Nguồn: Stefan Aust und Kishore Mahbubani: „Ich garantiere Ihnen, dass China in einem solchen Fall den Krieg erklären wird“, WELT, 27/11/2021.
Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài
Kishore Mahbubani được đánh giá là một trong những nhà tư tưởng địa chiến lược sáng giá nhất ở châu Á hiện nay. Trong một cuộc trao đổi với Stefan Aust, vị cựu đại sứ Singapore này cáo buộc phương Tây đánh giá sai về Trung Quốc do thói kiêu ngạo của mình. Ông coi 200 năm vừa qua là một tai nạn lịch sử.
Theo lời mời của Quỹ Konrad Adenauer tại Singapore, Stefan Aust, nhà xuất bản báo WELT (Đức) đã có cuộc trao đổi với ông Kishore Mahbubani, cựu Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đại sứ lâu năm của Singapore ở nhiều nước, trong đó có Hoa Kỳ. Ông cũng là giáo sư Khoa học Chính trị tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, một trong những nhà lãnh đạo tư tưởng quan trọng nhất ở châu Á. Chủ đề: “Tập Cận Bình và vai trò của Trung Quốc trong một thế giới đang biến đổi”. 50 khách mời, bao gồm một số đại sứ và thành viên quốc hội, đã họp mặt trong phòng tiệc của khách sạn Shangri-La ở Singapore. Stefan Aust tham gia cuộc gặp gỡ từ Hamburg. Sự kiện này là dịp kỷ niệm 25 năm thành lập chương trình truyền thông Châu Á của Quỹ Konrad Adenauer.
Stefan Aust: Hôm nay chúng ta nói chuyện với nhau vì tôi cùng với đồng nghiệp Adrian Geiges, một phóng viên lâu năm về Trung Quốc, đã viết cuốn sách “Tập Cận Bình – người đàn ông quyền lực nhất thế giới”. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi không có tiểu sử nào của nhà lãnh đạo đảng và nhà nước Trung Quốc được xuất bản, ngay cả bằng tiếng Anh cũng không có. Có một vài cuốn sách của nhà Trung Quốc học người Anh Kerry Brown có đề cập đến Tập Cận Bình, nhưng chúng không đề cập đến toàn bộ câu chuyện về cuộc đời của ông ta. Trong khi đó, các hiệu sách bầy bán la liệt sách về Barack Obama, hay Donald Trump. Đây là một ví dụ cho thấy phương Tây phớt lờ sự trỗi dậy của Trung Quốc và châu Á. Tạp chí nổi tiếng của Mỹ “The Atlantic” thậm chí đã đăng một bài báo trong năm nay với tiêu đề “Tại sao không có tiểu sử của Tập Cận Bình?” Ở Đức cũng vậy, Trung Quốc hầu như không đóng vai trò gì trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Chúng tôi cho rằng người dân ở Đức và phương Tây cần biết nhiều hơn về nhân vật quan trọng này: Tập Cận Bình. Chúng tôi không quan tâm đến việc đứng về phe ủng hộ hay chống lại Tập Cận Bình. Chúng tôi muốn – càng nhiều càng tốt – những miêu tả thực chất về con người ông ta. Để làm điều đó, chúng tôi dựa vào các bài phát biểu của ông ấy, các nguồn có sẵn về câu chuyện cuộc đời và hoạt động chính trị của ông ấy, cũng như các cuộc phỏng vấn và các bài báo của chúng tôi về Trung Quốc. Lúc này, mọi người cần tự mình đánh giá về người đàn ông quyền lực nhất thế giới này.
Kishore Mahbubani: Tôi mong đợi cuộc đối thoại này, và tôi thích thú khi nhận thấy ông bạn đã tiếp cận chủ đề này một cách khách quan. Giống như bạn, tôi thấy mình như là một đứa trẻ khai sáng. Trong trường hợp này, sự khai sáng với tôi có nghĩa là tôi cố gắng để hiểu về Trung Quốc một cách khách quan. Đó cũng là lý do mà tôi đã viết cuốn sách với tựa đề “Trung Quốc đã thắng chưa?” Bởi vì, xin nói toạc ra rằng, phương Tây hoàn toàn hiểu sai về Trung Quốc. Điều này có thể được giải thích bởi thực tế là phương Tây đã thống trị lịch sử thế giới trong 200 năm qua.
