Ảnh minh họa chụp tại tỉnh An Giang trước đây. / AFP PHOTO
Sử dụng nước ngầm quá mức
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang sụt lún một cm mỗi năm, trong khi mực nước biển dâng là 3-5mm/năm. Trong đó, có một số địa phương tốc độ sụt lún trung bình lên tới 5,7cm/năm.
“Nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra mà không có biện pháp khắc phục thì trong tương lai, vùng đồng bằng sẽ nằm dưới mực nước biển”, đó là một trong những kết luận của các chuyên gia môi trường nêu ra tại Hội thảo chia sẻ thông tin về dự án ‘Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long’ diễn ra ngày 26/11/2021.
RFA hôm 30/11 liên lạc Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, người đã tham dự buổi Hội thảo nêu trên và được ông cho biết về thực trạng sụt lún tại ĐBSCL:
“ĐBSCL đang đối diện rất là nhiều vấn đề, trong đó có hai nhóm. Một nhóm ảnh hưởng đến sản xuất sinh hoạt, như xâm nhập mặn, hòa nhập đô thị, ô nhiễm... Nhưng có một loại khác là đe dọa đến sự tồn tại của ĐBSCL, đó là sạt lở, mất đất và sụt lún... Sụt lún thì tốc độ rất nhanh, trung bình 1cm/một năm, trong khi nước biển dâng có ba mm, sụt lún gấp ba bốn lần, có nơi mười mấy hai chục lần, 5,7cm là cao nhất.”
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, có hai nguyên nhân chính, một là do nén tự nhiên. Ông giải thích, vì đồng bằng nào cũng nén do phù sa. Còn nguyên nhân thứ hai, ông đưa ra là do sử dụng nước ngầm quá mức. Trong đó, nguyên nhân thứ hai, theo ông Nguyễn Hữu Thiện, là rất nguy hiểm.
Ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thiện cũng nhận được sự đồng tình từ Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ khi ông trả lời RFA cũng về đề tài về sụt lún ở vùng ĐBSCL.
Tiến sĩ Anh Tuấn cho biết thêm, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng địa chất rất non trẻ, không chắc chắn, khi tầng nước ngầm hạ xuống thì dễ gây lún sụt. Ông phân tích kỹ hơn:
“Ngăn chặn khai thác nước ngầm hiện nay khá nan giải, vì đó là nhu cầu sử dụng nước hàng ngày. Hiện nay tôi cũng đang kiến nghị là tận dụng nước mưa, các nơi tận dụng ao hồ trữ nước mưa, để giảm áp lực sử dụng nước ngầm. Ngoài ra phải coi lại chuyện sản xuất ở cùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mùa khô thì không nên trồng các loại sử dụng nước nhiều như cây lúa.v.v… mà chuyển sang nuôi trồng thủy sản nước lợ hay nước mặn chẳng hạn.”
Người dân: không “tương tác”
Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Hầu hết việc sản xuất gạo của quốc gia, nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây được đặt tại khu vực này.
Tổ chức Future Direct International của Úc vào năm 2020 cũng đã công bố phân tích cho thấy, sụt lún đất tại Đồng Bằng Sông Cửu Long đang đe dọa vựa lương thực của Việt Nam.
Nuôi thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh minh họa chụp trước đây. AFP.
Để tìm hiểu tình hình thực tế, RFA hôm 30/11 liên lạc ông Hai Lúa ở Cần Thơ, và được ông cho biết:
“Chắc là so với trước kia chắc nó lún cũng khoảng một tấc (10cm), chứ không ít đâu. Vì mấy năm trước khi nước nhiều thì ngập bờ bao, giờ nước không ngập thì chắc nó lún...”
Còn anh Năm Tân, một người trồng Sầu Riêng ở Tiền Giang cho RFA biết hôm 30/11 rằng, nếu có lún thì không thể nhận biết bằng mắt thường, còn nước lũ triều cường tăng có thể do mực nước biển dâng:
“Sụt lún thì chắc không phải, biến đổi khí hậu thì nước nó lên... chứ lún thì không đến nỗi lún... chắc do triều cường cao nên mỗi năm nước nó mỗi lên...”
