Vụ việc nhà báo Mai Phan Lợi và luật gia Đặng Đình Bách bị bắt vì EVFTA là một đơn cử cho chuyện chính trị hóa doanh nghiệp xã hội bằng đe dọa tù tội hình sự.
“Bịt miệng” tiếng nói dân sự?
Theo tác giả Hiểu Bá Linh của trang Việt Nam Thời Báo, thì ngày 14 tháng 7, Nhóm Tư vấn của EU (được thành lập trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA) đã gửi một lá thư đến ông Valdis Dombrovskis – Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách thương mại, và ông Denis Redonnet – Phó Tổng Vụ trưởng Tổng Vụ Thương mại.
Nội dung lá thư trình bày về trường hợp hai nhà hoạt động xã hội dân sự Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách bị công an bắt giam sau khi nộp đơn xin làm thành viên Nhóm Tư vấn của Việt Nam (được thành lập theo Chương 13 Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA).
Lá thư cũng cho biết, Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách đều là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự thành lập ngày 16 tháng 11 năm 2020 nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp định EVFTA, sự cấu thành xã hội dân sự ở Việt Nam, và 7 tổ chức này đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG), nhưng không nhận được sự trả lời, nay thì 2 thành viên bị bắt giam.
Trước khi Hiệp định EVFTA được Nghị viện EU thông qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng và kết án tới 15 năm tù hồi tháng giêng năm 2021 chỉ vì lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) đặt điều kiện nhân quyền đối với Việt Nam trước khi ký kết EVFTA.
Ngờ vực nêu trên của tác giả Hiểu Bá Linh là có căn cứ, vì theo luật, một khi đã là một doanh nghiệp xã hội, tức pháp nhân phi thương mại thì không thể có tội danh hình sự về trốn thuế.
Doanh nghiệp xã hội, trước tiên phải phục vụ theo chỉ đạo của Đảng?
Thạc sĩ Phùng Thị Yến, giảng viên trường Đại học Ngoại thương, cho rằng mặc dù tồn tại nhiều định nghĩa khác nhau về doanh nghiệp xã hội, tuy nhiên, có thể hiểu một cách khái quát nhất, chung nhất, doanh nghiệp xã hội là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội.
Có thể hiểu, doanh nghiệp xã hội cũng vẫn là mô hình kinh doanh, sinh lợi, cũng như các loại hình doanh nghiệp truyền thống khác, nhưng nó có đặc điểm khác biệt để nhận biết đó là đặt sứ mệnh xã hội ở vị trí trung tâm, trong đó mục tiêu lợi nhuận đóng vai trò hỗ trợ.
Khi so sánh với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với doanh nghiệp xã hội, có nhiều người thường nhầm lẫn coi doanh nghiệp xã hội là trách nhiệm xã hội. Thực tế, đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau.
Doanh nghiệp xã hội như các định nghĩa nêu trên, đó là một mô hình hoạt động của doanh nghiệp, còn trách nhiệm xã hội lại là trào lưu, vận động xã hội. Tìm hiểu một cách sâu hơn, nói đến trách nhiệm xã hội tức là nói đến trào lưu tự vận động, tự nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp để ràng buộc các hoạt động kinh doanh theo các tiêu chuẩn kinh doanh.
Trách nhiệm xã hội có thể hiểu là cách ứng xử của doanh nghiệp đối với người lao động, khách hàng, cộng đồng và môi trường, như một công dân của xã hội. Theo Ủy ban Thương mại thế giới về phát triển bền vững thì “trách nhiệm xã hội của “doanh nghiệp” là sự cam kết liên tục của doanh nghiệp thông qua hoạt động kinh doanh bằng cách cư xử có đạo đức và đóng góp và sự phát triển kinh tế trong khi cải thiện chất lượng cuộc sống của lực lượng lao động và gia đình họ cũng như cộng đồng địa phương và toàn xã hội nói chung.
Doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một tổ chức thu lợi nhuận mà còn cần phải trở thành một phần của cộng đồng. Họ không chỉ thúc đẩy lợi ích của các cổ đông mà còn hướng tới lợi ích của tất các những bên hữu quan”.
Có thể thấy, hầu như các doanh nghiệp truyền thống hiện nay đều có cam kết trách nhiệm xã hội, đây được coi là “đạo đức sống” của doanh nghiệp mà thôi, nhưng về bản chất các doanh nghiệp này vẫn mang bản chất và mô hình thông thường, tức là tối đa hoá lợi nhuận.
Trong khi đó thì doanh nghiệp xã hội lại có thể là cầu nối đề các doanh nghiệp truyền thống thực hiện tốt các cam kết trách nhiệm xã hội. Doanh nghiệp xã hội có thể sử dụng các nguồn tài trợ, nguồn thuế cam kết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để tiến hành các hoạt động xã hội và môi trường.
Đòn roi đe dọa cho bất tuân dân sự
Với cụ thể trường hợp của hai ông Mai Phan Lợi và Đặng Đình Bách, thì họ là thành viên trong Ban Điều hành Mạng lưới VNGO-EVFTA bao gồm 7 tổ chức xã hội dân sự, nhằm phổ biến và thông tin về Hiệp định EVFTA, sự cấu thành xã hội dân sự ở Việt Nam, và 7 tổ chức này đã nộp đơn xin tham gia Nhóm Tư vấn của Việt Nam (VN-DAG).
Bắt bớ đe dọa bỏ tù với lý do là “pháp nhân trốn thuế” đối với hai ông Lợi và Bách, thực tế nhằm đến chính trị hóa doanh nghiệp xã hội để ngăn hai tiếng nói phản biện này tiếp tục tham gia vào VNGO-EVFTA.
Không có nhận xét nào