Phương Tây cho rằng thế kỷ 19 và 20 là bình thường và 1800 năm trước đó là không bình thường. Tôi lại nhìn nhận điều đó theo một cách khác: 1800 năm trước đó là trạng thái bình thường đối với Trung Quốc và Ấn Độ, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. 200 năm vừa qua là một sự dị biệt. Sự di biệt đó đang đi đến hồi hết một cách tự nhiên.
Vì vậy, ngày nay chúng ta thấy sự trở lại tự nhiên của Trung Quốc, Ấn Độ và phần còn lại của châu Á về vị trí hàng đầu thế giới. Vấn đề với phương Tây là họ chỉ nhìn thấy Trung Quốc qua lăng kính của chính họ. Phương Tây cho rằng nếu Trung Quốc mở cửa về kinh tế, thì nước này sẽ mở cửa về chính trị và trở thành một nền dân chủ tự do. Khi đó Trung Quốc và Mỹ sẽ sống hạnh phúc bên nhau mãi mãi. Đây là một câu chuyện cổ tích, nhưng nó lại được những người có đầu óc suy nghĩ nghiêm túc ở phương Tây tin tưởng.
Kurt Campbell, một trong những cố vấn có ảnh hưởng nhất của Tổng thống Biden, vừa viết một bài chính luận trên tạp chí chính sách đối ngoại Foreign Affairs của Mỹ có ý tưởng như vậy. Sau này, khi các nhà sử học nhận ra sự kiêu ngạo này, rằng Trung Quốc sẽ trở thành như phương Tây, họ sẽ kinh ngạc tự hỏi, làm sao một quốc gia như Hoa Kỳ, chỉ mới 250 tuổi, lại có thể thay đổi nền văn minh 4.000 năm của Trung Quốc? Tại sao Mỹ và châu Âu, với tổng dân ít hơn so với riêng Trung Quốc, lại muốn ra lệnh cho 1,4 tỷ người Trung Quốc phải chọn lựa hệ thống nào?
Stefan Aust: Trước đây chúng ta luôn đinh ninh rằng nền kinh tế sẽ phát triển tốt nhất trong một nhà nước tư bản, dân chủ pháp quyền. Nhưng Trung Quốc đã đưa nền kinh tế lên vị trí hàng đầu với một hệ thống độc đảng pha trộn giữa chủ nghĩa cộng sản và Khổng Tử. Và tôi đồng ý với ông, xét về lịch sử, điều này hoàn toàn không có gì mới. Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, Trung Quốc đã từng là cường quốc hàng đầu thế giới. Những gì chúng ta đang trải nghiệm hiện nay là sự trở lại vĩ đại nhất trong lịch sử. Chúng tôi, ở Đức đã chứng kiến điều này từ góc nhìn của chính chúng tôi: hồi trước khi chúng tôi lái xe đến Tây Berlin và sau đó đi đến phía bên kia của Bức tường, chúng tôi thấy rằng mọi thứ ở đó tồi tệ hơn so với ở Cộng hòa Liên bang Đức. Từ đó, chúng tôi đi đến kết luận, chủ nghĩa cộng sản sẽ thất bại. Nhưng Trung Quốc, được lãnh đạo bởi một Đảng Cộng sản, đã khéo léo sử dụng các yếu tố kinh tế thị trường, và ngày nay, cả số hóa. Và họ rất thành công với nó, ở một khía cạnh nào đó, họ còn thành công hơn chúng tôi. Vấn đề lớn nhất của chúng tôi không phải là Trung Quốc, vấn đề lớn nhất của chúng tôi là chính ở bản thân chúng tôi, chúng ta nên chấp nhận lập trường của Trung Quốc, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải làm mới chính mình. Chúng tôi mất 14 năm mới xây dựng xong sân bay Berlin-Brandenburg, trong khi chỉ sau bốn năm, việc xây dựng sân bay Đại Hưng ở Bắc Kinh lớn hơn nhiều chỉ mất vỏn vẹn bốn năm trời. Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng 216 sân bay mới trong những năm tới.
