Header Ads

  • Breaking News

    Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ Việt Nam Cộng hòa như thế nào?



    Hình: Frank Snepp trên nóc Toà Đại sứ Hoa Kỳ (cũ) tại Sài Gòn trước ống kính phóng viên BBC của Anh.

    Trong phần tiếp phỏng vấn với cựu phân tích gia chiến lược của CIA ở Nam Việt Nam, BBC hỏi ông Frank Snepp về câu chuyện Hoa Kỳ đã ‘bỏ rơi’ VNCH như thế nào từ sau Hoà đàm Paris 1973.

    Mỹ có phản bội hay bỏ rơi VNCH không, theo Frank Snepp, năm nay 78 tuổi, hiện sống tại California là một câu hỏi phức tạp đòi hỏi một câu trả lời cặn kẽ.

    Ông nhận định rằng việc bỏ rơi này khởi đầu với Henry Kissinger, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, và sau đó Gerald Ford.

    Frank Snepp: Kissinger đã bỏ rơi VNCH vì lý do chính trị. Tôi đặt tựa cho cuốn sách mình viết là ‘Decent Interval’ (Khoảng cách Coi được). Tựa đó nhắc đến sự kiện năm 1972, khi Kissinger đàm phán hòa bình, dẫn đến việc ngừng bắn, điều duy nhất ông quan tâm là đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc chiến, thoát khỏi vũng lầy xấu hổ. Kissinger muốn phải có một khoảng thời gian coi được giữa việc rút quân của Hoa Kỳ ra khỏi VN, và chiến thắng tất yếu sẽ đến của Cộng sản, để Hoa Kỳ không bị đổ lỗi cho việc thất trận.

    Khi Kissinger gặp Chu Ân Lai năm 1971 để sắp xếp cho chuyến công du bí mật của Nixon đến Trung Quốc, ông nói với Bắc Kinh rằng nếu có ngừng bắn ở Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ không tái can thiệp quân sự. Và chỉ cần có một khoảng thời gian hợp lý giữa cuộc ngừng bắn đến lúc Hoa Kỳ rút quân, và sự tiếp tục xâm lược của cộng sản, chúng tôi sẽ không quan tâm nếu đồng minh Bắc Việt của quý vị tấn công Nam VN, miễn là họ không tấn công ngay sau khi chúng tôi rút đi. Đó là khởi đầu của lý thuyết ‘Khoảng cách Coi được’ (Decent Interval) mà ngày nay nhiều người nhận định là sự phản bội VNCH của Hoa Kỳ.

    Kissinger đến Paris vào mùa hè năm 1972 để đàm phán với Lê Đức Thọ về những gì sau đó trở thành Hiệp định Hòa bình. Lúc đó Kissinger bàn với Nixon rằng nếu mọi thứ chỉ cần kéo dài đến tháng 10 tới, tức vài tháng nữa, hay nói cách khác, qua cuộc bầu cử tổng thống kế tiếp, thì sẽ không ai thèm quan tâm đến điều gì xảy ra cho VN một năm sau đó, tức 1974. Sẽ không ai còn quan tâm và Mỹ thì đã rút khỏi cuộc chiến từ lâu.

    BBC: Henry Kissinger đã thực sự đã bàn với Nixon như vậy? Làm sao ông biết được điều đó?

    Frank Snepp: Bởi vì Nixon đã ghi âm lại tất cả những cuộc trò chuyện này, và trong những năm gần đây, rất lâu sau khi tôi viết Decent Interval, băng ghi âm những cuộc trò chuyện đó được bạch hóa, nên bây giờ chúng ta có thể xác minh bằng chính lời của Kissinger và của Nixon, rằng quả thực họ đã chuẩn bị bỏ rơi VN vào năm 1972.

    Thật ra Kissinger đã đề cập điều này với Trung Quốc từ năm 1971, một năm trước khi Hoa Kỳ mở rộng quan hệ với nước này. Khi Kissinger đến Bắc Kinh, ông nói rằng chúng tôi sẽ giúp các bạn một tay, hãy cùng chúng tôi thu xếp để Nixon đến thăm Trung Quốc, hãy cùng nhau mở mang quan hệ.

