Header Ads

  • Breaking News

    Hoàng Quốc Dũng - Tuyên bố bản quyền với ‘Tiến quân ca’ ...

    Tác giả hiện sống tại Paris

    Nguồn hình ảnh, GIUSEPPE CACACE/AFP via Getty Images/Chụp lại hình ảnh,

    Hình minh họa cầu thủ Việt Nam hát quốc ca trước trận đấu

    "Có thể thấy rõ là tất cả những tuyên bố về bản quyền (dưới bất cứ dạng nào) đối với bản 'Tiến quân ca' đều vô nghĩa".

    Tối 6/12, trong trận đấu bóng đá giữa Việt Nam - Lào, kênh YouTube Next Sports phát trực tiếp các cầu thủ Việt Nam đang hát quốc ca nhưng không có tiếng, kèm dòng chữ chạy trên màn hình: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".

    Tranh luận về bản quyền ca khúc và bản quyền thu âm bài quốc ca Việt Nam, gồm cả nhạc và lời do một công ty sản xuất, đang là vấn đề gây tranh cãi.

    Năm 2016, gia đình cố nhạc sỹ Văn Cao đã chính thức hiến tặng ca khúc 'Tiến quân ca' cho nhà nước và nhân dân Việt Nam.

    BBC News Tiếng Việt giới thiệu phân tích của ông Hoàng Quốc Dũng, người từng 27 năm làm trong lĩnh vực bản quyền âm nhạc ở một trong những cơ quan bản quyền lớn nhất thế giới là SACEM của Pháp.

    Nhân vụ lộn xộn về bản quyền của bài "Quốc ca" - "Tiến quân ca" đang gây bức xúc lớn ở trong nước, với tư cách là người vừa mới "gác bàn phím" trong lĩnh vực này sau 27 năm công tác liên tục ở một trong những cơ quan bản quyền lớn nhất thế giới là SACEM của Pháp, tôi viết bài này để làm sáng tỏ những nét cơ bản của chuyện bản quyền, từ đó có thể phân biệt ai đúng ai sai.

    Nói thêm, ở đây, tôi cũng sẽ chỉ cố gắng nói đến các phần có thể liên quan đến sự kiện trên.

    Các cơ quan bản quyền trên thế giới đều nằm trong, tạm dịch, Hiệp hội Bản quyền Quốc tế, La CISAC (la Confédération Internationale des Sociétés d'Auteurs et Compositeurs). Những nguyên tắc cơ bản về bản quyền của các nước trong hiệp hội là giống nhau và Việt Nam cũng đã là thành viên của CISAC. Vậy trước tiên là đừng có nói "luật của chúng tôi khác".

    Để cho dễ diễn đạt, tôi lấy SACEM làm thí dụ.

    Khi một nhà soạn nhạc sáng tác một bản nhạc, để bản nhạc có bản quyền, ông ta phải đến đăng ký bản quyền ở SACEM, tức là nộp bản gốc. Sau một thời gian xét duyệt để biết là không phải đạo nhạc, v.v..., SACEM công nhận bản quyền của bản nhạc này và SACEM có nghĩa vụ phải bảo vệ bản quyền của nó, phải thu tiền bản quyền của nó để trao lại cho nhà soạn nhạc.

    1. Như vậy, bản quyền chỉ có khi được một cơ quan bản quyền hợp pháp công nhận.

    Trường hợp bản quyền khác liên quan như phối âm, phối khí, thậm chí thay đổi một chút cả phần lời và nhạc thì sao?

    Không ít các bài bản nhạc gốc được thay đổi một chút lại bán chạy hơn (tạm gọi là bản phối). Trong trường hợp như vậy, tác giả của bản phối cũng phải làm một động tác tương tự như tác giả của bản gốc, tức là cũng phải mang đến SACEM để được xét duyệt và công nhận bản quyền.

    Nhưng, cái "nhưng" này vô cùng quan trọng đây: khi bản phối đó có tạo ra bản quyền thì tác giả của bản phối chỉ được hưởng 1/12 bản quyền, còn 11/12 trả cho tác giả bản gốc. "Các chú cứ chế, anh cứ nhận".

     


    Nguồn hình ảnh, Suhaimi Abdullah/NurPhoto via Getty Images

    Chụp lại hình ảnh,

    Trận đấu giữa Việt Nam - Lào tối 6/12

    2. Như vậy, bản quyền của bản phối cũng chỉ có được khi được cơ quan bản quyền công nhận.

    Khi nào thì hết bản quyền? Nói một cách vắn tắt nhất thì sau khi tác giả qua đời 70 năm thì hết bản quyền, tác phẩm trở thành tài sản chung của nhân loại, ai muốn chơi ở đâu cũng được, không phải trả tiền bản quyền nữa.

