Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc triệu đại sứ Nhật để phản đối phát biểu của cựu thủ tướng Abe
Ảnh trên màn hình: cựu thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu nhân một cuộc họp tại Đài Bắc (Đài Loan), ngày 01/12/2021. © Kyodo News via AP
Tuyên bố của cựu thủ tướng Nhật rằng Tokyo và Washington không để yên cho Trung Quốc xâm lấn Đài Loan gây sóng gió trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Tối 01/12/2021 bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh lên để phản đối phát biểu của ông Shinzo Abe.
Hãng tin Pháp AFP cho biết: Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong cuộc "họp khẩn" với đại sứ Nhật tại Bắc Kinh ông Hideo Tarumi, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Bắc Kinh "cực lực phản đối" việc Nhật Bản "can thiệp trắng trợn" vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh dấy lên sau khi cựu thủ tướng Shinzo Abe phát biểu qua cầu truyền hình việc Trung Quốc xâm lược Đài Loan đe dọa đến an ninh Nhật Bản. Do vậy, Tokyo cũng như Washington sẽ không khoanh tay đứng nhìn Đài Loan bị thôn tính. Cựu thủ tướng Shinzo Abe nói thêm Hoa lục và nhất là chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình "không nên quên điều đó".
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc xem lời lẽ của ông Abe là hoàn toàn "sai lệch" và "vi phạm nghiêm trọng đến nguyên tắc then chốt trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản". Vẫn theo bà Hoa Xuân Oánh, lập trường của cựu thủ tướng Abe "công khai gây tổn hại cho chủ quyền của Trung Quốc và hưởng ứng một cách bỉ ổi phe đòi độc lập cho Đài Loan".
Hãng tin Anh Reuters cho biết Bắc Kinh nói rõ với đại sứ Nhật Bản rằng "không có quyền và không tư cách nào để đưa ra những lập luận vô trách nhiệm như trên về Đài Loan".
Về phản ứng của Tokyo, Reuters cho biết chánh văn phòng của phủ thủ tướng Nhật, ông Hirokazu Matsuno không tán đồng phản ứng của Bắc Kinh bởi vì cựu thủ tướng Abe không còn là thành viên chính phủ.
Tuy nhiên đại sứ Nhật tại Trung Quốc giải thích, Hoa lục cần biết rằng tại Nhật Bản, "mọi người được quyền có những ý kiến khác nhau và Nhật Bản không thể chấp nhận quan điểm một chiều của Trung Quốc".
Theo giới quan sát, Trung Quốc càng lúc càng khó chịu về quan điểm của Nhật ủng hộ Đài Loan. Hơn thế nữa trong tuần, Lầu Năm Góc tiết lộ kế hoạch nâng cấp và mở rộng một số căn cứ quân sự trên đảo Guam và tại Úc.
LHQ trì hoãn giải quyết yêu cầu thay đại sứ của Taliban và Myanmar
Logo của Liên hiệp quốc.
Một uỷ ban quan trọng của Liên hiệp quốc ngày 1/12 quyết định trì hoãn hành động đối với yêu cầu của nhà cầm quyền quân sự Myanmar và phe cầm quyền Taliban ở Afghanistan muốn cử đại diện của họ tới Liên hiệp quốc gồm 193 nước thành viên.
Loan báo từ chủ tịch Ủy ban Chứng nhận, cơ quan chịu trách nhiệm chứng nhận đại diện ngoại giao của các nước tại Liên hiệp quốc, có nghĩa là hai đại sứ từ hai chính quyền cũ ở Myanmar và Afghanistan vẫn tiếp tục duy trì phận sự.
Đại sứ của Thuỵ Điển tại Liên hiệp quốc, Anna Eneström, cho báo giới biết sau cuộc họp kín với uỷ ban gồm 9 thành viên mà bà chủ trì rằng ‘uỷ ban hoãn quyết định về chứng nhận trong hai trường hợp này.’
Vẫn theo bà, uỷ ban chưa lên lịch họp kế tiếp và cũng không cho biết vấn đề chứng nhận đại diện ngoại giao cho Myanmar và Afghanistan sẽ được trì hoãn tới bao lâu.