Theo thông tin từ dự án ‘Quản trị sụt lún đất và quản lý nước ngầm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long’, tốc độ sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn mực nước biển dâng tuyệt đối. Điều này cho thấy tốc độ mực nước biển tương đối chủ yếu là do sụt lún đất. Nếu không khắc phục, phần lớn diện tích của đồng bằng có thể sẽ nằm dưới mực nước biển trung bình vào cuối thế kỷ 21.
Chính phủ: khai triển không đồng bộ
Giải pháp cấp bách hiện nay là gì và Chính phủ Việt Nam nên vào cuộc ra sao để đối phó với tình trạng trên? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, nêu ý kiến:
“Chính phủ có ra nghị định 167 phân làm năm vùng hạn chế khai thác, giao cho từng tỉnh để thực hiện. Nhưng khi triển khai ở từng tỉnh thì có lắm vấn đề, tôi thấy 167 là nỗ lực ban đầu tốt, nhưng chắc cần phải sửa đổi. Vì thứ nhất là dữ liệu không có để cho các tỉnh nghiên cứu chi tiết sụt lún liên quan nước ngầm tại địa phương, chỉ có cấp đồng bằng, không đủ để lên bản đồ. Chuyện thứ hai là giá nước ngầm rất rẻ so với giá nước mặt, vì giá nước mặt quá ô nhiễm... nhiều phân bón thuốc trừ sâu nên xử lý rất tốn kém. Nên xài nước ngầm tiện lợi hơn, nhưng có hai mặt, nếu địa phương nào siết không cho sử dụng nước ngầm thì nhà đầu tư sẽ bỏ đi.”
Ngoài ra, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, do nền nông nghiệp ở ĐBSCL quá thâm canh, nên sử dụng nước ngầm quá nhiều. Một khó khăn nữa của nghị định 167 theo ông Thiện là các tầng nước ngầm sâu liên tỉnh chứ không ở riêng một tỉnh, nên phân theo từng tỉnh để hạn chế thì chưa thực sự hiệu quả. Do đó cần phải có quy hoạch tổng thể cho nước ngầm. Ông Thiện cho biết thêm những hạn chế của nghị định 167:
“Chính phủ lập bản đồ nước ngầm theo chiều ngang, mà có tới bảy tầng nước ngầm nhưng không phân vùng theo chiều đứng. Như vậy sẽ có tầng nước ngầm vẫn bị lạm dụng như thường, thiếu liên kết vùng, thiếu điều phối vùng, thiếu cơ chế chế tài để xử phạt nếu vi phạm nghị định 167. Bộ thì giao xuống tỉnh công việc để làm theo 167, nhưng không cấp kinh phí, tỉnh thì thiếu năng lực, thiếu kinh phí nên rất khó khăn khi thực hiện 167.”
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, việc sử dụng nước ngầm như vậy nếu không có cách hạn chế thì “con tàu” ĐBSCL sẽ chìm nhanh hơn mực nước biển dâng. Điều này rất nguy hiểm, đe dọa sự tồn tại của đồng bằng. Chính phủ cần cải thiện Nghị định 167, cải cách nông nghiệp, quay lại sử dụng nước sông ngòi như cách đây mấy chục năm. Đối với vùng ven biển thì cần có những biện pháp, công nghệ hiện đại như bốc hơi nước nano, lọc nước biển... và xử dụng ao mươn, phương pháp truyền thống để tích trữ nước cho mùa khô...
Tổ chức Future Direct International cũng cho rằng, ĐBSCL đang phải đối mặt với bốn thách thức có nguy cơ làm suy yếu ngành nông nghiệp là: sản xuất nông nghiệp không bền vững; mực nước biển dâng và sụt lún đất; việc xây dựng đập trên sông Mê Kông; và tăng độ mặn của đất và nước.
Cũng theo Tổ chức Future Direct International, trong 20 năm qua, khai thác nước ngầm tại ĐBSCL đã tăng gấp bốn lần. Tốc độ khai thác đó đã khiến mực nước ngầm giảm tới 20 mét ở một số nơi, dẫn đến việc đất bị chìm đến 18 cm.
Không có nhận xét nào