    Trường hợp nhà sản xuất đĩa hát hay các phương tiện khác (tạm gọi là các nhà sản xuất đĩa) thì sao?

    Các nhà sản xuất đĩa, trước khi ra đĩa, phải xin phép SACEM trước về nội dung của đĩa và số lượng phát hành. Trên cơ sở đó SACEM bắt nộp tiền bản quyền cho việc sản xuất đó. Xin nhấn mạnh là nhà đĩa hoàn toàn không có bản quyền với các bản nhạc trên đĩa, mà SACEM vẫn hoàn toàn có bản quyền với các bản nhạc. Nếu sử dụng đĩa đó ở nơi công cộng, bạn vẫn phải trả tiền bản quyền cho SACEM, mặc dù đã bỏ tiền mua đĩa.

    SACEM đương nhiên không có quyền thu bản quyền với các bản nhạc đã trở thành tài sản của nhân loại.

    3. Như vậy, bạn mua đĩa mà có bản nhạc hết bản quyền thì cứ thoải mái dùng ở bất cứ nơi đâu nhé. Nhà đĩa đừng có ấm ớ mà đòi tiền bản quyền.

    Trở lại với bài 'Tiến quân ca': gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến cho nhà nước, như vậy có thể coi bản nhạc này là tài sản chung rồi, không ai có quyền thu bản quyền.

    Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã được thành lập từ lâu rồi và đã hoạt động rất có hiệu quả, đã là thành viên của CISAC. Mọi vấn đề liên quan đến bản quyền phải do cơ quan này quyết định như tôi đã nói trong bài viết.

    Qua những điểm trên, có thể thấy rõ là tất cả những tuyên bố về bản quyền (dưới bất cứ dạng nào) đối với bản "Tiến quân ca" đều vô nghĩa. VPCMC không hề công nhận bản quyền của họ: bản thân bà Trần Thị Chiến là một lãnh đạo của VPCMC cũng đang rất bức xúc về vấn đề này.

    Các hãng nào đó đưa bản phối của họ lên YouTube và đòi bản quyền là vô lý vì họ làm gì có bản quyền được công nhận bởi VPCMC và hơn nữa, nói một cách tóm tắt nhất, quy tắc số 1 về bản quyền trên YouTube là bạn không có quyền đưa lên mạng các tác phẩm không phải của bạn hoặc không được phép.

    Các hãng nào đó đòi tiền bản quyền vì ai đó đã lấy (sử dụng) từ đĩa của họ cũng vô lý vì nhà đĩa không có bản quyền với nhạc ghi trên đĩa và hơn nữa bản nhạc này đã là của chung.

    Từ lâu rồi ở Việt Nam ta, người dân vẫn kêu ca rất nhiều về hệ thống luật pháp của Việt Nam là chồng chéo, luật không rõ ràng… Ca thán thì nhiều lắm không thể kể hết, nhưng đây là chuyện luật bản quyền rất rõ ràng và không có ảnh hưởng gì đến hệ thống chính trị của Việt Nam.

    Người ta có thể thông cảm cho nhà chức trách không rõ lắm về bản quyền nên vẫn chưa biết xử lý ra sao. Nhưng sau bài viết này của tôi một thời gian và về sau này vẫn còn các vụ tương tự không được giải quyết thì người dân lại có quyền nghi ngờ về các nhóm lợi ích đang hoành hành ở nước ta.

    Rất mong các nhà chức trách giải quyết dứt điểm. Người dân ở Việt Nam sẽ không thể nào hiểu nổi là một đất nước "chuyên chính vô sản", có thể làm được những chuyện tầy trời mà lại không thể xử lý được một chuyện cỏn con thế này.

    Ông Hoàng Quốc Dũng từng học ở Liên Xô cũ, sau làm phiên dịch tiếng Pháp ở Việt Nam trước khi sang học và định cư tại Pháp. Ông đã làm nhà báo cho đài RFI, rồi sau đó cho công ty SACEM. Hiện nghỉ hưu ở Paris.

    Bài đã được đăng trên trang Nhịp cầu thế giới online, có trụ sở tại Budapest, Hungary.

    BBC

    Không có nhận xét nào