Nhà cầm quyền quân sự Myanmar tìm cách thay thế đại sứ của nước này tại Liên hiệp quốc là ông Kyaw Moe Tun, người phản đối cuộc đảo chính hôm 1/2 mà qua đó phe quân sự đã lật đổ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi để chiếm quyền. Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin hồi tháng 7 cho biết đã bị sa thải và ông Aung Thurein được đề bạt làm đại sứ Myanmar tại Liên hiệp quốc.
Taliban tìm cách thay thế đại sứ Ghulam Isaczai của cựu chính quyền Afghanistan mà Taliban đã lật đổ hôm 15/8. Taliban muốn đưa ông Mohammad Suhail Shaheen làm đại diện cho họ tại Liên hiệp quốc, thay ông Isaczai.
Quyết định của Ủy ban Chứng nhận trì hoãn hành động có nghĩa là hai ông Thurein và Shaheen chưa được vào thế chỗ, ít nhất là vào lúc này.
Các thành viên của Ủy ban Chứng nhận bao gồm Thuỵ Điển, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Bahamas, Bhutan, Chile, Namibia và Sierra Leone.
Tình hình lây nhiễm biến thể Omicron
Chưa đầy một tuần sau khi Nam Phi cảnh báo thế giới về một biến thể mới đáng lo ngại của covid-19, Omicron, ít nhất 25 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm. Omicron chỉ đang lây nhiễm rộng rãi ở Nam Phi; nó có thể chỉ tình cờ phát triển ở đây, sau khi đến từ một nước khác. WHO hy vọng sẽ có nhiều nước phát hiện các trường hợp mắc bệnh từ trước Nam Phi khi họ phân tích các mẫu virus đang tồn đọng.
Hơn 50 nước đã đưa ra các hạn chế đối với du lịch quốc tế. Vào thứ Năm, các nhà lãnh đạo quốc gia và bang của Đức sẽ quyết định xem có nên áp đặt các hạn chế đối với sinh hoạt công cộng hay không. Các nước khác cũng có kế hoạch tương tự. Nếu Omicron lây lan nhanh hơn Delta (biến thể được tìm thấy trong hầu hết các ca nhiễm trên thế giới hiện nay), các biện pháp như vậy sẽ chỉ làm chậm gia tăng ca nhiễm trong vài tuần. Các bằng chứng cho thấy liệu nó có mạnh hơn Delta hay không vẫn đang được củng cố. Mọi con mắt đang đổ dồn về Nam Phi, nơi các nhà khoa học đang miệt mài nghiên cứu để đưa ra câu trả lời.
Quân đội Ethiopia chật vật chiến đấu với quân nổi dậy Tigray
Mới 11 tháng trước thủ tướng Ethiopia còn đang ăn mừng chiến thắng trong cuộc nội chiến diễn ra chưa đầy một tháng. Để trấn an các đồng minh nước ngoài lo ngại xung đột kéo dài, Abiy Ahmed đã hứa nhanh chóng kết thúc hoạt động quân sự chống lại Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, phe đang cai trị vùng Tigray, cũng là bên nắm chính quyền trung ương trong nhiều thập niên trước.
Giờ đây ông Abiy phải đấu tranh để tồn tại, theo đúng nghĩa đen. Theo phương tiện truyền thông nhà nước Ethiopia, ông đang trực tiếp dẫn quân trên chiến trường trong một nỗ lực kịch tính nhằm đảo ngược đà tiến của phiến quân về phía thủ đô Addis Ababa. Phía sau ông là hai người hùng Olympic của Ethiopia, Haile Gebreselassie và Feyisa Lilesa, đều là những vận động viên chạy đường dài, cho biết sẵn sàng ra trận. Trong những ngày gần đây, chính phủ liên bang được cho là đã chiếm lại một loạt thị trấn nhỏ, trong đó có ít nhất hai nơi Abiy đang chiến đấu. Ít nhất thì tin này sẽ giúp nâng cao tinh thần.
