nói rằng họ không biết gì về chuyện này! Coi như trong nước không hề có một nữ đấu thủ quần vợt cấp quốc tế đã tố cáo mình bị một ủy viên thường vụ Bộ Chính Trị cưỡng dâm! Cả nước Trung Quốc không có một tờ báo nào như nhật báo Sóng Thần của Việt Nam Cộng Hòa!

    Diễn Đàn Thế Kỷ

    Không có nhận xét nào