Ảnh minh họa: Nữ bộ trưởng Kỹ Thuật Số Đài Loan Đường Phượng (Audrey Tang) trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP ngày 10/12/2021 tại Đài Bắc. AP - Chiang Ying-ying
Sự kiện Đài Loan được mời dự Thượng Đỉnh vì Dân Chủ do Hoa Kỳ tổ chức trực tuyến trong hai ngày 09-10/12/2021 vừa qua đã được coi là một bước mới của chính quyền Biden trong việc ủng hộ Đài Bắc, bất chấp phản ứng giận dữ của Bắc Kinh. Thế nhưng hậu thuẫn của Mỹ không phải là không có giới hạn. Một sự cố liên quan đến Đài Loan ngay tại Thượng Đỉnh vì Dân Chủ, đã nhắc nhở chính quyền Đài Bắc là không nên hy vọng quá mức vào đồng minh
Sự cố xẩy ra ngày 10/12/2021 nhưng hầu như không được nói đến, và phải chờ đến hai hôm sau thì mới được hãng tin Anh Reuters tiết lộ sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng.
Hình ảnh video bị cắt vì có bản đồ Đài Loan khác màu với Trung Quốc
Trong bài điều tra mang tựa đề khá dài: “Trường hợp kỳ lạ của một tấm bản đồ và một bộ trưởng Đài Loan bị mất tích tại hội nghị thượng đỉnh dân chủ của Mỹ”, hãng tin Anh đã kể lại chi tiết sự kiện: Một đoạn video cho thấy bà Đường Phượng (Audrey Tang), bộ trưởng phụ trách kỹ thuật số của Đài Loan đang giới thiệu một bản đồ Đài Loan có màu khác với Trung Quốc, đã bị đột ngột bị cắt, rồi sau đó hình ảnh hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại phần âm thanh.
Theo Reuters, trong bài thuyết trình của mình, vị bộ trưởng Đài Loan đã giới thiệu một tấm bản đồ do tổ chức phi chính phủ Nam Phi CIVICUS cung cấp, xếp hạng các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới theo mức độ cởi mở về quyền công dân.
Trong bảng xếp hạng này, Đài Loan là nơi duy nhất tại châu Á được xếp vào diện “cởi mở” (open) và được hiển thị bằng màu xanh lá cây, trong khi Trung Quốc, cũng như Lào, Việt Nam và Bắc Triều Tiên được tô màu đỏ, tức là “khép kín” (closed), diện tồi tệ nhất trong 4 mức xếp hạng của tổ chức CIVICUS.
Điểm tạo ra sự cố là trên tấm bản đồ này, Đài Loan mang màu xanh, tách biệt hẳn với Trung Quốc mang màu đỏ, điều đã gây sốc đối với một số quan chức Hoa Kỳ, và đoạn video với tấm bản đồ mà bà Đường Phượng giới thiệu đã bị cúp ngay sau vỏn vẹn một phút trình chiếu.
Tấm bản đồ gây sóng gió trong giới quan chức Mỹ
Sau đó, đoạn video đã được thay thế bằng một nguồn âm thanh không có hình, và trên màn ảnh, người ta chỉ thấy hàng chú thích “Bộ trưởng Audrey Tang, Đài Loan”, và ít lâu sau một hàng thông báo: “Bất kỳ ý kiến nào được các cá nhân trình bày trong tiểu ban này đều mang tính chất cá nhân và không nhất thiết phản ánh quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ”.
Một nguồn thạo tin đã giải thích với Reuters rằng tấm bản đồ mà bà Đường Phượng giới thiệu đã lập tức làm dấy lên hàng loạt thư điện tử trao đổi qua lại giữa các quan chức Mỹ. Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nhà Trắng (NSC) đã giận dữ liên lạc với bộ Ngoại Giao vì tấm bản đồ có dấu hiệu cho thấy Đài Loan là một quốc gia khác biệt với Trung Quốc.
Washington đã bày tỏ thái độ bất đồng tình với chính phủ Đài Loan, trong lúc Đài Bắc lại có phản ứng giận dữ vì video của bà Đường Phượng bị kiểm duyệt.
Mỹ phủ nhận cáo buộc kiểm duyệt, đổ lỗi cho kỹ thuật
Dĩ nhiên là phía Mỹ đã phủ nhận mọi cáo buộc kiểm duyệt trong vụ video của bộ trưởng Đài Loan bị cắt giữa chừng, đặc biệt là từ phía Nhà Trắng, bị cho là đã ra lệnh cắt bỏ hình ảnh của đoạn video.
Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Mỹ đã giải thích sự cố bằng một sự “lẫn lộn” khi chia sẻ màn hình, đã khiến hình ảnh của bà Đường Phượng bị mất đi. Một phát ngôn viên bộ này khẳng định: “Chúng tôi đánh giá cao sự tham gia của bộ trưởng Đường Phượng, đã nêu bật đẳng cấp thế giới của Đài Loan trong lãnh vực quản trị minh bạch, nhân quyền và đối phó với thông tin sai lệch”.
Còn Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ thì cho rằng thông tin Reuters đưa ra không chính xác, không có chuyện Nhà Trắng chỉ đạo cắt hình bà Đường mà mọi chuyện hoàn toàn bắt nguồn từ lỗi kỹ thuật như bộ Ngoại Giao Mỹ đã xác định. Hơn nữa, theo hội đồng này, thì toàn bộ đoạn video đều có thể được xem lại trên trang web của hội nghị.