Kishore Mahbubani: Trung Quốc có nền lịch sử chính trị riêng, truyền thống chính trị riêng và nền văn hóa chính trị riêng của họ. Họ biết điều gì ổn và điều gì không ổn đối với Trung Quốc. Theo quan điểm của họ, một hệ thống hai đảng chia rẽ như ở Mỹ không có tác dụng đối với Trung Quốc. Tôi không nói đây là quan điểm của tôi. Nhưng theo quan điểm của người Trung Quốc, lịch sử của Trung Quốc chứng minh rằng người dân được hưởng lợi nhiều nhất nếu có một sự lãnh đạo mạnh mẽ, và xét về mặt xã hội thì trên 50% dân số nước này sẽ bị thiệt thòi nếu sự lãnh đạo bị chia rẽ. Theo một nghiên cứu của Trường Harvard Kennedy, sự ủng hộ dành cho Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tăng từ 86% năm 2003 lên 93% vào năm 2016. Tại sao? Bởi vì trong 40 năm qua Trung Quốc có sự phát triển kinh tế xã hội tốt nhất trong lịch sử của mình.
Stefan Aust: Từ lịch sử nước Đức chúng tôi biết rằng phần lớn dân chúng tán thành chế độ độc tài và kiểm duyệt khi họ phải sống dưới chế độ độc tài. Nhưng không phải lúc nào việc kiểm duyệt cũng thành công. Chúng tôi vừa chứng kiến một ví dụ nhỏ khi hai Viện Khổng Tử bất thình lình phải hủy một buổi bình luận sách dưới áp lực của chính phủ Trung Quốc. Điều đó đã được các tờ báo của chúng tôi đăng tải và cuốn sách của chúng tôi không vì thế mà bị cấm, mà ngược lại.
Ngay tại chính Trung Quốc, việc kiểm soát đối với dân chúng về lâu dài cũng sẽ không tốt cho đất nước này. Khi trình độ học vấn của người dân ngày càng cao hơn, mọi người muốn được tham gia, chia sẻ vào các cuộc thảo luận. Ngay cả đối với một hệ thống độc đảng, sẽ không có hại gì nếu có những ý kiến khác trên báo chí và truyền hình trái với quan điểm của chính phủ.
Kishore Mahbubani: Nói về chuyện kiểm duyệt, người ta không thể nhìn thế giới bằng hai màu đen và trắng. Thật ra có nhiều sắc thái khác nhau mang màu xám. Các nước phương Tây chính thức thì không có kiểm duyệt nhưng mà có kiểm duyệt không chính thức. Tôi vừa từ Hoa Kỳ trở về và đã nghe sinh viên ở đó bàn tán khá nhiều về hạn chế tự do ngôn luận. Hoặc bạn hãy xem xét trường hợp của bà giáo sư người Anh Kathleen Stock, người vừa phải rời khỏi vị trí giáo sư của mình vì các nhà hoạt động chuyển giới không ưa các kết quả nghiên cứu của bà. Xin hỏi, đó là cái gì nếu không phải là kiểm duyệt?
Một vấn đề khác thực ra quan trọng hơn: đại đa số người Trung Quốc chưa bao giờ được hạnh phúc như hiện nay. Ngược lại, 50 phần trăm dân Hoa Kỳ ở tầng lớp dưới lại cảm thấy bất hạnh đến mức, đến năm 2024 có khi họ sẽ bỏ phiếu bầu ông Trump trở lại làm tổng thống. Hoa Kỳ ngày nay là một xã hội bị chia rẽ và rối loạn về chức năng.
