28.12: Dấu hiệu cho một liên minh mới ở Biển Đông
Trung Hiếu tổng hợp từ nhiều nguồn
Động thái của Indonesia nhiều khả năng xuất phát từ những trải nghiệm mới mẻ của họ đối với sự càn quấy của Trung Quốc vài tháng qua. Sự chuyển biến thái độ của Indonesia có ý nghĩa vì đây là một quốc lớn và có tiếng nói trong ASEAN nhưng trước đây có xu hướng né tránh can dự trực tiếp vào các tranh chấp ở Biển Đông.
1. Biển Đông, chuyển động quân sự
Nhóm tác chiến tàu Liêu Ninh của Trung Quốc đã băng qua eo biển Miyako trở lại Biển Hoa Đông vào ngày 25.12, theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Như vậy, chuyến huấn luyện của tàu Liêu Ninh lần này chỉ kéo dài khoảng 1 tuần.
Tàu Sơn Đông vẫn chưa rõ vị trí vì mây mù không cho phép xác định.
Tàu USS Carl Vinson ghé vào Guam để đón kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới.
Ngư dân Indonesia lại tiếp tục phát hiện một vật thể giống xe tăng ở khu vực Bintan, giống với vật thể được nhìn thấy ở khu vực Natuna trướ đây - Detik
2. Trung Quốc áp mức phạt với ngư dân nước ngoài
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc và Hải cảnh nước này vừa công bố quy định mới về hình phạt dành cho các ngư dân nước ngoài bị phát hiện đánh bắt trái phép.
Đáng chú ý hoạt động đánh bắt bị chế tài bao gồm cả trong khu vực mà nước này gọi là “vùng biển thuộc quyền tài phán”.
Theo quy định có hiệu lực từ ngày 26.12, các ngư dân nước ngoài bị phát hiện hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có thể bị phạt 400.000 nhân dân tệ (62.700 USD), bị Hải cảnh trục xuất và bị tịch thu ngư cụ cùng hải sản đánh bắt.
Các ngư dân nước ngoài bị phát hiện hoạt động trong lãnh hải hoặc nội thủy có thể bị phạt đến 500.000 nhân dân tệ (62.000 USD), bị trục xuất và tịch thu tàu.
Như nhiều quy định của Trung Quốc liên quan đến các vùng biển, động thái mới này dự kiến sẽ gây ra phản đối. Điều mấu chốt là Trung Quốc áp dụng cho cái gọi là "vùng biển thuộc quyền tài phán”, hàm ý là cả vùng biển mà Trung Quốc ngang ngược gọi là “Đường lưỡi bò”.
Tuy nhiên, giữa việc đưa ra quy định trên giấy tờ và thực thi nó trên thực tế có một khoảng cách. Nếu Hải cảnh Trung Quốc tiến hành thực thi nó trên thực tế, tức bắt giữ tàu cá các nước hoạt động trong khu vực mà Bắc Kinh gọi là “Đường lưỡi bò”, điều này sẽ khiến căng thẳng ở Biển Đông leo thang lên một mức độ mới.
3. Dấu hiệu cho một liên minh mới ở Biển Đông
Sau Reuters, tờ Nikkei ở Nhật Bản tiếp tục đưa tin về việc Trung Quốc liên tục phản đối hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông trong khu vực nằm trên thềm lục địa của Indonesia.
Thông tin của Nikkei không có nhiều điểm mới so với Reuters, nhưng điểm đáng chú ý là Ngoại trưởng Philippines Teddy Locsin đã gián tiếp lên tiếng về vấn đề này bằng cách tweet bài báo của Nikkei kèm theo bình luận của ông.
Đây là lần đầu tiên một quan chức ngoại cấp cao ở các nước ASEAN không tính Indonesia lên tiếng bình luận về sự kiện này.
Ông Locsin lên tiếng giữa lúc xuất hiện nhiều diễn biến cho thấy các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông đã nhận thấy nhu cấp cấp bách cần phải tập hợp lực lượng trước những yêu sách và hành động ngày càng quá quắt của Trung Quốc.
Đầu tiên, người đứng đầu Cơ quan an ninh biển Indonesia tiết lộ ông đã mời những người đồng cấp từ 4 quốc gia ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei dự họp bàn và chia sẻ kinh nghiệm đối phó với Trung Quốc, theo tờ The Star.