Đài Loan ấm ức nhưng chấp nhận giải thích của Mỹ
Phía Đài Loan tất nhiên đã không phản bác lập luận của chính quyền Mỹ. Bộ Ngoại Giao Đài Loan cũng cho rằng đoạn video bị cắt là do “các vấn đề kỹ thuật”, trong lúc bản thân bà Đường Phượng cũng nói rằng bà “không tin là sự cố có liên quan đến tấm bản đồ” mà bà đã cho xem khi thuyết trình.
Điểm đôi co duy nhất giữa Mỹ và Đài Loan trong vụ này là Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ đã phàn nàn là tấm bản đồ nêu trên không nằm trong nội dung trao đổi chuẩn bị trước cho hội nghị, và Đài Bắc dường như cố tình làm vậy.
Bộ Ngoại Giao Đài Loan không trả lời thẳng mà chỉ khẳng định rằng bài thuyết trình của bà Đường Phượng đã được cung cấp trước chứ không phải là được trình chiếu vào phút chót: “Đài Loan và Hoa Kỳ đã trao đổi đầy đủ về vấn đề kỹ thuật này, và hai bên có sự tin cậy lẫn nhau và mối quan hệ thân hữu vững chắc”.
Chính sách "mơ hồ chiến lược" trên vấn đề Đài Loan
Sự cố tấm bản đồ Đài Loan là một ví dụ rõ rệt phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa Washington, Đài Bắc và Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thái độ hung hăng, cả với Mỹ lẫn Đài Loan.
Theo Reuters, Hoa Kỳ hiện đang duy trì một chính sách có thể gọi là “mơ hồ chiến lược” trong vấn đề Đài Loan, tức là không dứt khoát bày tỏ lập trường về việc Đài Loan có phải là một phần của Trung Quốc hay không, nhưng tích cực giúp Đài Bắc về quân sự. Bên cạnh đó Washington cũng công nhận chính sách “một Trung Quốc”, theo đó Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là đại diện duy nhất của Trung Quốc.
Chính vì vậy mà Nhà Trắng đã lo ngại rằng việc bà Đường Phượng trưng ra tấm bản đồ Đài Loan có màu sắc khác với màu của Trung Quốc tại một hội nghị do Mỹ tổ chức, có thể mâu thuẫn với chính sách chung nêu trên.
Nhà Trắng bị cho là đã phản ứng quá đáng
Tuy nhiên, theo một số quan sát viên được hãng tin Anh Reuters trích dẫn, phản ứng của Nhà Trắng trong vụ này có phần quá đáng
Các chuyên gia nghiên cứu về Đài Loan chẳng hạn cho rằng việc tấm bản đồ dùng màu sắc khác nhau cho Trung Quốc và Đài Loan không hề vi phạm các hướng dẫn không chính thức của Hoa Kỳ, vốn cấm sử dụng các biểu tượng chủ quyền công khai, chẳng hạn như cờ của Đài Loan.
Theo hướng dẫn của chính phủ Hoa Kỳ kể từ năm 2020, các bản đồ của chính phủ Hoa Kỳ hiển thị chủ quyền bằng màu sắc đòi hỏi dùng cùng một màu cho Đài Loan và Trung Quốc, ngoại trừ các trường hợp đặc biệt “khi bối cảnh yêu cầu Đài Loan phải được nêu bật một cách cụ thể.”
Ồng Douglas Paal, cựu đại sứ không chính thức của Hoa Kỳ tại Đài Loan cho rằng việc phân biệt Đài Loan với Trung Quốc bằng hai màu khác nhau trong tấm bản đồ mà bà Đường Phượng giới thiệu “rõ ràng không phải để phân biệt chủ quyền, mà là mức độ thể hiện dân chủ”.
Bà Bonnie Glaser thuộc Quỹ Marshall của Đức tại Hoa Kỳ thì thấy rằng bản hướng dẫn không áp dụng cho các loại bản đồ không phải của chính phủ Hoa Kỳ, nhưng trong vụ tấm bản đồ vừa qua “Hoa Kỳ có thể là đã muốn tránh bị coi là công nhận rằng Đài Loan không phải là một phần của Trung Quốc.”
Tổng thống Biden bị đối lập tố cáo mềm yếu trước Bắc Kinh
Dẫu sao thì sự cố tấm bản đồ Đài Loan đã khiến chính quyền Biden bị chỉ trích. Trong một bức thư đề ngày 14/12/2021, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa Marco Rubio, một chính khách nổi tiếng cứng rắn với Trung Quốc đã yêu cầu tổng thống Joe Biden phải xin lỗi Đài Loan về vụ kiểm duyệt phát biểu của bà bộ trưởng Đài Loan nhân Thượng Đỉnh vì Dân Chủ.
Ông Rubio còn tố cáo tổng thống Mỹ là mềm yếu trước Bắc Kinh khi “giáng cấp” đại diện của Đài Loan tại thượng đỉnh, không mời tổng thống hay thủ tướng Đài Loan như trong trường hợp các nước khác, đồng thời yêu cầu ông Biden sửa chữa sai lầm nhân hội nghị Thượng Đỉnh vì Dân Chủ lần thứ hai, dự trù tổ chức trực tiếp vào năm tới.
Không có nhận xét nào