Trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Kritenbrink là quan chức ngoại giao Mỹ cao cấp công du 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan) từ ngày 29/11 đến ngày 04/12/2021. © AFP
Có mặt tại Singapore vào hôm nay 02/12/2021, sau khi đã ghé Indonesia và Malaysia từ đầu tuần, và trước khi đi Thái Lan, trợ lý ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Daniel Kritenbrink là quan chức cao cấp mới nhất của Mỹ công du các nước trong khối ASEAN, sau phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và thứ trưởng Ngoại Giao Wendy Sherman.
Chuyến thăm này là một tín hiệu mới mà chính quyền Biden tung ra nhằm chứng tỏ quyết tâm tăng cường sự hiện diện trong khu vực với mục tiêu chống lại ảnh hưởng càng lúc càng rõ nét của Trung Quốc. Một tuyên bố vào hôm nay của nhân vật chuyên trách châu Á cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ đã tái xác định mục tiêu của Washington.
Quan ngại về hành vi hù dọa và bức hiếp Đài Loan
Theo hãng tin Anh Reuters, phát biểu với báo chí, ông Kritenbrink không ngần ngại nêu đích danh Trung Quốc để chỉ trích khi nói thẳng: “Vào lúc các hành vi đe dọa và bức hiếp của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa - tức là Trung Quốc - đối với Đài Loan gia tăng, theo tôi chúng ta cũng cần phải đáp trả một cách thích ứng”, cụ thể là giúp Đài Loan duy trì một khả năng tự vệ đáng tin cậy, cũng như về mặt thương mại.
Nhà ngoại giao Mỹ đồng thời nhấn mạnh là Hoa Kỳ “sẽ tuân thủ các nghĩa vụ của mình, các nghĩa vụ và cam kết vững chắc của chúng tôi”.
Theo các nhà quan sát, tuyên bố nhấn mạnh quyết tâm tôn trọng các cam kết chính là một trong những trọng tâm của vòng công du lần này, đã được chính trợ lý ngoại trưởng Mỹ nêu bật nhân dịp ghé Indonesia hôm 30/11 vừa qua, với một thông điệp gởi đến toàn khối ASEAN.
Vai trò trung tâm của ASEAN trong việc bảo vệ "trật tự dựa trên luật lệ"
Theo nhật báo Indonesia The Jakarta Post, trong các cuộc tiếp xúc với các quan chức Indonesia, cũng như với tổng thư ký ASEAN, nhà ngoại giao Mỹ khẳng định rằng Hoa Kỳ muốn tăng cường sự hiện diện và nỗ lực gắn kết với các quốc gia Đông Nam Á để chứng tỏ quyết tâm hỗ trợ vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong toàn vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Một tin nhắn Twitter của phái bộ Mỹ bên cạnh ASEAN - mà trụ sở chính đặt tại Jakarta - đã nói rõ thêm là Hoa Kỳ và ASEAN đang “làm việc để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và giải quyết các thách thức toàn cầu như Covid-19 và cuộc khủng hoảng khí hậu ”.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 30/11, đã nhắc lại rằng khi loan báo vòng công du 4 nước Đông Nam Á của ông Kritenbrink, bộ Ngoại Giao đã nêu rõ trọng tâm sẽ là tái khẳng định cam kết của Washington trong việc hợp tác với các nước Đông Nam Á "để giải quyết những thách thức toàn cầu và khu vực nghiêm trọng nhất", nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với “một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương” - một thành ngữ ám chỉ các hành vi hung hăng gần đây của Trung Quốc trong khu vực.
Theo The Diplomat, thông điệp này đã được chính tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại nhận thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN vào tháng trước, khi ông cam kết sát cánh cùng khối Đông Nam Á trong việc bảo vệ quyền tự do hàng hải.
Trước đó, hai lãnh đạo cao cấp khác của Mỹ là phó tổng thống Kamala Harris và bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin cũng không nói gì khác hơn khi nhắc lại cam kết của Hoa Kỳ ủng hộ các quốc gia đang phản đối các yêu sách bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bổ khuyết những chỗ trống gây nên tâm lý hoài nghi Mỹ
Đối với The Diplomat, vòng công du Đông Nam Á lần này của trợ lý ngoại trưởng Mỹ còn nhằm bổ khuyết cho những “thiếu sót” mà Washington đã phạm phải khi lên chương trình cho các chuyến thăm gần đây, những thiếu sót đã tạo nên tâm lý hoài nghi về thực tâm của Mỹ khi khẳng định quan tâm đến Đông Nam Á.