Stefan Aust: Tôi hiểu động cơ của ông Tập Cận Bình khi ông ta từ chối “nền dân chủ phương Tây”, như cách nói của ông ta. Ông Tập lo ngại Trung Quốc có thể bị tan rã như Liên Xô. Hay thậm chí sẽ chìm trong nội chiến như Nam Tư. Vì vậy, ông ấy muốn kiểm soát chặt chẽ, đề cao chủ nghĩa yêu nước và tư tưởng Mác xít hơn nữa. Nhưng một đất nước sẽ phát triển tốt hơn khi mở cửa, những thành công của Trung Quốc trong những thập kỷ gần đây đã cho thấy điều đó. Không phải cuộc cách mạng cộng sản năm 1949 đã mang lại thịnh vượng cho Trung Quốc, mà chỉ có những cải cách và mở cửa đất nước từ năm 1978 trở đi mới mang lại sự phồn vinh. Tập Cận Bình hiện đang phần nào thắt chặt quá trình mở cửa này. Ông ta đang xây dựng một Vạn Lý Trường Thành mới ở Trung Quốc. Điều đó không tốt cho Trung Quốc và không tốt cho thế giới.
Kishore Mahbubani: Tôi hoàn toàn đồng ý với ông. Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình từ bỏ các chính sách kinh tế thực dụng và quay trở lại với chính sách cứng nhắc kiểu Liên Xô theo chủ nghĩa Mác-Lênin, Trung Quốc sẽ thất bại. Nhưng một trong những khó khăn lớn nhất để hiểu về Trung Quốc là ở chỗ: đất nước này được điều hành bởi một đảng tự xưng là “Cộng sản”. Vì vậy, người ta cho rằng mục tiêu chính của cái đảng đó là truyền bá chủ nghĩa cộng sản. Nhưng khác với Đảng Cộng sản Liên Xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc không xuất khẩu chủ nghĩa cộng sản sang các nước khác.
Bốn mươi năm trước, khi Đặng Tiểu Bình thăm Singapore, Thủ tướng Lý Quang Diệu của chúng tôi đã nói với ông ấy: Làm sao chúng ta có thể trở thành bạn bè với nhau một khi các ông lại ủng hộ một đảng cộng sản để chôn vùi hệ thống chính trị của tôi? Sau đó Trung Quốc đã ngừng hỗ trợ các đảng cộng sản khác ở Đông Nam Á. Thế thì tại sao họ cứ tự xưng mình là Đảng Cộng sản Trung Quốc? Bởi vì tính chính danh của họ dựa trên điều đó, bởi vì chính Đảng Cộng sản đã làm cho Trung Quốc trở nên hùng mạnh. Đó là lý do tại sao họ nhận được sự ủng hộ phổ biến của nhân dân.
Stefan Aust: Nhưng ông Tập đang cho thấy có nhiều dấu hiệu cho động thái đóng cửa. Hiện tại, lấy cớ corona, Trung Quốc đã hoàn toàn co cụm với thế giới bên ngoài. Việc đi công tác cũng bị cấm, hoạt động du lịch cũng vậy. Chỉ những người nước ngoài có hộ khẩu thường trú tại Trung Quốc mới được phép quay trở lại, nhưng trước tiên cũng phải thực hiện cách ly vài tuần trong các khách sạn có kiểm dịch, ngay cả khi họ đã xét nghiệm âm tính và đã được tiêm phòng đầy đủ. Câu hỏi đặt ra là: liệu điều này có thay đổi trong vài tháng tới hay sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều thập kỷ?
Kishore Mahbubani: Tôi cũng không biết khi nào Trung Quốc mới dỡ bỏ bức tường Corona. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn không co cụm. Bất chấp cuộc chiến thương mại của Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn tăng lên do xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng.
Stefan Aust: Giống như ông, tôi cho rằng số vụ bùng phát virus corona ở Đức và các nước khác cho thấy sự yếu kém của phương Tây trong việc chống lại đại dịch. Mặt khác, chiến lược zero-covid của Trung Quốc đang gây ra thiệt hại lớn, không chỉ cho nền kinh tế, mà hơn hết là cho sự giao lưu giữa con người với nhau và giao lưu về văn hóa.
