Thượng đỉnh vì dân chủ: Phó TT Mỹ Harris thúc giục Quốc Hội hành động/ RFI
Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về dân chủ diễn ra từ 09 đến 10.12 nhằm mục đích là cơ hội để các nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia xã hội dân sự từ khoảng 110 quốc gia tăng cường hợp tác chống tham nhũng và thúc đẩy tôn trọng nhân quyền, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi thế giới bảo tồn các giá trị chung: “Chúng ta phải đứng lên đấu tranh cho công lý, luật pháp, tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
Để thực hiện được đòi hỏi đó, vào ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh, Biden đã công bố kế hoạch chi tới 424 triệu đô la trên toàn thế giới để hỗ trợ các phương tiện truyền thông độc lập, tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, và hỗ trợ sự nổi lên của phụ nữ trong các vai trò lãnh đạo.. Biden công bố kế hoạch được gọi là “sáng kiến đổi mới dân chủ” này kèm theo lời kêu gọi các nguyên thủ quốc gia và chính phủ hợp tác với ông để đảo ngược điều mà ông mô tả là sự suy giảm dân chủ đáng báo động trên toàn thế giới: “Liệu chúng ta có cho phép sự thoái trào về quyền và dân chủ tiếp tục như một bánh xe lăn không thắng?”, Biden đưa ra câu hỏi “Hay chúng ta sẽ cùng nhau – cùng nhau – có một tầm nhìn (…) và lòng dũng cảm để một lần nữa dẫn đầu cuộc hành trình vì sự tiến bộ của con người và tự do của con người về phía trước?”
Tự đánh giá, ông Biden phóng cái nhìn vào nước Mỹ khi nhấn mạnh rằng ngay cả những nền dân chủ lâu đời như Mỹ cũng không tránh khỏi những thách thức. “Ở đây tại Mỹ, chúng tôi cũng biết như những người khác rằng, phải đòi hỏi nỗ lực không ngừng để đổi mới nền dân chủ và củng cố các thể chế dân chủ của chúng tôi.”
Là một đồng minh quan trọng của Mỹ, tân Thủ tướng Liên bang Đức dù chỉ mới nhậm chức một ngày, Olaf Scholz cũng đưa ra lời tuyên bố trong hội nghị: “chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy cánh hữu ngày càng gia tăng, cũng như các chiến dịch sai lệch thông tin và ngôn từ kích động thù địch, chúng ta phải củng cố các thể chế dân chủ của chính mình trong và ngoài nước. Nhưng chúng ta cũng phải chứng minh rằng các hệ thống dân chủ phục vụ các nhu cầu và quyền của mọi người một cách hiệu quả và bền vững hơn.”
Vào thứ Sáu kết thúc hội nghị, Biden gửi bài phát biểu bế mạc của mình đến các nhà lãnh đạo toàn cầu và các nhóm xã hội dân sự tại hội nghị thượng đỉnh, dù không nêu tên Trung Quốc và Nga, với nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ và các đồng minh cùng chí hướng phải cho thế giới thấy rằng các nền dân chủ là một mô hình xã hội tốt hơn nhiều so với các chế độ chuyên quyền. Đó là một phần trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Biden, mà ông hứa sẽ hướng ngoại hơn khi so sánh với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Donald Trump.
Dù mục đích Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ được thế giới tán thành nhưng một một vài chỉ trích bất lợi cũng được đưa ra do khi nhìn vào danh sách các quốc gia được mời: như Trung Quốc, Nga, Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Cuba không được mời trong khi đó Biden lại mời Brazil, Ba Lan và Philippines, đây những nước mà chính phủ của họ cần phải biện minh cho quốc tế về việc vi phạm các nguyên tắc dân chủ. của họ. Trong số các quốc gia Trung Đông, chỉ có Israel và Iraq được mời trong khi các đồng minh truyền thống của Mỹ trong khu vực như Ai Cập, Ả Rập Xê-út, Jordan, Qatar và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã vắng mặt trong danh sách.
Ngay trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh, Trung quốc và Nga đã có những phản ứng dữ dội. Các đại sứ của Trung Quốc và Nga tại Mỹ đã cho rằng chính phủ Biden có “tâm lý Chiến tranh Lạnh”, muốn thúc đẩy các cuộc đối đầu ý thức hệ và làm gia tăng rạn nứt trên thế giới. Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov cho biết: “Mỹ thích tạo ra các đường phân chia mới và phân chia các quốc gia theo những gì họ coi là quốc gia tốt và xấu” cũng như cho rằng, Washington đang cố gắng “tư nhân hóa” khái niệm dân chủ.
Riêng Trung Quốc nỗi điên lên khi Đài Loan được Mỹ mời tham dự Hội nghị Thượng Đỉnh Dân chủ như một quốc gia chính thức. Nỗi điên vì từ lâu nay Trung quốc vẫn luôn luôn tuyên bố, Đài loan hòn đảo tự quản là một phần lãnh thổ của mình, nếu cần thiết, cần được thống nhất với đất liền bằng bạo lựcquân sự và từ chối cho phép nước này tự ý duy trì liên lạc với các chính phủ nước ngoài.
Phương Tôn
Tháng 12. 2021
Thượng đỉnh vì dân chủ: Phó TT Mỹ Harris thúc giục Quốc Hội hành động
Phan Minh/ RFI
10/12/2021
Ảnh minh họa: Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Nhà Trắng, Washington, ngày 07/12/2021. AP - Manuel Balce Ceneta
Hội nghị thượng đỉnh vì dân chủ, do Nhà Trắng tổ chức theo hình thức trực tuyến, sẽ tiếp tục vào hôm nay 10/12/2021. Hôm qua, phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đã có bài phát biểu kết thúc ngày thảo luận đầu tiên và bà nhấn mạnh còn rất nhiều gian nan ở phía trước.
Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :
Nền dân chủ không hoàn hảo và có thể được cải thiện. Hoa Kỳ cũng không phải là ngoại lệ. Ngày nào chúng ta cũng nghe nói về cuộc tấn công vào điện Capitol ngày 6 tháng 1. Các luật hạn chế quyền bỏ phiếu, đặc biệt là đối với các nhóm thiểu số, đang gia tăng ở các tiểu bang theo đường lối bảo thủ. Hành Pháp tố cáo các luật địa phương này và đã khiếu nại trước tòa. Nhưng đối với bà Kamala Harris, cần phải đi xa hơn :
Bà Harris cho biết : “Quốc Hội Mỹ phải hành động. Hiện đang có 2 dự luật được trình ra Quốc Hội. Với 2 dự luật này, chúng ta có thể đảm bảo rằng mọi công dân Mỹ có quyền bầu cử đều có thể bỏ phiếu và lá phiếu của họ sẽ được tính trong một cuộc bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Hôm nay, khi thế giới đang nhìn chúng ta, tổng thống và tôi nhắc lại lời kêu gọi để những dự luật này nhanh chóng được thông qua. Chúng tôi biết là những gì chúng tôi đang làm sẽ giúp chúng tôi mạnh mẽ hơn khi đối mặt với thế giới bên ngoài”.
Vấn đề là với thủ tục tại Quốc Hội Mỹ, đặc biệt là tại Thượng Viện, đảng Dân Chủ sẽ cần nhiều phiếu hơn so với số ghế của họ. Những kế hoạch đó vẫn đang bị đình trệ và chính quyền Biden khó có thể trưng ra những tiến bộ tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Dân Chủ lần tới dự kiến vào năm 2022, năm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ.
Không có nhận xét nào