Theo chuyên san Nhật Bản, trong hai vòng công du của phó tổng thống hay bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ gần đây, Indonesia, quốc gia “Ấn Độ- Thái Bình Dương” điển hình nhất lại không nằm trong lộ trình, điều đã khiến nhật báo Indonesia uy tín nhất là The Jakarta Post bât bình, khi gọi việc ông Austin không ghé Indonesia là một hành động “khinh thường” nước này.
Tương tự như vậy, các quan chức Mỹ đã tránh ghé thăm Thái Lan, có thể là do quan hệ căng thẳng với chính quyền của thủ tướng Prayut Chan-o-cha bị cho là độc đoán và sự thờ ơ của Bangkok đối với nỗ lực của Washington nhằm tập hợp đồng minh và đối tác để đối phó với những thách thức khác nhau do Trung Quốc đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ Thái Lan dù sao cũng là một đồng minh kết ước hiếm hoi của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.
Vòng công du lần này của ông Kritenbrink như vậy đã lấp đầy các khoảng trống đó.
Câu hỏi đặt ra là liệu những tuyên bố khẳng định quyết tâm hay những động thái ngoại giao có đủ để giúp Mỹ thuyết phục được khối nước Đông Nam Á hỗ trợ Washington trong chủ trương đối kháng Trung Quốc hay không. Trên vấn đề này, các nhà quan sát nêu bật ba điểm mà Mỹ cần lưu ý.
Mỹ vẫn bị đánh giá là nặng về an ninh, nhẹ về kinh tế
Điểm thứ nhất liên quan đến lãnh vực kinh tế và y tế. Theo The Diplomat, trái ngược với Mỹ, vốn tập trung vào việc củng cố các mối quan hệ an ninh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông, chính phủ Trung Quốc đã hướng tới những thách thức kinh tế cụ thể bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 đang tàn phá khu vực, đẩy mạnh ngoại giao vac-xin và cho thấy rằng Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu trong quá trình phục hồi kinh tế của khu vực.
Ngoài ra, bất chấp việc chính quyền Biden đẩy mạnh tốc độ trao đổi ngoại giao, kinh tế vẫn là một điểm yếu kém trong cam kết của Hoa Kỳ với Đông Nam Á, với việc Mỹ hiện đứng ngoài hai hiệp ước thương mại lớn của châu Á.
Chính cựu tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được đàm phán cẩn thận, vốn vẫn tiếp tục dưới một dạng thức khác là Hiệp Định CP-TPP. Bất chấp mong đợi của nhiều nước, chính quyền Biden cho đến nay vẫn không có dấu hiệu trở lại với Hiệp Định này, mà chủ trương đàm phán về một khuôn khổ kinh tế khu vực khác có Mỹ tham gia.
Phát biểu với hãng tin Anh Reuters, Daniel Russel, người tiền nhiệm của ông Kritenbrink trong chính quyền Obama trước đây, một khuôn khổ như vậy chắc chắn sẽ được các chính phủ Đông Nam Á hoan nghênh, những người đang mong muốn có đối trọng chống lại Trung Quốc nhưng nhìn chung không gây nguy hiểm cho các mối quan hệ kinh tế mà họ đã thiết lập với Bắc Kinh.
Đại sứ Mỹ tại bên cạnh ASEAN vẫn chưa được bổ nhiệm!
Sau cùng, như tờ The Jakarta Post đã ghi nhận, dù tuyên bố quan tâm đến vùng Đông Nam Á, nhưng chính quyền Biden cho đến nay vẫn chưa bổ nhiệm được một đại sứ Mỹ bên cạnh khối ASEAN, một vị trí vẫn để trống sau khi người phụ trách chức vụ này bị chính quyền Donald Trump cho triệu hồi sớm.
Một nhà nghiên cứu Indonesia kêu gọi: “Hoa Kỳ không nên bỏ trống vị trí này quá lâu vì như vậy sẽ rất khó để tiếp tục nói rằng họ quan tâm đến ASEAN… Tất cả các đối tác đối thoại khác và các thành viên của Thượng Đỉnh Đông Á EAS đều có đại sứ của họ tại Jakarta (nơi đặt trụ sở ASEAN), thậm chí cả Vương Quốc Anh.”
Không có nhận xét nào