" Chỉ huy Aan của Bakamla cho biết ông đã mời những người đồng cấp từ năm quốc gia ASEAN tham dự một cuộc họp vào tháng 2 năm 2022 tại Batam, tỉnh Riau Islands để “chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy tình anh em” giữa các quốc gia đang đối mặt với những thách thức tương tự trước các yêu sách của Trung Quốc.
Ông cho biết điều quan trọng là phải đưa ra một cách tiếp cận phối hợp đối với những sự cố như vậy, đặc biệt là sau các báo cáo về sự hiện diện của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trong vùng biển của các bên tranh chấp ở Biển Đông.
Trung Quốc được cho là đã quấy phá các dự án khoan tương tự ở vùng biển Malaysia và Việt Nam trong năm nay.
Indonesia đã mời Brunei, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam dự họp vào năm tới như một phần của Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN, diễn ra vào tháng 10.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm về cách ứng phó trên thực địa khi chúng tôi phải đối mặt với “sự quấy phá” tương tự."
Bình luận:
Đây là chuyển động đáng chú ý vì nó sẽ là tiền đề cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa lực lượng tuần duyên các nước ASEAN có tranh chấp ở Biển Đông, hay thậm chí là hình thành một dạng liên minh giữa các nước có tranh chấp nhằm đối phó Trung Quốc.
Động thái của Indonesia nhiều khả năng xuất phát từ những trải nghiệm mới mẻ của họ đối với sự càn quấy của Trung Quốc vài tháng qua. Sự chuyển biến thái độ của Indonesia có ý nghĩa vì đây là một quốc lớn và có tiếng nói trong ASEAN nhưng trước đây có xu hướng né tránh can dự trực tiếp vào các tranh chấp ở Biển Đông.
Một điểm đáng chú ý khác là Jakarta chỉ mời các quốc gia có tranh chấp. Điều này gợi ý về ý định thoát ra ngoài khuôn khổ ASEAN để hình thành một khuôn khổ đa phương mới.
Một điều trùng hợp là giới quan sát cũng vừa lên tiếng kêu gọi các nước ASEAN có tranh chấp hình thành một liên minh mới hoặc một tiểu nhóm trong ASEAN bao gồm 5 nước Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei trước sự trì trệ của ASEAN trong việc giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc.
Những lời kêu gọi này xuất hiện trong một bài báo của Trung tâm báo chí điều tra Philippines.
" Bốn nhà phân tích và quan sát đã nêu ra nhu cầu về một nhóm nhỏ hoặc liên minh trong ASEAN trong các cuộc phỏng vấn riêng với PCIJ sau tuyên bố của ông Locsin.
Họ cho biết nhóm nhỏ hơn có thể bao gồm bốn quốc gia thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông - Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Indonesia có thể là thành viên thứ năm vì lo ngại về quần đảo Natuna, nơi không nằm trong yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh đối với vùng biển tranh chấp nhưng thường xuyên chứng kiến sự xuất hiện của tàu Trung Quốc.
Zachary Abuza, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington, nói: “Điều tốt nhất mà tôi có thể trông đợi là liệu các quốc gia tranh chấp có hành động độc lập với ASEAN hay không. Chủ nghĩa tối giản (Minilateralism) là con đường duy nhất để tiến tới”.
Antonio Carpio, một cựu thẩm phán của Tòa án Tối cao Philippines, người đã lãnh đạo một chiến dịch thông tin về quyền chủ quyền của đất nước đối với các vùng biển tranh chấp, cho biết quá trình ra quyết định của ASEAN, đòi hỏi sự đồng thuận, đã trói buộc khối 10 thành viên.
Ông Carpio nói: “Năm quốc gia ven biển ASEAN bị ảnh hưởng bởi đường chín đoạn của Trung Quốc nên hình thành một liên minh ý nguyện chống lại hành động bá quyền và bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông”.
…
Ông Abuza nói liên minh nên do Indonesia dẫn đầu. Còn ông Carpio nói rằng nó nên được dẫn đầu bởi Philippines.
Đề xuất thành lập một nhóm nhỏ trong ASEAN đã được các nhà quan sát Biển Đông thảo luận trước đây. Nó đã được hồi sinh trước sự cấp bách phải chống lại một Trung Quốc ngày càng hung hăng."
Như đã nói ở trên, sự chuyển biến thái độ của Indonesia có lẽ sẽ góp phần quan trọng trong việc có hình thành một tập hợp mới hay không. Nếu nó thực sự hình thành, Bắc Kinh có lẽ sẽ hối tiếc quyết định triển khai tàu quấy phá vùng biển Indonesia trong mùa hè qua.
Không có nhận xét nào