Dân số châu Âu già đi và suy giảm
Người châu Âu đang già đi và trong những thập niên tới dân số sẽ giảm, đặc biệt là vì họ ngày càng có ít con hơn. Các chuyên gia dân số và các quan chức chính phủ sẽ họp ngày thứ hai tại Sofia, thủ đô Bulgaria, vào thứ Năm, để thảo luận về tình hình nhân khẩu học của lục địa này. Dân số Đông Âu (bao gồm cả Nga) là 300 triệu người vào năm 2000 nhưng dự kiến sẽ giảm xuống còn 250 triệu vào năm 2075. Dân số Bulgaria đạt đỉnh 8,9 triệu vào năm 1988 và hiện là 6,9 triệu.
Những con số thống kê này có thể làm kinh ngạc một số người, nhưng không phải với các quan chức tại Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, ban tổ chức của sự kiện. Họ lập luận “đã đến lúc bỏ lại phía sau câu chuyện lo lắng và diệt vong.” Các thế hệ già hơn có thể là một trong những tài nguyên chưa được khai thác lớn nhất của lục địa. Thách thức là đảm bảo người châu Âu không chỉ sống lâu hơn mà còn duy trì được sức khỏe dài hơn. Giờ không còn phải nói về vấn đề lão hóa như là một quả bom dân số, hãy chào đón “nền kinh tế tóc bạc”.
Tình hình ảm đạm của kinh tế Brazil
Brazil có thể chính thức bước vào một cuộc suy thoái (hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp) vào thứ Năm, khi số liệu GDP quý ba được công bố. Nền kinh tế giảm 0,1% trong quý II. Bản tóm lược về tình hình GDP do Ngân hàng Trung ương công bố vào tháng 11 dự đoán mức giảm 0,1% trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9.
Mọi thứ trông kém sáng sủa hơn nhiều so với hồi đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,9% trong tháng 3 xuống 12,6% vào tháng 9, nhưng lạm phát vượt 10% trong mười hai tháng tính đến tháng 10. Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã vượt giới hạn chi tiêu của đất nước và tăng các khoản tài trợ chính phủ, trong bối cảnh bầu cử tổng thống vào năm tới. Nợ công hiện lên tới hơn 80% GDP, một tỷ lệ khiến thị trường lo lắng. Các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP 4,8% trong năm 2021, phần lớn bù đắp cho năm 2020. Nhưng Itaú Unibanco, một trong những ngân hàng lớn nhất Brazil, lại dự đoán GDP giảm 0,5% trong năm 2022.
Cố vấn hàng đầu của bà Kamala Harris từ chức trong bối cảnh xếp hạng tín nhiệm của Phó Tổng thống Mỹ lao dốc
Symone Sanders, cố vấn cấp cao và là người phát ngôn chính của Phó Tổng thống Harris, sẽ rời khỏi văn phòng Phó Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Quyết định này được giới truyền thông quan tâm bởi nó xuất hiện trong bối cảnh văn phòng Phó Tổng thống Mỹ có nhiều xáo trộn sau khi xếp hạng tín nhiệm của bà Harris và ông Biden xuống mức thấp nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.
Bà Sanders, cố vấn cấp cao, trợ lý thứ hai của Phó tổng thống Harris, đã chính thức thông báo về việc bà sẽ rời văn phòng trong tháng 12/2021. Chỉ hai tuần trước, có thông tin cho rằng Giám đốc Truyền thông Ashley Etienne của Phó tổng thống Harris đã từ chức. Xáo trộn nhân sự hàng đầu ở văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh Phó tổng thống bị chỉ trích về năng lực và xếp hạng tín nhiệm tụt dốc.
Theo Fox News, bà Symone đã phục vụ danh dự trong 3 năm. Bà từng là thành viên đắc lực trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của ông Joe Biden. Sau đó, bà phục vụ trong nhóm chuyển tiếp của tổng thống Mỹ. Hiện tại bà là phó trợ lý, cố vấn cấp cao của Phó Tổng thống. Bà Saymone cũng là người phát ngôn chính thức của Phó Tổng thống.
Bà Sanders rời khỏi Nhà Trắng trong bối cảnh nhiều quan chức truyền thông từ chức. Các nhà quan sát và phương tiện truyền thông ám chỉ rằng đây có thể là do kết quả xếp hạng tín nhiệm tệ nhất trong lịch sử của các đời tổng thống Mỹ với ê kíp Harris – Biden.