    Điều này cũng dễ hiểu. Chiến tranh VN lúc ấy đang là một vấn đề lớn, Bắc Kinh là đồng minh của Hà Nội, vậy Nixon có thể cống hiến cho Bắc Kinh điều gì để khiến họ cởi mở hơn và trở thành bạn của Hoa Kỳ? Nixon có thể cho họ VN. Và nếu ai muốn có bằng chứng là Hoa Kỳ dưới thời Nixon và Kissinger đã bỏ rơi VNCH, thì đó là điều này, một bằng chứng rõ ràng.

    BBC: Vào thời điểm đó có ai khác biết về cuộc thảo luận này giữa Kissinger và Nixon không, thưa ông?

    Frank Snepp: Những gì Kissinger và Nixon thảo luận về VN vào thời điểm đó chỉ họ và những phụ tá biết, vì tất cả những điều này đều được Nixon cho ghi lại trên các cuốn băng bí mật của Nhà Trắng, nhưng nhiều năm sau mới được công bố rộng rãi. Việc thu băng bắt đầu bị lộ trong vụ bê bối Watergate. Và những cuốn băng này đã khiến ông và Kissinger, đặc biệt là Kissinger, bị lên án, vì Kissinger rất thẳng thắn trong các cuộc nói chuyện với Nixon vào mùa hè năm 1972, trước Hiệp định Paris. Kissinger nói với Nixon là chúng ta đang đàm phán cho một tình huống mà về cơ bản, chúng ta chỉ tìm cách thoát khỏi nơi này và không quan tâm đến những gì Bắc Việt làm, miễn là có một khoảng thời gian coi được giữa lúc chúng ta rút quân, thời điểm có cuộc ngừng bắn và Sài Gòn sụp đổ.

    Sau đó thì Sài Gòn có sụp đổ cũng chẳng sao.

    Không ai biết gì về những điều này, cho đến khi có một đột phá lớn vào tháng 10 năm 1972. Hoa Kỳ đồng ý với Lê Đức Thọ là sẽ không yêu cầu lực lượng Bắc Việt rời khỏi miền Nam. Nguyễn Văn Thiệu, tổng thống của đất nước bị ảnh hưởng bởi tất cả những điều này cũng không được biết. Ông Thiệu chỉ biết chuyện này vì Võ Văn Ba, gián điệp CIA bên trong bộ chỉ huy cộng sản đã phát hiện ra, qua các kênh riêng của ông, rồi báo cáo cho CIA và cho cảnh sát của VNCH. Vào tháng 10, ông Thiệu phát hiện ra là mình đã bị Kissinger bán đứng, và Hoa Kỳ hoàn toàn bằng lòng có Hiệp định Hòa bình mà không yêu cầu Bắc Việt rút quân khỏi miền Nam.

    BBC: Chắc chắn Kissinger không thể tự mình quyết định làm như thế, ông ấy phải làm theo lệnh của ai chứ, đúng không?

    Frank Snepp: Đúng thế. Kissinger và Nixon cùng nghĩ ra chiến lược bỏ rơi Việt Nam mà trên thực tế họ đã thực hiện. Năm 1969, Kissinger và Nixon đến nhậm chức tại Nhà Trắng. Họ là một cặp đôi, trong đó Nixon là tổng thống. Họ hứa đưa Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, đó là lời hứa với người dân Hoa Kỳ khi tranh cử. Tại một thời điểm nào đó Nixon nói rằng ông sẽ chấp nhận điều kiện ”ngừng bắn tại chỗ” để làm cơ sở cho các cuộc đàm phán.

    Ý của Nixon là gì? Dường như khi ông đề cập đến việc đó lần đầu, không ai nhận ra rằng ngừng bắn tại chỗ có nghĩa là bạn đứng yên, và kẻ thù cũng vậy. Điều đó có nghĩa là tất cả quân Bắc Việt ở miền Nam VN không phải rời đi, mà sẽ ở lại. Vì vậy, ngay từ năm 1969, bất cứ khi nào ý tưởng về một hiệp định hòa bình được thảo luận, Nixon đều tính đến một lệnh ngừng bắn tại chỗ. Điều đó có nghĩa là cho phép lực lược của phe địch hiện diện ở miền Nam, và đó là một công thức dẫn đến thảm họa.