Dường như ở Trung Quốc không có vụ bùng phát corona lớn nào như ở nước chúng tôi. Nhưng họ có quyền kiểm soát các con số, thực tình tôi không tin vào những số liệu chính thức được công bố. Kinh nghiệm của Úc và New Zealand, những quốc gia cũng đã tự phong tỏa mình, cho thấy các vụ lây nhiễm vẫn lặp đi lặp lại ở đó. Covid là một loại virus sẽ tồn tại mãi mãi và chúng ta phải học cách sống chung với nó.
Kishore Mahbubani: Stefan, như ông bạn đã biết, có hai trường phái suy nghĩ về cách đối phó với Covid. Người phương tây nói phải chấp nhận căn bệnh này như một hiện tượng đặc hữu của xã hội chúng ta. Trong khi đó, người Trung Quốc đang cố gắng xóa sổ căn bệnh này bằng không. Singapore thiên về lối suy nghĩ của phương Tây. Và tôi rất vui vì Singapore đã mở cửa, vì vậy cuối cùng tôi đã có thể có chuyến du lịch Mỹ trong bốn tuần vào tháng 10. Vì vậy, về khía cạnh này, tôi thích kiểu tư duy phương Tây hơn, nhưng chúng ta phải chờ xem cuối cùng thì cách gì mang lại nhiều thành công hơn.
Stefan Aust: Tất cả chúng tôi đều lo ngại về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan. Có một mối đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, hay ít nhất là một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất mà thế giới từng trải qua. Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng mối quan hệ kinh tế chặt chẽ, đan xen với phương Tây sẽ giúp Trung Quốc tránh khỏi một cuộc chiến như vậy không?
Kishore Mahbubani: Về nhiều mặt, hiện nay Trung Quốc là tác nhân lý tính nhất trên trường quốc tế. Trung Quốc tính toán lợi ích quốc gia của mình hết sức thận trọng. Nhưng khi nói đến Đài Loan thì Trung Quốc không phải là một tay chơi theo lý trí, mà là tình cảm. Trung Quốc sẵn sàng trả một cái giá rất tốn kém về kinh tế và quân sự để giữ cho Đài Loan được an toàn. Ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với 10 năm suy thoái kinh tế đối với Trung Quốc, Trung Quốc sẽ chấp nhận điều đó nếu làn ranh đỏ của họ bị vượt qua, khi Đài Loan tuyên bố độc lập. Bởi vì điều đó sẽ nhắc nhở Trung Quốc về thế kỷ nhục nhã khi Nhật Bản thôn tính Đài Loan năm 1895 và tách hòn đảo này ra khỏi Trung Quốc.
Đó là lý do tại sao Trung Quốc không thể chấp nhận sự độc lập của Đài Loan. Tôi đảm bảo một trăm phần trăm với bạn rằng trong trường hợp đó Trung Quốc sẽ tuyên chiến với Đài Loan. Nếu sau đó Mỹ can thiệp để giúp Đài Loan, điều đó có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân. Khi đó chúng ta cũng sẽ chết, bởi vì mùa đông hạt nhân sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, đến tất cả thế giới.
Stefan Aust: Điều đó nghe quá ư bi thảm.
Kishore Mahbubani: Sẽ không có trường hợp đột nhiên có người ấn vào nút nguyên tử. Tôi sẽ cho ông bạn biết nó sẽ diễn ra như thế nào. Trung Quốc sẽ áp đặt lệnh phong tỏa đối với Đài Loan. Mỹ sẽ gửi tàu tới. Một tàu Trung Quốc va chạm với một tàu Mỹ, tàu này bị chìm, 150 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. Bây giờ Mỹ phải phản ứng vì 150 người Mỹ đã chết. Họ bắn một tên lửa để cảnh cáo. Trung Quốc đáp trả, tình hình cứ thế leo thang. Cảm giác của tôi là chính phủ Biden đã thực hiện một số kịch bản như vậy, và do đó đang quay trở lại với chính sách một Trung Quốc.