Gần đây, bà Emma Riley, quan chức truyền thông Nhà Trắng, cho biết sẽ từ bỏ chức vụ ở văn phòng của ông Biden. Bà Riley sẽ chuyển sang làm việc tại Bộ Lao động. Bà Riley không tiết lộ lý do từ chức. Tuy nhiên, bà cho biết công việc mới có liên quan đến kế hoạch tái thiết nước Mỹ của ông Joe Biden.
Việc quan chức truyền thông của Nhà Trắng liên tiếp từ chức thu hút sự chú ý của báo giới; điều này xảy ra sau khi xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mất điểm mới. Điều tương tự xảy ra với Phó Tổng thống Mỹ. Bà Harris bị chỉ trích là không xử lý được các vấn đề được giao phó; ví dụ như xử lý khủng hoảng nhập cư trái phép ở biên giới phía Nam. Bà Harris bị chỉ trích là không hề thị sát tình trạng khủng hoảng nhập cư biên giới phía Nam. Bà cũng bị Đảng Cộng hoà cáo buộc về việc không đưa ra bất kỳ giải pháp nào.
Các quan chức cho biết Sanders sẽ làm việc hết tháng 12/2021.
Khảo sát: Đa số người Mỹ coi ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất
Ảnh chụp màn hình Soundofhope.
Một cuộc thăm dò của Viện Ronald Reagan cho thấy, hầu hết người Mỹ coi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa lớn nhất và lo lắng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xảy ra chiến tranh, theo Epoch Times.
Báo cáo của Viện Reagan cho biết, khi được hỏi quốc gia nào đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ, 52% người Mỹ cho rằng đó là Trung Quốc, 14% nói rằng đó là Nga.
Kết quả này cho thấy sự thay đổi lớn trong nhận thức của người Mỹ. Trong cuộc khảo sát năm 2018, 30% người Mỹ tin rằng Nga là mối đe dọa lớn nhất và chỉ 21% cho rằng đó là Trung Quốc.
Khảo sát của Viện Reagan cũng thể hiện rằng người của cả hai đảng, Cộng hòa và Dân chủ, đều đồng ý ĐCSTQ là mối đe dọa. Cụ thể 44% người ủng hộ đảng Dân chủ và 64% người ủng hộ đảng Cộng hòa cùng chi sẻ quan điểm về mối đe dọa Trung Quốc.
Đối với người ủng hộ Đảng Dân chủ, thống kê cho thấy họ đã có thay đổi rất nhiều về nhận thức với ĐCSTQ, vì vào tháng 2 năm nay, chỉ có 20% số người ủng hộ Đảng Dân chủ tin rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất.
Báo cáo của Viện Ronald Reagan chỉ ra rằng người Mỹ lo lắng về tác hại của ĐCSTQ đối với mọi mặt. Trong số những người tham gia các cuộc thăm dò, 20% lo lắng về các hoạt động kinh tế và thương mại, 19% lo lắng về việc mở rộng quân sự và 17% lo lắng về các vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.
Người ủng hộ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều coi “yếu tố kinh tế” là nguyên nhân đầu tiên khiến họ lo lắng. Người ủng hộ Đảng Cộng hòa coi “mở rộng quân sự” là yếu tố thứ hai, trong khi người ủng hộ Đảng Dân chủ chú ý nhiều hơn đến “vi phạm nhân quyền”.
Đồng thời, 71% người Mỹ lo lắng rằng một cuộc xung đột quân sự tiềm tàng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể dẫn đến chiến tranh.
Roger Zakheim, giám đốc Viện Reagan, nói rằng số lượng người Mỹ tin rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất tăng lên đáng kể cho thấy mức độ nguy hại của thế lực này.
Cuộc thăm dò này cũng cho thấy rằng nếu ĐCSTQ xâm lược Đài Loan, hầu hết người Mỹ đều ủng hộ một phản ứng mạnh mẽ từ chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, người Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về sức mạnh quân sự và sự không chắc chắn trong vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ. 59% số người được phỏng vấn tin rằng Hoa Kỳ đang đi sai hướng.
Không có nhận xét nào