    Công bằng mà nói, Nixon không có lựa chọn nào khác vì Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh bại được Bắc Việt, đã không buộc được họ ra khỏi miền Nam. Chúng ta không thể ném bom, chúng ta không thể ngăn chặn cuộc xâm nhập bởi Bắc Việt mỗi mùa khô lại gửi thêm từ 60.000 đến 100.000 quân tiếp viện vào miền Nam, thay thế những quân lính đã tử trận. Chừng nào điều đó còn xảy ra, trừ khi bạn dội bom lên miền Bắc, chiến tranh vẫn tiếp tục và bất cứ hiệp định hòa bình nào cũng phản ánh sự thật rằng chúng ta đã không đánh bại được kẻ địch.

    Tiện đây, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện này.

    Sau chiến tranh, tôi trở lại Việt Nam năm 1991 với tư cách là khách mời của BBC. Trong chuyến đi đó, tôi cùng một nhóm làm phim BBC đến Bộ chỉ huy cũ của lực lượng cộng sản thời chiến ở tỉnh Tây Ninh. Một số cán bộ mặc đồ đen, đeo huy chương kéo đến gặp anh chàng CIA đã trở lại VN này, ở ngay trong cái hang mà chúng tôi đã tìm cách làm cho nổ tung trong suốt cuộc chiến. Trong bữa ăn trưa gần Củ Chi, chúng tôi thảo luận, và đây là những gì một người cộng sản nói với tôi: ‘Các bạn Mỹ, chúng tôi không thể nào hiểu phản ứng của các bạn vào năm 1969, khi chúng tôi đang bị thương vong nặng nề sau Tết Mậu Thân 1968 và những trận tiếp theo.’

    Người này nói thêm: “Chúng tôi đã tổn thất quá nặng và không thể tiếp tục cuộc chiến với cường độ cao trong vòng hai năm. Tại sao các bạn không dội bom xuống các con đê ở Hà Nội?’ Nghe câu hỏi đó tôi đã phải nói với ông ta là ‘chúng tôi đã dự tính làm điều đó, nhưng Lầu Năm Góc quyết định rằng nếu làm thế chúng tôi sẽ giết chết rất nhiều thường dân Bắc Việt, và chúng tôi không thể thực hiện giải pháp đó vì lý do nhân bản và đạo đức.”

    Hoa Kỳ, tức chính quyền của Nixon, thường bị chỉ trích là vô đạo đức, đã không nhẫn tâm làm điều mà Bắc Việt chắc chắn sẽ làm nếu họ có lựa chọn đó. Nếu họ thể dội bom xuống miền Nam, bạn có nghĩ là họ sẽ làm không? Hoa Kỳ thì không.

    Trong cuộc thảo luận đó, tôi nhớ đã không thể tin được là họ đã phân tích đúng vấn đề của Hoa Kỳ: Chúng tôi không tàn nhẫn đủ. Nếu năm 1969 chúng tôi dội bom lên đê điều ở Hà Nội thì có thể cũng không thắng, nhưng chắc chắn sẽ làm chậm lại cuộc chiến. Những người Cộng sản mà tôi tiếp xúc sau chiến tranh xác nhận điều này, rằng Hoa Kỳ đã có thể đẩy cuộc chiến vào thế bế tắc. Nhưng chúng tôi không làm thế, và bỏ lỡ cơ hội.

    Thay vào đó, Nixon rút lực lượng Mỹ ra khỏi VN theo nguyện vọng của người dân Mỹ và đưa quân VNCH ra tiền tuyến, thay cho những người Mỹ đang rút đi. Chính sách ‘Việt Nam hóa’ chiến tranh đó không hữu hiệu, vì quân đội VNCH lúc ấy không thể làm được những gì Hoa Kỳ đã làm khi không còn sức mạnh của không quân Mỹ và viện trợ của Mỹ. Quân đội VNCH chưa sẵn sàng để chiến đấu một mình.