Có một giải pháp đơn giản: Chúng ta đã có 50 năm hòa bình bởi vì chúng ta chấp nhận mọi sự mơ hồ và không tìm kiếm một sự rõ ràng. Hãy để mọi thứ như nó vốn có! Hãy kiên trì chính sách một Trung Quốc. Và đồng thời, Mỹ có thể có quan hệ không chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên nếu xảy ra một cái gì đó nhằm thay đổi hiện trạng này, thì sẽ tạo ra sự kích hoạt đối với một loạt sự kiện mà người ta không còn có thể kiểm soát được nữa.
Stefan Aust: Nhưng bản thân ông Tập cũng đang tìm cách thay đổi hiện trạng này. Trong quá khứ, sự thống nhất với Đài Loan là một chủ đề cho các bài phát biểu tại các buổi lễ ở Trung Quốc, cũng như sự thống nhất của Đức trong những năm 1970 và 1980. Không ai nghiêm túc tin vào chuyện đó. Nhưng những luận điệu của Tập Cận Bình trong suốt cuộc đời tại vị của ông tạo ấn tượng Đài Loan sẽ được đưa “về với Đế chế”, vì vậy người ta gần như buộc phải nghĩ đến chuyện ông sẽ nắm quyền trong một thời gian dài. Giờ xin nói một cách nghiêm túc: ông ta đang khuấy động kỳ vọng của người dân Trung Quốc mà đến một lúc nào đó điều này phải được thực hiện.
Kishore Mahbubani: Có thể ngày mai khi thức dậy nghe tin Tập Cận Bình tuyên bố xâm lược Đài Loan. Nhưng người Trung Quốc tin rằng cách tốt nhất để giành thắng lợi trong một cuộc chiến là không phải chiến đấu. Là những người am hiểu đầy khôn ngoan về địa chính trị họ sẽ tính toán một cách thận trọng với niềm tin chắc chắn Trung Quốc sẽ là cường quốc kinh tế số một vào khoảng năm 2030, khi đó các quốc gia khác sẽ ngoan ngoãn, biết vâng lời hơn đối với họ. Sau đó, họ sẽ hái quả Đài Loan, khi đó nó đã chín. Vậy thì cơn cớ gì họ phải vội vàng? Nhưng nếu Trung Quốc có cảm giác có ai đó đang tìm cách thay đổi tình hình và công nhận nền độc lập của Đài Loan, thì họ hành động ngay lập tức.
Stefan Aust: Có một điều chắc chắn là chúng ta phải sống với suy nghĩ rằng Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia hùng mạnh nhất trên thế giới, ít nhất là về mặt kinh tế. Miễn là chúng ta tránh được chiến tranh và chỉ cạnh tranh một cách hòa bình, được như thế là tốt nhất. Chúng ta phụ thuộc vào nhau, Đức bán ô tô cho Trung Quốc và sử dụng điện thoại di động và máy tính được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng, so với hiện nay, trong cuộc cạnh tranh này chúng ta phải tạo ra một hình ảnh sáng láng hơn. Hiện tại chúng ta chỉ tập trung vào biến đổi khí hậu và các thảm họa khác mà quá ít tập trung vào sự phát triển nền kinh tế và hệ thống giáo dục của chúng ta.
Kishore Mahbubani: Ông bạn vừa đề cập đến một điều mà ở Mỹ không một ai dám nói ra, đó là Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số một thế giới. Điều này người ta có thể cá cược vì chỉ cần làm một phép tính đơn giản. Chỉ cần nhìn vào tốc độ tăng trưởng khoảng 7% của Trung Quốc, thì vấn đề đặt ra không phải là nếu, mà chỉ là câu hỏi về thời gian. Ở Mỹ, không có chính trị gia nào dám đề cập tới sự thật này. Nếu ai đó ở Mỹ thừa nhận rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ, sinh mệnh chính trị của người đó coi như không còn.
Không có nhận xét nào