    Tôi luôn cảm thấy rằng một trong những sai lầm lớn nhất của Hoa Kỳ là chờ đến năm 1969 mới Việt Nam hóa chiến tranh. Việt Nam hóa lẽ ra phải được bắt đầu ngay từ lúc quân đội Mỹ vào Việt Nam. Bởi vì quân đội VNCH cho đến năm 1963, 64 được huấn luyện rất kỹ về chiến thuật của Pháp, từ những cố vấn Pháp. Và họ học cách đánh các trận đánh quy mô cấp tiểu đoàn, trong đó đơn vịcủa họ là tiểu đoàn chiến đấu với các tiểu đoàn khác, đó là cách người Pháp đánh trận.

    Cộng sản, trong khi đó, áp dụng chiến thuật du kích. Khi bắt đầu chính sách Việt Nam hóa năm 1969, Kissinger nghĩ đó là một chính sách tốt, nhưng đã quá trễ. Và cuối cùng thì Kissinger chỉ muốn mua một khoảng thời gian cho quân đội Mỹ rút ra khỏi VN, để sau đó khi Sài Gòn thất thủ thì không ai đổ lỗi cho Hoa Kỳ, khiến Kissinger và chính quyền Nixon không bị xấu hổ.

    BBC: Nhưng tại sao Hoa Kỳ, là đồng minh của VNCH, không đợi cho quân đội VNCH sẵn sàng chiến đấu rồi mới rút quân?

    Frank Snepp: Trong một cái nhìn toàn cảnh hơn, bạn có thể đổ lỗi cho người Mỹ về điều đó. Bạn có thể đổ lỗi cho Hoa Kỳ đã rút lực lượng của họ ra khỏi VN ở thời điểm mà họ đã làm, trước khi VNCH sẵn sàng. Nhưng các động lực chính trị ở Hoa Kỳ thời đó không cho phép những quân lính Mỹ ở lại Việt Nam, điều đó đơn giản là không thể xảy ra.

    Những người cho rằng Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam vì đã không viện trợ đủ cho VNCH trong thời gian ngừng bắn, đã nói đúng. Vì lý do chính trị, viện trợ Hoa Kỳ đã không được cấp. Nhưng thực tế là, thứ nhất, viện trợ không thể đến kịp thời để cứu miền Nam Việt Nam. Thứ hai, hệ thống hậu cần của VNCH đã bị tham nhũng lũng đoạn, khó có thể tiếp thu và triển khai thêm vật liệu một cách hiệu quả. Lính VNCH, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến, thường là ở tiền tuyến, không có đủ đạn dược. Nhưng lý do không phải vì không có mà là vì đạn dược được đưa đến, hoặc đã bị hút vào thị trường chợ đen, hoặc đã bị thất lạc, mà không ai biết nó đi đâu, vì miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó không có một hệ thống hậu cần hữu hiệu.

    Và, cuối cùng, các cấp tư lệnh Nam Việt Nam vì lo xa không muốn để vũ khí thặng dư gần tiền tuyến, phòng khi Cộng sản tràn vào, mà cất chúng ở xa. Vì vậy, khi cộng sản tấn công vào Quân khu 1, họ cạn kiệt đạn dược và không có một kho dự trữ đủ gần để có thể đến lấy, trước khi bị Cộng sản tiến chiếm.

    Với tất cả nhiều nguyên do đan xen vào nhau này, tham nhũng và kém hiệu quả là những yếu tố thấy rõ. Tôi nghĩ những người bạn Việt Nam thân yêu của tôi không đúng khi đổ lỗi sự sụp đổ nhanh chóng của VNCH cho Hoa Kỳ, vì sự việc phức tạp hơn nhiều.

    Một lần nữa, Hoa Kỳ có bỏ rơi VNCH không là một câu hỏi phức tạp, nhưng nói chung là có, Kissinger và Nixon đã bỏ rơi Nam Việt Nam Nhưng việc thất trận của VNCH đến từ những lý do gần nhà hơn.

    Nghiên Cứu Quốc Tế

    Không có nhận xét nào